“Phản hồi sinh học” – liệu pháp đẩy lui bệnh tật

Minh hoạ: Bret Kavanaugh/Unsplash

Khi phản hồi sinh học (Biofeedback) ra đời vào năm 1962, các nhà khoa học tin rằng tinh thần và thể xác của con người có thể được lợi nhờ kỹ thuật mới mẻ này. Các nhịp điệu sinh học như sóng não, nhịp tim, nhịp thở, cơn đau, độ đàn hồi cơ bắp… có thể đo được trong thời gian thực và hiển thị trên màn hình. 

Từ một thí nghiệm của quân đội Mỹ

Hãy nhìn vào một thí nghiệm của quân đội Mỹ: Khi một người lính thức dậy sau khi trải qua cơn ác mộng, anh đến phòng máy tính trang bị đầy đủ của đơn vị, đeo kính 3D và mang công cụ phản hồi sinh học “Heart Rate Variability” trên cánh tay. Sau đó, anh mở phần mềm “Book of Dreams”, và với vài cái nhấp chuột, anh đi vào thế giới ảo Second Life để phục hồi lại cơn ác mộng. 

Được tài trợ bởi Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải quân NMRC, cuộc thử nghiệm “Power Dreaming” có mục đích “hoá giải cơn ác mộng cho những người lính để họ có thể quay lại chiến trường trong tinh thần lạc quan”. Phục hồi ác mộng là cách tốt nhất để tìm ra phương cách điều chỉnh nhịp điệu sinh học, đưa người lính trở về trạng thái trước khi bị ác mộng (thường là sau một trận chiến đẫm máu hoặc một vụ đánh bom liều chết) để họ có thể lấy lại cuộc sống bình thường. 

Minh hoạ: Anete Lũsina/Unsplash

Cuộc thử nghiệm kéo dài bốn năm và tốn kém gần $4 triệu đã rút ra kết luận: Thông qua các công cụ phản hồi sinh học và phần mềm (ứng dụng) đi kèm, con người có thể làm thay đổi các nhịp điệu cơ thể theo hướng có lợi, giúp loại bỏ những giấc mơ xấu và một số bệnh tật. Trên thực tế, Biofeedback với những ứng dụng đi kèm đang trở thành trào lưu chăm sóc sức khoẻ của thời đại công nghệ thông tin. Nó cho phép người tham gia tự điều chỉnh nhịp điệu cơ thể, từ nhịp tim đến nhịp thở để đưa cơ thể về trạng thái chưa bị kích hoạt bởi stress, nguyên nhân của nhiều bệnh tật. 

Những ứng dụng (app) dựa vào kỹ thuật Biofeedback cài đặt trên các công cụ thông minh như smartphone, laptop hứa hẹn giảm nhanh stress và nhiều yếu tố gây hại cho sức khoẻ khác bằng cách thông báo thường xuyên những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn, đặc biệt là những nguy cơ. Vậy chúng hoạt động như thế nào. “Nhẹ nhàng khép mắt lại. Lắng nghe âm thanh mà bạn đang chìm vào”

Khi bạn tập trung ý thức vào những phần khác nhau của cơ thể, âm thanh, giống như tư tưởng, sẽ êm dịu hơn nhiều. Nếu bạn để cho tư tưởng tự do phiêu bồng không chủ đích, âm thanh sẽ trở nên ồn và chói tai. Khi gặp trường hợp này, bạn đừng lo mà nên chuyển sang tập trung vào cơ thể mình bằng một hay hai hơi thở chậm”. 

Đây là lời trích trong bản hướng dẫn của bài tập thư giãn có trong một ứng dụng gọi là Clarity do công ty Galvanic, cũng là cha đẻ của Pip, một công cụ cầm tay giúp đo hoạt động điện cực da (electrodermal activity) trong thời gian thực. Khi một dòng điện nhỏ đang chạy qua da với tốc độ tám lần/giây, một giọng nói nhẹ nhàng chỉ cho chủ nhân cách thư giãn trong âm thanh mưa rơi. 

Pip kiểm tra mức stress của chủ nhân bằng cách dùng dòng điện nhỏ chạy qua da để đo độ kích thích của hệ thần kinh tự động kiểm soát nhịp tim, hơi thở và các nghiệp vụ khác của cơ thể. Mục tiêu của Pip là dạy chủ nhân kiểm soát các cấp độ stress bằng cách thông báo những dấu hiệu ẩn giấu của cơ thể mà thường bị bỏ qua nhưng đôi khi rất nguy hiểm cho sức khỏe. Bạn có thể chơi game cài đặt sẵn trên ứng dụng đi kèm Pip để làm thay đổi những dấu hiệu này và loại bỏ stress.

Minh hoạ: Mimi Thian/Unsplash

Biofeedback cho phép người mang làm chủ cơ thể mình

Trên đây là một ví dụ của kỹ thuật “phản  sinh học” (Biofeedback) ngày càng trở nên thông dụng. Trong khi Pip đo độ dẫn điện của da, những công cụ khác kiểm tra những thứ khác như hoạt động sóng não, căng cơ hoặc những gì trái tim đang làm. Ví dụ, hệ thống The Inner Balance Transformation System là một công cụ được quảng cáo có khả năng cải thiện tinh thần và giảm lo lắng bằng cách cho chủ nhân một hình ảnh rõ ràng về nhịp tim trong suốt 24 tiếng mỗi ngày. 

Kỹ thuật Biofeedback cũng được dùng để giúp huấn luyện vận động viên thể thao. “Biofeedback cho phép mỗi cá nhân tự kiểm soát phản ứng sinh lý của mình ở cả những yếu tố mà chúng ta không biết về chúng trước đó” – Adrian Meule, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Salzburg nói – Ví dụ, chúng ta được chỉ dẫn cách hạ huyết áp sau khi thấy số đo huyết áp ngoài giới hạn cho phép trên màn hình. Qua đó, chúng ta có thể đánh giá mức độ thành công của chiến lược hạ huyết áp vừa áp dụng; ví dụ, thở chậm và dùng các phương pháp thư giãn, giảm căng thẳng khác để vận dụng lại sau này. 

Meule cho biết có nhiều kỹ thuật Biofeedback đã được dùng cho cả trẻ em. Biofeedback với các phản ứng sinh lý thường được hiển thị dưới dạng một khuôn mặt cười, hoặc ghi điểm trong một game khi bạn điều chỉnh thành công các dấu hiệu sinh lý tiêu cực của mình. “Nói rõ hơn, Biofeedback điều chỉnh phản ứng sinh lý của trẻ, biến nó thành tích cực hơn; và ngược lại nó giúp trẻ em có thêm công cụ bên mình để kiểm soát những dấu hiệu sinh lý xấu” – ông nói. 

Pip làm việc theo hướng này và huấn luyện kỹ thuật Biofeedback thông qua một loạt game. Ví dụ, trong ứng dụng (game) Clarity nói ở đầu bài, chủ nhân sẽ lắng nghe tiếng mưa rơi trong rừng, và khi hiển thị trên sensor cầm tay cho thấy chủ nhân đang tập trung vào các phần cơ thể để thư giãn, âm thanh sẽ êm dịu hơn và điểm sẽ được ghi. Còn nếu chủ nhân không tập trung, âm thanh sẽ ồn ào và không có điểm. 

Minh hoạ: Robert Collins/Unsplash

 Biofeedback giúp tăng thành tích thi đấu và giúp giảm nhẹ và loại bỏ một số bệnh

Hai ứng dụng giống như game phổ biến khác của Pip là Relax and Race được thiết kế để huấn luyện các vận động viên bình tĩnh khi gặp những tình huống căng thẳng. Game Race là một cuộc đua, trong đó con rồng hiển thị trên màn hình sẽ bay nhanh hơn lúc người dùng thư giãn, và bay chậm hơn nếu sự căng thẳng tăng. Điểm sẽ được tổng kết khi con rồng kết thúc cuộc đua. Điểm nhiều tức là chủ nhân đã áp dụng chiến lược giảm stress tốt. 

Thoạt đầu, người dùng sẽ gặp khó khăn với game này và thường căng thẳng hơn khi khởi đầu game do hồi hộp. Nhưng khi đã làm chủ được hơi thở với những kỹ thuật như đếm hơi thở sâu, con rồng sẽ bay nhanh hơn, về đích sớm hơn và cho điểm nhiều hơn. 

Ngay trong một tuần bận rộn, bạn cũng có thể chơi game này nhiều lần để thành thạo kỹ năng giảm stress. Được điểm thưởng người chơi sẽ thú vị hơn và tích cực hơn trong kỹ thuật kiểm soát stress, như thở chậm và sâu chẳng hạn. “Khi đã thuần thục rồi, kỹ thuật giảm stress sẽ ăn vào máu và bạn sẽ vận dụng nó giống như uống nước mà không cần gắng sức” – Rebecca Doggett, Giảng sư y khoa tại Đại học New York nói – “Thường xuyên dùng Biofeedback tức là bạn đã học được cách làm chủ stress khi đối mặt với nó trong cuộc sống hàng ngày”

Trước khi đoạt chức vô địch World Cup năm 2006, đội tuyển bóng đá quốc gia Ý được huấn luyện kỹ thuật Biofeedback thông qua “phòng tư tưởng” (Mind Room), nơi họ được dạy cách kiểm soát hơi thở, độ căng cơ bắp và nhiều nữa trong thể thao đỉnh cao. Huấn luyện Biofeedback cũng được đưa vào chế độ tập luyện của nhiều vận động viên Olympic ví dụ như đội trượt tuyết tốc độ cự ly ngắn của Canada. 

Nhưng Biofeedback còn nhiều điều tích cực khác. “Được dạy kỹ thuật Biofeedback trước khi bước vào một trận tranh tài thể thao đỉnh cao (thường có sự hỗ trợ của một bác sĩ) đã giúp các vận động viên đưa cơ thể họ vào tình trạng lý tưởng nhất để tối đa hoá thành tích thi đấu” – Tiến sĩ Christine Moravec, nhà nghiên cứu tại bệnh viện Cleveland Clinic chuyên về vận dụng Biofeedback nhận xét – “Chúng ta đều biết có một mối quan hệ chặt chẽ giữa hưng phấn và thành tích. Đưa nhịp tim, huyết áp, cơ bắp, hơi thở vào mức lý tưởng sẽ tạo ra hưng phấn và thành tích sẽ được nâng cao. Nếu tim đập quá nhanh và hơi thở cũng thế, thành tích sẽ giảm. Biofeedback giúp cải thiện thành tích thi đấu mà không tốn kém gì nhiều”

Nghiên cứu riêng của Moravec – tập trung vào hiệu năng của huấn luyện Biofeedback trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ – đã kết luận: Kỹ thuật Biofeedback đúng sẽ giúp giảm nhẹ những triệu chứng kết hợp với các bệnh tim mạch, đau đầu do căng thẳng và suy tim. “Sau nhiều tuần huấn luyện, những người tham dự đã giảm mạnh được sự thèm ăn” – Adrian Meule nói – “Những người bị bệnh nặng cũng cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn. Ví dụ các bệnh nhân ung thư phổi sẽ bớt lo lắng nếu đưa được nhịp điệu cơ thể về trạng thái thoải mái. Có nhiều bệnh liên quan đến phản ứng của hệ thần kinh khi bị stress, vì vậy làm dịu hệ thần kinh sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh. Bệnh tim là một ví dụ. Phần hệ thần kinh được kích hoạt khi chúng ta bị stress cũng là phần bị kích hoạt bởi bệnh tim. Vì vậy, nếu bạn học được kỹ thuật đưa cơ thể mình trở về như lúc chưa bị kích hoạt, bệnh tình cũng giảm”. 

Nghiên cứu của Meule tập trung vào việc tìm xem khả năng của Biofeedback trong việc kiểm soát nhịp tim và thói thèm ăn. Nhịp tim ổn định khi chúng ta thư giãn và thở chậm. Meule tập cho những người tham gia nghiên cứu cách thở chậm 6 lần/phút. “Sau nhiều tuần, họ đã giảm được sự thèm ăn. Dù cơ chế giảm chưa được xác định nhưng có lẽ nó tác động lên khu vực não liên quan đến thèm ăn” – ông nói. Vì vậy, chúng ta còn tiếc gì mà không điều chỉnh ngay bây giờ nhịp tim, nhịp thở? Ý thức hơn về các dấu hiệu báo trước nguy cơ thông qua những ứng dụng hồi đáp sinh học là cách rất tốt để giúp thay đổi mạnh mẽ sức khỏe tinh thần, thái độ, bệnh tật và nhiều hơn nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: