Hà cớ gì lại phải xách cặp đến văn phòng?

Sở làm ngày càng vắng bóng nhân viên (minh họa: eduardo-alexandre-unsplash)

Đi lại vất vả, tốn kém khủng khiếp. Chi phí chăm sóc con cái đắt đỏ. Đây là một số lý do khiến các nhân viên văn phòng không muốn quay trở lại nơi làm việc mà vẫn muốn làm việc ở nhà như thời đại dịch.

Các lý do biện minh cho việc không muốn trở lại văn phòng

Vào thời điểm mà các nhà hàng, máy bay và sân khấu hòa nhạc dần đông đúc người, các tòa nhà văn phòng vẫn chỉ lấp đầy phân nửa! Các phòng và hành lang thưa thớt nhân viên đang gây căng thẳng cho hoạt động kinh tế ở trung tâm các thành phố và các ông chủ than phiền “văn hoá nơi làm việc bị phân mảnh” khi người lao động không còn gắn kết với nhau.

Tuy nhiên, về phần mình, người lao động cho biết chi phí đi lại cao, tốn tiền chăm sóc con cái, mất nhiều thời gian đi lại trong khi họ vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ trên phòng họp Zoom. Vậy thì hà cớ gì phải xách cặp đến văn phòng?

Ngoài ra, ý tưởng “có thể làm tốt công việc từ bất cứ đâu” và tâm lý thoải mái ăn sâu vào tâm trí nhiều người khiến họ không nghĩ là có ngày sẽ phải trở lại nơi họ không còn muốn đến nữa. Hơn một chục nhân viên được tờ The Wall Street Journal phỏng vấn nói họ không thể hình dung việc quay trở lại văn phòng năm ngày một lần sẽ thế nào, ngay cả khi cơ hội phát triển nghề nghiệp bị giảm hoặc bị công ty đưa vào danh sách sa thải vì không chịu đến sở làm.

Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp cho biết sẽ gia hạn thời điểm chót để nhân viên trở lại văn phòng đến cuối năm nay. Một “trận chiến ý chí” giữa chủ và thợ đang chờ phía trước. Theo một cuộc khảo sát được công bố vào Tháng Năm 2023 với hơn 200 giám đốc điều hành bất động sản do CBRE, một trong những công ty quản lý văn phòng lớn nhất Hoa Kỳ thực hiện, cho thấy tỷ lệ các công ty xem việc nhân viên có mặt tại văn phòng là tự nguyện, thay vì bắt buộc, đang giảm xuống.

Nhiều người tin rằng không gian thoải mái tại nhà thậm chí giúp họ làm việc tốt hơn (minh họa: spacejoy-unsplash)

Khoảng cách giữa những gì nhân viên và ông chủ muốn vẫn còn lớn. Cuộc khảo sát hàng tháng về “tình cảm” của người lao động đối với văn phòng, được thực hiện bởi nhà kinh tế học Nicholas Bloom tại Đại học Stanford (người chuyên nghiên cứu về làm việc từ xa), cho thấy, trong khi giới chủ muốn có sự tương tác trực tiếp thì người lao động không muốn từ bỏ sự linh hoạt đang thấm vào máu. Một lý do khiến người lao động nói họ không muốn trở lại văn phòng là chi phí cộng thêm. Một số người không còn được làm việc từ xa than phiền rằng họ phải chi thêm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đôla mỗi tháng cho ăn trưa, đi lại và chăm sóc con cái.

Ý kiến người trong cuộc

Một người ở Philadelphia đến Manhattan xin việc, ra điều kiện chỉ làm việc hai ngày một tuần ở văn phòng, nêu ra lý do: “Nếu làm năm ngày một tuần, tôi sẽ phải chi đến $10,000 một năm cho vé tàu Amtrak!”. Christos Berger, một trợ lý cho vay thế chấp 25 tuổi sống bên ngoài Washington, DC ước tính cô phải chi thêm $2,100 để chăm sóc con và $450 tiền xăng hàng tháng kể từ lúc phải quay trở lại văn phòng ba ngày một tuần. Berger và chồng đã phân chia nhiệm vụ nuôi dạy con cái khi họ còn làm việc hoàn toàn ở xa. Nay chi phí tăng thêm khiến cô phải tìm công việc nào có thể làm toàn thời gian tại nhà.

Rachel Cottam, 31 tuổi, trưởng phòng nội dung của một công ty công nghệ, làm việc toàn thời gian tại nhà gần thành phố Salt Lake và thỉnh thoảng mới phải đến trụ sở chính bên ngoài thành phố, tâm sự: “Tôi từng là giáo viên trung học đến lớp mọi ngày trong tuần. Khi đó, mỗi tuần vợ chồng tôi phải chi $100 tiền chăm sóc con và $70 tiền xăng. Nay chúng tôi không phải chi khoản tiền đó nữa. Thậm chí công ty bảo hiểm xe hơi của tôi khi biết tôi không còn đến văn phòng bằng xe nữa, họ đã giảm phí bảo hiểm $5 một tháng”.

Một số người than thở rằng, ngoài việc tốn thêm chi phí cà phê, bữa trưa và thậm chí đồ trang điểm, còn có “chi phí cảm xúc” và sự hụt hẫng khi mất đi sự linh hoạt trong công việc. Nhiều người nói rằng, việc trở lại văn phòng khiến họ thấy như đang bị tước đoạt một cái gì đó! Nhiều phụ huynh cho biết nếu lịch trình linh hoạt của thời đại dịch không còn nữa, họ có thể sẵn sàng nghỉ làm!

Khi nhà quy hoạch đô thị Meghan Skornia, 36 tuổi, mẹ của đứa con trai 18 tháng tuổi tìm kiếm một công việc mới vào năm ngoái, cô đã từ chối tất cả việc làm buộc phải có mặt tại văn phòng. Đối với một số người, đến văn phòng đồng nghĩa với việc phải vất vả để hòa nhập. Kenneth Thomas, 42 tuổi, cho biết anh đã bỏ việc tại công ty đầu tư vào mùa Hè năm 2021 khi công ty nhất quyết yêu cầu nhân viên phải trở lại văn phòng toàn thời gian. “Quyết định không linh hoạt đó khiến ngày làm việc ở văn phòng trở nên mệt mỏi. Trong khi làm việc ở nhà giải phóng rất nhiều căng thẳng tinh thần”. Công việc thủ quỹ của một công ty năng lượng xanh hiện nay cho phép anh làm việc từ xa hai hoặc ba ngày một tuần.

Ryan Koch, cư dân Berkeley, California, đến văn phòng của mình ở San Francisco hai ngày một tuần theo yêu cầu vào cuối năm ngoái, nhưng quyết định bỏ việc vì không thấy ý nghĩa của việc quay lại văn phòng. “Tôi vẫn có thể thực hiện các cuộc gọi điện video cho công việc ở nhà mà không cần đến văn phòng. Sự có mặt tại văn phòng không có nghĩa là hiệu quả công việc sẽ tốt hơn!” – anh nói.

Jess Goodwin, một chuyên gia tiếp thị truyền thông 36 tuổi sống ở Brooklyn, New York, đã từ chối lời đề nghị chuyển từ làm việc tự do sang làm toàn thời gian vào đầu năm nay vì mức lương không thay đổi. Cô tính toán: “Đi tàu điện ngầm đến Midtown Manhattan sẽ tốn thêm 150 giờ mỗi năm, chưa kể thời gian chuẩn bị đi làm”. Goodwin đang chờ một công việc linh hoạt hơn. “Tôi có thể kết hợp làm việc hai nơi nhưng lương bổng phải cao hơn và phương tiện đi lại phải thuận tiện” – cô nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: