Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (2)

Share:
Công nghệ làm nông của người Nhật đã đạt đến trình độ “võ lâm” thượng thừa (ảnh: Jonas Gratzer/LightRocket via Getty Images)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Podcast: Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (2)
/

Nhận lời gợi ý của Aki nấu một bữa cơm Việt Nam để mời các bạn nông dân trẻ, tôi ngừng đi thăm ruộng vườn một buổi chiều. Lui cui làm mấy món thường thức của nội trợ Việt, với miến gà, gỏi gà, chả giò, và xôi vò cho bữa sáng hôm sau mà trời sập tối hồi nào không hay. Aki bận rộn với lũ con nhưng lâu lâu cũng chạy vào xem chị Hương có cần gì không.

Thoáng nghe tiếng chào khách ngoài cửa. Tối nay một đôi vợ chồng khác, trẻ măng, chồng là anh B, một nghệ nhân làm nữ trang; vợ là chị C, kiến trúc sư. Cả hai đều từ thành phố mới chuyển về đây. Cũng tâm huyết như gia chủ, hai vợ chồng nghệ sĩ này bắt đầu với khu vườn thật nhỏ chỉ năm thửa, mỗi thửa khoảng 500m2, nơi người chủ trước trồng tỏi và đã có 15 cây đào. Cải tạo lại đất và mua cây nho giống đã hai tuổi về trồng, anh nghĩ đến việc chăm bón thu hoạch nho có chất lượng tốt để làm rượu vang mang nhãn hiệu của riêng mình.

Anh bảo “bạn bè mình khi còn ở thành phố làm có tiền nhưng gu thì không có. Họ có thể quanh năm ngày tháng ăn đồ ăn bán sẵn ở cửa hàng tiện ích Seven Eleven mà không thấy gì. Riêng mình thì không, đồ ăn món nào phải có hương vị riêng của nó. Chế biến tinh tế, nguyên liệu tươi mới là cả một nghệ thuật, nếu đã bỏ tiền ra mua thì phải thấy được cái hay riêng của từng thứ. Do vậy mình ấp ủ hợp tác với xưởng làm rượu vang cho ra hương vị riêng biệt. Số lượng ít thôi, nhưng mang nhãn hiệu của riêng mình. Làm được vậy là vui rồi”.

Từ xa xưa, việc làm nông của người Nhật đã được nâng từ đẳng cấp kỹ thuật lên “nghệ thuật” (ảnh: Heritage Art/Heritage Images via Getty Images)

Mở ra chủ đề về nghệ thuật thì không khí rộn rã hẳn lên. Chúng tôi cho nhau xem hình những hoạt động của mỗi người. Các bạn Nhật trầm trồ lắm khi được xem ảnh triển lãm nghệ thuật của anh Đinh Lê ở bảo tàng Mori. Đến khi được xem cái bánh bà Mori đặt làm tặng cho anh Đinh Lê trong buổi cơm thân mật thì các bạn mới tin lời khen của tôi về ẩm thực Nhật không phải là lời nói cho vừa lòng người dân sở tại.

Thế rồi câu chuyện cứ thế mà đi, từ Singapore, qua Cuba, tới Mỹ, rồi lộn về Nhật Bản. Khi nghe tôi nhắc tới lòng ngưỡng mộ của thế giới bên ngoài với sự tinh tế của văn hóa Nhật và những cái tên như Tadao Ando, Shigeru Ban, Yayoi Kusama, Murakami… thì các bạn khiêm tốn bảo “có phải người Nhật nào cũng đều tài năng như vậy đâu”.

Thế là phải cho các bạn xem tiếp hình nữa, từ cái tủ lớn tới cái tủ nhỏ tôi dùng trong nhà ở San Francisco là từ đâu, từ nước Nhật chứ từ đâu. Không phải mình tôi, mà cả cái thành phố San Francisco, và cả các nhà thiết kế trang trí nội thất ở Mỹ, người ta chơi và dùng cả trăm năm nay chứ không phải mới đây. Chỉ sản phẩm dân dụng thôi chứ chưa nói đến cái quần cái áo của Issey Miyake, Yamamoto, Comme des garcon…, lực lượng fan văn hóa Nhật ở các nước kinh tế hùng mạnh phương Tây thì phải nói là xếp hàng dài.

Cuộc tranh cãi về văn hóa nào cao hơn và mạnh hơn thật là bất phân thắng bại dù đêm đã khuya lắm rồi. Chỉ vì tiếng ve vẫn cứ râm ran vọng vang đều như hồi sớm mà chúng tôi có biết đâu là “trăng đã lên đỉnh núi”! Vợ chồng nghệ sĩ phải cáo từ ra về với mấy hộp đồ ăn Việt Nam và không quên lời mời nhớ ghé thăm trang trại.

6 giờ sáng khi lũ trẻ còn ngái ngủ nhưng vẫn choàng dậy đeo thẻ vào cổ và chạy tới điểm tập trung để tập thể dục thì tôi cũng thức để theo cùng chúng nó. Aki cho biết toàn nước Nhật, đặc biệt là trẻ con, phải có mặt ở địa điểm thể dục lúc 6 giờ 30. Lũ trẻ nhà Aki, từ đứa lớn đến đứa nhỏ nhất mới ba tuổi, không đứa nào vắng mặt. Có càu nhàu hay khóc ri rỉ thì chỉ ở nhà thôi chứ ra khỏi cửa là chúng chạy băng đồi, leo dốc, len qua ruộng lúa, muốn theo kịp cũng phải bở hơi tai.

Đến nơi có trẻ con và các bà mẹ nhà khác nữa, vừa mở nhạc vừa tập bài thể dục vươn vai, đá chân… tập xong là xếp hàng ngay lắm để được đóng dấu vào thẻ. Chỉ có thế, lại chạy về nhà, treo thẻ lên tường, ăn sáng, chào ba má rồi xách cặp đi học ở trường cách nhà mấy cây số.

Aki bảo tối qua có một bạn không đến được nhưng có mời Hương tham quan trang trại đấy.  B, 33 tuổi, từng là thầy giáo dạy trẻ, nay làm nông dân, làm một mình với vài cái máy nông cụ đơn giản. Anh trồng măng tây, brocoli và mè. B cho biết từ ngày thế hệ mới ăn ít tinh bột hơn thì việc trồng lúa gạo không tăng được thu nhập. Trên thửa ruộng trước đây gia đình trồng lúa, anh mạnh dạn cải tạo lại để thích hợp với sản phẩm mới. Trải 20 tấn phân bò trộn với 15 tấn lá mục, anh lên liếp trồng măng tây.

“Chị Hương biết không, cũng trần ai khoai củ, em tự thiết kế cái giàn tưới nước nhỏ giọt như người ta, nhưng mà thất bại vì mình làm không đúng chuẩn. Tốn mớ tiền mà không đi đến đâu. Cuối cùng em tự làm theo cách của mình, tạo vùng trũng giữa hai luống, nước có rút là rút về đó. Mùa Đông thì cái khoảng đó cũng là hướng lấy gió và hơi ấm vào. Em làm đất kỹ lắm, làm một lần để xài 15, 20 năm luôn.”

Một góc làng quê Nhật ở Miyama thuộc cố đô Kyoto (ảnh: Eric Lafforgue/Art In All Of Us/Corbis via Getty Images)

Mùa làm việc của B bắt đầu vào Tháng Hai khi mùa Đông gần qua đi. B sẽ phủ ba lớp bạt lên mái nhà vườn, thổi khí nóng vào hâm nóng không khí, trải một lớp “nấm đã lên men” để ngăn cỏ mọc tràn lan và cho cây ra lá tự nhiên, bao nhiêu chất dinh dưỡng rút xuống gốc. Mùa thu hoạch đỉnh điểm của 1,500 bụi măng tây mà B trồng là từ Tháng Tám đến cuối Tháng Mười. Sau đó anh cắt ngọn, đốt để tránh mầm sâu bọ, cho cây măng tây nghỉ đông và chuyển qua thu hoạch cây mè đang trồng ở mấy thửa khác. Mỗi vụ B cũng thu hoạch được từ 480 đến 600kg mè và tất cả đều làm bằng tay.

Chỉ vào trái mè đang tượng ở những ngách lá, B bẻ một trái và cho tôi xem những hạt mè mây mẩy bên trong. Anh cho biết mè của Komagane nằm trong top 100 của bảng chất lượng ngon nhất Nhật Bản. Hôm trước anh đã cùng nhóm thanh niên của Komagane lên Ginza, Tokyo để tiếp thị sản phẩm địa phương mình trong một kỳ hội chợ nông sản. Vậy là mới rồi đó, không còn ngồi ở quê nhà bán cho hợp tác xã thu mua nông sản hay quanh quanh địa phương mà đã lên tới nơi phố thị sầm uất nhất nước Nhật, nơi có người sành điệu, mà thi thố chất lượng ngon dở ở đời!

“Chị Hương, không được ăn cơm chị nấu nhưng em phải selfie với chị để làm kỷ niệm nha!” Đúng, phải có kỷ niệm, còn chị thì nhất định phải chụp em đứng trước núi phân bò và lá mục mà em là tác giả để ai hỏi sản phẩm của em trồng lên từ đâu thì có mà chỉ. Nhìn B, chàng trai 33 tuổi, tự tin, hớn hở và rắn rỏi, thế hệ thứ hai của một gia đình nhà giáo, nay đã yên lòng làm người nông dân ở Komagane, mà cũng thấy vui vui.

Trời Tháng Tám nắng nóng vậy đó nhưng gió luồn khắp hướng và quang cảnh hai bên đường xanh ngắt những rặng tre và cây cảnh bonsai cắt tỉa cẩn thận trước mỗi căn nhà. Aki nói sắp đến tiết Thanh minh rồi, người Nhật sẽ tặng nhau trái cây, mua hoa cúc và đi viếng mộ. Vừa nói Aki vừa quẹo vào luôn trang trại trồng hoa cúc của anh C. Cả gia đình anh đang lựa hoa và bó mớ hoa cúc đã cắt vào lúc sớm tinh mơ để chuẩn bị đi giao cho hợp tác xã thu mua nông nghiệp.

Những đoá hoa cúc nụ vàng ươm, mập tròn và lá xanh thẫm, thơm nồng nàn. Cứ từ hoa đo xuống 65cm, tuốt lá bỏ đi thêm 30 cm nữa rồi cắt gốc, bó mỗi bó 10 cành. Ông bố anh C đã 72 tuổi nhưng còn tráng kiện lắm, nghe có khách Việt Nam thì hăm hở ra chào. Ông khoe “đã đi vịnh Hạ Long rồi đấy. Cũng 10 năm rồi, chuyến đi đó do hội nông dân trong vùng tổ chức.” Chỉ sau khi nghỉ hưu, ông mới bắt đầu làm nông dân.

Anh C, 42 tuổi vẫn còn độc thân, nay nối nghiệp cha trồng hoa cúc và tỏi, rất đam mê cái nghiệp nông dân. Dẫn nhau ra ruộng hoa để cắt hoa tươi tặng cho khách, anh C cho biết đất trồng hoa là đất bình thường bón phân bò. Sau đợt thu hoạch hoa cuối cùng vào Tháng Tám, anh sẽ xuống giống cho vụ sau vào Tháng Chín. Khi mùa Đông tới, anh sẽ phủ rơm cho cây ngủ suốt mùa lạnh. Rồi khi mùa Xuân về, cây nứt mầm, ra lá trở lại và bắt đầu trổ hoa.

Bắt đầu từ Tháng Năm là cắt hoa bán đều đều đến tiết Thanh Minh. Trả lời câu hỏi có làm thêm mùa vụ nào khác không, anh khẳng định “CHỈ MỘT MÙA THÔI!”. Chỉ phân bò và một vụ mùa! Khi người nông dân chọn sống làm chỉ một mùa và chỉ dùng phân bò thì những câu hỏi về chuyện làm gì để tăng sản lượng, tăng vụ mùa, và làm giàu xem ra rất… ngớ ngẩn! Cái tiêu chí “trồng vừa đủ bán, kiếm vừa đủ xài” này xem ra giống cá tính dân đồng bằng sông Cửu Long quê tôi ngày xưa quá!

Mà sao trong câu chuyện của các bạn nông dân không thấy bóng dáng thương lái và những đoạn trường bị ép giá đến mức phải bỏ không thu hoạch! Đem câu hỏi này đến anh A, anh chở tôi đến luôn văn phòng hợp tác xã nông nghiệp vùng Komagane. Tiếp tôi là anh D và anh F. Các anh in ra số liệu cập nhật về xếp hạng của từng loại nông sản của Komagane trong thống kê nông nghiệp nước Nhật.

Nông sản Nhật luôn đứng đầu thế giới về sạch (ảnh: caroline-roose-unsplash)

Anh D cho biết: “Với địa hình đất đai không bằng phẳng, nước Nhật không có miền đồng bằng thuận lợi để triển khai máy móc canh tác trên diện rộng. Do vậy nhà nước khuyến khích nông dân canh tác trên thửa ruộng mình có được, dù có nhỏ lẻ đến đâu, và hầu như là làm bằng tay với sự hỗ trợ của những máy móc thích hợp cho địa hình. Hệ thống hợp tác xã sẽ là cầu nối thu gom nông sản và làm việc với nhà buôn sỉ trước khi sản phẩm ra các cửa hàng bán lẻ để đến với người tiêu dùng. Vấn đề giá cả là do người nông dân định ra, dựa trên chỉ số đời sống và sức mua của người tiêu thụ. Chúng tôi luôn cố gắng giữ cho giá cả được quân bình không quá đột biến. Cho tới nay thì hầu hết sản phẩm của chúng tôi là cung cấp cho thị trường nội địa.

“Vậy còn xuất khẩu thì sao?” Anh F trả lời: “Như đồng nghiệp của tôi đã nêu, chúng tôi không thể sử dụng nhiều máy móc để có thể hạ giá thành. Xuất khẩu đòi hỏi phải cộng thêm chi phí vận chuyển, marketing… Có những sản phẩm của chúng tôi chất lượng rất cao nhưng hoàn toàn không cạnh tranh giá cả được như sữa chẳng hạn. Quy trình xuất khẩu với số lượng lớn đủ cho một đơn đặt hàng và tiết kiệm được chi phí đòi hỏi chúng tôi phải có sự phối hợp với nhiều địa phương khác có chung một sản phẩm. Và do đó, cho đến nay, chúng tôi chưa triển khai được mà vẫn đang nghiên cứu.”

___________

CÒN TIẾP…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: