Phải kiếm việc làm thêm để không bị… ‘viêm màng túi’

Nhiều người phải kiếm thêm việc làm để đủ chi phí do vật giá leo thang. (minh họa: Andres Classon/Unsplash)

Dù xăng giảm giá trong vài tuần qua, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều người phải kiếm thêm job để tăng thu nhập.

Anh Albert Elliott ở North Carolina, kể với Washington Post, mỗi tuần chiếc Kia Soul của anh phải “cày” liên tục trên quãng đường hơn 60 dặm từ Fayetteville đến nhà kho của Amazon ở Raleigh – nơi anh làm việc. Với công việc ở đây, Elliott được trả $15.75/giờ. Trước thì tạm được, nhưng gần đây, giá xăng tăng quá, nhiều khi anh chỉ đủ tiền đổ nửa bình xăng, chứ không được đầy bình.

Một người, hai, ba ‘job’

Tháng trước, khi giá xăng tăng đến mức chóng mặt, Elliot cũng quay cuồng khi đi đổ xăng, chưa kể các khoản chi phí “ăn theo” giá xăng. Chịu không nổi, Elliot phải nhận công việc thứ hai ở trường cao đẳng cộng đồng với chân… gác cổng. Công việc nhàn hạ, nên anh chỉ được trả $10/giờ, mỗi tuần làm hai ngày. Tình trạng lạm phát, buộc những người lao động như Elliott phải tìm công việc thứ hai và tăng giờ làm để trang trải các chi phí thông thường.

Thật ra người lao động phải kiếm thêm việc để làm, không phải chỉ bây giờ, mà đã có từ trước, nhưng ngày càng tăng. Dữ liệu từ Fed St. Louis cho thấy tỷ lệ người làm cùng một lúc nhiều công việc tăng đều đặn, từ 4% vào Tháng Tư 2020 lên 4.8% vào Tháng Sáu 2022. Mọi người đảm nhận nhiều công việc thường là dấu hiệu của một thị trường việc làm lành mạnh, nơi người lao động có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, nó cũng là một dấu hiệu của sự căng thẳng tài chính ngày càng tăng.

Theo quy định của Bộ Lao Động, công việc toàn thời gian là làm 35-40 giờ/tuần, nhưng trên thực tế có người phải làm tới 70 giờ/tuần mới đủ sống. “Với gánh nặng lạm phát và tăng nhu cầu tuyển lao động, tôi không ngạc nhiên khi thấy mọi người phải làm gấp đôi số công việc,” Heidi Shierholz, Chủ tịch Viện Chính sách Kinh tế, nhận định.

Kiếm thêm việc làm ở nhà để giảm tiền xăng đi lại. (minh họa: Unsplash)

Mua ít hơn, trả nhiều hơn

Hermes Diaz, công nhân xây dựng ở quận hạt Queens, New York nhận công việc thứ hai là công nhận vệ sinh hồi Tháng Năm vì giá cả tăng cao và lĩnh vực xây dựng ít cơ hội việc làm hơn. Cả hai công việc khiến ông phải làm tổng cộng có khi tới 90 giờ mỗi tuần, thì mới đủ trang trải tiền chợ búa, tiền thuê nhà và học phí đại học cho con gái. “Cái gì cũng đắt, từ những bộ quần áo rẻ tiền, trái cây hay gạo, đến trứng bây giờ cũng quá đắt. Tôi đang mua ít hơn rất nhiều, nhưng phải trả nhiều tiền hơn,” Diaz nói.

“Có những người muốn có nhiều công việc để kiếm thêm tiền, nhưng với nhiều người khác, đó là sự cấp bách vì thu nhập mọt việc không đủ sống,” Nick Bunker, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Indeed Hiring Lab, cho biết. Hồi tháng trước, thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 5.1%. Nhưng với hầu hết người lao động, “tăng chút đỉnh” kiểu này là điều vô nghĩa, vì lương tăng không theo kịp lạm phát.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), giá cả tăng cao đồng nghĩa tiền lương giảm 3.6% khi được điều chỉnh theo lạm phát trong năm qua. Ngoài ra chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như xăng, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng vọt khi lạm phát tăng ảnh hưởng lớn đến những người lao động có mức lương thấp.

Anneisha Williams, một bà mẹ đơn thân, 37 tuổi ở Los Angeles, kiếm được $16.25/giờ với công việc chăm sóc trẻ tại nhà. Tháng trước, chủ nhà của chị tăng tiền thuê thêm $130/tháng, nghĩa là mỗi tháng tiền nhà “ngốn” của chị $1,730, cho một căn hai phòng ngủ. Chị phải tìm thêm công việc thứ hai là nhân viên thu ngân tại chuỗi thức ăn nhanh Jack in the Box. “Nếu không làm thêm, tôi không đủ trả tiền nhà, sẽ thành homeless mất thôi”, chị nói.

Muốn không bị “viêm màng túi” thì đành “window shopping” mà thôi. (minh họa: George Bakos/Unsplash)

Sợ bị ‘viêm màng túi’

Giá xăng tăng đẩy mọi thứ “trên trời dưới đất” tăng theo, nên nhiều người chuyển sang mua thịt và sữa loại rẻ hơn, giảm ăn hàng, không đến tiệm nails, và nếu có thấy mỹ phẩm làm đẹp, túi xách, giày dép hàng hiệu các kiểu, thì cũng đành “gặp nhau làm ngơ”. Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu NPD Group, trong 10 người tiêu dùng, có hơn tám người cân nhắc, hoặc giảm chi tiêu trong ba đến sáu tháng tới. “Người tiêu dùng đang ‘đấu tranh tư tưởng’ xem là mua thứ mình muốn, hay là đối mặt với khả năng bị… ‘viêm màng túi’,” Marshal Cohen – Giám đốc bộ phận cố vấn bán lẻ tại NPD nói.

Bên cạnh đó, ở các cửa hàng tạp hóa, Cohen cho biết người tiêu dùng không chỉ mua ít, mà còn biết kềm chế thói quen “mua tùy hứng”, chưa cần mà vẫn cứ rinh về. Walmart cũng cảm nhận sự sụt giảm khi các gia đình ít lui tới và nếu đến thì cũng mua ít hơn. Dữ liệu cho thấy trong ba tháng đầu năm, người tiêu dùng giảm mua 6% các mặt hàng tại các cửa hàng tạp hóa so với cùng kỳ năm ngoái. Tần suất đi mua sắm cũng giảm 5%. Ở Target cũng vậy, khách hàng giảm mua những thứ như đồ nội thất, TV và dụng cụ nhà bếp.

Khách lui tới chuỗi cửa hàng Dollar – nơi mà giá hầu hết các mặt hàng là $1/món cũng giảm dần. Đại diện Dollar General cho biết trong báo cáo tài chính của quý trước, rằng khách hàng đang mua sắm “có chủ đích hơn” và lựa chọn mặt hàng giá thấp hơn, chứ $1 vẫn cần phải… suy nghĩ lại.

Neil Saunders – Giám đốc bán lẻ tại GlobalData Retail cho biết. “Mọi người sẽ phải lựa chọn. Chúng ta đang ở trong thời kỳ đầu của lạm phát. Nếu tình trạng giá cả leo thang kéo dài, chi tiêu sẽ bị cắt giảm sâu hơn và nhanh hơn nữa”.

Nhưng có điều mâu thuẫn, là người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi cho những đồ không thiết yếu, tất nhiên loại có giá trị thấp. Chuck Howard – giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Mays, Texas, giải thích rằng việc này phụ thuộc vào quan điểm và tài chính của từng người.

Với một số người, họ sẵn sàng chi một khoản nhỏ cho nước hoa. Còn với người khác, chỉ dám với tay lấy một thanh chocolate ở quầy thu ngân, chứ không bốc vài thanh cho vào giỏ như trước.

Đây là lý do vì sao nhiều sản phẩm như bình thơm xịt phòng hay nến vẫn có doanh số ổn định. Priya Raghubir, giáo sư tại Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York cho biết đây được gọi là “hiệu ứng son môi”, nghĩa là người tiêu dùng vẫn chi cho các sản phẩm xa xỉ dạng nhỏ nhỏ, như nước hoa hay mỹ phẩm, dù kinh tế đang đi xuống. Tất nhiên, nếu chi tiền cho những sản phẩm này, họ sẽ phải giảm chi cho mặt hàng khác. Các nhà phân tích nhận định, với dịch vụ ăn hàng, có lẽ phải đến năm 2025 mới quay về mức trước khi đại dịch xảy ra.

Trước tình hình này, nhiều người làm việc văn phòng có thể cắt giảm chi phí nhiên liệu bằng cách tìm việc làm từ xa hoặc chuyển đến các thành phố có mức sống rẻ hơn.

(theo Washington Post, CNN)

Đọc thêm:

-Bỉ cho phép người dân làm việc bốn ngày một tuần

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: