Nghỉ hưu sớm làm gì, ‘để lời ru thêm buồn…’

(minh họa: Unsplash)

Nghỉ hưu sớm đang được coi là “niềm mơ ước” của nhiều người, nhưng không ít người sau khi nghỉ hưu lại thấy buồn chán và nuối tiếc.

Ông Hùng Phạm, 64 tuổi, chủ nhân một ngôi nhà ở thành phố Orange, California, khang trang đẹp đẽ, có hồ bơi trong xanh mát mẻ, nhưng đang rất cô đơn. “Tôi chỉ mới là dân OC (Orange County) được hai năm nay,” ông Hùng kể. “Hơn 20 năm tôi sống và làm việc ở Sacramento. Sau khi ly dị, tôi mua căn nhà này, nghĩ thôi thì giờ là lúc enjoy thôi, chẳng cần làm nữa cho mệt, thế là tôi nghỉ hưu.”

Thấy bạn bè cùng tuổi vẫn phải dậy sớm đi làm, ông nói kháy: “Sáng sáng thức dậy, mình chẳng cần biết đó là thứ mấy, ngủ không cần để đồng hồ báo thức, với mình, ngày nào cũng là chủ nhật.”

Ở một mình buồn, ông hay rủ bạn bè tới hát karaoke, “dụ khị” là nhà có nem nướng, thịt heo quay, bia bọt này nọ, nhưng chỉ được một, hai lần, sau đó chẳng ai đáp lời, vì mọi người còn phải lo làm ăn.

Luật gia John Brown, 62 tuổi, ở Houston, Texas nghỉ hưu sớm từ năm 58 tuổi, nhưng chỉ sau một năm “ngồi chơi xơi nước”, anh quyết định đi làm lại, một công việc khác, vì không chịu được sự nhàn rỗi. “Tôi không phải lo về tài chính, nhưng đi làm để thấy mình còn có thể đóng góp được cho xã hội, mà mình cũng vui,” Brown nói.

Chuyên gia tư vấn tài chính Peter Mclaughlin cũng quay trở lại làm việc sau khi về hưu sớm. “Năm nay tôi 61 tuổi, còn khỏe nên trở lại công ty sau hai năm nghỉ hưu, thấy vui nhe, vì vẫn có thể mang lại giá trị cho công ty mình. Ở không, nhiều người bị sa sút về thể chất và tinh thần, trở thành gánh nặng cho xã hội. Thôi thì còn làm việc được, cứ làm thôi. Ai cũng đến lúc tuổi già, sức yếu, nhưng tới đó rồi tính,” Peter nói.

Theo các chuyên gia, mặt tích cực của nghỉ hưu sớm là giúp người lao động chấm dứt sự căng thẳng, những thách thức của công việc. Ngược lại, cũng có người thích va chạm với khó khăn, thách thức, thậm chí họ cảm thấy buồn chán khi không có việc để làm.

Kỹ sư software Anshul Sharma, cũng bày tỏ sự thất vọng sau khi nghỉ hưu. “Tôi nhớ sự thử thách và tình bạn thân thiết trong công việc. Tôi thích làm việc với các đồng nghiệp, cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành một dự án, thay vì về nhà coi như mất kết nối với xã hội,” Sharma nói.

Bên cạnh đó, nghỉ hưu sớm đòi hỏi tính kỷ luật lâu dài trong chi tiêu, cũng như nguồn vốn đủ lớn để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của bản thân. Đây là điều không phải ai cũng làm được. Như Sharma, anh nhận thấy tài sản tích lũy không đủ để nuôi sống bản thân. Theo thời gian, số tiền anh tiết kiệm bắt đầu vơi dần, và giờ anh đi làm lại để không phải lo về tài chính nữa.

Mclaughlin cũng vậy, khi thấy mình chi tiêu nhiều hơn trước, dù con cái đã lớn, nhưng vợ chồng ông vẫn có các nhu cầu khác, không ít tốn kém, ông bắt đầu tiêu hao tài sản thay vì tích lũy. Thời gian sống của tôi còn quá dài và tài sản còn lại không đủ để tôi và gia đình tận hưởng cuộc sống,” Mclaughlin nói.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người muốn nghỉ hưu sớm là do bị mắc kẹt trong công việc bận rộn và lối thoát duy nhất là nghỉ việc. Tưởng nghỉ là khỏe, nhưng thực tế không phải vậy.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cách giải quyết tốt nhất là có một kỳ nghỉ ngắn để tái tạo năng lượng.

Cứ việc nghỉ ngơi để tạo năng lượng, rồi đi làm lại. (minh họa: Maximilien T’Scharner/Unsplash)

Trước khi quyết định nghỉ hưu sớm để thoát khỏi công việc bù đầu bù cổ suốt nhiều năm liền, Chanda Torrey lấy phép và nghỉ thêm 1 tháng không lương, để… ngủ cho đã. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, anh bắt đầu thấy chán nản và đâm ra nhớ công ty. “Hóa ra tôi chỉ cần một kỳ nghỉ thay vì một chuỗi ngày nằm dài ở nhà mà không biết tương lai sẽ đi về đâu,” Chanda nói.

10 năm sau khi nghỉ hưu, George Jerjian (68 tuổi) nhận ra cuộc sống của mình quá buồn tẻ nên quyết định khởi nghiệp với công ty tư vấn tâm lý. George Jerjian, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Dare to Discover Your Purpose: Retire, Refire, Rewire” từng phải nghỉ hưu sớm năm 52 tuổi vì bị bệnh.

Nhưng bệnh rồi cũng chữa khỏi, mà cuộc sống hưu trí buồn tẻ quá, khiến ông gần như khủng hoảng tinh thần. Ở tuổi 62, Jerjian bắt đầu xây dựng doanh nghiệp, điều mà ông không bao giờ nghĩ đến ở tuổi 20 hoặc 30. Ông mở một công ty tư vấn tâm lý và hỗ trợ cho người chuẩn bị về hưu.

Jerjian khẳng định thế hệ Gen Y và Gen Z đã trưởng thành trong thời đại nhiều thay đổi nên những cột mốc trong cuộc sống của họ, đặc biệt là tuổi hưu cũng khác với những thế hệ trước. Ông đưa ra bốn lời khuyên nhằm xóa bỏ những định kiến về việc nghỉ hưu.

Nhiều người tin rằng cuộc sống của họ có ba giai đoạn: học tập, làm việc, kết hôn. Tuổi hưu được xem như thời gian nghỉ ngơi tận hưởng. Nhưng cuộc sống không nhất thiết phải rập khuôn như thế. Ở độ tuổi 60 hay 70, bạn có thể bắt đầu sự nghiệp và xây dựng những mối quan hệ mới. Người trẻ có thể đạt đến cuộc sống cân bằng trước 65 tuổi. Vậy, hãy buông lỏng áp lực và dành thời gian cho những điều mà bạn thích mỗi ngày.

Ông nói, lúc còn bé, ai cũng có tính tò mò nhưng càng lớn tuổi, người ta càng ít đặt câu hỏi. Não bộ luôn cần được luyện tập và việc học hỏi giúp chúng ta cảm thấy kết nối với thế giới.

Hãy đi sâu vào những thứ mà bạn quan tâm. Ví dụ như Jerjian đã dành thời gian nghiên cứu về tâm trí, tính cách và bản thể của con người. Bạn có thể theo đuổi bất kỳ thứ gì mà bạn muốn như làm vườn hoặc xây dựng tổ chức từ thiện.

Xã hội ngày nay khiến chúng ta nghĩ rằng vạn vật hay con người đều có giới hạn. Gần 50% số trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ được dự kiến sẽ sống đến 100 tuổi, theo Stanford Center on Longevity (Trung tâm Stanford về tuổi thọ). Jerjian nói, người trẻ không nên đặt giới hạn cuộc đời của mình ở tuổi 65 và “ngồi yên” gần 40 năm sau đó.

Nhà triết học La Mã Cicero nói người lớn tuổi vẫn có thể làm nhiều thứ khiến họ hạnh phúc. “Nếu bạn hỏi người lớn tuổi về những hoạt động cộng đồng hay tâm trí họ, đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên vì con người bên trong họ không hề già đi,” Jerjian nhận định. “Bạn cũng vậy, hãy nên khám phá những thách thức và tìm niềm vui từ đó.”

George từng nghĩ mình sẽ sống rất thọ, cho đến tuổi 52 thì nhận được kết quả chẩn đoán ung thư và bác sĩ tiên lượng ông chỉ sống được sáu tháng nữa. Rất may là chẩn đoán đó sai,  khiến ông thức tỉnh, trở nên bình thường hóa cái chết.

“Tôi nhận ra cái chết có thể đến bất cứ lúc nào để bỏ đi những âu lo. Nó khiến tôi làm nhiều hơn cho những điều thật sự quan trọng với mình,” Jerjian nói.

Còn với Hùng Phạm, thấy bạn bè vẫn đi làm, còn mình thì nằm chèo queo, thỉnh thoảng buồn quá, anh lại mở karaoke ngồi hát một mình. Người ta hát “lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn”, còn anh lại ngân nga “nghỉ hưu sớm làm gì, để lời ca thêm sầu.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: