Nghỉ phép dài ngày để nạp năng lượng, làm tốt hơn!

Nhiều người lao động trong các khu vực của nền kinh tế đã và sẽ thấy nghỉ việc dài ngày là chìa khóa để họ làm việc tốt hơn. (minh họa: Unsplash)

Người Mỹ đang thật sự kiệt sức! Sau khi lao đao vì COVID-19, chăm sóc con cái bị “tù cẳng” ở nhà, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng, rồi khan hiếm chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao chờ… suy thoái kinh tế, người Mỹ lao vào TikTok, YouTube, Facebook như con thiêu thân để giải sầu và họ thật sự mệt mỏi trong “cuộc chiến sống còn” kéo dài đến ba năm.

“Sản phẩm” của đại dịch

Trong khi hơn 50 triệu công nhân mất việc hay bỏ việc làm vào năm ngoái để tìm kiếm việc làm tốt hơn, một xu hướng quan trọng đã hình thành: Người Mỹ cuối cùng cũng chấp nhận phải có thời gian dài dành cho nghỉ ngơi trong quá trình làm việc. Ý tưởng nghỉ làm vài tháng, thậm chí một năm từng là điều “cấm kỵ bất thành văn” ở đất nước này. Nhưng đại dịch đã thay đổi quan điểm của xã hội Mỹ về công việc. Hiện nay, người Mỹ có xu hướng ưu tiên hơn cho sức khỏe, hạnh phúc gia đình và ít trung thành với công ty hơn sau khi đợt sa thải lớn trong cuộc suy thoái 2008-2009 tái hiện trong đại dịch.

Nghỉ phép dài ngày ngày càng phổ biến trong các khu vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ và trong lực lượng lao động. Trong một phân tích cho The Washington Post, công ty theo dõi bảng lương Gusto nhận thấy số nhân viên nghỉ phép hơn vài tuần đã tăng mạnh kể từ khi COVID-19 tấn công. Vào Tháng Giêng, 2022, khoảng 6% lao động chọn nghỉ phép dài ngày thay vì nghỉ phép thường niên, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2019. Gusto phát hiện những người từ 25 đến 34 tuổi nghỉ phép nhiều nhất, tiếp theo là độ tuổi từ 35 đến 44. Phụ nữ cũng nghỉ dài ngày nhiều hơn nam giới, chưa tính những bà mẹ bỉm sữa nghỉ chăm con mới sinh. Kể từ khi dịch vụ nhân dụng LinkedIn đưa ra tùy chọn nghỉ việc vào Tháng Ba năm ngoái, trong đó cho phép mọi người đánh dấu vào ô để hiển thị trạng thái nghỉ phép của họ, hơn nửa triệu người đã sử dụng nó.

Xu thế thời đại

Một số người nghĩ xu hướng mới là “sự kết thúc tham vọng làm giàu” của tầng lớp lao động trẻ, nhưng các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu mới nhất cho thấy nghĩ như thế là không đúng! Đây không phải là một kết thúc của tham vọng mà là định nghĩa lại nó. Chị Tricia Cuna Weaver, người đã nghỉ phép chín tháng sau khi bán cổ phần của mình trong một công ty tài chính kỹ thuật số, tâm sự: “Bằng cách nghỉ phép dài hạn, tôi đã giành lại quyền kiểm soát những gì quan trọng đối với cuộc sống của mình và những gì nên hướng tới. Đã đến lúc tôi phải trở thành ông chủ của chính tôi. Nếu tôi không làm điều đó bây giờ thì còn chờ đến khi nào?” Weaver, 39 tuổi, nằm trong số lao động từng nghỉ làm từ hai tháng đến một năm kể từ năm 2021.

Những người từ 25 đến 34 tuổi nghỉ phép nhiều nhất, tiếp theo là độ tuổi từ 35 đến 44. (minh họa: Unsplash)

Nhiều người có trải nghiệm giống nhau: Họ làm việc không ngừng nghỉ từ khi còn thiếu niên lúc vừa bước sang tuổi 20. Đa số thăng tiến nhanh chóng trong nấc thang nghề nghiệp nhưng họ phải đối mặt với sự căng thẳng quá mức trong mùa COVID đến nỗi chợt tỉnh là “phải có thay đổi đột phá mới có thể thoát khỏi guồng quay đang nghiền nát mình”. Một y tá khóc lần đầu tiên trong 30 năm làm việc sau khi phải nói với một bệnh nhân chờ phẫu thuật bệnh viện không còn giường nữa. Một đầu bếp nhận ra mình bắt đầu rơi vào trạng thái chán nản đến mức phải tìm đến rượu. Một số người thú nhận họ bị ám ảnh và rất sợ hãi về tác động tiêu cực của công việc đang làm đối với sức khỏe và hốt hoảng khi thấy cha mẹ, người thân và bạn bè qua đời vì những nguyên nhân có liên quan đến công việc. Một số lao động xin chủ cho nghỉ vài tháng, số khác bỏ hẳn công việc đang làm và tạm sống bằng tiền tiết kiệm. Không ai hối tiếc về sự chia tay với công việc và tất cả đều có chung nhận thức rút ra được trong thời gian nghỉ việc: Có điều kiện đề suy nghĩ xem mình là ai bên ngoài công việc.

Những ưu tiên sống

Elizabeth Rojas Levi, 35 tuổi đi du lịch liên tục kể từ khi rời công việc điều hành công ty vào năm ngoái. Từ thị trấn ven biển Ayampe, Ecuador cô hào hứng nói với phóng viên The Washington Post: “Có thể đã lên chức giám đốc điều hành, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ là phiên bản tốt nhất của chính mình nếu cứ lao theo tham vọng đó. Cái tôi cần là một khoảng trống nghỉ ngơi để có thời gian chiêm nghiệm đúng hơn về mình và đóng góp tốt hơn cho gia đình, cho xã hội”.

Gần đây, nghỉ phép dài ngày để đi du lịch không còn là đặc sản của những người giàu có. Một số nhân viên nhà hàng trẻ tuổi cũng cố xoay xở khoảng hai tháng nghỉ nhờ khoản tiết kiệm tích lũy được từ cứu trợ đại dịch để có cơ hội vui sống nhiều hơn cạnh gia đình và bạn bè. Trong thị trường lao động khó khăn hiện nay, họ vẫn tự tin có thể tìm được công việc tốt sau khi trở lại với công việc. Ngay cả nhiều nhân viên văn phòng cũng không lo lắng việc nghỉ phép sẽ gây hại cho sự nghiệp mà họ nhìn nhận xu hướng mới với sự lạc quan bất ngờ.

Khi ngày càng có nhiều lao động nghỉ phép dài ngày hơn, một số nhà tuyển dụng bắt đầu xem nghỉ phép dài ngày là có lợi và là cách để phục hồi năng lượng cho nhân viên, chống lại kiệt sức. Theo Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (Society for Human Resource Management), khoảng 5% công ty có trả lương cho nghỉ phép dài ngày và 11% đưa ra các lựa chọn khác. Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, nhận xét: “Xu hướng nghỉ phép dài ngay gia tăng nhanh đến nỗi các công ty tuyển dụng đã đưa nó vào thông báo tuyển người như một ‘đặc quyền’ của họ”.

Theo nghiên cứu của DJ DiDonna, người sáng lập Dự án Sabbatical và là giảng viên cao cấp tại Đại học Harvard, cho thấy 80% người nghỉ phép dai ngày đã quay trở lại công ty. Nạp năng lượng xong họ quay về. DiDonna lưu ý: “Phải mất sáu tuần nghỉ phép mới nạp đủ năng lượng và giảm mạnh căng thẳng do công việc. Nghỉ phép dài ngày giúp lao động khám phá lại vị trí của mình trong xã hội và điều gì là quan trọng nhất khi mở ra chương làm việc mới. Nếu bạn nghỉ sáu tháng cho mỗi 10 năm làm việc, thời gian nghỉ sẽ chiếm 5% thời gian làm việc”.

Nhiều người lao động trong các khu vực của nền kinh tế đã và sẽ thấy nghỉ việc dài ngày là chìa khóa để họ làm việc tốt hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: