Những nỗi khổ “thầm kín” của nữ bác sĩ bệnh viện

Minh họa: alexandr-podvalny-unsplash

Những bình phẩm khiếm nhã và những cái vỗ mông bất ngờ là hai trong những hành vi quấy rối mà các nữ bác sĩ phải chịu đựng thường xuyên khi làm việc tại bệnh viện.

“Lãnh địa” của nam giới

Trong khi y học ngày càng đa dạng, phong phú, văn hóa bệnh viện vẫn còn “thù địch và xem thường” những phụ nữ hành nghề y. Một nữ bác sĩ nghỉ sinh, các đồng nghiệp nam phản đối vì chị chọn thời gian nghỉ ngay vào lúc bệnh viện vào mùa cao điểm khiến họ phải gánh thêm công việc tại phòng chăm sóc đặc biệt và trực đêm. Một người mô tả chị là người “vô trách nhiệm, mang thai không nhìn vào thời biểu để chọn thời gian bệnh viện ít việc hơn”.

Những câu chuyện quái đản này không phải hiếm đối với các nữ bác sĩ ở Mỹ – The Washington Post cho biết. Nữ giới không chỉ có tiêu chuẩn khác nam giới khi nói đến chuyện “tạm ngừng mang thai” mà họ còn thường xuyên phải hứng chịu những bình phẩm ác ý, thô tục từ bệnh nhân và cả các đồng nghiệp nam. Trong các lời bình phẩm khiếm nhã dựa trên giới tính có việc bệnh nhân nhận xét về trang điểm và ngoại hình của nữ bác sĩ; các đồng nghiệp nam đưa ra lời khuyên hãy chọn nghề khác để còn thời gian lo cho gia đình.

Có bệnh nhân xem bác sĩ nữ không phải là… bác sĩ chỉ vì họ là nữ. Một bác sĩ cho biết chị bị chê bai vì giọng nói hoặc dặn dò quá nhiều cho bệnh nhân. Sự thù địch đối với các bác sĩ nữ không hề có nghĩa là bác sĩ nữ không giỏi bằng bác sĩ nam (thậm chí có nhiều người còn giỏi hơn). Một số nghiên cứu cho thấy các bác sĩ phẫu thuật nữ hoàn thành ca mổ tốt hơn các bác sĩ phẫu thuật nam. Các bác sĩ nữ cũng dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân trong phòng khám, chịu khó lắng nghe, giải thích cặn kẽ hơn và có xu hướng gây được thiện cảm hơn trong giao tiếp. Những bệnh nhân nặng được phân công bác sĩ nữ chăm sóc có nhiều khả năng sống sót sau khi nhập viện.

Minh họa: bermix-studio-unsplash

Những câu chuyện cụ thể

Nhìn chung, các nữ bác sĩ đều làm rất tốt công việc của mình. Nhưng điều đó không ngăn được các đồng nghiệp nam hoặc bệnh nhân đối xử với họ như thể họ không thuộc “tầng lớp bác sĩ”.

Một nữ bác sĩ kể lại: “Một bệnh nhân nhập viện và tôi đã trò chuyện rất nhiều lần với anh ta và gia đình anh ta, nhưng khi thấy một nam kỹ thuật viên X-quang bước vào phòng sau tôi, bệnh nhân của tôi thở dài như trút được gánh nặng: ‘Cuối cùng, tôi cũng gặp được bác sĩ!”.

Quấy rối tình dục, cả từ bệnh nhân và đồng nghiệp, cũng diễn ra tràn lan. Một báo cáo năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (National Academies of Sciences, Engineering and Medicine) phát hiện khoảng một nửa số nữ thực tập sinh bác sĩ từng bị quấy rối tình dục, gần gấp đôi tỷ lệ trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật khác. Thậm chí có nữ bác sĩ chứng kiến bệnh nhân nam thủ dâm trước mặt mình. Một nữ bác sĩ kể lại, trong một cuộc phỏng vấn ở trường y, một bác sĩ cấp trên nói cơ thể chị rất gợi cảm, và thỉnh thoảng lại có một bệnh nhân cắt ngang cuộc hội ý nghiêm túc về bệnh án để… vỗ mông chị!

Arghavan Salles là một bác sĩ phẫu thuật nhưng phải chuyển sang nghiên cứu về bình đẳng giới, thành kiến với các nữ bác sĩ và sức khỏe của họ. Lý do là bà đã trải qua quá nhiều hành vi và thái độ không tốt khi còn là bác sĩ phẫu thuật khiến bà phải chia tay với nghề mình đã chọn. Thống kê cho thấy 40% nữ bác sĩ cũng có quyết định tương tự sau khi bỏ ra sáu năm cho phẫu thuật.

Một bác sĩ bỏ nghề nói: “Lý do phụ nữ bỏ nghề y là do nhiều yếu tố chứ không chỉ vì họ không muốn làm việc toàn thời gian như nhiều người nói. Danh sách các lý do khá dài: Từ xâm hại, quấy rối tình dục đến phá hoại công việc họ làm và bệnh viện thiếu sự hỗ trợ cho gia đình họ”.

Năm ngoái, tờ Journal of the American College of Cardiology công bố báo cáo về những thách thức phụ nữ khoa tim mạch phải đối mặt khi mang thai. Hơn 40% bị giảm lương trong năm mang thai, 36.5% bị biến chứng thai kỳ, gần 75% phàn nàn cách đối xử của đồng nghiệp lúc họ mang thai là “phân biệt hoặc không đúng đắn”. Nhiều nữ bác sĩ lo lắng những ca làm việc kéo dài và môi trường làm việc độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và sức khỏe của thai nhi nếu họ quyết định có con. Để thoát khỏi bế tắc chỉ có cách bỏ việc. Thống kê cho thấy nữ bác sĩ có tỷ lệ vô sinh và sẩy thai cao gần gấp đôi so với dân số nói chung, trong đó có hơn 40% nữ bác sĩ phẫu thuật bị sảy thai.

Minh họa: jeshoots-com-unsplash

Loại bỏ dần sự phân biệt

Dù các nữ bác sĩ có xu hướng đạt kết quả tốt hơn và thực hành giao tiếp tốt hơn nam giới, nhưng điều này không nhất thiết dẫn đến điểm hài lòng của bệnh nhân cao hơn. Bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sức khỏe thường muốn nữ bác sĩ dành nhiều thời gian hơn cho họ và giao tiếp với họ nhiều hơn.

Một nghiên cứu cho thấy nữ bác sĩ nhận được nhiều hơn 26% tin nhắn trong hộp thư đến (từ cả đồng nghiệp và bệnh nhân) so với đồng nghiệp nam. Khoảng cách về lương theo giới tính trong ngành y không phải do phụ nữ làm việc ít giờ hơn. Tờ The New England Journal of Medicine nhận thấy các nữ bác sĩ tạo ra ít doanh thu phòng khám hơn vì họ dành quá nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân trực tiếp. Họ cũng được thăng chức chậm hơn và trả lương thấp hơn.

Trong quá khứ, phụ nữ trong ngành y phải cắn răng chịu đựng những thách thức và quấy rối bằng cách cam chịu và làm việc chăm chỉ. Họ có năng lực, đáng yêu nhưng không kiêu ngạo và không tự cao tự đại.

Nhưng hiện nay phụ nữ không còn là “thiểu số im lặng” trong ngành y. Số sinh viên y khoa nữ đang nhiều hơn nam. Điều này mang đến cơ hội thay đổi văn hóa ngành y đã lỗi thời từ lâu để ưu tiên lấy bệnh nhân làm trung tâm hơn là khuynh hướng gia trưởng nam giới, lấy bằng chứng tay nghề hơn là lòng trắc ẩn và thành kiến kiểu cũ. Các sáng kiến như Hội nghị thượng đỉnh về Phụ nữ trong Y học (Women in Medicine Summit) do bác sĩ ung thư Shikha Jain thành lập đã tạo cơ hội cho tất cả bác sĩ cùng nhau suy nghĩ tìm ra cách để đạt được một môi trường y tế thân thiện hơn, không chỉ cho phụ nữ mà cho cả các bác sĩ có tư duy tiến bộ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: