Người ta tường nghe “Hả?,” “Cái gì?,” “Nói to lên!,” từ các ông, hơn là các bà. Và đó cũng là phát hiện thú vị được ông bố mới đây: phụ nữ có thính giác nhạy hơn đáng kể so với nam giới.
Các vấn đề về thính giác đang gia tăng trên toàn thế giới. Mọi người đều biết thính lực ở tai phải tốt hơn tai trái và khả năng nghe thường giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên trước kết quả của họ về tác động của giới tính và môi trường.
Phát hiện được công bố trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy biên độ thính giác chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi giới tính hơn là tuổi tác, trong đó phụ nữ có thính giác nhạy hơn so với nam giới trong tất cả các quần thể được nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu do Tiến Sĩ Patricia Balaresque từ Trung Tâm Nghiên Cứu Đa Dạng Sinh Học Và Môi Trường (CRBE) tại Toulouse (Pháp) đứng đầu, và có sự tham gia của Giáo Sư Turi King từ Đại Học Bath (Anh), tiến hành kiểm tra thính lực cho 450 cá nhân trên 13 quần thể thuộc các quốc gia Ecuador, Anh, Gabon, Nam Phi và Uzbekistan.
Các nhà khoa học của CRBE và MCE đã dùng phương pháp đo phát xạ âm thanh qua ốc tai (TEOAE). Để tính độ nhạy của thính giác, họ đặt một thiết bị nhỏ phát ra âm thanh vào tai của những người tham gia thử nghiệm, sau đó ghi lại những âm thanh nhỏ mà tai trong phản hồi lại. Những tín hiệu phản hồi được tạo ra bởi các tế bào trong ốc tai, thể hiện mức độ nhạy của tai với âm thanh.
Tiến Sĩ Balaresque cho biết, ốc tai là khoang chứa đầy chất lỏng, hình xoắn ốc ở tai trong, có chức năng chuyển đổi sóng âm thanh thu được thành xung điện mà não có thể diễn giải. Bằng cách phân tích kết quả kiểm tra TEOAE, các nhà nghiên cứu đã có được câu trả lời về cách ốc tai phản ứng với các kích thích thính giác bên ngoài.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: trong suốt quá trình thử nghiệm, phụ nữ luôn thể hiện độ nhạy cảm thính giác cao hơn. Cụ thể, họ luôn nghe được ở quãng rộng hơn trung bình là hai decibel, trong tất cả các bài kiểm tra.
Yếu tố ảnh hưởng quan trọng thứ hai là môi trường, không chỉ ảnh hưởng đến phản ứng với âm lượng mà còn cả phạm vi tần số của âm thanh được cảm nhận. Những người sống ở khu vực rừng có độ nhạy thính giác cao nhất và những người sống ở vùng cao có độ nhạy thính giác thấp nhất.
Họ phát hiện dân số, môi trường và ngôn ngữ đều có tác động đáng kể đến sự khác biệt về thính lực giữa các nhóm người, nhưng không rõ liệu điều này là do toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng bởi môi trường hay do sự thích nghi lâu dài với các cảnh quan âm thanh, mức độ tiếng ồn hoặc tiếp xúc với ô nhiễm khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người sống trong rừng có thể có độ nhạy cao hơn vì họ đã thích nghi với môi trường có nhiều âm thanh không phải của con người, nơi mà sự cảnh giác là điều cần thiết để sinh tồn. Hoặc có thể là do họ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm âm thanh thấp hơn.
Những người sống ở cao nguyên, vùng núi, có thể giảm độ nhạy do một số lý do bao gồm tác động của áp suất khí quyển thấp hơn đối với phép đo, khả năng giảm âm thanh trong môi trường ở độ cao lớn hoặc sự thích nghi sinh lý với mức oxy thấp hơn.
Giáo Sư King, giám đốc Trung Tâm Tiến Hóa Milner tại Đại Học Bath, thu thập mẫu từ những người tham gia ở Anh khi bà còn làm việc tại Đại Học Leicester và là đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết thính lực thường suy giảm theo tuổi tác và việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn và hóa chất như khói thuốc lá có thể gây tổn hại đến thính giác. Nghiên cứu tìm hiểu chi tiết hơn về những yếu tố hình thành nên thính giác và sự đa dạng về độ nhạy cảm của thính giác, đồng thời xem thính giác của chúng ta thích nghi như thế nào với môi trường xung quanh.
Ngoài độ nhạy thính giác cao hơn, phụ nữ còn có kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra thính giác khác và nhận thức giọng nói, điều này cho thấy não của họ cũng xử lý thông tin tốt hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc thính giác nhạy hơn trong môi trường ồn ào không phải lúc nào cũng là điều tốt, xét đến tác động có hại của tiếng ồn đến sức khỏe tổng thể như chất lượng giấc ngủ và gia tăng bệnh tim mạch,
Tiến Sĩ Balaresque, người đứng đầu nghiên cứu tại CRBE, cho biết phát hiện thách thức các giả định hiện tại và nhấn mạnh nhu cầu xem xét cả các yếu tố sinh học và môi trường khi nghiên cứu về thính giác.
Việc xác định các yếu tố gây ra sự khác biệt thính giác tự nhiên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và đánh giá chính xác hơn về tình trạng mất thính lực của từng đối tượng, cũng như sự khác biệt giữa các yếu tố cá nhân như giới tính và môi trường họ sống về khả năng chịu tiếng ồn.
(theo University of Bath)