Khách hàng giận điên vì tài khoản tiết kiệm Apple!

Tài khoản tiết kiệm của Apple là một cách để công ty mở rộng hơn nữa các dịch vụ dựa vào hệ sinh thái từ điện thoại iPhone (minh họa: przemyslaw-marczynski-unsplash)

Khách hàng của Tài khoản tiết kiệm (savings account) Apple phàn nàn thật khó để rút tiền từ tài khoản tiết kiệm này tại ngân hàng Goldman Sachs hợp tác với Apple. Một số người phải mất hàng tuần mới hoàn tất một giao dịch chuyển tiền.

Ra mắt ầm ĩ nhưng hoạt động bèo nhèo

Tài khoản tiết kiệm của Apple ra mắt vào Tháng Tư với màn phô trương ồn ào, nhưng nay, một số khách hàng nói thật khó để rút tiền gửi của họ. Wall Street Journal thuật, ngày 15 Tháng Năm, Nathan Thacker, sống bên ngoài Atlanta đã yêu cầu chuyển $1,700 từ tài khoản Apple của mình sang JPMorgan Chase nhưng mỗi lần anh gọi cho bộ phận dịch vụ khách hàng của Goldman đều được yêu cầu “hãy đợi thêm vài ngày nữa”. “Đến sáng 29 Tháng Năm tiền mới về tài khoản Chase của tôi” – Goldman kể.

Những người khác cho biết họ cũng gặp khó khăn tương tự khi chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm Apple. Các nhân viên dịch vụ khách hàng tại Goldman, nơi nắm giữ tiền gửi tiết kiệm Apple, đôi khi đưa ra những phản hồi rối rắm về những việc cần làm sau khi khách hàng yêu cầu chuyển tiền. “Có lúc khách kiểm tra không thấy tiền trong tài khoản Apple và trong tài khoản chuyển đến, rồi vài ngày sau chúng bất ngờ xuất hiện!” – một người nói. Goldman không bình luận về những trường hợp chuyển tiền quá lâu mà chỉ ra tuyên bố:

“Chúng tôi luôn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tiền gửi của khách hàng một cách nghiêm túc. Nhận xét của khách hàng về tài khoản tiết kiệm dành cho những người dùng Apple Card là rất tuyệt vời và ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Nhưng, trong khi đại đa số khách hàng không thấy sự chậm trễ trong việc chuyển tiền, vẫn có một số ít trường hợp chuyển tiền bị chậm do các quy trình được thiết kế để bảo vệ tài khoản của khách”.

Theo những người thành thạo trong lĩnh vực chuyển tiền, đối với các tài khoản hoàn toàn mới như tài khoản tiết kiệm của Apple, số tiền yêu cầu chuyển chiếm gần hết tổng số dư trong tài khoản có thể sẽ kích hoạt cảnh báo chống rửa tiền hoặc các vấn đề bảo mật khác phải được thẩm tra bổ sung trước khi tiếp tục giao dịch. Sự chậm trễ thường chỉ kéo dài năm ngày hoặc lâu hơn chút ít. Số tiền cũng có thể bị “thổi còi” khi một khách hàng cố chuyển một số tiền lớn từ tài khoản tiết kiệm Apple mới mở vào một tài khoản không phải tài khoản ban đầu của số tiền đó.

Luật sư Min-Jae Lee muốn dùng thử tài khoản tiết kiệm Apple chỉ vì bị thu hút bởi lãi suất cao. Tháng Tư, chị gửi $100,000 vào đó nhưng lại quyết định gửi tiền sang nơi khác. Ngày 1 Tháng Năm chị yêu cầu chuyển nhưng phải mất hơn ba tuần tiền mới đến nơi đến. Lee cho biết Goldman bảo chị liên hệ trước với JPMorgan Chase, nơi chị muốn chuyển tiền đến. Sau đó, theo lời khuyên của Goldman, chị đã thử chuyển tiền vào tài khoản Vanguard của mình. “$100,000 đã được chuyển đến đó nhưng lại quay trở lại Apple trong cùng ngày” – chị kể lại.

Sau đó, Goldman gọi điện và đính chính là tiền chỉ có thể được chuyển đến tài khoản ban đầu của nó. Nghe hướng dẫn, chị chuyển tiền sang tài khoản Ally vào ngày 16 Tháng Năm. Vài ngày sau, Goldman thông báo tài khoản của chị đang được xem xét đưa vào diện bảo mật. Kiểm tra tài khoản Apple không thấy số dư và tiền cũng không có trong tài khoản Ally! “Giống như màn tàng hình! Đến ngày 25 Tháng Năm mới thấy tiền trong Ally. Tôi không hoàn toàn chắc chắn lý do tại sao!” – Lee nói.

Hợp tác hai bên cùng có lợi, trừ khách hàng?

Dennis Lormel, người từng làm việc trong lĩnh vực tội phạm tài chính cho chính phủ Hoa Kỳ trong ba thập niên và hiện là cố vấn ngân hàng, giải thích: “Việc một ngân hàng trì hoãn chuyển tiền để thẩm tra là bình thường và đúng luật. Nhưng thời gian trì hoãn quá lâu trong những trường hợp này là đáng ngạc nhiên. Việc trì hoãn từ hai đến bốn tuần là thực sự lâu. Những người thường xuyên giao dịch với các ngân hàng thấy điều đó là không hợp lý!”.

Theo Bankrate.com, tài khoản tiết kiệm của Apple thu hút được nhiều người nhờ yếu tố duy nhất: Lãi suất lên đến 4.15%, rất cao so với mức trung bình của tài khoản tiết kiệm hiện nay khoảng 0.25%. Goldman cũng phát hành thẻ tín dụng (credit card) của Apple và người tiêu dùng muốn mở tài khoản tiết kiệm (savings account) phải làm thẻ tín dụng này trước. Đối với Apple, sáng kiến tài khoản tiết kiệm Apple là một cách để đưa iPhone vào các tương tác tài chính hàng ngày của mọi người, giữ cho khách hàng kết nối thường xuyên với hệ sinh thái của họ. Còn đối với Goldman, tài khoản tiết kiệm Apple là một cách để huy động tiền gửi vào thời điểm người khổng lồ của Wall Street đang gặp phải những thách thức.

Goldman đã cắt giảm lượng tiền cho vay tiêu dùng và đầu năm nay cho biết đang “xem xét các lựa chọn thay thế mang tính chiến lược” trong đó có cả quan hệ đối tác thẻ tín dụng với Apple. Sự chậm trễ chuyển tiền quá lâu đã buộc một số khách hàng phải đưa ra các quyết định tài chính mà họ không dự tính trước. Đó là trường hợp của Kevin Smyth ở Minnesota. Anh thử chuyển $10,000 từ tài khoản Apple sang U.S. Bank vào ngày 16 Tháng Năm để rút tiền mặt tu sửa tầng hầm ngôi nhà gia đình.

“Goldman bảo tôi hãy liên hệ với U.S. Bank để xem tiền đến chưa. Nhưng ngân hàng này nói với tôi họ không thấy dấu hiệu của giao dịch! Cuối cùng Goldman báo là tài khoản của tôi đang được xem xét đưa vào diện bảo mật. Tôi tweet với Giám đốc điều hành Apple Tim Cook vào ngày 25 Tháng Năm với câu hỏi: “Có vẻ ngài đang hợp tác với một ngân hàng để giữ tiền tiết kiệm của mọi người làm con tin!”

Sáng hôm sau, Smyth phải bán khoảng 12,000 cổ phiếu để có tiền mặt sửa nhà. Cuối ngày hôm đó, Goldman báo với Smyth anh sẽ phải chuyển $10,000 sang American Express vì đây là nơi gửi đầu tiên số tiền này. Chán nản, Smyth quyết định làm một việc mà anh không hề nghĩ tới: Rút hết tài khoản Apple của mình, chuyển toàn bộ $200,000 trở lại American Express!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: