Khoảng 30 đến 40% thực phẩm ở Mỹ bị vứt bỏ mỗi năm. Có nhiều cách mà bạn có thể thực hiện để tránh lãng phí thực phẩm ngay trong ngôi nhà mình.
Priyanka Naik rất sáng tạo trong việc tránh lãng phí thực phẩm, được The Guardian ghi lại. Là đầu bếp thuần chay, tác giả và nhân vật truyền hình, Naik thường biến đồ thừa trong nhà bếp thành những bữa ăn mới đầy sáng tạo. Cô mang về thức ăn thừa của nhà hàng, có khi cả giỏ bánh mì. Naik không thích ăn cơm trắng, nên nếu có cơm thừa, cô thường cho chung vào đậu, khoai tây và gia vị rồi đem xay, sau đó nặn thành miếng như miếng chả, kẹp ăn với bánh mì.
“Khoảng 30 đến 40% thực phẩm ở trong nhà của chúng ta tại Mỹ bị vứt đi mỗi năm,” Andrea Spacht Collins, chuyên gia về thực phẩm của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) cho biết.
Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về bốn cách để giảm lãng phí thực phẩm tại nhà.
Lên kế hoạch trước, mua sắm cẩn thận
Trước khi đến cửa hàng tạp hóa hoặc chợ nông sản, bạn nên lên một danh sách, khi đến nơi, cứ thế mà mua. Như vậy, thực phẩm bạn mua sẽ không thừa, không thiếu. Naik nói thêm rằng xu hướng người Mỹ mua số lượng lớn hoặc cố gắng mua sắm một lần trong một tháng cũng có thể dẫn đến việc mua quá nhiều, ăn không hết, bị hư, đem bỏ. Naik khuyên mọi người chịu khó đi chợ nhiều lần, thay vì đi một lần mà mua nhiều thứ.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Trang web NRDC savethefood.com hướng dẫn các mẹo bảo quản thực phẩm, ví dụ như xếp táo riêng với các loại trái cây khác, vì táo tiết ra một loại hormone, gọi là ethylene, có thể khiến các sản phẩm khác bị hư nhanh hơn. Với rau thơm, úp ngược hết vào ly đầy nước đặt trong tủ lạnh, cách này cũng giữ được rau tươi lâu. Đựng nấm trong túi giấy thay vì túi ni lông để nấm không bị nhớt. Trong bịch rau xanh, bạn đặt một chiếc khăn giấy, thì rau sẽ tươi lâu vì giấy hấp thụ độ ẩm dư thừa. Bánh mì muốn để được lâu, bạn hãy bỏ trong ngăn đá.
Tiến sĩ Hannah Birgé, nhà khoa học nông nghiệp cấp cao của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, lưu ý rằng các phương pháp lưu trữ sáng tạo không chỉ kéo dài tuổi thọ của thực phẩm mà còn khiến bạn có nhiều khả năng sử dụng những gì bạn có. Việc chuyển sang các hộp đựng thực phẩm nhỏ hơn, trong suốt để bảo quản thực phẩm đã giúp gia đình bạn dễ dàng nhìn thấy những gì còn sót lại và phải nhanh chong “thanh toán” trước khi thực phẩm bị hư.
Đối với thực phẩm dư thừa, theo Naik, vỏ hoặc lá có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với phần thân rau hoặc củ. Ví dụ, ngọn cà rốt có thể được tái sử dụng thành một loại sốt pesto thơm ngon, và vỏ bí ngô cũng có thể ăn được như phần thịt. Đem vỏ bí xào, vỏ sẽ mềm ra ngay.
Các chuyên gia thực phẩm cho rằng bạn không nên tin răm rắp vào hạn xử dụng ghi trên bao bì, rồi quăng hết vào thùng rác khi hết hạn, mà thực phẩm thì vẫn còn tươi nguyên. Vỏ trứng và vỏ chuối làm phân hữu cơ rất tốt. Nếu có một ít sân sau, hãy đào lỗ rồi cho vỏ trứng, vỏ chuối xuống để ủ thành phân.