Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (1)

Share:
Minh họa: seiya-maeda-unsplash
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Podcast: Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (1)
/

Cô bạn tên D., lần đầu tiên khi đi nước ngoài, nhìn thấy trái cây nhưng quyết định không ăn. Hôm đó Takashimaya Singapore có tuần lễ trái cây Nhật Bản, sau khi xem giá cả, D. nói như cảnh báo: “Chị mua là em sẽ nhất định không ăn đâu đấy nhé!” khi thấy tôi đang ngắm lựa những trái hồng. Chẳng là, một gói hai trái hồng Nhật Bản giá $30! Còn trái dưa lưới thì $156!

Nhưng không nếm thì sẽ không biết phẩm chất diệu kỳ nào đã làm nên thương hiệu “made in Japan” đứng ở vị thế cao nhất hành tinh? Nỗi ám ảnh của con dân xứ “rừng vàng biển bạc” nhưng đời người nông dân chưa ngoi lên khỏi chuẩn “thoát nghèo” đã khiến tôi phải làm một chuyến đi về đất nước của Nữ thần Mặt trời, về chốn nhà quê, gặp cho đúng những người trồng ra những cây trái đó để có thể hiểu và tin chuẩn “made in Japan” là có thật.

Chuyến đi của tôi được sự thu xếp và hướng dẫn tận tình của ông Matsugana Hiroshi, một cựu viên chức ngoại giao. Vé đã đặt mua rồi, đến bến đón khách của công ty xe đò “Highway Bus”, cứ vậy cất hành lý vào khoang, lên xe ngồi đúng chỗ và thư giãn. Thư giãn thật sự vì xe buýt “made in Japan” có khác! Không tiếng động, không mùi, không rác bụi, không ăn uống, không nói chuyện ồn ào, hành khách nếu không hiếu kỳ nhìn cảnh xung quanh như tôi thì sẽ tranh thủ ngủ bù.

Những ai từng sống nước ngoài hay từng đi nước ngoài thường có sự so sánh về độ xanh của môi trường chứ không phải độ cao của các toà nhà. Và phải nói, suốt ba giờ đồng hồ xe chạy lên vùng cao nguyên Nagano, hai bên đường chỉ có một màu xanh. Màu xanh của rừng thông xen với màu xanh của ruộng lúa, lẫn với màu xanh của những nông trang đang gần đến mùa thu hoạch. Những ngôi nhà villa mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Nhật ẩn hiện giữa thiên nhiên xanh mướt làm tăng độ hiếu kỳ, “ở nơi đó người ta đang sống như thế nào ha?”

Thông báo trên loa của bác tài cắt ngang cuốn phim đang quay của tôi. Đã đến trạm dừng chân giữa đường, hành khách được 20 phút để giải lao và… giải sầu! Nếu so sánh những chốn kỷ niệm trong đời du lịch bằng xe ở châu Mỹ và châu Âu thì có thể nói, trạm dừng chân Futaba Service này khiến người ta hẳn có những phút “đứng hình” mà ngắm cái toilet và nghĩ về chuẩn vệ sinh “made in Japan”!

Từ sàn qua đến tường lên đến trần, không chỉ sạch mà còn bóng, bóng như gương! Vào bên trong, cũng như trên xe bus, không tiếng động, không mùi, không rác bụi, không ồn ào… cứ như virus có đến đây chắc cũng khiếp sợ vì không truyền được bệnh! Bước ra nhìn lượng xe dừng ở trạm, đếm số người vào thì chắc chắn không chỉ người dọn mà cả người sử dụng đều phải có chung ý thức đúng chuẩn “made in Japan” thì sự “bóng lộn” mới còn nguyên 24h như thế! Xanh sạch ở mức thế giới phải chạy theo sau lưng thì quả là châu Á chỉ có Nhật số một mà chưa có số hai!

Xe chạy qua rất nhiều đường hầm xuyên núi, bồng bềnh êm ru khiến khách chẳng mảy may cảm giác mình đã lên đến cao nguyên ở vị trí 679m so với mặt biển. Thành phố Komagane thuộc tỉnh Nagano, nơi có ngôi đền Kozenji được dựng lên từ năm 860 với huyền thọai về chú chó Hayataro, dân số chỉ hơn 30 ngàn người nhưng có thứ hạng cao trong ngành nông nghiệp.

Với người Nhật, làm nông không phải là công việc đồng áng thuần túy. Đó là một “cách sống” và là cách yêu quý đất nước của họ (ảnh: Carl Court/Getty Images)

Aki, cô chủ nông trang trồng táo, đã chờ sẵn ở bến xe buýt với hai đứa con nhỏ. Chẳng mấy khi có khách phương xa đến Komanage trái mùa như thế này. Vừa lái xe, Aki vừa chỉ dãy núi sừng sững trước mặt. Kisokomagatake, một trong 100 ngọn núi danh tiếng của đất nước Phù Tang với đỉnh cao 3,000 m và nhiều triền dốc thoai thoải, là địa hình lý tưởng cho môn chơi leo núi, trượt tuyết vào mùa Đông và từ đây cũng nhìn thấy đỉnh Phú Sĩ.

Khi Xuân đến, thành phố này là địa điểm ngắm hoa anh đào; mùa Thu thì ngắm lá vàng. Mùa Hè như hôm nay thì nông dân trong vùng bận rộn chăm sóc cây trái. Xe đã chạy ra khỏi trung tâm thành phố rồi mà không thấy đường đất đâu hết. Trên các thửa ruộng bậc thang xanh ngắt, lúa đã trổ đòng, được viền quanh bằng những gộp đá, cứ như đó là những bức tranh cần được đóng khung.

Tiếng nước chảy róc rách trong các mương dẫn nước từ băng tan trên đỉnh “nóc nhà Nhật Bản”. Dòng nước trong, mát lạnh. Với tỷ lệ 80% là rừng và sinh thái tự nhiên, 20% là đất khai phá canh tác, chẳng góc nhìn nào mà không có màu của cây lá bao phủ. Mùi thơm của hương lúa, tiếng lá xào xạc quyện với tiếng ve râm ran tạo thành một thứ âm thanh vọng vang cho biết miền quê đang quanh ta đó. Mà không giống “nhà quê” chút nào. Đường tráng nhựa sạch không một cọng rác. Xe hơi, xe tải và xe gắn máy cũng sạch như li như lau!

Đến trước cửa nhà, nơi có garage đậu hai chiếc xe hơi, một xe tải, là một hàng đôi ủng để đi ruộng, xếp ngay ngắn hướng ra ngoài đường. Đẩy cánh cửa lùa, mọi người ngồi xuống bậc thềm cởi giày xếp gọn và cũng hướng ra ngoài cửa, mang dép đi trong nhà rồi mới bước vào. Ngôi nhà gỗ có kiến trúc lối truyền thống thật rộng, ấm cúng và thoáng đãng. Bọn trẻ chạy tung tăng nô đùa hát vang mà chẳng gặp bức tường cản nào. Aki cho biết lũ trẻ nhà cô là những đứa sanh ra và lớn lên trên thành phố. Cô và chồng chỉ mới dọn về vùng nông thôn mới có một năm nay. Câu chuyện của Aki đã dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Là một phụ nữ Nhật thuộc thế hệ mới, ăn học và tốt nghiệp ở Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát, Aki đã làm việc và gặp gỡ chồng mình, anh A, khi làm cho tổ chức JICA (tương tự Peace Corp của Mỹ). Trong nhiều chương trình huấn nghệ, anh A nhận thấy một thực tế hiển nhiên là số chuyên gia nông nghiệp của Nhật ngày càng giảm. Cứ mỗi năm qua đi, nền nông nghiệp Nhật lại mất đi những con người cày sâu cuốc bẩm, biết xem nắng nghe mưa, biết nhìn mây đoán gió. Trong khi con cái của những thế hệ nông dân này không phải ai cũng theo nghề. Nền nông nghiệp Nhật sẽ đi về đâu trong những thập niên tới?

Niềm ước ao được nhìn thấy một thế hệ nông dân mới tiếp bước cha ông ngày càng nung nấu trong tim anh. Cuối cùng, anh và Aki thông báo với gia đình rằng họ quyết định nghỉ việc ở Tokyo và đem ba đứa con về Komagane, một nơi không phải quê nhà của cả chồng lẫn vợ, mà chỉ là nơi anh A từng tổ chức nhiều lớp huấn luyện cho JICA và có nhiều niềm lưu luyến. Khỏi phải nói, gia đình của hai người hoang mang đến cỡ nào!

Chỉ tay vào tờ giấy treo trên một cây táo trong vườn, anh A cho biết cả năm nay anh vẫn còn là thực tập sinh. Do đó, tên ghi trên giấy phép vẫn là tên của sư phụ truyền nghề, chủ thực sự của vườn táo này. Năm nay ông đã 85 tuổi, nhà không có người kế nghiệp. Được ông huấn luyện cho đến khi thành nghề, anh sẽ tiếp nối chăm sóc thu hoạch vườn táo và làm chủ mà không phải bỏ vốn ra mua lại.

Cho không cho thế hệ tiếp nối mình, những người nông dân và nhà nước Nhật đang dìu dắt những con người có lý tưởng trở thành người giữ đất, giữ nghề và… giữ nước. Trả lời cho câu hỏi “được truyền nghề trồng táo, bí quyết đắt giá nhất là gì”, anh A dắt tôi đến trước cây táo 35 tuổi, già nhất trong vườn, cho biết: “Sư phụ luôn nói đi nói lại một điều là phải lắng nghe, giao cảm với cây. Không áp chế điều mình muốn mà phải thuận thiên! Do đó Hương biết không, làm nông kiểu Nhật thì làm máy rất ít mà chủ yếu làm bằng tay”.

Thấy tôi nhìn những trái táo rơi dưới đất và định nhặt lên, anh ra hiệu đừng và giải thích:

“Từ khi táo bắt đầu ra hoa thì nhà vườn chúng tôi bắt đầu làm việc cật lực. Với tỷ lệ 1/6, cứ sáu bông chúng tôi chỉ lựa một bông to nhất, đẹp nhất, mạnh nhất, để lại, còn là ngắt bỏ đi. Rồi đến khi trái táo tượng hình, chúng tôi tiếp tục quá trình chọn lọc và loại thải mỗi ngày. Tất cả những trái nằm ở vị trí bất lợi để hấp thu chất dinh dưỡng và lượng ánh sáng Mặt trời sẽ bị ngắt bỏ. Các trái méo, bị sương nám… cũng ngắt bỏ luôn. Một trái táo cần ít nhất 45 đến 50 cái lá để hấp thu carbon cho nó và những ngày nắng nóng dài đủ để cho nó chín. Không đủ các yếu tố để thành một trái táo hoàn hảo đúng chất lượng thì có để trên cây cũng không có ích chi, vì TÁO KHÔNG ĐÚNG CHẤT LƯỢNG SẼ KHÔNG ĐƯỢC BÁN RA THỊ TRƯỜNG”.

“Một trái táo cần ít nhất 45 đến 50 cái lá để hấp thu carbon cho nó và những ngày nắng nóng dài đủ để cho nó chín” (ảnh: matthew-rumph-unsplash)

Dù đã nghe tới yếu tố “không được ra thị trường” nhưng tôi còn tần ngần lắm, khi nghĩ một tấn táo ra thị trường là đã có ít nhất năm tấn nằm dưới đất. Tôi hỏi thêm “vậy mình không có làm sản phẩm phụ nào thêm?” Anh trả lời, “không, không có sản phẩm phụ với những trái táo của giai đoạn này vì chúng đang còn trong giai đoạn chỉ có chất bột, chưa có hương vị gì cả, mà phải đến khi chín thì mới có độ chua, độ ngọt. Sư phụ nói trả cho trái về với đất. Người nông dân Nhật chúng tôi bón lại cho cây những trái nó đã sinh ra. Ngoài ra chúng tôi dùng thêm phân bò đã ủ và tỷ lệ cực nhỏ phân hữu cơ khác. Chỉ vậy thôi!”

Rất tự hào chỉ từng gốc cây giới thiệu từng loại táo và chỉ lên triền núi, anh cho biết thêm có được vườn táo ở vị trí này là đắc địa cho cây lắm vì có được lượng ánh sáng Mặt trời dài nhất trong ngày. Vừa xem xét những dây giằng và cây chống đỡ các cành đang trĩu nặng, anh nói, “chị Hương thấy mấy cành trĩu hướng xuống đất không? Em làm mọi cách giữ cho nó không gãy nhưng em không chống cho nó hướng lên trời. Cách sư phụ truyền cho em là vậy đó. Khi cây đang mang trái là mình tận dụng lực hấp dẫn của Trái đất, chất dinh dưỡng của cây sẽ theo hướng đó mà về trái. Sau khi thu hoạch trái rồi thì mình cho cành cứ theo tự nhiên thôi. Trời làm cây mọc hướng lên bao nhiêu, dưỡng chất cành lá hấp thu trong trời đất là về thân hết.”

Vậy đó, nghe anh giảng giải về cây về trái, về hương vị do thiên nhiên mà có, tôi không tránh khỏi việc nghĩ đến những thủ thuật ủ, ép… và những hoá chất không nhãn mác cộng với cái lương tâm đã bỏ trốn ở những miền đất khác của châu Á.

______________

CÒN TIẾP…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: