Ngày hết hạn thực phẩm, ghi vậy mà không phải vậy!

Việc chưa thống nhất trong cách ghi ngày hết hạn của nhà sản xuất khiến người tiêu dùng hoang mang (ảnh: artur-tumasjan-unsplash)

Không có tiêu chuẩn quốc gia về ghi ngày hết hạn thực phẩm (food expiration date) và nhiều thực phẩm tốt bị loại bỏ chỉ vì cách ghi nhãn mác gây hiểu lầm!

Bước vào một cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ thấy cách ghi ngày hết hạn rất khác nhau, từ “sell by” (bán trước ngày), “use by” (dùng trước ngày), “freeze by” (đông lạnh trước ngày) đến “enjoy by” (ăn trước ngày) và “delicious if used by” (ngon nhất nếu dùng trước ngày).

Sự nhầm lẫn về ngày hết hạn thực phẩm không chỉ gây bất tiện cho người mua sắm. Tất cả những cách ghi nhãn mác không thống nhất đó có nghĩa là rất nhiều thực phẩm còn dùng được sẽ bị lãng phí do người tiêu dùng hiểu sai ngày hết hạn và vứt bỏ chúng, ngay cả khi được lưu trữ an toàn trong tủ lạnh.

Ngoại trừ sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, Hoa Kỳ thiếu quy định tiêu chuẩn chung quốc gia về ghi ngày hết hạn của thực phẩm mà nhiều quốc gia khác đã làm. Một chuyên gia nhận định: “Việc không có luật liên bang đã dẫn đến một loạt luật riêng biệt và xung đột giữa các tiểu bang. Hệ quả là nhà sản xuất có thể ghi bất kỳ ngày hết hạn bằng ngôn từ nào họ thích lên bao bì!”.

Dana Gunders, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận chống lãng phí thực phẩm ReFED lưu ý: “Sự nhầm lẫn của cả người tiêu dùng và những người làm việc trong ngành thực phẩm đã làm cho khoảng 80 triệu tấn thực phẩm có thể sử dụng an toàn bị vất bỏ không chỉ phí phạm mà còn gây ra những hậu quả lớn về môi trường” – dẫn lại từ The Washington Post.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN Intergovernmental Panel on Climate Change), thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu chịu trách nhiệm từ 8 đến 10% tổng ô nhiễm khí nhà kính. Giáo sư Emily Broad Leib, giám đốc sáng lập của Phòng Chính sách và Luật Thực phẩm (Food Law and Policy Clinic) của Trường Luật Harvard (Harvard Law School) nhận xét: “Có rất nhiều điều chúng ta cần làm để khử carbon và đây lẽ ra phải là một trong những việc làm dễ nhất!”.

Minh họa: hillshire-farm-unsplash

Một số thành viên của Quốc hội đang cố gắng thay đổi mớ hổ lốn luật thực phẩm hiện có. Tuần trước, ba nhà lập pháp: Dân biểu Chellie Pingree (Dân chủ-Maine) và Dan Newhouse (Cộng Hoà-Washington) và Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân chủ-Connecticutt) đã giới thiệu lại một dự luật có tên là “Đạo luật ghi nhãn ngày thực phẩm” (Food Date Labeling Act) nhằm kéo giảm tình trạng lãng phí thực phẩm bằng cách tiêu chuẩn hóa việc ghi ngày hết hạn trên các sản phẩm thực phẩm. Trong khi chờ Quốc hội thông qua, đây là cách hiểu đúng ngày hết hạn (date) để cắt giảm lãng phí thực phẩm:

Biết ý nghĩa thực sự của ngày hết hạn

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hầu hết ngày hết hạn mà người tiêu dùng Mỹ nhìn thấy trên các mặt hàng thực phẩm là để bảo đảm độ tươi chứ không phải bảo đảm an toàn sử dụng. Một sản phẩm ghi hạn sử dụng “best if used by” (tốt nhất nếu được sử dụng trước ngày) có thể không ngon bằng thứ hàng mới được bày bán trên kệ nhưng vẫn hoàn toàn tốt cho sức khỏe khi ăn.

Andrea Collins, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resources Defense Council) giải thích: “Ngũ cốc cũ vẫn an toàn để ăn. Vì vậy, chúng ta đừng vội vàng ném những thức ăn nuôi sống chúng ta!”. Một số nhà sản xuất thực phẩm đo tốc độ vi khuẩn phát triển trên thực phẩm hoặc kiểm tra mùi vị để xem lúc nào chúng bắt đầu thiu. Những người khác lại dùng “kiến thức” phỏng đoán thời gian một thực phẩm còn giữ được hương vị tươi ngon.

Người sử dụng có thể tự đánh giá, trong một số trường hợp, bằng cách nhìn vào thực phẩm (ảnh: ignat-kushanrev-unsplash)

-Tận dụng khứu giác của bạn

Nếu bạn không thể tin ngày hết hạn in trên bao bì thì nên tin vào điều gì? Các chuyên gia khuyên hãy tin vào các giác quan vì chúng thường đủ tốt để đánh giá chất lượng thực phẩm. Hàng ngàn năm tiến hóa đã cho con người khả năng đánh hơi sữa hư hỏng hoặc phát hiện bánh mì mốc xanh. Hãy nghĩ về thế hệ ông bà của bạn. Thời của họ không có ngày tháng trên thực phẩm, nhưng họ đã tìm ra cách.

-Chú ý đến giới hạn thời gian bảo quản đồ gia vị và thức ăn trong tủ lạnh

Lấy ví dụ sữa chua, sau một vài ngày để trong tủ lạnh, sữa vẫn có mùi thơm nhưng bị chảy nước bề mặt. “Biến đổi này không có nghĩa là không còn an toàn để ăn!” – Dana Gunders, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận chống lãng phí thực phẩm ReFED, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ mà khứu giác không thể theo kịp tự nhiên. Ví dụ, chúng ta không thể nếm hoặc ngửi thấy vi khuẩn listeria (loại vi khuẩn này đặc biệt nguy hiểm khi mang thai và đối với người già) trong thực phẩm. Các vi khuẩn này có thể tồn tại trong tủ lạnh ở nhiệt độ đóng băng. Vì vậy, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi ăn thực phẩm có thể chứa mầm bệnh như thịt nguội và bánh mì ăn liền đã quá hạn sử dụng.

Biết khi nào giữ lạnh khi nào phải nấu chín

Theo Dana Gunders, bếp của bạn sẽ loại bỏ hầu hết các mầm bệnh. Nếu thực phẩm trông ổn, có mùi thơm, chỉ quá hạn sử dụng, bạn hãy nấu nó lên cho an tâm. Thực phẩm sắp hết hạn cũng có thể được cho vào tủ đông để sử dụng lâu hơn. Tủ đông giống như một nút tạm dừng thần kỳ. Nó giúp thực phẩm duy trì được hương vị và kéo dài thời gian sử dụng so với bình thường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: