Khi bị “thúc sau lưng” để cho tiền tip

Với nhiều khách hàng, việc cho tiền tip ngày càng trở nên miễn cưỡng vì “văn hóa tip” ngày càng bị lạm dụng (minh họa: christiann-koepke-unsplash)

Chưa bao giờ lời nhắc tiền tip (tiền boa) lại phổ biến như bây giờ. Đột nhiên nó xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người mua sắm bị yêu cầu thêm tiền tip từ cả các công việc và dịch vụ mà họ không ngờ tới!

Từ yêu cầu hợp lý thời Covid biến thành thói quen khó chịu

Trả tiền tip 20% trên chiếc bánh sừng bò $4 có thể là chuyện bình thường, nhưng giờ đây khi các yêu cầu tiền tip xuất hiện khắp mọi nơi, kể cả sửa khóa, sữa bột trẻ em và váy cưới thì nó đã trở thành bệnh dịch thực sự!

Một loạt các chủ doanh nghiệp đã thêm tùy chọn tiền tip vào các giao dịch đã tuyên bố thẳng: “Chính những khoản tiền tip phi truyền thống” (nontraditional tips) này đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động trong một thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt. Hơn nữa, doanh thu bổ sung từ tiền tip có thể giúp chúng tôi không tăng giá”. Tuy nhiên, người tiêu dùng có vẻ không bị thuyết phục bởi lập luận này dù họ vẫn phải thanh toán khoản tiền đột xuất này một cách khiên cưỡng. “Không thoải mái nhưng khó từ chối” là suy nghĩ phổ biến bây giờ về những khoản tiền phải trả thêm từ trên trời rơi xuống.

Trong bài báo mới đây, Wall Street Journal thuật, Will Fischer đã nhiều lần đi từ nhà ở Salt Lake City đến Spring Lake, New Jersey trong hai năm liền. Anh không thấy lời nhắc tiền tip tại các siêu thị mini ở trạm xăng vào mùa đông năm ngoái, nhưng năm này bất ngờ thấy chúng xuất hiện ở khoảng một chục điểm anh ghé mua thanh kẹo và khoai tây chiên. Fischer (làm việc tại một công ty công nghệ tài chính) cho biết: “Tôi chỉ muốn nước tăng lực chứ không muốn toàn bộ cuộc khủng hoảng đạo đức. Tôi cảm thấy có lỗi khi từ chối tiền tip vì nhân viên thu ngân cứ nhìn chằm chằm vào mình. Nhưng đây là một trạm xăng ngoài xa lộ I-80 chứ không phải là một nhà hàng sang trọng ở New York!”.

Theo các nhà nghiên cứu về chi tiêu của người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp, công nghệ sử dụng tại điểm bán hàng cho phép người bán yêu cầu tiền boa chỉ bằng một cú chạm màn hình đang giúp thúc đẩy “cuộc cách mạng tiền tip” theo hướng “cưỡng bức tinh vi”.

William Michael Lynn, giáo sư nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng và văn hóa tiền tip tại Trường Quản trị Khách sạn Nolan (Nolan School of Hotel Administration) thuộc Đại học Cornell, nhận xét: “Đại dịch (COVID-19) cũng có nghĩa là những người rời nhà để đi làm dễ gặp rủi ro. Họ nghĩ việc tự đặt mình vào rủi ro để phục vụ khách là ‘điều kiện đủ’ để yêu cầu tiền tip. Lâu dần nó trở thành thói quen bình thường và tiếp tục phát triển dù không còn rủi ro nữa”.

Thế tiến thoái lưỡng nan của các doanh nghiệp

Liz Vayda, chủ cửa hàng bán cây cảnh B.Willow ở Baltimore nhận định: “Tùy chọn tiền tip tôi thêm vào các giao dịch trong thời kỳ đại dịch mang về khoảng $1,000 mỗi hai tuần. Năm nhân viên chia tiền với nhau. Nhưng tôi thừa nhận yêu cầu tiền tip không phải là hoàn toàn hợp lý. Với tư cách là một chủ doanh nghiệp, tôi cảm thấy không thoải mái khi biết có người phàn nàn: Tại sao người chủ không trả lương cao hơn cho nhân viên? Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Cuối cùng, tôi thấy việc giữ chân nhân viên quan trọng hơn làm phiền một số khách hàng. Vì thế, kế hoạch tiền tip vẫn tiếp tục”.

Dĩ nhiên, không ai thích nghe lời nhắc tiền tip theo kiểu “thúc sau lưng” và nhiều người xem đây là hành vi làm phiền không nên có. Một số phản ứng quyết liệt. Rachel Waxman đang nghiên cứu sau tiến sĩ ở Baltimore kể lại chị đã từ chối trả thêm $20 cho một cây sung $100 khi chị đến thăm B.Willow vài lần trong năm. Chị giải thích: “Tôi không muốn kiểu tăng giá trá hình này. Tiền tip biến tướng thành một cách kiếm tiền mà không phải làm gì cả! Cửa hàng không phải là một tổ chức quyên góp từ thiện!”.

Samantha Cassandra, người sở hữu một cửa hàng thời trang dành cho trẻ em ở Woodstock, Georgia nêu ý kiến của mình:

“Tôi biết các doanh nghiệp nhỏ đang chịu nhiều áp lực, nhưng công việc của người chủ là trả lương cho nhân viên chứ không phải khách mua! Mùa xuân vừa qua, tôi rất ngạc nhiên khi thấy tùy chọn trả thêm 5% đến 15% khi thanh toán tại nhà bán lẻ trực tuyến Xpluswear. Tôi cảm thấy yêu cầu trả thêm này xúc phạm người mua đến nổi tôi đã huỷ mua chiếc áo liền quần trị giá $100 mà tôi định mua để mặc đến buổi hòa nhạc của ca sĩ Taylor Swift. Tôi nghĩ họ nên tính chi phí vào giá bán hơn là dùng mẹo moi tiền người mua”. Xpluswear phản hồi: “Khách hàng có quyền chọn không trả thêm khi thanh toán và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”.

Minh họa: sam-dan-truong-unsplash

Organic Life Start, công ty bán lẻ sữa bột trẻ em trực tuyến cho biết thời gian giao hàng sẽ được rút ngắn từ 24 giờ xuống 12 giờ nếu khách mua chịu số tiền tip từ 5% đến 15% khi thanh toán. Phát ngôn viên công ty giải thích: “Tiền tip là một cách rất thực tế để khách hàng cảm ơn nhóm quản lý kho hàng đã xử lý tốt đơn hàng của họ”.

Một trong bốn người đặt chuyến bay qua trang web du lịch Hopper cho biết họ phải tự động trả thêm từ 5 đến $10 khi thanh toán. Nhưng số tiền này được dùng để hỗ trợ các hoạt động chung của công ty chứ không chia cho nhân viên. “Trong những năm qua, chúng tôi đã có nhiều khách hàng nói là họ rất vui khi trả một khoản phí nhỏ để cảm ơn Hopper đã tìm cho họ một chỗ đặc biệt, vì vậy chúng tôi đã giữ nguyên khoản phí này – phát ngôn viên công ty giải thích – Nếu khách nói họ không muốn thêm tiền tip, Hopper sẵn sàng hoàn lại tiền”.

Giờ đây, không còn là chuyện bất thường khi các cửa hàng áo cưới yêu cầu các cô dâu tương lai để lại tiền tip cho các nhà tạo mẫu đã giúp họ tìm được chiếc váy ưng ý. Tại cửa hàng A Little Something White ở Darien, Connecticut, các cô dâu tương lai được khuyến khích để lại từ 50 đến $200 khi thanh toán. Nhân viên thu ngân cho biết những người từ chối phải nhấn vào mục “Custom Amount” (số tiền tùy chỉnh) và nhập số 0 trước khi quẹt thẻ. Váy tại cửa hàng có giá từ $2,500 đến $12,000. Chủ sở hữu Ashley Krauss khẳng định tiền tip sẽ đến tay các nhà tạo mẫu, những người làm việc trực tiếp với khách hàng và “số tiền này không ảnh hưởng đến khoản tiền thưởng (compensation) của họ”

Spa y tế và các dịch vụ sửa chữa cũng tip!

Không giống hộp đựng tiền tip (nơi bạn không thể biết ai tip, ai không tip), hiển thị tiền tip trên màn hình máy tính khiến người mua sợ bị đáng giá là người keo kiệt nếu họ từ chối. Sau khi chi $295 cho một liệu pháp bù nước qua đường tĩnh mạch tại spa y tế Clean Market ở New York City, Micaela Mangot đã rất ngạc nhiên khi thấy lời nhắc trả tiền tip cho y tá truyền nước. “Tuy nhiên, tôi vẫn để lại 10% vì bạn không muốn ai đó đánh giá thấp bạn”.

Lily Doran, người đồng sáng lập Clean Market biện bạch: “Chúng tôi không chờ tiền tip nhưng đừng ngại tip nếu người phục vụ làm hài lòng bạn”. Heather Waites làm việc trong lĩnh vực săn tìm tài năng rất biết ơn khi một thợ khóa từ QuickPro đến nhà chị ở Atlanta để sửa khóa cửa nhà để xe bị trục trặc. Nhưng chị lại cảm thấy khó chịu với khoản tiền tip 20% trong hoá đơn $150. “Tuy nhiên tôi vẫn tip vì người thợ khóa cứ nhìn chằm chằm vào màn hình, tạo cảm giác thực sự khó chịu và kỳ cục!” – Waites nói.

__________________

Tiền tip, một sự… “thất vọng trong im lặng”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: