“Fast fashion” đang giết dần giết mòn… chúng ta

“Fast fashion” góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại Trái Đất. (ảnh: Getty Images)

Thời trang được cho là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm kinh khủng nhất thế giới, ngang hàng với ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá, nhưng có vẻ những nguy hại mà ngành công nghiệp này đang tác động lên Trái Đất đang bị ngó lơ.

“Các chị ơi, Goodwill, thrift store, hay có nhà thờ nào lấy đồ cũ không, em đem tới donate (tặng), tủ quần áo nhà em… cứng ngắc rồi.” Cô Linh Lê ở thành phố Fountain Valley, CA. đăng “lời kêu cứu” trên của mình trên group của mạng xã hội, kèm theo giải thích: “Thật ra đồ nhà em không phải… đồ bỏ, có cái ‘áo em chưa mặc một lần’ luôn á, chỉ là em mua được hàng sale-off mấy dịp Black Friday, và giờ thì… quá tải rồi.”

Cứ “sale” là mua! (Minh họa: Makus Spiske/Unsplash)

Khi mua sắm trở thành sở thích

Linh Lê là một trong số những người nghiện mua sắm (Compulsive Buying Disorder – CBD), cách gọi của giáo sư về khoa học sức khỏe Ruth Engs thuộc trường Indiana University. Điều đáng nói là có đến 10-15% dân số trên thế giới là… Linh Lê, là CBD.

Olivier Muldoon, tác giả bài viết trên Medium phát hành hồi Tháng Tám, 2020, nhận định trong 30 năm qua, cách chúng ta nhìn nhận về quần áo đã thay đổi đáng kể, nhưng không phải theo chiều hướng tốt hơn. “Thay vì sở hữu một vài sản phẩm chất lượng cao, nhiều người chuyển sang tích trữ một số mặt hàng thời trang nhanh (fast fashion), chất lượng thấp, dù chẳng có nhu cầu, cứ thích là mua,” Muldoon viết.

Chính thói quen mua sắm cho… đỡ ghiền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên.

Theo số liệu, mức độ tiêu thụ quần áo trên toàn cầu tăng rất kinh khiếp, đã lên đến 62 triệu tấn mỗi năm và dự báo sẽ là 102 triệu tấn vào năm 2030. Trọng lượng hàng năm của hàng dệt may được sản xuất trên đầu người tăng hơn gấp đôi từ 5.9 kg lên 13 kg trong giai đoạn 1975-2018.

Kể từ khi mua sắm không chỉ là một nhu cầu cơ bản mà trở thành sở thích, số lượng quần áo được mua đã tăng vọt. Trong giai đoạn 1996 – 2012, ở Âu châu, lượng mua hàng may mặc tăng 40%. Sự gia tăng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi mô hình thời trang nhanh: Fast fashion – thuật đương đại được các nhà thời trang bán lẻ sử dụng để chỉ các mẫu thiết kế nhanh chóng ra khỏi sàn catwalk và bắt kịp các xu hướng thời trang hiện có. Những người “cuồng” hàng thời trang, mua đem về nhét trong tủ quần áo. Người nghiện mà thiếu tiền, canh me hàng giảm giá, cũng mua về để đấy.

Trước đại dịch, các thương hiệu thời trang sản xuất số lượng quần áo gần như gấp đôi so với năm 2000. Số liệu dự báo cho thấy sản xuất quần áo sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 2%. Xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại, khiến thời trang nhanh trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng.

Quần áo góp phần hủy hoại môi trường. (Minh họa: Unsplash)

Trái Đất… chịu không nổi

So với hai thập kỷ trước, người ta mua sắm quần áo gấp bốn lần mỗi năm. Nhưng cuối cùng, phần lớn những món đồ thời trang nhanh đó lại nằm trong xó tủ, hoặc ra bãi rác. Lucy Siegle – nhà báo điều tra về ảnh hưởng của thời trang đối với môi trường, nói: “Chúng ta đang sản xuất hơn 100 tỉ sản phẩm may mặc từ sợi mỗi năm. Và Trái Đất không thể nào chịu nổi điều đó.”

Một nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur phát hiện ra rằng cứ mỗi giây người ta lại vứt đi lượng đồ may mặc đủ chứa vừa một xe tải rác. Nhưng để làm ra được ngần ấy rác, người ta phải sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu khó phân hủy. Mỗi năm có gần 70 triệu thùng dầu được sử dụng để chế tạo sợi polyester, chất liệu được ứng dụng nhiều nhất trong sản xuất đồ may mặc và phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được.

Chưa hết, để chế tạo các loại vải như rayon, viscose, modal và lyocell, người ta phải đốn hơn 65 triệu cây xanh. Một phần tư số chất hóa học trên thế giới được sản xuất để phục vụ ngành dệt may. 85% rác thải nhựa trong đại dương là từ các sợi microfiber vốn có trong vải tổng hợp. Những chất liệu này đe dọa đời sống hoang dã của các sinh vật biển và lẫn vào nguồn thức ăn.

Cuộc diễn hành trong Tuần lễ “fash fashion” do XR tổ chức, chống lại Black Friday ở Amsterdam, vào ngày 27 Tháng Mười Một, 2021. (ảnh: Romy Arroyo Fernandez / Getty Images)

Bạn sẵn sàng bỏ ra $20 để ăn vài món ăn vặt, chỉ trong nhấp nháy, nhưng ngần ấy tiền, bạn có thể mua được chiếc áo đẹp hiệu Forever 21, H&M, Old Navy,… mà mặc lâu lắm mới hư. Đó chính là chiếc áo mà việc sản xuất cần tới hơn 2,700 lít nước và khoảng 55 người trong chuỗi cung ứng, qua đủ các công đoạn, từ chọn lựa bông tới may vải. Chưa kể, chiếc áo còn đi khắp nơi, xuất từ nước này qua nước khác, tạo ra một lượng khí CO2 khổng lồ, rồi mới tới tay bạn.

Nghiên cứu của Quantis (2018) cho thấy ngành công nghiệp thời trang tạo ra từ 4 đến 5 tỉ tấn khí thải CO2, chiếm 8 – 10% tổng lượng khí thải của thế giới. Các đại dương trên thế giới cũng không thoát khỏi những tác động. Cũng trong năm 2018, Liên Hợp Quốc ước tính có tới 190,000 tấn vi nhựa tìm đường vào vùng nước sâu.

Liên Hợp Quốc ước tính có tới 190,000 tấn vi nhựa tìm đường vào vùng nước sâu. (Minh họa: Getty Images)

Kết quả một nghiên cứu của năm 2017 đưa ra con số hơn 92 triệu tấn chất thải dệt nhuộm được đốt, gửi đến các nước thế giới thứ ba hoặc được đưa đến bãi chôn lấp mỗi năm. Vào năm 2015, ngành công nghiệp may mặc cần tổng cộng 79 tỉ mét khối nước để duy trì sự phát triển của ngành. Văn phòng Thống kê Quốc gia ước tính 20% ​​ô nhiễm nước công nghiệp có thể là do quá trình xử lý dệt và nhuộm trong quá trình sản xuất.

Nhưng trên thực tế, đồ may mặc theo “fast fashion” lại có “vòng đời” ngắn ngủi, chỉ được mặc vài lần trước khi nó bị cho vào cái bị, để rồi chủ nhân đem cho, hoặc đặt ở “donate center” của Goodwill. Theo WRAP, mỗi năm có 350,000 tấn quần áo bị vứt bỏ. Giới trẻ bây giờ thường xếp những món quần áo mà họ đã mặc một hoặc hai lần vào góc đồ cũ, và sẽ không bao giờ mặc lại.

Cùng lúc, các công ty “fast fashion” cố tình thiết kế sao cho nhanh chóng bị lỗi thời (démodé,) hay dễ bị sứt chỉ, bung rách, đứt nút, để khách hàng lại phải đi mua cái mới. Số liệu cho thấy mỗi năm, có tới 80 tỉ món quần áo được bán ra trên toàn cầu. Tức là hơn bốn lần so với số lượng đã được tiêu thụ trong hai thập kỷ trước. Và như thế, việc thay đổi xoành xoạch áo quần, vô tình làm hủy hoại môi trường sống. Nói cách khác, “fash fashion” đang giết dần, giết mòn Trái Đất, tất nhiên là chúng ta – những người đang sống trên quả địa cầu này.

Dọn dẹp tủ quần áo chưa đủ làm thay đổi tư duy để trả lại “sự sống” cho hành tinh. (Minh họa: Unsplash)

Bỏ “fast fashion”, được không?

Rõ ràng, ngành công nghiệp thời trang, trong bối cảnh hiện tại, thể hiện một nguy cơ nghiêm trọng đối với tương lai của hành tinh chúng ta đang sinh sống. Tuy nhiên, bất chấp sự thật hiển nhiên này, tư duy của con người vẫn chưa thích ứng với mức độ nghiêm trọng của tình hình. Mặc dù mọi người đều nhận thức được ít nhất một số chi phí môi trường và xã hội liên quan đến mô hình “fast fashion,” nhưng lại viện dẫn lời biện minh, cho rằng làm thế để tiết kiệm tài chính và vì ngành công nghiệp này giúp công dân thế giới thứ ba kiếm thu nhập.

Sở thích, nhu cầu cũng có liên quan đến giáo dục. Các tiêu chuẩn giáo dục cao cần được thiết lập ở địa phương, bắt đầu từ giới trẻ, để có thể đặt nền móng cho nền kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các hệ thống giáo dục rất khó thay đổi, mà cần phải thực tế. Vì vậy, việc cung cấp các chương trình giáo dục thay thế nên là một phần của giải pháp.

Các nhà hoạt động chống khủng hoảng khí hậu biểu tình bên ngoài Tuần lễ thời trang London – sự kiện diễn ra vào ngày 15 Tháng Hai, 2020 tại London, Anh. Họ dự định duy trì hoạt động cho đến khi có những thay đổi dẫn đến giảm sản xuất và dùng hàng “fast fashion” để bảo vệ môi trường. (ảnh: Ollie Millington / Getty Images)

Khi tìm kiếm giải pháp cho vấn đề “fash fashion” không thể tránh khỏi việc chuyển sang công nghệ. Liệu có thể khai thác những lợi ích của blockchain, AI (Artificial-Intelligence) hoặc các công nghệ 4IR khác? Sẽ không có bất kỳ thay đổi nào tốt hơn, nếu không có sự hiệp lực.

Thế giới sẽ mạnh hơn nếu mọi người đều có mục tiêu chung: Cải thiện chất lượng vật liệu, giảm lãng phí và tối ưu hóa cuộc sống. Tiết kiệm nước ư? Chưa đủ. Giảm khí thảo CO2? Chưa giải quyết được vấn đề. Dọn dẹp tủ quần áo? Chẳng khác nào “thải độc” cho người khác.

Đã đến lúc đặt ra câu hỏi, liệu có loại bỏ “fast fashion” được không? Và đi tìm câu trả lời, cũng như hành động trước khi quá muộn.

Đọc thêm:

-‘Thời trang nâng cao tâm trạng’

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: