Khóc ròng với hàng giả!

Nước hoa giả bị tịch thu tại biên giới Đức-Ba Lan (ảnh: Patrick Pleul/picture alliance via Getty Images)
Share:

Bản tin ngày 2 Tháng Năm 2022 trên website Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (U.S. Customs and Border Protection – CBP) cho biết, trong năm tài chính 2021, CBP đã bắt 27,107 lô hàng vi phạm IPR (Infringement of copyright, trademark and patents). Nói một cách bình dân và dễ hiểu hơn là hàng giả. Nếu số hàng này là hàng thật thì trị giá của chúng lên đến $3.3 tỉ! – tăng 152% so với năm 2020…

CBP Phi trường LAX (Los Angeles International Airport) tịch thu một lô hàng giả vào Tháng Hai 2022 (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Trong quyển Authenticity: Reclaiming Reality in a Counterfeit Culture phát hành ngày 12 Tháng Năm 2022, tác giả Alice Sherwood cho biết thêm, thị trường hàng giả toàn cầu trị giá đến $600 tỷ mỗi năm. Có tới 10% hàng hóa có thương hiệu được bán ra có thể là hàng giả. Doanh số hàng xa xỉ đã tăng vọt những thập niên gần đây, nhưng hàng giả thậm chí tăng nhanh hơn: Một ước tính cho thấy hàng giả đã tăng 10,000% trong hai thập niên!

Một cuộc truy quét của hải quan Pháp đã tịch thu số vải Louis Vuitton giả nhiều đến mức đủ để phủ 54 sân tennis. Chiến dịch truy bắt tại Trung Quốc đã thộp được một tên bán hàng trên mạng Taobao và thu được 18,500 túi xách, giày dép và nhiều mặt hàng khác. Một vụ đột kích mạng lưới tiêu thụ hàng giả ở Madrid đã gom được 85,000 món hàng giả chuẩn bị được tung ra thị trường dịp mua sắm giảm giá Black Friday và Giáng sinh. Tại Istanbul, vào năm 2020, gần 700,000 sản phẩm giả chuyên về chăm sóc tóc đã bị thu giữ.

Tổ chức React với có 30 năm kinh nghiệm chống buôn bán hàng giả đã giúp giải quyết khoảng 20,000 trường hợp mỗi năm, khi họ làm việc với các cơ quan hải quan và thực thi pháp luật trên 107 quốc gia. Hơn 300 khách hàng của React là những tập đoàn khổng lồ: Adidas, Abercrombie & Fitch, Converse, Nike, Puma, Levi’s, Tommy Hilfiger, Fifa, Ducati, Jack Daniel’s, Jaguar, L’Oréal, Procter & Gamble, Unilever, Warner Bros, Yamaha, PlayStation, Hello Kitty, Playboy.

Chanel dỏm tràn ngập thị trường Đức (ảnh: Patrick Pleul/picture alliance via Getty Images)

Thế giới của hàng giả lan rộng đủ sản phẩm, từ hàng thời trang cao cấp, phần mềm, CD, thuốc Tây, điện thoại di động, phụ tùng xe hơi và thậm chí thuốc lá. Tờ The Economist gọi tình trạng trên là “sự toàn cầu hóa của nạn lừa đảo”. Phù thủy hàng dỏm thời nay có thể làm giả gần như mọi thứ và có lẽ chỉ còn vài “mặt hàng” không thể đụng đến chẳng hạn tàu không gian! Trung tâm hàng giả hiện nay vẫn là Trung Quốc.

Tháng Mười Một 2021, Hải quan Ý tịch thu lô hàng dỏm với 907 sản phẩm in logo Versace nhập từ Trung Quốc (ảnh: Laura Lezza/Getty Images)

Ít nhất $16 tỉ trị giá hàng hóa bán mỗi năm tại Trung Quốc đều là “hàng giả chính cống”. Hãng mỹ phẩm Procter & Gamble cho biết họ mất 10-15% doanh thu hàng năm tại Trung Quốc do hàng giả. Tất nhiên Trung Quốc không là nơi duy nhất. Trong báo cáo “Special 301” công bố hàng năm (báo cáo năm nay tung ra  giữa Tháng 4), Phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã liệt kê hơn 30 nước hiện là “điểm nóng” của kỹ nghệ hàng giả. USTR ước tính công nghiệp Mỹ thiệt hại $200-$250 tỉ/năm bởi hàng giả. Và không chỉ tập trung ở vài nước nghèo, công nghiệp hàng giả còn được “khu vực hóa” tại vài địa điểm ít ngờ: Milan là “tổ sư” hàng da giả và Florida là “bậc thầy” làm giả phụ tùng máy bay!

Mâm xe dỏm tại Đức (ảnh: Sina Schuldt/picture alliance via Getty Images)

Năm ngoái, Cơ quan quản lý dược-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực hiện khoảng 30 cuộc điều tra về thuốc dỏm và phát hiện có cả vài sản phẩm quan trọng như Combivir (trị HIV) và Procrit (bệnh thiếu máu). Hàng dỏm xuất hiện cả ở sản phẩm phụ tùng xe hơi (chiếm 10% thị trường EU). Hẳn nhiên không công ty bảo hiểm nào chịu bồi thường nếu phát hiện chủ xe bị tai nạn bởi xài phụ tùng dỏm. Hơn thế nữa, kỹ nghệ hàng dỏm càng nguy hiểm khi tham gia sản xuất phụ tùng máy bay. Cách đây vài năm, cảnh sát Ý tấn công ba nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay dỏm tại Rome, tịch thu số hàng trị giá hơn $2 triệu. Xin nhắc lại, năm 1989, một máy bay thuộc hãng Partnair (Na Uy) đã bị rơi do cái đuôi rụng bởi đinh vít dỏm!

Đôla Mỹ giả bị tịch thu tại Indonesia (ảnh: Ivan Damanik/NurPhoto) (Photo by NurPhoto/NurPhoto via Getty Images)
Tờ 20 euro giả (trên) và tờ thật tại Đức. Chỉ riêng năm 2019 và chỉ ở Lower Saxony, cảnh sát đã phát hiện khoảng 5,000 vụ liên quan tiền giả (ảnh: Julian Stratenschulte/picture alliance via Getty Images)
Vàng còn làm giả được, nói gì đến thứ khác (ảnh: Bernd Wüstneck/picture alliance via Getty Images)

Cuộc chiến chống hàng giả là màn mèo dí chuột dai dẳng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết làm hàng dỏm. Thế kỷ 17, nhà truyền giáo Tây Ban Nha Domingo Navarette nói rằng “người Hoa là thiên tài bắt chước và họ đã làm giả đến mức hoàn hảo bất cứ thứ gì họ thấy khi sản phẩm được mang đến từ châu Âu”. Ian Lancaster thuộc Reconnaissance International – tổ chức nghiên cứu hàng giả – cho biết có nhiều tác động đằng sau cơn sốt hàng giả. Từ thập niên 1970, kỹ thuật thay thế dần sức lao động trong sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn dời nhà máy sang nước nghèo để hưởng chi phí nhân công thấp. Nhiều trong số những doanh nghiệp trên không chú ý đến luật bản quyền-sở hữu trí tuệ (IPR) khi mở nhà máy tại nước ngoài. Và bây giờ họ đang trả giá.

Tại sao cuộc chiến chống hàng giả cù cưa cù nhằng bao nhiêu chục năm nay vẫn gần như bất lực?

Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất xảy ra đồng thời với đà phát triển sự nhận biết (giá trị) thương hiệu. Bằng kỹ năng tiếp thị điệu nghệ, một sản phẩm chỉ đáng $10 đã được nâng mức hấp dẫn để đạt giá $100. Hiện tượng này hình thành một kiểu suy nghĩ phổ biến rằng giá trị hàng hóa gắn liền giá trị thương hiệu hơn là giá trị vật chất sản phẩm và đó chính yếu tố mà phù thủy hàng giả khai thác.

Internet là con dao hai lưỡi, đặc biệt trong trường hợp kỹ nghệ hàng giả. Nhờ Internet, hàng giả được phân phối nhanh hơn. Chủ tịch CIB Peter Lowe cho biết khoảng $25 tỉ trị giá hàng giả được giao dịch mỗi năm trên Internet.

Một chiếc xe Harley Davidson giả bị Hải quan EU tịch thu (ảnh: Carmen Jaspersen/picture alliance via Getty Images)

Một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp và kinh tế học thực hiện cho biết hàng giả không chỉ tác động trực tiếp doanh thu công ty mà còn ảnh hưởng công nhân. Công nghiệp hàng giả quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi, thiết bị thể thao và dược phẩm tại Liên minh châu Âu (EU) đã khiến 17,120 người mất việc và làm giảm 8 tỉ euro/năm trong GDP. Do các “thầy” trong công nghiệp hàng giả không có khái niệm nộp thuế nên chính phủ cũng thiệt hại không ít, đồng thời, những nước hứng chịu “dịch” hàng giả còn bị ảnh hưởng bởi đầu tư nước ngoài. Sony chẳng hạn, công ty này đã giảm hoạt động tại Hungary do nạn hàng giả.

Theo Bill Thompson – Giám đốc quản trị công ty do thám tư Pinkertons đặt tại Thượng Hải, cốt lõi trong cuộc chiến chống hàng giả nằm ở bốn chữ E: “enforcement”, “education”, “external pressure” và “economic growth” (triển khai luật lệ, giáo dục, sức ép bên ngoài và tăng trưởng kinh tế).

Tuy nhiên, việc triển khai luật lệ không đơn giản. Cảnh sát và hải quan nhiều nước (thuộc các quốc gia đang phát triển) thường chú ý các trọng án, chẳng hạn liên quan buôn lậu ma túy, hơn là để mắt đến bọn “cò con” hàng dỏm. Hơn nữa, tại nhiều nước nghèo, bọn phù thủy hàng dỏm dễ dàng hối lộ viên chức địa phương và có khi được cư dân địa phương bảo vệ do công nghiệp hàng giả đem lại nồi cơm cho họ. Cách đây vài năm, khi đột kích địa phận Photharam (Thái Lan) để phá ổ sản xuất thú nhồi bông dỏm (nhái hàng Walt Disney), nhân viên Pinkertons đã bị hơn 1,000 cư dân địa phương chặn đường…

Từ năm 2006, tất cả thành viên Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO) đã áp dụng TRIPS (The Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) – Hiệp ước quốc tế về bản quyền-sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nước quốc gia, đặc biệt Trung Quốc, vẫn chưa mạnh tay với những điều luật nghiêm khắc hơn trong cuộc chiến chống hàng giả. Phạt nặng là một trong những giải pháp. Tại Mỹ, tội làm hàng giả có thể bị phạt $2 triệu và 10 năm tù khi vi phạm lần đầu (nhưng tại Trung Quốc, một “tổ sư” hàng giả chỉ bị phạt tối đa $1,000 và có khi không bị giam).

Trước mắt, hàng giả vẫn tràn ngập nước Mỹ. Northern Virginia Magazine (ngày 11-5-2022) cho biết, cuối Tháng Ba, nhân viên CBP (Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) tại Phi trường Quốc tế Dulles (Washington DC) đã tịch thu 18 đồng hồ thương hiệu xịn nhưng là hàng dỏm từ một du khách Pennsylvania về Mỹ từ Dubai. Tháng Mười 2021, 806 món hàng giả trị giá hơn $1 triệu cũng được CBP tịch thu…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: