Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (3)

Share:
Một góc miền thôn dã Nhật (ảnh: Eric Lafforgue/Art In All Of Us/Corbis via Getty Images)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Podcast: Nông dân Nhật làm gì cho đất lại nở hoa? (3)
/

Được biết vùng Nagano từng đứng số một và số hai về sản lượng trên thị trường nông sản của Nhật, hỏi anh, cả hai đều cười và nói, “Chuyện đó xưa rồi! Chúng tôi không còn theo đuổi về số lượng nữa, mà chỉ hướng tới được đứng đầu về chất lượng! Chỉ có chất lượng mới làm nên giá cả của sản phẩm!”. Vậy là đã hiểu tại sao những trái táo, trái đào, trái hồng… đã được loại bỏ không thương tiếc để cây chỉ nuôi đúng trái đạt chuẩn mà thôi!

Nói về đạt chuẩn, cả hai vợ chồng anh A và Aki đều nói “chị Hương phải đến gặp bác J, 66 tuổi, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, thâm niên cao, và là một trong những nông trang thành công nhất Komagane”. Dừng xe trước cổng Nakami Farm Orchard, đã thấy hiện ra một giàn nho chỉ có thể trong chuyện cổ tích! Ba má của bác J trồng hai cây nho này 30 năm trước để làm bóng râm cho sân nhà và để thu hoạch nho làm quà tặng bạn bè người thân trong gia đình. Bác tiếp nối chăm sóc cho tới nay.

Năm nay giàn nho cho quả sai trái như vậy đó, có những chùm bọc giấy, có chùm thì không, chỉ ngước cổ mà nhìn chứ đếm không xuể! Thật, không có huy chương thành tích nào bằng cái sản phẩm đơm hoa kết trái cho đời được thấy! Bác trai mời ngồi vào bàn trà đặt dưới giàn nho. Bác gái tay xách nách mang hai tay hai giỏ đầy vừa nước uống, sản vật cây nhà lá vườn để mọi người dùng thử. Khách đường xa thì không nói rồi, còn trẻ con nữa. Vừa mời khách nếm trái cây, mứt nghiền, mứt trái và uống nước quả…, bác vừa trò chuyện về cây trái mùa này.

Bác bảo “thời tiết bây giờ thật không đoán trước được cô ạ! Tình hình Trái đất nóng lên này ảnh hưởng không nhỏ tới mùa màng. Năm 2016, vụ trái mơ đụng một đợt hàn, sản lượng rớt xuống rõ rệt! Nhà vườn chúng tôi không thể theo kinh nghiệm mùa màng cũ nữa vì bốn mùa bây giờ còn rõ rệt như lúc trước nữa đâu, mà phải theo dõi từng chút một!”

Hiroshi Kawamura, một “nông dân” nổi tiếng nước Nhật với nghề trồng hoa (ảnh: David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images)

Nghe đến đây, anh A hỏi bác J về giống cây mới mà hợp tác xã vừa giới thiệu. Bác J trả lời bác đã trồng thử rồi, nhưng rất bất ngờ, giống mới thì chết ngắc ngoải trong khi cây mơ 43 tuổi trong vườn từ thời cụ nội đến giờ thì sống nhăn răng! Nói rồi bác J dẫn chúng tôi ra vườn. Vỗ vào thân cây mơ cổ thụ, bác J trầm ngâm cho biết, “cây già ngần ấy tuổi, gắn bó với nó đã bao nhiêu mùa, cứ tưởng nó không qua nổi thử thách của khí hậu là phải đành lòng để nó đi. Nào ngờ nó vẫn sừng sững chốn này! Bởi vậy trồng cây mới thì trồng chứ mấy cây này vẫn giữ!” Mà thật, không chỉ cây mơ 43 tuổi, trong vườn còn nhiều cây ăn trái cổ thụ khác, kể cả cây chỉ còn gốc và một cành to, oằn ngang ra bác cũng giằng chống để cho nó sống!

Nhìn khung cảnh cứ như thời các cụ thế hệ trước làm vườn ngưng đọng lại chưa đổi khác, tôi buột miệng hỏi bác J, “có bao giờ bác nghe về công ty Monsanto?”. Bác quay qua hỏi anh A, “Monsanto là gì?” Khi nghe anh A giải thích sơ về vấn đề biến đổi gen giống cây trồng liên quan nhãn hiệu Monsanto, bác J cười hồn hậu, “Từ thời các cụ tôi đến tôi, mà đến con cháu tôi, cũng sẽ chẳng biết Monsanto là gì!”

Sợ khách giang nắng lâu không quen, bác J dẫn mọi người về dưới giàn nho. Thử một miếng mơ ngâm đường của bác mà nghe hương vị cây trái Nhật Bản tan lịm trong lưỡi. Mơ dẻo, ngọt tự nhiên là chủ yếu, vẫn thơm như vừa hái! Bác J cho biết bác có hợp tác với một nhà máy nhỏ có đầy đủ máy móc kỹ thuật đóng gói và làm mứt trái cây. Nên trái cây để chín tự nhiên rồi mới thu hoạch và đem đi chế biến, không phải làm gì nhiều đâu. Chỉ có trái cây, đường, muối và nước, đóng hũ và đưa vào máy chưng cách thuỷ rồi dán nhãn sản phẩm của mình lên! Nghe thì dễ lắm, nhưng cứ thử không có yếu tố đầu tiên là trái cây chín tự nhiên organic của Nhật thì sẽ biết!

Nghe trẻ con đòi về, bác gái gói ghém một số thứ cho Aki mang về ăn thử. Bác trai thì vừa chào khách vừa đi về xưởng để xem thợ sửa máy. Lui cui như vậy giữa cây trái vườn tược sạch sẽ ngăn nắp, hai người nông dân này, chỉ vui thú với truyền thống gia đình, là chủ của nông trang có 80 mẫu tây cây ăn trái!

Thấy tôi quan tâm và trầm trồ về chất lượng sản phẩm và hệ thống hỗ trợ nông dân dù nhỏ đến đâu vẫn sống và làm nghề của nhà nước Nhật, Aki hỏi: “Ngày mai chị có thể thức sớm được không? Em sẽ chở chị đến thị trấn kế bên để chị được gặp một nhân vật đặc biệt nữa”. Được lời như cởi tấm lòng! Chiều mai là ngày tôi phải trở về Tokyo mà Aki vẫn san sẻ thời giờ bận rộn của gia đình, của mùa màng để giới thiệu thực tế nông nghiệp Nhật Bản cho tôi đến phút cuối cùng thì thật là quý hoá quá!

Dọn dẹp bếp núc, đem thùng đồ ăn thải loại trong khi làm bếp ra vườn để làm phân, Aki chỉ cục xà bông tôi đang rửa chén và bảo tôi “Cái gì chúng em dùng ở đây đều có tỷ lệ hoá chất rất thấp và chắc chắn không phải hoá chất gây hại cho môi trường. Mình làm nghề nông, giữ cho đất sạch, nước sạch là chuyện rất quan trọng. Đất và nước mà đã ô nhiễm rồi thì trồng cây ra trái làm sao mà sạch được! Cục xà bông trong nhà tắm nhìn như vậy chứ là xà bông rửa mặt đó, em mua với giá cả trăm đô!”

Nghe giá cao nhưng tôi không giật mình, vì những nước phát triển như Mỹ chẳng hạn, vấn đề chống ô nhiễm được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lựa chọn đã được áp dụng rất lâu rồi. Người dân uống nước từ vòi cũng đã khá lâu rồi. Chợ nông sản cuối tuần nông dân bán trực tiếp cũng có lâu rồi. Những việc “bình thường” đó đã khiến nhiều tập đoàn làm ăn trên những sản phẩm không đủ tiêu chí organic phải tìm về thị trường các nước nghèo châu Á. Nhưng thị trường Nhật với một nền nông nghiệp và hệ thống hỗ trợ nông nghiệp của nhà nước và người tiêu dùng như vầy thì sự phát triển xanh sạch còn bền vững dài lâu!

Sà lách được trồng tại nông trại Innovatus City Fuji Farm với những kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới (ảnh: Jonas Gratzer/LightRocket via Getty Images)

Trời còn tờ mờ chưa hửng sáng, tôi đã bừng dậy. Dọn dẹp phòng ốc, kéo dây kéo vali rồi đẩy luôn ra phòng khách. Hôm nay sẽ là một ngày chạy liên tục với Aki đây. Đưa trẻ đi trại hè, đến nhà trẻ rồi đưa tôi đến gặp người đặc biệt nhất. Con đường đến nông trang ở thị trấn Nakagawa cũng thuộc tỉnh Nagano của gia đình ông K ngoằn ngoèo nhưng đẹp như Hawaii. Từ ngoài đường đã thấy mấy cái hệ thống nhà xưởng lớn.

Cũng như các gia đình nông dân truyền thống khác, cả ba thế hệ gia đình ông sống chung với nhau, cùng nhau quản lý điều hành công việc. Nông trang này đã được ông nội khai phá, gầy dựng, truyền đến đòi ông là đời thứ ba. Khác với ông nội và cha là những nông dân thuần Nhật, ông K qua Mỹ du học ngành nông nghiệp. Chính từ môi trường học, nền giáo dục, và kinh nghiệm đúc kết từ quãng đời sinh viên ở Seattle, tiểu bang Washington và những chuyến đi thực tập tham quan ở Idaho, Newark…, ông K về nước và làm khác thế hệ đi trước. Khác chỗ nào? Song song với việc chăm sóc cây trồng cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất, ông K gầy dựng việc bán hàng trực tiếp đến tận người tiêu dùng.

Sự truyền miệng về chất lượng của sản phẩm của nông trang bắt đầu từ bạn bè thân quen. Cho đến nay, ông đã có 2,500 khách hàng thân thiết. Ngoài ra còn có khách hàng công ty chiếm 20%. Trước mỗi mùa trái cây, khách hàng đặt hàng trước ít nhất một tháng mới mong chắc chắn mua được sản phẩm trái cây của nông trang. Nghe là thấy nể, tôi hỏi ông kể về công việc của mình.

Ông nói: “Kể từ thời du học ở Mỹ cũng đã 45 năm rồi! Ở Mỹ có mấy năm nhưng tôi học và ấp ủ nhiều điều muốn làm. Đất nhà tôi không phải là đất tốt để trồng trái cây nên tôi làm đất bón phân gì là cây hút thứ đó lên trái. Thêm nữa đất nhà dốc thoai thoải nên thoát nước nhanh và kỹ. Nắng Mặt trời chiếu được dài nên trái cây chín ngọt. Làm nông thì cực nhưng tôi quen từ thời làm giúp các cụ nhà mình. Ngày vào vụ phải làm 12, 14 tiếng là bình thường. Ngày làm việc bắt đầu từ lúc Mặt trời chưa mọc, thu hoạch trái phải làm từ sớm. Mang về thì bắt đầu lựa, phân loại theo size, đóng thùng chuyển đi. Tất cả mọi việc bằng tay hết. Máy móc thì chỉ có xài cần cẩu, thay cho thang bắc lên cây hái như lúc trước. Chỉ có vậy thôi đó!”

Aki xen vào, “chị Hương biết không, bác gái là chuyên gia về phân loại trái cây. Nhìn trái là biết trọng lượng và hương vị luôn, nói chớ có sai!”. Nghe vậy bác gái tủm tỉm cười, luôn miệng mời khách dùng sản phẩm của gia đình. Con dâu bác dẫn hai cháu gái ra chào khách, cố gắng trao đổi với khách bằng tiếng Anh từng chữ một. Nghe con dâu nói tiếng Anh, bác trai bảo, “Con trai tôi cũng cho đi du học ở Mỹ luôn! Về nước phụ tôi công việc. Sắp tới, khi nào nó cứng việc rồi là tôi giao cho nó điều hành. Chứ bây giờ mỗi năm tôi đi chơi được có một tháng!”

Vừa nói bác vừa đem album hình du lịch ra. Ngoài làm việc nông trang, bác còn tham gia Hiệp hội khuyến nông Nhật và nhận thực tập sinh quốc tế đến để huấn luyện. Bởi vậy đến mùa được nghỉ là hai bác vừa đi du lịch vừa thăm học trò, coi họ về nước làm được những gì. Chỉ vào hình chụp một thực tập sinh người Indonesia, bác nói, “Tội nghiệp, anh này về nước cũng trồng thử táo, nhưng đất không thích hợp, không đi đến đâu, bây giờ mở quán bán đồ ăn Nhật luôn rồi!”.

Rồi bác chỉ qua hình một phụ  nữ cười tươi lắm và nói thêm, “Đó là bà chủ tịch công ty Tomira của Nhật, gia đình 13 đời trồng và bán trái cây. Thời gian gần đây rất thành công trong việc kinh doanh trái cây cắt sẵn đóng gói ăn liền. Họ đã thử nhập khẩu thêm sản phẩm của nhiều nước, cuối cùng thơm của Thái Lan chất lượng đồng nhất và chuyển hàng nhanh hơn nước khác 24h cho nên họ chọn Thái Lan”.

Hàng nông sản Nhật khi xuất khẩu luôn có giá cao gấp nhiều lần giá trung bình thị trường thế giới vì đơn giản chúng được trồng với những tiêu chuẩn cao gấp nhiều lần thế giới (ảnh: daniel-schludi-unsplash)

Nghe nói tới Thái Lan xuất khẩu thơm sang Nhật, tôi hỏi bác K có xuất khẩu sản phẩm của mình đi đâu chưa. Bác nói chưa, chắc phải ở thì tương lai. Chạy ù lên đồi đứng trước vườn táo chụp với nhau tấm hình lưu niệm rồi là bác nhảy lên cabin, hai đứa cháu gái cũng nhảy theo, chào tạm biệt nhau rân trời rồi bác lái xe đi thẳng. Aki giải thích, bác đi làm vườn cho công ty Mitsubishi đó. Chẳng là công ty Mitsubishi mướn bác trồng và chăm sóc khu vườn trồng táo trong khuôn viên nhà máy họ. Sản phẩm thu được hằng năm sẽ gởi đi làm quà cho khách của công ty.

Bác gái thì ngoắc lại để bác lựa đào mang về mà ăn, cây nhà lá vườn làm quà cho khách ở Tokyo. Vào xưởng phân loại, thấy thùng chất cao từ sàn lên đến trần. Các cần xé đựng đào chín cây được lót kỹ từng lớp một, vừa hái lúc 4 giờ sáng hôm nay, đang được lựa để đóng gói theo hộp 9, 12, 15 hay 18 trái. Cả một nhà xưởng thơm thoảng mùi đào trong tiếng ve râm ran, báo hiệu ánh nắng hè vẫn đang làm nhiệm vụ ủ chín trái cây không ngừng nghỉ.

Suốt chuyến đường về Tokyo với mùi đào thơm trong giỏ, cây xanh và rừng núi bao quanh mình, chuyến xe bồng bềnh nhè nhẹ lướt đi, tôi đọc bài viết của nhà báo Nicos Hadjicostis trên trang Huffington Post về nhận định của anh: “Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới đang sống ở thế kỷ 22”. Tôi… lắc đầu, chẳng phải “không tin được” mà là “sự thật đúng như thế”! Và tôi biết, sẽ còn phải trở lại đất nước Nhật thần kỳ nhiều lần nữa, để trải nghiệm, để tự thấy, để tự mình tin, trên đời có một chuẩn “made in Japan” và chuẩn đó là cao nhất thế giới. Nếu có ai sống và làm việc đạt chuẩn đó thì cũng đáng tự hào mình đang sống ở thế kỷ 22! Còn nếu không, cứ tự mình đếm lùi… từng số một!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: