“Fake food” dùng trang trí đang nở rộ

‘Sampuru’ của người Nhật (ảnh: Education Images/Universal Images Group/Getty Images)

Những quả cam hay nho bằng nhựa một thời được xem là “đồ chơi con nít” và việc trưng bày chúng trong phòng khách hoặc nhà bếp chỉ nói lên “gu thẩm mỹ nhà quê” của chủ nhà. Tuy nhiên, hàng nhựa giả thực phẩm nói chung đang bùng nổ và được mua ào ào trên mạng. Một trong những lý do: Sự thiếu hụt gây ra bởi chuỗi cung ứng gián đoạn khiến mọi người phải đánh giá lại “sự đầy đặn thẩm mỹ” của một ngôi nhà nhìn trống trải “buồn hiu”.

Kết quả là sự trỗi dậy của phong cách trang trí nhà theo chủ nghĩa tối đa (maximalist home décor) với hoa văn, màu sắc và đồ trang trí. Rổ trái cây trông y chang như thật, nến pho mát (cheese candle), bánh sừng bò bằng nhựa thông và đèn salad Jell-O là những món “hot”. Những chiếc bánh giả theo phong cách retro đang rộ lên trên Instagram. Thương hiệu trang sức cao cấp Mociun đang bán những ly rượu vang giả và kem ốc quế nóng chảy cùng với nhẫn đính hôn trị giá $10,000! Và “đèn bánh nướng” của Yukiko Morita được bán với khoảng $80/chiếc.

Với John Derian, người sáng lập dây chuyền trang trí và trang trí nhà cùng tên, sự trỗi dậy của thực phẩm giả là đáng hoan nghênh. Tại bếp căn nhà riêng Derian hiện vẫn còn một cái bánh giả vốn có mặt ở đó 14 năm. John Derian kinh doanh các mặt hàng theo chủ đề thực phẩm trong 20 năm qua, bắt đầu từ con búp bê do Nathalie Lete làm với cánh tay là xúc xích và cái đầu là miếng bít tết. Những năm qua, John Derian tung ra thị trường những cây nến hình đồ ăn được sản xuất bởi công ty Ý Cereria Introna, nơi chuyên làm những vật phẩm tương tự từ thế kỷ 19! Chính xác là khoảng năm 1840. Năm nay, Cereria Introna tung ra các sản phẩm nến làm bằng tay và cung cấp cho những cửa hàng trang trí nội thất sang trọng như East Fork và Fruit and Flower Shop, sau khi nhận thấy nhu cầu tại thị trường Mỹ đang “tăng bạo” đến mức không đủ để bán.

Kem “chảy” không bao giờ tan của Mociun (web screenshot)

Thực phẩm giả đã được sử dụng để trang trí trong suốt nhiều thế kỷ. Đồ sứ Trompe l’oeil, được sản xuất ở châu Âu vào thế kỷ 18, thường có hình dạng trái cây và rau quả, chẳng hạn dưa và đậu. Tại Trung Hoa thời nhà Thanh, có những đĩa trái cây làm từ ngọc bích và thạch cao. Trái cây bằng nhựa là những sản phẩm một thời cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở các làng quê miền Nam trước 1975. Dân Nhật là “trùm” về hàng thực phẩm nhái được chế tác công phu hệt đồ ăn thật (gọi là sampuru). Các nhà hàng Nhật thường có kệ hoặc tủ kính kê ngay tấm kính sát cửa để khách bên ngoài có thể dòm các “món ăn mẫu”. Ngay ở Mỹ, thiên hạ chẳng lạ gì hình ảnh bánh cưới giả.

Đề cập đến thực phẩm giả được bày trong các ngôi nhà người Mỹ như là những vật phẩm nghệ thuật (objets d’art), Sarah Archer, người chuyên viết thiết kế và văn hóa; tác giả quyển The Midcentury Kitchen (2019), nói rằng dân Mỹ thời những năm 1950-1960 rất mê “chơi” thực phẩm hàng nhựa hoặc bằng thủy tinh. Trái cây giả làm bằng sáp cũng rất phổ biến.

Leanne Rodriguez, một nghệ sĩ ở Oakland, California, đang bán những chiếc đèn salad bằng gelatin giả; rồi xúc xích, rau và trái cây thái nhỏ làm từ đất sét. Những sáng tạo của Leanne Rodriguez, được bán với tên thương hiệu “Mexakitchen” như một phần của dòng tác phẩm nghệ thuật “Mexakitsch” của cô, có gắn đèn LED bên trong. Giá những sản phẩm “nhà quê” này thường chỉ có “dân sang” mới dám chơi: Từ $100 đến $3,500. Mociun, thương hiệu đồ trang sức cao cấp, bắt đầu bán đồ ăn giả trong cửa hàng của họ vào năm 2018. Caitlin Mociun, nhà thiết kế và người sáng lập công ty có trụ sở tại Brooklyn, thậm chí có một bộ sưu tập riêng về thực phẩm “chỉ nhìn cho đã con mắt chứ không thể ăn”. Hàng thực phẩm giả dùng để trang trí của Mociun có nhiều loại, với giá từ $15 đến $400.

Bánh phát sáng của Yukiko Morita – một trong những mặt hàng đang rất được ưa chuộng (web screenshot)

Xu hướng tìm mua “đồ chơi thực phẩm” đang bùng nổ trên mạng. Theo website Etsy, lượt tìm kiếm bánh giả trên trang web đã tăng 36% trong ba tháng qua, so với cùng thời điểm năm trước. Lượt tìm kiếm nến lấy “cảm hứng” từ thực phẩm cũng tăng 32%; và tìm kiếm thức ăn hoặc đồ trang trí lấy cảm hứng từ trái cây tăng 16% trong cùng thời gian. Ngoài ra, lượt tìm kiếm nến ngũ cốc tăng 1,133%! Dayna Isom Johnson, chuyên gia về xu hướng tại Etsy, cho rằng lượt tìm kiếm các mặt hàng này tăng là do hai yếu tố. Thứ nhất, người mua sắm đang tìm những cách bày biện vui tươi để làm cho không gian sống của họ thêm sinh động. Với lại, thực phẩm giả luôn có thể truyền cảm giác tươi mới trong gần như bất kỳ không gian nào. Nó lại “bất tử” với thời gian. Thứ hai là ảnh hưởng của mạng xã hội. Hễ cứ thấy cô hàng xóm post hình khoe lên mạng cây nến giả hình trái cam thì “the girl next door” cũng muốn làm tương tự.

Dù vậy, thực phẩm giả không chỉ làm cho người ta “vui mắt”. Với không ít người, trái cây giả làm họ nhớ lại thời ấu thơ, khi mà bà nội hoặc bà ngoại họ bày biện “mâm ngũ quả” bằng nhựa trong nhà. Nhiều người hồi đó còn chế ra bộ sưu tập trái cây giả làm bằng bìa cứng. Những hình ảnh như vậy khiến không ít người có cảm giác gia đình ấm cúng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: