Trên đỉnh thời trang Paris

Share:
Một bức tượng Yayoi Kusama khổng lồ được đặt giữa cửa hàng trung tâm Maison Louis Vuitton và siêu thị Samaritaine, Paris. Yayoi Kusama là nghệ sĩ Nhật đương đại nổi tiếng toàn cầu và có nhiều ảnh hưởng đến thiết kế thời trang thế giới (ảnh: Chesnot/Getty Images)

Paris được xem là thành phố có phong cách thời trang đứng đầu thế giới, theo sau là các thành phố quen thuộc như London, New York, Milan, Florence… Đến Paris, du khách, nhất là phụ nữ không thể không tạt vào các cửa hiệu thời trang danh tiếng cùng vài trung tâm mua sắm có kiến trúc nội thất lộng lẫy như cung điện.  

Paris là trung tâm của những thương hiệu thời trang xa xỉ lừng danh như Coco Channel, Hermes, Yves Saint Laurent… Và chắc chắn không thể thiếu Louis Vuitton, thương hiệu thời trang dường như được nhiều phụ nữ Việt ưa chuộng, quen thuộc với túi xách LV. Người chủ của đại tập đoàn LVMH này, bao gồm hàng chục thương hiệu xa xỉ khác như Dior, Tiffany & Co., Sephora…, kể cả rượu mạnh Hennessy, là người giàu có nhất nhì thế giới hiện nay, tùy thuộc cổ phiếu của tập đoàn này với chủ nhân Elon Musk của xe Tesla lên xuống thế nào mà xem ai qua mặt.

Một góc phố Paris (ảnh: Đinh Yên Thảo)

Các cửa hiệu LV lộng lẫy, bề thế nằm khắp các khu phố chính của Paris và luôn đông đúc du khách sắp hàng vào mua. Họ không mở cửa cho khách vào ra lũ lượt ngắm nhìn mà phải đợi đến phiên mình có nhân viên cửa hiệu đón tiếp, rồi dắt giới thiệu hay bán hàng nếu khách hàng muốn mua. Đợi 30 phút đến một tiếng đã là nhanh. Nghe các nhân viên bảo mùa Hè có khi phải đợi hàng giờ nếu muốn vào cửa tiệm trên đại lộ Champs-Élysées.

Đại lộ Champs-Élysées có cổng Khải Hoàn Môn là đại lộ bề thế nhất Paris và có lẽ của cả nước Pháp. Nếu Quận 8 Sài Gòn từng khét tiếng thuộc về giới anh chị thì Quận 8 Paris là nơi có các khách sạn đắt tiền bậc nhất Paris nếu du khách muốn chọn ở ngay trung tâm mua sắm. Paris cái gì cũng nhỏ thì tại đại lộ này, các cửa hiệu thời trang nói trên vô cùng to lớn và lộng lẫy. Thú thật là tôi chưa bao giờ vào một nhà vệ sinh đẹp và sang trọng như tình cờ vào trong cửa tiệm Dior tại đây. Thế giới xa xỉ có khác.

Bên trong một trung tâm mua sắm hàng đắt tiền (ảnh: Đinh Yên Thảo)

Ngày đầu tiên đến Paris, rảo bộ ra ngoài ăn tối, tôi khá ngạc nhiên khi thấy hình nộm một phụ nữ Á Châu cao đến vài tầng lầu trước một cửa hiệu LV bề thế gần khách sạn tôi ngụ. Đến khi ngang qua vài cửa tiệm tại đại lộ Champs-Élysées cùng các khu vực chính của Paris thì lại thấy chân dung bà cầm cọ trên nóc nhà của tập đoàn thời trang lừng lẫy thế giới và các trang trí người mẫu mang trang phục, túi xách chấm màu giống nhau. Đến lúc này thì tôi không thể không tìm hiểu xem thử bà là ai mà có một vị trí đáng trân trọng như vậy.

Bên trong một trung tâm mua sắm hàng đắt tiền (ảnh: Đinh Yên Thảo)
Bên trong một trung tâm mua sắm hàng đắt tiền (ảnh: Đinh Yên Thảo)
Bên trong một trung tâm mua sắm hàng đắt tiền (ảnh: Đinh Yên Thảo)

Năm nay đã 93 tuổi, người phụ nữ này là một nghệ sĩ cách tân người Nhật tên là Yayoi Kusama. Bà là một nhà thiết kế tên tuổi trong giới thời trang New York và thế giới, từng được biết đến từ phong trào hippy của thập niên 1960. Theo các giới thiệu, phong cách thiết kế của bà kết hợp các trường phái tối giản, ấn tượng lẫn siêu thực.

Với các họa sĩ là cọ và màu, bà bảo những nghệ sĩ tiên phong (avant-garde artist) là những người còn mang vai trò thông tin đại chúng quy mô, có thể truyền thông điệp đến số đông. Có lẽ vì vậy mà các thiết kế của bà Kusama không chỉ là nghệ thuật và sắc màu của hội họa, chúng chứa đựng những thông điệp xã hội, vấn đề con người, cổ vũ cho nữ quyền.

Bà Yayoi Kusama dự một sự kiện nghệ thuật tại New York (ảnh: Andrew Toth/Getty Images)

Louis Vuitton vừa quảng bá một phong cách, hay như lời giới thiệu của họ là một phong trào thời trang cách tân chấm màu của bà Yayoi Kusama đầy rầm rộ từ mùa Xuân năm nay tại Paris và trên toàn thế giới. Hầu hết các tiệm LV tại Paris tôi đi ngang qua đều trang trí theo phong cách chấm màu này.

Các chấm rực rỡ những sắc màu và có ý nghĩa của nó nhưng tôi không đủ thời gian và khả năng hội họa để hiểu sâu hơn. Chỉ cảm nhận rằng chúng mang một ký ức sắc màu tuổi thơ. Hay hơn thế, mỗi cá nhân là một “dấu chấm” trong vô vàn chấm màu. Riêng biệt và cũng có thể mất hút trong những chấm màu khác. Với thời trang, nó như định hình một phong cách thời trang của riêng mình và cho chính mình.

Nếu bạn thấy những túi xách LV chấm màu rực rỡ thay cho màu nâu quen thuộc và nhàm chán lâu nay, bạn biết rằng đó là thời trang mới nhất của thương hiệu LV này. Du khách sắp hàng đông đúc, phần nhiều là gốc Á Châu hay chính xác hơn là người Hoa lục địa khi nghe họ nói chuyện với nhau. Họ không sắp hàng cả tiếng đồng hồ để ngắm mà để mua. Ai đi ra cũng có vài túi xách trên tay.

Nói thêm rằng, nhiều người truyền tai nhau, bảo rằng mua sắm hàng tại Paris rẻ và được miễn thuế. Đúng nhưng chỉ một phần. Thuế hàng hóa, nhà hàng, khách sạn… tại Pháp rất cao, đến 20% cho du khách và cả người dân Pháp. Trả thuế 20% nhưng du khách mua hàng phải làm giấy tờ tại các tiệm và phi trường để được hoàn lại một phần thuế, cuối cùng phải trả hơn 8% thuế cho nước Pháp.

Bà Yayoi Kusama trên nóc tiệm LV (ảnh: Đinh Yên Thảo)
Bà Yayoi Kusama trên nóc tiệm LV (ảnh: Đinh Yên Thảo)

Về đến Mỹ, nếu món đồ trị giá hơn $800 – mức tiền mà một người Mỹ ra nước ngoài có thể mua sắm hàng miễn thuế, họ phải đóng thêm thuế nhập cảng từ 8 đến 11% nếu mua trên mức này. Tất nhiên không kể đến những người chấp nhận rủi ro và không khai báo với các nhân viên quan thuế của Mỹ khi được hỏi. Rốt lại, túi xách hay các món hàng xa xỉ cuối cùng đã chịu thêm mức thuế gần 20%, có rẻ hơn đôi chút nhưng không đáng để bù lại thời gian chờ đợi hay làm thủ tục khai báo. Ngoại trừ thật thích những món hàng không hay chưa có tại Mỹ.

Tôi không đến Paris để mua sắm hay nói về thời trang Paris. Bởi Paris có nhiều điều để nói hơn. Như về văn hóa, lịch sử và là một “kinh đô ánh sáng” như biệt danh của nó. Chỉ tình cờ thấy hình tượng của nhà thiết kế Yayoi Kusama khắp nơi nên nói về thời trang như vậy. Người Châu Á vừa giành được những vinh quang chưa từng có tại giải điện ảnh Oscar năm nay; và tại trung tâm thời trang thế giới, một phụ nữ gốc Á lại ở trên nóc thời trang Paris, theo nghĩa đen lẫn bóng, nên quả cũng là điều đáng ghi nhận và nói đến.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: