Nên thở bằng miệng hay thở bằng mũi khi ngủ?

Hình minh hoạ: bruce-mars-unsplash

Trên mạng xã hội TikTok đang lan tràn trào lưu dán miệng khi ngủ. Nhưng nó có thể gây nguy hiểm khó lường nếu không được tư vấn kỹ.

Từ trên TikTok

Các chuyên gia về giấc ngủ có thể lập kế hoạch cho mỗi thân chủ đến khám bệnh cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề y tế tiềm ẩn đằng sau việc phải thở bằng miệng. 

Nhưng hiện trên nền tảng truyền thông xã hội TikTok đang phổ biến một ý tưởng tiềm ẩn nguy hiểm không dựa vào lời khuyên hay cơ sở khoa học nào: Mọi người nên làm sao khép đôi môi lại để ngừng thở bằng miệng vào ban đêm. Nếu không tự mím được thì lấy băng keo dán miệng lại!. 

Một phụ nữ trẻ đã khoá đôi môi của mình lại mỗi đêm vì nghĩ nó có lợi cho sắc đẹp của mình. Cô nói: “Tôi ngậm miệng mỗi ngày. Ngủ đúng cách thực sự quan trọng để chống lão hóa và giúp bạn có được diện mạo và tinh thần tốt nhất. Ngậm miệng là một cách ngủ đúng”. 

Để tránh băng kéo dính theo lông mặt khi gỡ ra rất đau hoặc làm tổn thương mô mềm xung quanh miệng, một video TikTok khác khuyên dùng loại “băng giấy cũ dễ gỡ thông thường” với giải thích “có rất nhiều loại băng dán miệng lạ mắt trên thị trường nhưng bạn chỉ cần mẫu vuông nhỏ này là đủ. Vừa dễ gỡ vừa không gây tổn thương”. 

Tất cả những video dán miệng đều có vẻ ngớ ngẩn trừ video kể lại trải nghiệm thử thách trong đó một phụ nữ không thể nhớ lại lý do tại sao cô ta bắt đầu dán miệng vào ban đêm. “Sự thật mà nói, tôi không biết. Tôi đã xem trên TikTok và tôi không thể nhớ lợi ích là gì. Nhưng nó giúp tôi ngủ ngon!” – cô nói.

Hình minh hoạ: vladislav-muslakov-unsplash

Và những khuyến cáo của các chuyên viên

“Nếu bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, ý tưởng dán miệng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có rất ít bằng chứng về lợi ích của việc băng miệng và tôi thành thật khuyên các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hãy cực kỳ thận trọng trước khi thử, đặc biệt là những người nghi là bị triệu chứng ngưng thử khi ngủ” – bác sĩ Raj Dasgupta, chuyên viên về giấc ngủ, phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California nói. 

Ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) do tắc nghẽn (khi một phần hoặc toàn bộ đường thở không còn hoạt động) là một trong những rối loạn giấc ngủ phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay, vì có thể gây tử vong. Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine, hiện có hơn 1 tỷ người ở độ tuổi từ 30 đến 69 được cho là mắc chứng này. 

Các chuyên gia cho biết còn hàng triệu người khác vẫn chưa được chẩn đoán. Cũng như nhiều thứ được “khám phá” trên TikTok mà đôi khi lợi bất cập hại hoặc nguy hiểm, hành động dán miệng khi ngủ không hề mới mẻ. 

Nhiều năm qua, một số người đã tìm kiếm phương cách ngậm miệng vào ban đêm và tin rằng có lý do chính đáng: Thở bằng miệng có thể dẫn đến ngáy và khát nước quá mức vào ban đêm, cũng như khô miệng và hơi thở có mùi vào buổi sáng! Theo thời gian, thở bằng miệng sẽ gây ra bệnh nướu răng và răng trên răng dưới lệch lạc, không thẳng hàng. 

Theo Cleveland Clinic, lúc còn nhỏ, khi cách thở này bắt đầu, thở bằng miệng có thể khiến trẻ phát triển “khuôn mặt thở bằng miệng” (mặt thu hẹp với cằm hoặc hàm thụt vào). Trẻ thở bằng miệng cũng có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có liên quan đến những khó khăn trong học tập và các vấn đề về hành vi. 

Hình minh hoạ: slumber-sleep-aid-unsplash

Tại sao thở bằng mũi là tốt nhất

Để chứng minh cho lợi ích của việc bịt miệng lại khi ngủ, nhà báo James Nestor đã cho phép bịt mũi mình bằng silicone và băng phẫu thuật trong 10 ngày để xem việc thở bằng miệng sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Sau đó, trong cuốn sách “Hơi thở: Khoa học mới của một nghệ thuật đã mất”, ông nhận định: “Tác động của cuộc thử nghiệm khá nhanh chóng đến kinh ngạc”. 

Không lâu sau khi chặn đường mũi, Nestor mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở. Huyết áp, mạch, nhịp tim đều tăng vọt và nồng độ oxy trong máu giảm mạnh, khiến não ông chìm trong màn sương mù âm u. Nestor nói với CNN: “Tôi không ngờ mọi chuyện lại tồi tệ như thế!”. 

Theo các chuyên gia, thở bằng mũi luôn tốt cho sức khỏe hơn thở bằng miệng. Những sợi lông mịn trong mũi gọi là lông mao giúp lọc sạch bụi, chất gây dị ứng, vi trùng và các mảnh nhỏ bay vào. Dasgupta nói: “Mũi làm ẩm không khí trước khi đi vào phổi, trong khi không khí khô hít vào bằng miệng gây kích ứng phổi. Thở bằng mũi có thể làm giảm huyết áp bằng cách tăng oxit nitrit, một hợp chất giữ huyết áp trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, hít thở bằng mũi còn giúp thư giãn, đó là lý do tại sao nó thường được khuyến khích, cùng với yoga và thiền, như một cách cải thiện giấc ngủ”. 

Tuy nhiên, trước tiên bạn hãy kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trước khi thử ngủ với băng dán miệng. Cũng đừng băng miệng con tin theo chiều ngang giống như trong phim ảnh mà chỉ cần một chút băng dính dọc xuống đôi môi (một nghiên cứu nhỏ vào Tháng Ba cho thấy cách làm này không loại bỏ được hoàn toàn thở bằng miệng mà vẫn thở phập phồng không khí từ mỗi mặt của băng dán). 

Hình minh hoạ: tony-tran-unsplash

Thận trọng trước khi băng miệng

Có nhiều lựa chọn khác để giải quyết chứng ngủ ngáy ngoài việc băng miệng. Ví dụ dùng miếng thông mũi, thuốc giãn mũi và các bài tập miệng, cổ họng và lưỡi. Cũng nên tránh nằm ngửa khi ngủ, tư thế làm cho miệng há ra và lưỡi rơi trở lại cổ họng gây nghẽn. 

“Đẩy không khí đi qua chỗ tắc nghẽn là nguyên nhân gây ngáy – Dasgupta nói – Phải thở bằng miệng khi ngủ thường do dị ứng, cảm lạnh làm nghẹt mũi hay bị nghẹt mũi mãn tính. Một vách sụn ngăn cách lỗ mũi bị lệch có thể là nguyên nhân vì nó chặn đường thở. Polyp mũi cũng gây nghẽn. Trẻ em có thể bị phì đại tuyến lệ (tuyến sau mũi dùng chống vi khuẩn và virus). 

Nhưng theo Cleveland Clinic, phì đại sẽ co lại theo tuổi tác, vì vậy đây không phải là nguyên nhân phổ biến gây chứng phải bằng miệng ở người lớn. Tất cả các vấn đề y tế tiềm ẩn này có thể được giải quyết bởi bác sĩ tai mũi họng hoặc chuyên gia về giấc ngủ đối với từng trường hợp. 

“Tất cả những vấn đề này nên được giải quyết và đánh giá trước khi băng miệng lại. Theo quan điểm của tôi, việc băng miệng không có lý do chính đáng sẽ không thể giúp bạn ngủ ngon hơn” – Dasgupta nói.

Tham khảo: https://www.cnn.com/2022/10/26/health/mouth-taping-tiktok-dangers-sleep-wellness/index.html

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: