Welcome y’all to Louisiana!

Minh họa: Jason Blackeye/Unsplash
Share:

Trước khi đến Louisiana, tôi hầu như biết rất ít về vùng đất cũng như văn hóa của nó. Điều duy nhất mà tôi biết về Louisiana là thành phố New Orleans qua những ca khúc tiếng Anh mà tôi nghe khi bắt đầu tập nghe nhạc. Đối với hiểu biết nông cạn của tôi lúc đó, Louisiana hay bất cứ tiểu bang nào đó ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đều giống nhau về văn hóa, một nền văn hóa không có bản sắc, pha trộn giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng khi sống ở Louisiana một thời gian, tôi mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của nền văn hóa đặc sắc ở đây.

Louisiana là tiểu bang có hình chiếc giày nằm ở cực Nam của nước Mỹ được tổng thống thứ ba của Mỹ là Thomas Jefferson mua lại từ hoàng đế Napoleon trong vụ mua bán thế kỷ mang tên the Louisiana Purchase. Vốn là thuộc địa của Pháp trong thế kỷ 17-18, Louisiana bị Tây Ban Nha chiếm do vương triều Orleans suy yếu mặc dù trên danh nghĩa nó vẫn là thuộc địa của Pháp.

Vì thế, văn hóa Louisiana mang đậm chất Pháp và Tây Ban Nha nhất là trong kiến trúc, ẩm thực và ngôn ngữ. Cho đến năm 1803, Napoleon sau khi đã đánh bại được vương triều Orleans đã chiếm lại được Louisiana và hi vọng duy trì chế độ thuộc địa của Pháp ở đây. Tuy nhiên chiến tranh liên miên khiến ngân khố Pháp cạn kiệt, Napoleon đã quyết định bán lại cả dải đất phì nhiêu màu mỡ thuộc Pháp bao gồm các tiểu bang: Arkansas, Missouri, Iowa, Oklahoma, Kansas, Nebraska, Dakota, Montana, Wyoming, bờ Đông của Colorado, phần đất phía Tây sông Mississippi của bang Minnesota, the vùng Đông Bắc tiểu bang New Mexico; Nam Texas và Louisiana tổng cộng 828,000 dặm vuông cho Mỹ với giá 68 triệu franc, tương đương với 15 triệu dollar Mỹ tính theo thời giá bấy giờ, một cái giá quá hời.

Có nhiều người cho rằng Napoleon bán cho Mỹ cả vùng đất rộng thênh thang với một cái giá bèo như thế vì cần tiền chi phí cho chiến tranh cũng như để Mỹ xóa khoản nợ mà trước đây ông đã vay để đánh bại phe bảo hoàng. Cũng có giả thuyết cho rằng vì Napoleon ghét dòng họ Orleans, vốn là triều đại tiền nhiệm, nên mới bán giá rẻ như thế. Cho dù giả thuyết nào đúng đi nữa thì Mỹ cũng đã hưởng lợi rất nhiều từ phi vụ buôn bán này, giúp tên tuổi của Tổng thống Thomas Jefferson lại càng nổi bật trên chính trường.

Cảnh quen thuộc trên đường phố New Orleans

Morgan Petroski/Unsplash
Matthew LeJune/Unsplash
Nathan Bingle/Unsplash

Người da trắng sống ở Louisiana phần lớn đều có mang dòng máu Pháp. Họ gọi bản thân là hậu duệ của người Cajun (cách đọc trại của chữ Acadian), những người Pháp đầu tiên di dân sang Bắc Mỹ và định cư ở Quebec, Canada. Số người Acadian không chịu nổi cái lạnh khắc nghiệt của Canada đã di dân tiếp tục xuống tận phương Nam nước Mỹ để trở thành người Cajun, tổ tiên của người da trắng ở Louisiana hiện nay. Rất nhiều người lớn tuổi ở New Orleans và Nam Louisiana vẫn còn có thể nói khá lưu loát thứ tiếng Pháp được gọi là Cajun French.

Tác giả bên cạnh một dấu tích ghi chép lịch sử Louisiana

Một điều khá thú vị là tiếng Pháp Cajun rất khác so với tiếng Pháp hiện đại nhưng mang rất nhiều nét tương đồng với tiếng Pháp của người Canada ở Quebec hay Vancouver và hoàn toàn giống với tiếng Pháp của thế kỷ 17-18. Vì thế mới có chuyện khó tin nhưng có thật là các cô cậu sinh viên Pháp sang du học ở Louisiana sau khi hăm hở tìm gặp những người Cajun biết nói tiếng Pháp để giao lưu đã trở về với vẻ mặt cực kỳ bối rối vì mặc dù cả hai bên đều nói tiếng Pháp nhưng không ai hiểu ai.

Ngoài thứ tiếng Pháp đặc trưng, người Cajun ở Louisiana rất tự hào về hai thứ di sản văn hóa nữa đó là âm nhạc zydeco, thể loại nhạc vui nhộn gần giống như thể loại bluegrass của miền Trung Tây nước Mỹ và lễ hội diễu hành trước tuần chay Mardi Gras đầy màu sắc mang đậm màu sắc Tây Ban Nha.

Có thể thấy được ấn tượng Pháp rất rõ nét khắp mọi nơi ở Louisiana từ những địa danh rặt chất Phú Lang Sa như Louisiana (lãnh thổ của vua Louis), thành phố New Orleans (Orleans là một tỉnh phía nam nước Pháp, nguyên quán của vương triều Orleans), thủ phủ Baton Rouge (cây gậy đỏ) cho tới như thị trấn Fontaineaux hay Thibodaux nơi tôi đã sống suốt hơn năm năm thời sinh viên. Niềm tự hào của Louisiana là thành phố New Orleans cổ kính và xinh đẹp với khu French Quarters đậm chất thuộc địa Pháp, nơi đón tiếp hàng trăm ngàn khách tham quan mỗi năm.

Một góc New Orleans (Arun Kuchibhotla/Unsplash)

Một ấn tượng văn hóa đặc sắc khác của Louisiana là văn hóa Creole của những người da đen hậu duệ của những nô lệ Tây Phi thời trước nội chiến Mỹ với món súp đậu bắp gumbo và món cơm trộn jambalaya trứ danh. Gumbo và jambalaya là sự kết hợp hoàn hảo giữa những nguyên liệu của ẩm thực châu Phi như gạo, đậu bắp và đậu mắt đen với bộ ba rau củ của Tây Ban Nha: Ớt chuông, cần tây, cà chua điểm thêm một tí hương vị của xúc xích xông khói Pháp.

Hai món ăn này nổi tiếng đến mức ca sĩ nhạc đồng quê Hanks William đã viết hẳn một bài hát để ca ngợi nó, ca khúc Jambalaya được rất nhiều thế hệ ca sĩ hát lại trong đó phiên bản nổi tiếng nhất có lẽ là bản cover của anh em nhà Carpenters trong thập niên 70. Nhưng hấp dẫn nhất đối với du khách khi đến New Orleans là những câu chuyện huyền bí về “voodoo” bùa ngải của người Creole cùng với cái tên Madame Laveau, nữ pháp sư quyền lực nhất xứ này. Mỗi ngày hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về nghĩa địa New Orleans để được tận mắt nhìn thấy phần mộ của nữ pháp sư này và cầu ước một điều gì đó.

Ngoài những di sản văn hóa đặc trưng, Louisiana còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một hệ sinh thái vô cùng phong phú và độc đáo với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt và khí hậu bán nhiệt đới nhiều mưa. Người Louisiana gọi những con kênh này là “bayou” theo cách gọi của người da đỏ bản địa, chứ không phải là “canal” như tiếng Anh thông thường và tự hào gọi nơi chôn nhau cắt rốn của mình là “bayou country” (quê hương của những con kênh).

Nếu có dịp đi trên tour sinh thái khám phá hệ thống bayou của Louisiana, bạn sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp thoát tục của vùng sông nước này. Sản vật của bayou là tôm hùm đất (crawfish), cá da trơn (catfish) và cá sấu (alligator). Tới mùa sinh sản, từng đàn crawfish đỏ thẫm tràn ra cả đường quốc lộ để qua đường tạo nên một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Còn cá sấu thì cũng nhiều không kém. Tôi đã từng nhiều lần thấy cảnh cá sấu lội lờ đờ dưới một cây cầu nhiều người qua lại. Cá sấu Louisiana thuộc loài cá sấu nước ngọt, nhỏ và hiền lành hơn so với cá sấu nước mặn. Hầu như chưa bao giờ tôi nghe chuyện cá sấu tấn công người ở Louisiana bao giờ, chỉ có chuyện người bắt cá sấu chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Louisiana về mặt địa hình lẫn khí hậu có nhiều nét tương đồng với miền Tây Nam bộ của Việt Nam, chính vì vậy tính cách của người dân ở đây cũng khá giống với tính cách người dân Nam Bộ: Thật thà, phóng khoáng và hiếu khách tuy có hơi bỗ bã sỗ sàng.

Đi trên đường phố, bất kỳ một người xa lạ nào đi ngược chiều với bạn cũng sẵn sàng nở nụ cười thật tươi và chào bạn: “Hi, how are you doing?” – điều mà bạn sẽ không bao giờ nhận được từ cư dân của những thành phố lớn như New York hay Chicago. Đi đường khát nước ư, cứ ghé vào một nhà nào đó ven đường mạnh dạn hỏi xin, bạn sẽ được đãi một chai bia ướp lạnh hoặc tệ lắm là một cốc homemade lemonade hoặc trà đá đường, món uống đặc trưng của vùng này. Giống như người dân Nam Bộ có thói quen nhai trầu, những người già ở Louisiana vẫn còn giữ thói quen nhai thuốc lá sống và nhả bã, thói quen khiến nhiều người Mỹ từ những nơi khác có phần kinh hãi.

Còn rất nhiều điều thú vị và lạ lùng mà tôi muốn kể cho các bạn nghe về vùng đất Louisiana xinh đẹp này và tôi nhất định sẽ kể ở những phần sau. Nhưng trước khi tiếp tục, hãy cùng tôi học một từ đặc sệt chất Louisiana: “Y’all!” (đọc là “da-ao”). Vâng, “y’all” là cách nói tắt của cụm từ “you all”. Người Louisiana nói “y’all” gần như mọi lúc mọi nơi: “hi y’all! How’re y’all doing?” “Bye y’all, see y’all tomorrow!”

Các bạn đã sẵn sàng chưa? “Welcome y’all to Louisiana!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: