Thụy Sĩ, tình yêu sét đánh của tôi

Lần đầu tôi biết Thụy Sĩ là nhờ học môn địa lý thế giới ở trường trung học, không hiểu sao tôi rơi vào tình yêu (tomber amoureux)– một “tình yêu sét đánh” với xứ sở này ngay lập tức. Tôi ao ước sau này mình sẽ được một lần sống ở nơi đó, nơi có phong cảnh hữu tình đẹp như tranh, thể chế chính phủ độc nhất vô nhị, người dân hiếu hòa, ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng cao.

Dòng đời đưa đẩy, ước mơ ngày trẻ của tôi trở thành hiện thực. Thụy Sĩ đã không hề làm tôi thất vọng mà tình cảm tôi dành cho xứ sở tuy nhỏ bé về diện tích nhưng được mệnh danh là thiên đàng trên hạ giới này càng thêm gắn bó đậm sâu. Đây đích thực là quê hương thứ hai của tôi.

Nhớ lại, từ cái thời nhiều người Việt bất chấp mọi hiểm nguy tìm đường vượt biên, tôi từng tâm sự với mẹ nếu như tôi may mắn thoát đi được tôi sẽ ghi nguyện vọng định cư Thụy Sĩ chứ không là quốc gia nào khác. Mãi đến giữa thập niên 1980 khi Cao ủy Liên Hợp Quốc đã đóng lại chương trình tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn, tôi vẫn chưa có cơ hội vượt biên vì những lý do gia đình. Thế nhưng, tôi vẫn tiếp tục ôm “giấc mộng Thụy Sĩ”, nhất định không chịu an phận lên xe hoa ở quê nhà, dù trước mắt tôi khi ấy không thấy có cánh cửa hy vọng nào mở ra, tôi vẫn có niềm tin lạc quan là một ngày đó mình sẽ đạt ý nguyện.

Rồi như truyện cổ tích, “giấc mơ Thụy Sĩ” của tôi trở thành sự thật vào đầu những năm 1990, lúc tôi không ngờ nhất. Đến nỗi khi đã bình yên trên xứ sở hiền hòa này, thỉnh thoảng tôi vẫn còn bàng hoàng tự hỏi: có thật mình đang sống tại Thụy Sĩ không vậy?

Nhớ ngày đặt chân đến Phi trường quốc tế Geneva một buổi sáng đầu tháng 9, tôi chỉ mang theo một valise quần áo, và bốn bức tranh khảm xà cừ Ngư Tiều Canh Mục do người bạn tặng quà cưới. Lần đầu xuất ngoại cũng là lần đầu tiên đi máy bay, tôi như người rừng lạc chợ, tiếng Anh tiếng Pháp trả hết cho thầy cô sau bao nhiêu năm không thực hành, tôi vẫn tự tin với chuyến đi chỉ có một mình, đến nơi người yêu tôi đang chờ đón. Từ Tân Sơn Nhất lấy phi cơ Air France quá cảnh qua phi trường Charles de Gaulle-Paris, Pháp. Từ đó lại chuyển qua hãng AA của Mỹ mới sang Thụy Sĩ.

Khi đến nơi, tôi lo lắng không biết lối ra cổng, không biết tìm hành lý ở đâu nên cứ chạy lung tung hỏi han nhân viên phi trường bằng cái vốn tiếng Pháp nghèo nàn, thế mà họ cũng đoán ra được và tận tình hướng dẫn tôi. Đến khi nhận valise xong thì một ông nhân viên hải quan chận tôi lại, chỉ vào cái gói carton bề dày hơn gang tay hình chữ nhật, hỏi gì tôi không hiểu, chỉ đoán ý nên tôi trả lời: Đó là bức tranh. Ông hỏi tiếp câu nữa thì tôi… bí. Ông mở gói carton ra xem. Thấy bức tranh ông lại hỏi tiếp, tôi đứng ngẩn tò te nhìn ông. Bỗng tôi nhìn lên tầng lầu cách đó không xa, thấy chồng đứng chờ, vẫy vẫy. Mừng quá, tôi lắp bắp ráp chữ : Chồng tôi đang chờ tôi ở trên kia, vừa chỉ cho ông thấy chỗ anh đứng. Ông ngoắc tay ra dấu, kêu chồng tôi vào. Chồng tôi sau đó kể là ông hỏi giá trị bức tranh, chắc để đóng thuế, anh giải thích đây là quà cưới của chúng tôi, thì ông lập tức chúc mừng và cho chúng tôi đi mà không đòi giấy tờ chứng minh giá tiền bức tranh nữa.

Vừa đặt chân xuống đất Thụy Sĩ, giây phút đầu tiên tiếp xúc với nhân viên phụ trách an ninh phi trường, tuy bất hòa ngôn ngữ mà thái độ rất hòa nhã lịch sự, đã cho tôi một cảm nhận tốt đẹp ngay. Càng sống tôi lại càng thấy nhiều điều tốt đẹp khác ở đất nước này.

– Thụy Sĩ là liên bang gồm 26 tiểu bang, dân số chỉ 8,5 triệu và diện tích 41,285 cây số vuông được bao bọc bởi Pháp, Ý, Đức, Áo, theo thể chế trung lập, dân chủ.

– Thụy Sĩ có bốn ngôn ngữ quốc gia mà ba ngôn ngữ được sử dụng chính thức trong văn bản hành chính: Đức, Pháp, Ý, riêng Romanche được sử dụng một phần; rồi đến vùng tiếng Pháp, Ý. Tuy vậy, khi tôi có dịp sang vùng nói tiếng Đức, Ý,  tôi vẫn thấy thân thuộc chứ không hề mang cảm giác như mình sang quốc gia khác. Có lẽ vì cả ba vùng miền đều chung nền văn hóa, luật lệ, cách ứng xử… dù ngôn ngữ khác nhau.

– Hội đồng liên bang là cơ quan lãnh đạo tối cao của Thụy Sĩ, gồm có bảy cố vấn (conseillers) tương đương chức bộ trưởng, nhiệm kỳ bốn năm, mỗi cố vấn phụ trách một bộ. Tổng thống cũng là một trong bảy cố vấn được bầu chọn bởi Quốc Hội Liên Bang, nhiệm kỳ một năm. Quyền lực các cố vấn ngang nhau.

– Cứ mỗi lần Quốc hội hay đảng phái đề nghị đạo luật nào đều phải trưng cầu ý kiến toàn dân. Vì vậy mỗi năm chúng tôi nhiều lần đi bầu cử. Ngày xưa phải đến các địa điểm có phòng phiếu, hơn chục năm sau này thì dân có thể bầu bằng thư gởi qua bưu điện và e-mail, rất tiện lợi.

Người dân Thụy Sĩ quan tâm mọi khía cạnh xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế. Họ đồng hành cùng chính phủ, bởi họ hiểu rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và quyết định. Tôi rất thán phục họ về lòng tự trọng và yêu nước hiếm thấy. Chẳng hạn hai ví dụ này, tôi đã chứng kiến:

– Dự luật đề nghị cho mọi công dân mỗi tháng lãnh 2,500 frs (khoảng hơn 2,700 USD) bất chấp người ấy có công ăn việc làm hay không, trẻ con lãnh 625 frs (khoảng gần 700 USD). Kết quả là có đến hơn 2/3 dân số từ chối nhận tiền miễn phí từ chính phủ vì họ thấy mình đã đủ sống.

– Dự luật hỏi ý kiến dân có đồng ý trả tiền mua coupon khi lưu thông trên highway mỗi năm thay vì 20 frs thì sẽ tăng thành 40 frs. Kết quả là dân đồng ý trả tiền coupon lên gấp đôi để ủng hộ cho ngành giao thông công chánh.

Tôi ở đây hơn 30 năm mà không hề thấy một người xin ăn nằm ngồi lây lất trước cửa chợ, lê la ngoài đường phố như các quốc gia khác. Cuộc sống rất an ninh và an toàn vì ý thức người dân rất cao. Một lần, chúng tôi lên núi Cervin thuộc dãy Alpes chơi, phải gởi xe ở parking lộ thiên rồi dùng télécabine lên đỉnh núi. Lúc bước ra khỏi xe, chồng tôi rút ví ra để trên nóc xe rồi bỏ quên. Lên núi chơi, đến trưa mới phát hiện mất ví, cứ tưởng bị rơi mất ở đâu. Đến chiều xuống núi, đi lấy xe thì thấy chiếc ví vẫn nằm ngoan trên nóc xe. Mà ở parking ngoài trời đó, kẻ ra người vào suốt ngày không ngớt, không ai thèm đụng đến cái ví căng phồng.

Thụy Sĩ không có tài nguyên khoáng sản thiên nhiên, chỉ nhờ vào sự cần cù chăm chỉ, tinh thần kỷ luật, ham mê học hỏi, mà phát triển vững mạnh. Nhiều trụ sở của các cơ quan, tổ chức quan trọng của thế giới như Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự, Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới, Ủy ban Olympique Thế giới… đều đặt ở Thụy Sĩ. Người Việt không thể không nhớ Hiệp Định 1954 chia đôi nước Việt lấy mốc vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương bên sông Bến Hải cũng được ký kết tại Geneve. Tôi được sinh ra ở miền Nam bên này vĩ tuyến.

Còn nói về phong cảnh, Thụy Sĩ là tập hợp của những bức tranh hùng vĩ và thanh bình.  Với những ngọn núi tuyết phủ vạn niên thuộc dãy Alpes, những rừng thông ngút ngàn bốn mùa lá xanh không tàn, những chiếc thuyền buồm nhởn nhơ trên mặt hồ êm ả nắng vàng ấm áp, những cánh đồng lúa mì, lúa mạch, rẫy bắp rập rờn theo ngọn gió đong đưa. Trẻ con, người lớn trên những chiếc xe đạp luồn lách qua các con đường làng quê yên tĩnh. Đó đây những đàn bò vàng, thong thả gặm cỏ, những quả chuông trên cổ chúng reo vang rộn rã…

Tôi nhớ một trong những tấm hình đầu tiên tôi chụp trên đất Thụy Sĩ là khi tôi yêu cầu chồng dừng xe lại bên con đường làng quê tuyệt đẹp để chụp cho tôi tấm ảnh đứng cạnh đàn bò gặm cỏ. Cảnh vật thanh bình hạnh phúc làm sao. Đời sống của tôi đã trải qua những năm tháng an lành trên xứ sở mà tôi đã có “tình yêu sét đánh” với nó ngay từ thời trung học…

Bài và ảnh: Thanh Hà

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: