Trung Quốc và “mốt” dựng tượng

Đối với giới chức địa phương ở huyện Kiếm Hà thuộc Châu tự trị dân tộc Miêu (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc), tượng Ngưỡng A Sa (Yang Asha), Nữ thần tượng trưng sắc đẹp, là một lời tri ân đối với nền văn hóa phong phú của địa phương và họ hy vọng thu hút được nhiều khách du lịch mang lại lợi nhuận kinh tế. Đối với nhiều người khác ở Trung Quốc, Ngưỡng A Sa là điển hình của cơn sốt dựng tượng vô tội vạ, tốn kém và hoàn toàn vô nghĩa.

Khắp Trung Quốc, đâu đâu cũng thấy “tượng đài văn hóa” và những công trình kiến trúc hoành tráng vô tích sự. Tượng Quan Vũ, một vị tướng thời cổ đại, ở thành phố Kinh Châu, cầm một cây sào khổng lồ gọi là Lưỡi liềm rồng xanh, đã được dựng cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do (New York). Rồi khách sạn Jingxingu, một tòa nhà bằng gỗ 24 tầng với rất nhiều ban công trống và không gian mở nhưng phòng lưu trú thật cho du khách thì chẳng có bao nhiêu. Rồi một phiên bản tàu Titanic thật tốn đến 150 triệu USD…

Dư luận Trung Quốc đang chỉ trích dữ dội những dự án như thế này, đặc biệt khi chính phủ trung ương ra rả việc xóa đói giảm nghèo nhưng các dự án tượng đài khủng lại thường được xây ở những địa phương cực nghèo. Tình hình kinh tế bi thảm bởi dịch bệnh coronavirus khiến nhiều người nghèo ở những tỉnh nghèo càng thêm mạt đã đẩy sự bất bình đối với trò dựng tượng để kiếm chác tư túi càng lên cao. Cần nói thêm, dự án khách sạn Jingxingu tốn đến 38 triệu USD và tượng Quan Vũ ngốn đến 224 triệu USD! Ngày 29-9-2020, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn đã ra lệnh các cộng đồng địa phương không được “mù quáng xây dựng các tác phẩm điêu khắc quy mô lớn điều đó tách rời khỏi thực tế và quần chúng.

Mốt xây tượng thật ra là “ăn theo” “tinh thần” của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Văn hóa cộng sản Trung Quốc vốn thích “chơi” những dự án khủng để thế giới “lé mắt”. Trong 100 cây cầu cao nhất thế giới, Trung Quốc chiếm đến 4/5. Nước này cũng tự hào có nhiều dặm đường cao tốc tối tân hơn so với hệ thống xa lộ liên tiểu bang Hoa Kỳ; cùng mạng lưới tàu siêu tốc (bullet train) với tổng chiều dài có thể phủ gấp 7 lần nước Mỹ. Tuy nhiên, tất cả đều là những dự án “mượn đầu heo nấu cháo”. Nhiều địa phương đã vay nặng lãi để tài trợ cho các dự án đó. Nợ các địa phương nói chung ước tính lên đến 6.000 tỉ USD! Bắc Kinh đã giảm gấp đôi chi tiêu đầu tư trong năm nay trong nỗ lực ban đầu để giải quyết tình trạng căng thẳng kinh tế do sự bùng phát của virus coronavirus.

Tuy nhiên, mỗi năm trôi qua, khi các dự án được xây dựng ở những nơi ngày càng xa xôi, động lực kinh tế từ mỗi dự án ngày càng ít đi. Năm nay, Trung Quốc đang trên đà tăng nợ tương đương với sản lượng kinh tế của bốn tháng, trong khi nền kinh tế của nước này tăng trưởng tương đương với sản lượng chưa đầy hai tuần. Gary Liu, nhà kinh tế độc lập ở Thượng Hải, cho biết việc vay nợ của chính quyền địa phương “vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát”. Đặc biệt gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc là những bức tượng được xây dựng ở những khu vực nghèo khó. Một số quan chức địa phương đang làm theo mô hình của thành phố Vô Tích, nơi đã thu hút khách du lịch bằng xe buýt sau khi thành phố này dựng một bức tượng Phật cao 259 foot vào năm 1996.

Tượng Nữ thần Ngưỡng A Sa cao 216 feet tính từ gấu váy đến chóp mũ. Nó cao hơn ngọn đuốc của Tượng Nữ thần Tự do 65 feet, dù tượng của New York đặt trên cái đế lớn hơn. Ngưỡng A Sa là tổ tiên thần thoại của người Miêu, một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có quan hệ gần gũi với người Hmong ở Đông Nam Á. Người Miêu chiếm phần lớn dân số của Kiếm Hà thuộc tỉnh Quý Châu. Theo truyền thuyết địa phương, Ngưỡng A Sa là một phụ nữ  xinh đẹp, người bị mây đen ức hiếp phải kết hôn với Mặt trời.

Sau đó, bà bỏ Mặt trời để… yêu Mặt trăng và phải chiến đấu để bảo vệ tình yêu của mình – theo giải thích của Luo Yu, nhà nhân chủng học thuộc Đại học Thành phố Hong Kong. Luo Yu cho biết thêm, dưới thời Mao Trạch Đông, câu chuyện Ngưỡng A Sa được diễn dịch là một cuộc… đấu tranh giai cấp, với cảnh Ngưỡng A Sa chạy trốn khỏi “Mặt trời địa chủ” để lấy “Mặt trăng” được miêu tả là một anh hùng lao động hoặc một nông dân tá điền! Bây giờ, “kịch bản” được thay chút ít để phù hợp thời hiện đại, khi Ngưỡng A Sa được miêu tả là một phụ nữ xinh đẹp, người luôn chiến đấu vì tình yêu, trong bối cảnh xã hội mà tình trạng hôn nhân không chung thủy và bất bình đẳng kinh tế gây xáo trộn gia đình lẫn hôn nhân đang bùng nổ.

Kiếm Hà là một trong những nơi “nổi tiếng”… nghèo đói quanh năm. Tượng Ngưỡng A Sa được dựng lên gần bốn năm trước nhưng việc xây dựng quảng trường xung quanh bị đình hoãn, trước những chỉ trích gay gắt. Đến giờ công trình vẫn chưa hoàn thành. Khu vực còn thiếu phòng vệ sinh, bãi đậu xe và các tiện nghi cơ bản khác.

Hè 2020, chính quyền địa phương “rình” lúc dư luận không để ý đã âm thầm làm nốt phần dang dở nhưng dư luận lại chĩa mũi dùi tấn công tiếp. Chính quyền địa phương nói rằng bức tượng “chỉ” tốn 13 triệu USD và tiền xây dựng không hề đụng đến ngân sách từ các chương trình chống đói nghèo. Ngưỡng A Sa cũng đã thu hút “200.000” du khách trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần vào đầu tháng 10 năm nay – giới chức địa phương khoe. Tuy nhiên, những người bán đồ lưu niệm tại chân tượng cho biết chỉ khoảng 100 người ghé thăm địa điểm này vào một ngày cuối tuần bận rộn và hầu hết họ là dân địa phương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: