Hệ thống tự lái nào số một thế giới hiện nay?

Một cuộc thử nghiệm xe tự lái ở bãi thử của hãng VW, Lower Saxony, Wittingen, Đức (Christophe Gateau/picture alliance via Getty Images)

Công nghệ tự lái đang phát triển chóng mặt. Cách đây vài ngày, một video được chia sẻ trên YouTube với cảnh hai ông cụ người Mỹ được mời lên băng ghế sau để được chở đi trên chiếc xe tự lái (ghế tài xế hoàn toàn không có người) cho thấy hai cụ kinh ngạc như thế nào và không thể tin “chuyện ma quái” gì đang diễn ra… Bất luận việc nhiều người vẫn chỉ trích công nghệ tự lái nhưng các hãng xe vẫn liên tiếp tung ra những kỹ thuật mới.

Thời điểm hiện tại, theo bài đánh giá mới đây của Consumer Reports, hệ thống BlueCruise của Ford hiện đứng đầu thế giới về mức độ an toàn. BlueCruise sử dụng hệ thống hỗ trợ lái xe chủ động (ADA – active driving assistance). Nói một cách đơn giản, ADA sử dụng đồng thời hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC-adaptive cruise control) giúp kiểm soát tốc độ và hệ thống hỗ trợ định tâm làn đường (LCA-lane centering assistance).

Theo dữ liệu của Consumer Reports, dù còn tương đối mới nhưng các hệ thống ADA đã có sẵn trên hơn 50% số xe đời 2023. Và trong 12 hệ thống ADA mà Consumer Reports hoàn thành thử nghiệm cuối năm 2022, BlueCruise của Ford đứng đầu, tiếp theo là Super Cruise của Cadillac và Driver Assistance của Mercedes-Benz. Tesla, từng đi đầu trong kỹ thuật ADA với hệ thống Autopilot, đã tụt từ vị trí thứ hai trong cuộc thử nghiệm năm 2020 xuống vị trí thứ bảy hiện nay. Đơn giản vì Tesla không thay đổi nhiều chức năng cơ bản của Autopilot kể từ khi nó ra mắt lần đầu tiên, thay vào đó Tesla chỉ bổ sung thêm một số tính năng.

Blue Cruise của Ford hiện là số một thế giới (Ford)

Hai hệ thống ADA được Consumer Reports đánh giá cao nhất – BlueCruise của Ford (và ActiveGlide của Lincoln) và Super Cruise của General Motors (Chevrolet/Cadillac/GMC) – đều sử dụng các hệ thống giám sát lái xe trực tiếp (DDMS-direct driver monitoring systems). DDMS là chìa khóa cho sự an toàn của bất kỳ hệ thống ADA nào. Trên thực tế, Consumer Reports thưởng thêm điểm cho Điểm tổng thể đối với các mẫu xe được thử nghiệm có hệ thống ADA được trang bị đầy đủ DDMS. Bắt đầu từ mùa Thu 2023, Consumer Reports sẽ trừ điểm nếu hệ thống ADA không có đủ DDMS.

12 hệ thống ADA mà Consumer Reports thử nghiệm đã được thực hiện tại Trung tâm thử nghiệm rộng 327 mẫu Anh ở Connecticut và trên một đường vòng 50 dặm trên đường công cộng, từ Tháng Chín đến Tháng Mười Hai 2022. Mỗi hệ thống được đánh giá về hiệu suất trong 40 bài kiểm tra riêng biệt, chẳng hạn khả năng điều khiển xe, kiểm soát tốc độ, giữ an toàn cho người lái… Các tính năng bổ sung như chuyển làn đường tự động hoặc phản ứng với đèn giao thông không được đánh giá trong thử nghiệm này.

Hệ thống tự lái của Tesla bị mất điểm so với các đối thủ mới (ảnh: Sjoerd van der Wal/Getty Images)

Nhóm thử nghiệm đặc biệt chú ý mức độ hỗ trợ định tâm làn đường (LCA) cũng như độ mượt mà và trực quan của hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) giúp điều chỉnh tốc độ khi xe chạy sau xe khác.

Với LCA, các hệ thống của Ford và Mercedes-Benz đều trơn tru và làm tốt việc giữ xe ở hoặc gần giữa làn đường, trên cả đường thẳng và đường cong. Phần này, hệ thống Highway Driving Assist của các mẫu xe Hyundai/Kia/Genesis bị lỗi vì hỗ trợ đánh lái kém hiệu quả, khiến xe “tự do” di chuyển qua lại giữa các làn đường, trong khi nó được “mặc định” phải chạy giữa làn đường. Đôi khi, nó “tự ý” “lạng” gần một xe khác ở làn bên cạnh. Liên quan định tâm làn đường (LCA), hệ thống Pilot Assist của Volvo/Polestar bị mất điểm vì nó thường chuyển sang chế độ chờ (standby), tức là chẳng “hỗ trợ lái” gì cả.

Đặt ra tiêu chuẩn cao trong các hệ thống ADA, BlueCruise của Ford được hỗ trợ bởi một camera hồng ngoại giám sát mắt người lái để xác định xem họ có đang nhìn đường hay không. Nếu người lái rời mắt khỏi đường trong hơn 5 giây, khi nhìn điện thoại di động hoặc ngủ gật, hệ thống sẽ cảnh báo bằng hình ảnh và một tiếng chuông. Khi vận hành trên cao tốc được lập bản đồ trước cho phép vận hành rảnh tay, BlueCruise sẽ nhắc người lái trước các tình huống rủi ro, chẳng hạn nhập làn hoặc vào khúc cua, để đặt tay trở lại vô lăng.

Super Cruise của Cadillac được đánh giá rất cao (Cadillac)

Về mức độ dễ sử dụng, hệ thống Highway Driving Assist của Hyundai/Kia/Genesis được đánh giá cao nhất, phần lớn nhờ vào sự hiển thị rõ ràng trong danh mục “điều khiển”. Kia và Honda Sensing/AcuraWatch đều có nút điều khiển riêng biệt trên vô lăng giúp người lái có thể kích hoạt ACC và LCA một cách độc lập; chẳng hạn sử dụng LCA mà không cần ACC nếu muốn; hoặc ngược lại. Rivian, BMW và Mercedes đạt điểm cao về “màn hình”. Bảng điều khiển dành cho người lái trên những phương tiện này cung cấp thông tin chi tiết về vạch kẻ đường, chẳng hạn cho bạn biết khoảng cách giữa xe của mình với vạch kẻ và giao thông xung quanh. Điều này giúp người lái hiểu những gì hệ thống đang “nhìn thấy” và tại sao hệ thống lại hoạt động như vậy.

Ngược lại, các ký hiệu khó hiểu của ProPILOT Assist trên vô lăng Nissan/Infiniti tỏ ra không trực quan khi sử dụng và dễ làm người lái rối. Lexus, Volvo và Tesla xếp cuối bảng về mức độ rõ ràng khi sử dụng và không mang lại sự an toàn. Autopilot của Tesla và Safety System+ 3.0 của Lexus đều có thể được dùng ngay cả khi… chỉ có một làn đường duy nhất. Nó tạo ra một “trung tâm” của làn đường nhưng có khi đánh lái quá gần mép đường không có vạch kẻ.

Nhóm khảo sát Consumer Reports thất vọng với hệ thống Pilot Assist của Volvo/Polestar vì nhiều lý do. Có quá nhiều trường hợp hệ thống tự chuyển sang “chế độ chờ”, có nghĩa là ACC vẫn đang kiểm soát tốc độ của xe nhưng LCA không cho phép bất kỳ hệ thống hỗ trợ lái nào! Kết quả là Pilot Assist trở nên vô tích sự.

Các hãng xe liên tục thử nghiệm kỹ thuật xe tự lái (ảnh: Julian Stratenschulte/picture alliance via Getty Images)

Dù hầu hết mẫu xe mới nhất được thử nghiệm không thể theo dõi mắt người lái, nhưng hầu hết đều có hệ thống phát tín hiệu cảnh báo nếu hệ thống cho rằng người lái xe không chú ý trong một thời gian dài, dẫn đến việc xe tự động dừng (có bật đèn báo nguy hiểm), và thậm chí kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài.

BlueCruise của Ford nhận biết tốt nhất khi người lái xe không chú ý, nhờ vào DDMS: Nếu hệ thống phát hiện người lái không nhìn về phía trước trong 4 đến 5 giây, một cảnh báo bằng âm thanh sẽ được bật lên. Nếu người lái vẫn không phản ứng, BlueCruise không dừng xe hoàn toàn, bật đèn nháy khẩn cấp hoặc gọi trợ giúp, mà giảm tốc độ xe xuống 6 dặm/giờ và tiếp tục chạy trên cùng một làn đường – và nó cứ chạy như thế, vô thời hạn.

Ngược lại, với Super Cruise của GM và Driver Assistance của Mercedes, nếu người lái không phản ứng với lời nhắc, xe sẽ bật đèn nháy khẩn cấp, xe dừng hẳn (ở bất kỳ làn đường nào mà nó đang di chuyển), và gọi trợ giúp. Ngoài BlueCruise và Super Cruise, không hệ thống nào trong thử nghiệm có thể cảnh báo người lái chú ý nếu họ chỉ đặt một tay lên vô lăng với một lực ấn nhẹ, mặc dù trong thực tế người lái có thể không nhìn đường và thậm chí có thể đang ngủ.

Nhóm Consumer Reports kết luận, người sử dụng phải hiểu những hạn chế của các hệ thống; và quan trọng nhất, bất kể gì mà các nhà sản xuất xe hơi đề cập khi tiếp thị sản phẩm, người sử dụng phải hiểu rằng không có hệ thống nào có khả năng lái xe cho bạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: