Giảm nghiện mạng xã hội: Vấn đề nằm ở sự kiểm soát bản thân

Tại sao đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội có thể phản tác dụng? 
Minh họa: georgia-de-lotz-unsplash

Một nghiên cứu mới bổ sung bằng chứng cho thấy “việc một người tự kiểm soát hành vi lướt web của mình sẽ không đủ để làm thay đổi hành vi đó”. Nếu bạn muốn cắt giảm thời gian xem YouTube hoặc Instagram khi cảm thấy sắp bị nghiện, bạn có thể sử dụng các tính năng có sẵn trong các ứng dụng đó để cảnh báo hãy dừng lại sau hơn một giờ mỗi ngày chẳng hạn. Nghe có vẻ dễ như… uống nước, nhưng nghiên cứu mới cho thấy cách giới hạn thời gian sử dụng có sẵn ứng dụng có thể phản tác dụng, nếu giới hạn thời gian của bạn ở mức trần cao nhất (điều mà nhiều người thường chọn).

Nghiên cứu cho thấy khi đề nghị những người tham gia thử nghiệm sử dụng tính năng giới hạn thời gian của ứng dụng, họ lại thường dành nhiều thời gian hơn cho nó thay vì ít đi! Nhiều người tuyên bố bộ hẹn giờ của ứng dụng rất phù hợp với họ. Nhưng giống như bất kỳ chiến lược nào khác để tự kiểm soát bản thân, chỉ có số ít người hạn chế thành công thời gian sử dụng mạng xã hội.

Nghiên cứu mới phát hiện, dù hầu hết chúng ta tin việc giới hạn thời gian sử dụng sẽ giúp chúng ta dành ít thời gian hơn cho ứng dụng đó, nhưng kết quả nghiên cứu đã chứng minh ngược lại. “Việc chúng ta giám sát những gì đang làm với một ứng dụng không nhất thiết chúng ta sẽ thay đổi được hành vi của mình trên ứng dụng đó” – nghiên cứu kết luận.

Thực tế cho thấy các biện pháp tự kiểm tra vận động cơ thể, mức tiêu thụ thực phẩm hoặc giấc ngủ để điều chỉnh cho đúng những khuyến nghị đều không hiệu quả lắm. Chúng ta vẫn không giảm được cân, không ăn ít hơn hoặc ngủ ngon hơn. Nếu tính năng theo dõi thời gian của ứng dụng cũng hiệu quả kém như thế thì cả người dùng lẫn các công ty công nghệ cần phải suy nghĩ lại về niềm tin vào khả năng của chúng sẽ giúp người dùng hoàn thiện bản thân, bớt chúi mũi vào màn hình. Vậy nghiên cứu tìm thấy những gì?

Trong thử nghiệm đầu tiên, những người tham gia được phép sử dụng TikTok thả ga trong vài ngày và sau đó được nhắc đặt giới hạn thời gian hàng ngày cho chính họ trong ứng dụng (giới hạn thời gian được nhiều người chọn nhất là 60 phút). Kết quả bất ngờ, sau khi đặt giới hạn thời gian, tính trung bình, những người tham gia đã dành thêm khoảng 7% thời gian nhiều hơn cho TikTok thay vì giảm (trong đó có cả những người thường chạm và vuốt ít hơn thời gian này)!

Minh họa: june-aye-unsplash

Một nhà nghiên cứu nhận xét: “Bộ hẹn giờ của ứng dụng cũng vận hành tương tự như biển báo giới hạn tốc độ. Nếu giới hạn tốc độ là 35 dặm một giờ, chúng ta thường có xu hướng lái xe đến mức tối đa đó hoặc nhanh hơn. Nhưng nếu không có biển báo, nhiều người có thể chỉ lái xe 30 dặm một giờ. Hạn chế dùng ứng dụng cũng cho kết quả tương tự”. Các nhà nghiên cứu còn so sánh cách chúng ta dùng tính năng hẹn giờ và với cách sử dụng ngân sách gia đình. Khi chúng ta đặt mốc giới hạn chỉ chi $200 một tháng cho quần áo, nhiều người thường chi quá mức đó một chút. Còn nếu không đặt ra giới hạn, có người chi ít hơn.

Các thử nghiệm với các mạng xã hội khác như Instagram cũng đi đến kết luận tương tự: Giới hạn thời gian dùng ứng dụng thường dẫn đến việc dành nhiều thời gian hơn chứ không phải ít hơn. Jordan Etkin, giáo sư Đại học Duke và là một trong ba nhà nghiên cứu hẹn giờ ứng dụng giải thích: “Không phải những tính năng này không có ích, nhưng chúng không thể làm thay đổi hành vi con người nếu chúng ta không thể chiến thắng được mốc thời gian mình đề ra. Không cần mốc thời gian mà vẫn chiến thắng được một thói quen xấu mới là chiến thắng bền vững”.

The Washington Post cho biết, qua nghiên cứu mới, hai đồng tác giả nghiên cứu, Jackie Silverman của Đại học Delaware và Shalena Srna, giáo sư của Đại học Michigan có những đề xuất thực tế: “Nếu bạn muốn dành ít thời gian hơn cho một ứng dụng hoặc trò chơi điện tử, bạn nên bắt đầu từ giới hạn thấp chứ đừng đặt giới hạn cao (chẳng hạn 90 phút mỗi ngày) theo khuyến nghị của ứng dụng. Điều đó có nghĩa là bạn hãy chọn giới hạn 20-30 phút mỗi ngày”.

Trang web The Tech Friend cũng có những đề xuất để giảm thời gian trực tuyến. Ví dụ bạn có thể đặt hẹn giờ để tắt internet tại nhà lúc 10 giờ tối, lên lịch cho các ngày nghỉ không sử dụng mạng xã hội và sạc các thiết bị nghe nhìn bên ngoài phòng ngủ. Etkin nói: “Nếu bị cám dỗ bởi bánh chocolate và có kế hoạch tránh ăn quá nhiều, bạn không nên để bánh trong phòng ngủ hoặc tự nhủ với chính mình là chỉ ăn bánh vào ngày cuối tuần. Tương tự, có thể bạn cần đề ra quy tắc không dùng điện thoại vào bữa tối hoặc khóa máy trong ngăn kéo vào buổi tối”.

Các công ty công nghệ cũng tự tin thái quá về tác dụng của bộ đếm thời gian dùng ứng dụng như người dùng. Giới thiệu những tính năng đó là một phản ứng của ngành công nghệ thông tin khi có những lo ngại về lạm dụng công nghệ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng họ chọn giải pháp để cho người dùng tự đặt ra cột mốc thời gian thay vì cài mặc định ứng dụng tự tắt sau khi đạt đến giới hạn.

Vì vậy, nếu bộ hẹn giờ của ứng dụng không thể giúp chúng ta giảm thời gian lướt web, hãy thử các cách khác trong gia đình, trường học và cộng đồng, kể cả điều chỉnh bởi pháp luật. Các cơ quan lập pháp có nên quyết định trẻ em không được phép sử dụng ứng dụng hơn một giờ mỗi ngày không? Và cha đẻ của các ứng dụng mạng xã hội và trò chơi điện tử có thể bị buộc phải đưa vào tính năng tự tắt ứng dụng sau khi người dùng đã vượt quá giới hạn thời gian.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: