Smartphone đang huỷ hoại các buổi hoà nhạc

Dùng điện thoại để cướp đi niềm vui của người khác không nên xem là “đặc tính thế hệ” để xuề xoà chấp nhận mà phải lên án hành vi bất lịch sự làm buổi diễn mất hết ý nghĩa. (minh họa: Gian Cescon/Unsplash)

Nếu bạn phải trả số tiền không nhỏ để xem một buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp thì hãy thôi dùng smartphone quay sân khấu để xem lại sau này. Nhiều khán giả khác không muốn như thế.

Mua vé để quay phim đưa lên mạng xã hội

Ngày Lễ tình nhân năm nay, Michelle Singletary cho biết người chồng đã làm chị ngạc nhiên khi tặng chị tấm vé tham dự buổi diễn của Gregory Porter, một ca sĩ nhạc jazz đương đại có giọng hát mượt mà làm nức lòng những người yêu âm nhạc. Singletary kể trên Washington Post.

Đêm diễn tại Nhà hát Warner của ông thật tuyệt vời, trừ một “hạt sạn lớn”: Một “biển” điện thoại thông minh sáng rực dọc sân khấu và lan xuống phía dưới trước sự bất lực của những khán giả phía sau. “Với hàng trăm đôla bỏ ra, chúng tôi không hề mong đợi sẽ phải liên tục nhìn vào điện thoại của người khác để xem Porter hát. Thật quá thất vọng! Nếu bạn thuộc số này, xin vui lòng đừng phá hỏng cảm xúc của người khác và làm gián đoạn chương trình. Hãy tôn trọng họ”.

Dùng điện thoại để cướp đi niềm vui của người khác không nên xem là “đặc tính thế hệ” để xuề xoà chấp nhận mà phải lên án hành vi bất lịch sự làm buổi diễn mất hết ý nghĩa.

Nhiều người thích quay phim bằng phone để đưa lên mạng xã hội. (minh họa: Angela Compagnone/Unsplash)

Không hề hiếm khi chứng kiến những khán giả ở mọi lứa tuổi mua vé không với mục đích xem biểu diễn mà là để quay video đăng lên mạng xã hội khoe đã có mặt tại đó! Nhiều người chụp ảnh và hào hứng ghi hình, bất kể từ vị trí nào trong suốt đêm diễn với đèn flash được bật. Thường thì tất cả những gì họ ghi lại chỉ là ảnh mờ của ca sĩ do phản chiếu của ánh đèn sân khấu, video thì nhiễu hạt không đáng để xem, nhưng họ vẫn bấm máy điên cuồng. Nếu có phàn nàn của người bên cạnh thì họ cũng chỉ rời điện thoại được vài phút rồi lại tiếp tục như… con nghiện! Quay xong, kiểm tra và… quay lại. Điện thoại giơ lên khắp nơi còn làm ca sĩ mất tập trung và không khí vui nhộn trên sân khấu bị đánh cắp. Có người dùng cả chiếc iPad to đùng đưa lên giống như cầm một chiếc tivi nhỏ che hết tầm mắt của những người phía sau.

Sự hưng phấn bị đánh cắp

Không ai bỏ ra số tiền lớn để xem một buổi hòa nhạc lại muốn bị làm phiền bởi những người “múa” điện thoại trước mặt để đạt được mục tiêu khoe khoang hay lưu giữ kỷ niệm của mình. Thật lãng phí hoàn toàn đồng tiền bỏ ra cho buổi biểu diễn trực tiếp. Những người dùng điện thoại ghi hình cũng nên tự hỏi tại sao họ lại bỏ ra tới $100 cho một vé xem hòa nhạc (hoặc hơn thế) để không tập trung xem buổi diễn mà chỉ xem sau đó qua màn hình bé tí trên điện thoại thông minh?

Beyoncé, người có giá vé xem buổi diễn của cô nhiều bằng tiền trả trước cho một chiếc xe hơi, đã khuyên người hâm mộ tại một buổi diễn: “Các bạn nên đặt điện thoại xuống và thực sự tận hưởng khoảnh khắc này”. Ca sĩ Adele từng chỉ trích thẳng thừng một người hâm mộ đang quay phim tại show diễn của cô: “Tôi và các bạn ở đây trong cuộc sống thực. Vì vậy chúng ta nên thưởng thức âm nhạc trong đời thực hơn là qua đoạn phim xem lại”.

Điều tương tự cũng xảy ra tại các rạp chiếu phim khi nhiều khán giả cũng sẵn sàng rút điện thoại ra, không phải để quay phim mà là nhắn tin, chơi game, duyệt email hoặc thậm chí nhận cuộc gọi, bất chấp người ngồi bên cần sự im lặng để xem diễn tiến bộ phim. Thậm chí khi được đề nghị hãy làm như thế ở ngoài rạp, một người sửng cồ: “Tôi đã trả tiền cho chiếc điện thoại này và bộ phim này nên tôi có quyền dùng nó bất cứ khi nào tôi muốn!”. Phải nhờ đến nhân viên rạp mới bắt cô ta ngưng nói. Nhưng đa số khán giả chọn biện pháp im lặng để tránh đôi co có thể dẫn đến đánh nhau.

Vào rạp xem phim hay bất cứ buổi biểu diễn nào, ai cũng chỉ muốn tạp trung trên sân khấu, và khó chịu khi bị người khác làm phiền. (minh họa: Krists Luhaers/Unsplash)

Nghe trò chuyện điện thoại và nhìn ánh sáng màn hình điện thoại trong một căn phòng tối là “cơn ác mộng” đối với nhiều người. Nếu gặp hoàn cảnh này và bộ phim đang chiếu rất hấp dẫn, xem như bạn gặp “xui tận mạng!”. Với giá vé ngày càng tăng, thật vô lý khi trả tiền để nghe người khác nói chuyện và nhắn tin nhưng đó là sự thực. Vì vậy, nếu bạn cần nhận cuộc gọi, hãy bước ra ngoài. Nếu bạn phải kiểm tra một email quan trọng cũng đi ra ngoài sảnh. Nếu bạn không thể ngắt kết nối để xem một bộ phim hoặc buổi hòa nhạc dài vài giờ, hãy ở nhà và để những người còn lại thưởng thức chương trình giải trí.

Bất lực?

Mới đây, cụm rạp AMC Theaters cho biết tại một số thị trường chọn lọc, họ đã bắt đầu tính giá dựa trên vị trí ghế ngồi, tính phí ít hơn cho ghế ở hàng đầu và cao hơn cho ghế trung tâm được chọn nhiều. Các vị trí này được gọi thứ tự là “Sightline at AMC” (đường xem phim giá trị ), tiêu chuẩn và ưu tiên. Nếu cách làm này hiệu quả, các cụm rạp khác có thể sẽ làm theo. Nhưng không ai muốn trả nhiều tiền hơn cho một chỗ ngồi trung tâm tuyệt hảo nếu không có chính sách kiểm soát việc sử dụng điện thoại đi kèm.

Còn nhớ, có lúc giám đốc điều hành AMC nói đùa “chúng tôi đang xem xét cho phép khán giả nhắn tin trong lúc xem phim” nhưng ý tưởng này bị phản ứng dữ dội nên phải bỏ. “Sẽ không xảy ra chuyện đó,” công ty viết trên Twitter. “Chính sách của chúng tôi là không dùng điện thoại thông minh trong rạp”. Tại sao các loại hình nghệ thuật khác không thể áp dụng lệnh cấm tương tự hoặc ít ra là yêu cầu mọi người tắt điện thoại trong buổi diễn.

Hy vọng nhiều ca sĩ sẽ tuyên bố “đêm diễn của tôi không dành cho điện thoại” như một số người đã làm. Hãy tạm chia tay với chiếc điện thoại thông minh của bạn cho đến khi chương trình kết thúc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: