Vaccine Trung Quốc: nghe thôi đã sợ!

Trung Quốc hiện có sáu ứng cử viên vaccine coronavirus đang trong giai đoạn cuối của thử nghiệm và họ cũng là một trong những quốc gia ít ỏi hiện tại có khả năng sản xuất vaccine hàng loạt. Chính phủ nước này tuyên bố sẽ tung ra một tỉ liều vaccine coronavirus vào năm 2021. Vấn đề ở chỗ mức độ hiệu quả và tính an toàn của vaccine Trung Quốc như thế nào…

Joy Zhang, giáo sư nghiên cứu đạo đức thuộc Đại học Kent (Anh), nói: “Dấu hỏi to ở đây là làm thế nào Trung Quốc có thể đảm bảo cung cấp vaccine đáng tin cậy” – theo AP 25-12-2020 – vì Trung Quốc luôn “nổi tiếng” với “sự không minh bạch về dữ liệu khoa học cũng như có bề dày lịch sử rắc rối trong việc cung cấp vaccine”. Bahrain tuần trước đã trở thành quốc gia thứ hai phê duyệt vaccine COVID-19 Trung Quốc, sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Morocco dự kiến sử dụng vaccine Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bắt đầu vào tháng này. Vaccine Trung Quốc cũng đang chờ được duyệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Brazil, trong khi việc thử nghiệm vẫn tiếp tục ở hơn một chục quốc gia, trong đó có Nga, Ai Cập và Mexico.

Tuy nhiên, ở không ít quốc gia, vaccine Trung Quốc đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả lẫn an toàn. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của ứng cử viên vaccine do công ty Trung Quốc Sinovac chế tạo. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng vaccine Trung Quốc không đến nỗi đáng sợ. Jin Dong-yan, giáo sư y khoa tại Đại học Hong Kong, nói rằng Trung Quốc đã có kinh nghiệm sản xuất thành công vaccine trên quy mô lớn, trong đó có vaccine sởi và viêm gan.

Ông nói: “Không có đợt bùng phát lớn nào ở Trung Quốc đối với bất kỳ bệnh nào trong số này. Điều đó có nghĩa vaccine an toàn và hiệu quả”. Trung Quốc cũng làm việc với Quỹ Gates và các tổ chức khác để cải thiện chất lượng sản xuất trong thập niên qua. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đã tiền kiểm (prequalified) năm loại vaccine Trung Quốc và kết luận không có gì bất thường, cho phép các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc mua cho các nước nghèo. Những công ty có sản phẩm trúng sơ tuyển có Sinovac và Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán (công ty con của Sinopharm), nơi đang phát triển vaccine coronavirus, từng dính vào một vụ bê bối vaccine năm 2018. Thanh tra chính phủ Trung Quốc phát hiện công ty này tung ra hàng trăm nghìn liều vaccine phối hợp (bạch hầu-uốn ván-ho gà) bị lỗi do dây chuyền thiết bị sản xuất bị trục trặc. Cùng năm đó, công ty Công nghệ sinh học Changsheng (Trường Sinh) đã làm giả dữ liệu về vaccine bệnh dại.

Năm 2016, truyền thông Trung Quốc khiến dư luận nước này choáng váng khi lật tẩy vụ hai triệu liều vaccine khác nhau dành cho trẻ em đã được cất giữ không đúng tiêu chuẩn y khoa cần thiết nhưng vẫn được bán khắp cả nước trong nhiều năm. Sau những vụ này, dân Trung Quốc sợ đến mức không dám đi chích người. Tỷ lệ tiêm chủng giảm đáng kể trong một thời gian dài.

“Tất cả bạn bè tôi ở Trung Quốc – thành phần “cổ cồn trắng”, khá giả – đều nói rằng họ không mua thuốc sản xuất tại Trung Quốc” – lời kể của Ray Yip, cựu giám đốc quốc gia của Gates Foundation tại Trung Quốc. Trung Quốc đã sửa đổi luật vào năm 2017 và 2019 để thắt chặt quản lý việc bảo quản vaccine cũng như tăng cường kiểm tra và xử phạt đối với vaccine bị lỗi. Các công ty sản xuất vaccine coronavirus lớn của Trung Quốc cũng công bố một số chi tiết khoa học liên quan tiến trình nghiên cứu và bào chế trên các tạp chí khoa học. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế vẫn nghi vấn về cách Trung Quốc tuyển người tình nguyện thử nghiệm và cách thức theo dõi phản ứng cơ thể ở các đối tượng này.

Các cơ quan kiểm định và quản lý dược phẩm ở Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất, nơi vaccine Sinopharm được thử nghiệm, cho biết vaccine này đạt hiệu quả 86% dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng tạm thời. Vào thứ Năm, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Sinovac có hiệu quả 91,25%. Phần mình, Sinopharm không trả lời (phóng viên AP) về dữ liệu hiệu quả của vaccine. Hai công ty Sinovac và CanSino không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Nikkei Asia (25-12-2020) cho biết thêm, dẫn đầu cuộc đua vaccine coronavirus tại Trung Quốc hiện là Sinovac Biotech, nơi thu hút sự chú ý vào tháng 9 khi Giám đốc điều hành Yin Weidong nói với truyền thông rằng 90% nhân viên công ty đã được tiêm CoronaVac. Sinovac cam kết cung cấp ít nhất 289 triệu liều CovonaVac bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc; trong đó có 125 triệu liều cho Indonesia, 60 triệu cho Chile, 50 triệu cho Thổ Nhĩ Kỳ và 46 triệu cho Brazil. Tất cả bốn quốc gia này đều đang thử nghiệm CoronaVac giai đoạn ba. Ngày 8-12-2020, công ty Bio Farma của Indonesia nói rằng dữ liệu tạm thời cho thấy CoronaVac đạt hiệu quả 97%, vượt qua cả mức 95% của Pfizer. Tuy nhiên, Bio Farma nhanh chóng rút lại kết luận và “đính chính” rằng họ chưa thể xác định mức độ hiệu quả – theo Bloomberg.

Vaccine Trung Quốc thậm chí đang bị nghi ngờ tại một trong những quốc gia hiếm hoi thế giới luôn trung thành với Bắc Kinh: Campuchia. Tháng 8-2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng các nước Mekong sẽ được ưu tiên khi vaccine Trung Quốc ra đời. Cam kết này được nhắc lại trong chuyến kinh lý Campuchia của Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng 10. Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói, đất nước của ông sẽ không chấp nhận các loại vaccine chưa được các cơ quan y tế toàn cầu chứng nhận. Ông nói: “Campuchia không phải là thùng rác… và không phải là chỗ để thử nghiệm vaccine”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: