Sắp tới đây, khi sức khỏe của bạn gặp phải một triệu chứng gì đó bất thường, rất có thể bạn sẽ tự tra cứu trên Google để biết trước khi tìm đến gặp bác sĩ. Đừng ngạc nhiên nếu chung quanh bạn cũng có nhiều người hành động như vậy. Niềm tin vào Google đang mỗi lúc càng nhiều hơn trên thế giới này, thậm chí đã có nhiều người khoe rằng họ đã tự chữa bệnh bằng cách tra cứu qua “bác sĩ Google”. Một khảo sát mới đây cho thấy có đến gần 30% công chúng ủng hộ các các giải pháp tự chữa bệnh mà Google đưa ra.
Dĩ nhiên, tra Google có thể thuận tiện hơn việc đi gặp bác sĩ. Tâm lý của nhiều người mắc những triệu chứng ban đầu thường nghĩ rằng nếu như tra cứu và kết quả cho thấy không có gì nghiêm trọng, thì họ sẽ không cần phải đi bác sĩ làm gì. Và thường theo kết quả của Google, người ta trở nên lười đi bác sĩ và tự tìm cách chữa lặt vặt theo kiểu nào đó. Thậm chí cũng có người tự trấn an mình rằng đôi khi các bác sĩ chưa chắc là lúc nào cũng chính xác.
Nhưng cũng có những loại kết quả khiến người tự tìm kiếm nổi lên tâm lý muốn tránh bác sĩ vì họ không muốn nghe tin xấu thêm. Hoặc họ sẽ lo lắng đến mức dẫn đến những hậu quả có hại khác. Đôi khi tự chẩn đoán sai và hiểu lầm, sẽ dẫn đến việc họ phó mặc cho tình trạng. Một cuộc khảo sát của WebMD cho thấy với 2,000 người Mỹ, có 43% trong số họ đã tự chẩn đoán sai, sau khi tìm kiếm các triệu chứng của họ trên mạng. Và 74% nói rằng kết quả khiến họ lo lắng hơn. Chỉ có một số ít người coi tra Google là một loại công cụ tham khảo tạm thời mà thôi.
Dựa trên những kết quả tìm kiếm, các chuyên gia tìm thấy có ít nhất vài kiểu hành động đang nổi lên trên internet hiện nay, gây lo ngại cho giới y khoa. Bạn hãy thử lướt qua thông tin dưới đây xem mình có là một trong số đó hay không
Sự mù mờ về các khối u
Một y tá giấu tên đã kể lại câu chuyện của một bệnh nhân đã tự chẩn đoán sai. Người nữ bệnh nhân ấy đã tin rằng cô ấy bị u não, khi trải qua cảm giác mệt mỏi. Tìm kiếm trên Google về một giải pháp khắc phục cho tình trạng kiệt sức của mình, các kết quả lại gợi ý sự mệt mỏi của cô ấy chính là do một khối u não đang hình thành.
Ngày hôm sau, cô đã cố gắng đặt lịch khám với bác sĩ của mình. Thời gian chờ là một tuần. Trong một tuần chờ đợi đó, cô ấy không ăn không ngủ và càng lo lắng hơn. Điều này khiến cô lại tra cứu Google theo hướng niềm tin của mình và đoan chắc đã có một khối u. Trước ngày gặp khác sĩ, cô đã tự đi chụp và xét nghiệm máu rất tốn kém. Cuối cùng, bác sĩ xác định cô không có khối u não nào cả. Kết quả kiểm tra cho thấy cô ta chỉ bị thiếu máu nhẹ, khiến hay mệt mỏi. Tuần lễ tin tưởng theo hướng dẫn của Google đã khiến cho nữ bệnh nhân đó gần như suy sụp về tinh thần.
Đau – với đủ thứ nghi vấn
Debbie Kaufman bắt đầu có cảm giác kỳ lạ ở một vị trí trong dạ dày của mình, vì vậy cô ấy đã đến một phòng khám chăm sóc khẩn cấp. Họ đã làm một cuộc kiểm tra MRI cho thấy một số nốt sần không rõ nguyên nhân trên gan của cô ấy. Sau đó cô ấy sẽ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán thêm. Nhưng trong thời gian đi gặp bác sĩ, cô ấy đã tin vào các kết quả tra cứu Google và tin rằng mình có bệnh ung thư gan – và rất tệ. Điều này khiến cô tin rằng mình sẽ chết và cô phải ưu tiên làm mọi việc khi vẫn còn thời gian. Debbie đã tuyệt vọng chăm sóc con của mình, chuẩn bị nói cho gia đình biết, đến khi bác sĩ cho biết cô… không bị gì cả.
Không phải mọi thứ trên TV đều là thật
Các bậc cha mẹ cũng cần biết rằng con cái của mình cũng tra cứu các triệu chứng của mình, nếu chúng thiếu những cuộc trò chuyện gia đình hàng ngày. Một thiếu niên đã xem một trường hợp suy thận trong chương trình ‘House M.D’. Tự cho mình có biểu hiện giống với nhân vật truyền hình đó, và khi tìm kiếm trên Google, cô gái nghĩ mình đang chết. Thậm chí, khi đến phòng khám, cô khóc vì sợ mình sẽ chết trong vòng vài giờ. Nhưng rồi, mọi thứ hóa ra chỉ là chuyện Google.
Mệt mỏi vì chẩn đoán sai
Giống như câu chuyện đầu tiên, một người phụ nữ đã phải vật lộn với sự mệt mỏi trong nhiều tuần. Thay vì gặp bác sĩ, cô đã tìm đến internet. Nhưng các hướng tra cứu chỉ ra một căn bệnh tiềm ẩn không tên: Luôn mệt mỏi, một loại mệt mỏi mãn tính. Bệnh nhân này đã mua đủ các loại thuộc tạo năng lượng, bồi bổ… rao bán đầy bên cạnh các kết quả Google. Cuối cùng khi bác sĩ làm xét nghiệm máu và phát hiện rằng cô ấy bị thiếu máu, chuyện trở nên sáng tỏ, và dễ dàng điều trị bằng các loại thuốc bổ sung chính xác.
‘Tôi nghĩ mình cũng có triệu chứng giống như vậy’
Ngay cả khi bạn không tìm kiếm thông tin sức khỏe, bạn vẫn có thể tình cờ đọc được thông tin từ đâu đó. Một người dùng Facebook đã xem một bài về bệnh đa xơ cứng. Người dùng đã nhấp vào một liên kết đưa cô ấy đến một bảng thông báo mô tả các triệu chứng ban đầu của bệnh. Chẳng hạn một số triệu chứng bao gồm ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Người phụ nữ này đột nhiên nhớ như là mình cũng từng có những cảm giác đó từ trước, nên vội đi khám bác sĩ. Theo những suy đoán và đòi hỏi được chứng minh từ internet, bệnh nhân yêu cầu làm đủ các xét nghiệm tốn kém, bao gồm cả chọc dò tủy sống. Mọi thứ trở nên tiêu cực, và bệnh nhân đã bị hoang tưởng một thời gian dài, cho đến khi bác sĩ tâm lý cho biết, mọi thứ chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Việc tra cứu thông tin sức khỏe không phải lúc nào cũng nguy hiểm, vì trong một số trường hợp, nó có thể giúp bệnh nhân đi đúng hướng. Nhưng bạn càng sa vào tìm kiếm, bạn càng có nhiều khả năng rối loạn với các thông tin đồn đoán Đã có các trường hợp bác sĩ khuyên không nên mở rộng xét nghiệm vì rất tốn kém và có hại sức khỏe, nhưng một số bệnh nhân kiên quyết phải làm, vì tin vào internet hơn chẩn đoán trực tiếp.
Mặt khác, nếu Google nói với họ rằng không có gì phải lo lắng, nhưng thực tế không phải vậy thì lại càng tệ hơn. Nói chung, nếu bạn cảm thấy cần phải kiểm tra sức khỏe của mình vì nó là bất thường, bạn đừng cả tin vào các triệu chứng trên Google, mà nên liên hệ với bác sĩ của bạn. Chắc chắn là một chuyên gia được đào tạo sẽ chẩn đoán giúp bạn tốt hơn, so với chính bạn cùng internet.