BA.5 có thực sự nguy hiểm?

BA.5, biến chủng phụ của Omicron có đủ nguy hiểm để kêu gọi người Mỹ thay đổi quan điểm “Sống chung với Covid-19”?
Tại nhiều nơi ở Mỹ, chẳng hạn Los Angeles-California, yêu cầu về mang khẩu trang vẫn được áp dụng (ảnh được chụp ngày 14 Tháng Sáu; Irfan Khan/Los Angeles Times via Getty Images)

BA.5, một biến chủng phụ mới của coronavirus, dễ lây lan hơn các chủng trước đó, đang bắt đầu xuất hiện với những đợt bùng phát ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng không đủ để được xem là lý do yêu cầu người Mỹ từ bỏ thái độ “sống chung với Covid-19” hoặc để các nhà hoạch định chính sách áp dụng lại các hạn chế mang tính cấp bách. Thay vào đó, sự lây lan nhanh của BA.5 nên được xem là trường hợp nghiên cứu để có thể hiểu hơn cách hoạt động của loại coronavirus này trong tương lai.

Biến thể Omicron ban đầu dễ lây lan hơn biến thể Delta trước đó và nhanh chóng thống trị đại dịch vào mùa Đông năm ngoái, nhưng lại ít gây tử vong hơn và thường chỉ tấn công đường hô hấp trên. Có một khoảng thời gian ngắn tạm lắng để xuất hiện một biến thể phụ dễ lây lan hơn, BA.2. Khi số ca nhiễm BA.2 bắt đầu giảm, hai biến chủng phụ BA.4 và BA.5 lập tức “tiếp quản”.

BA.5 hiện chiếm 65% tổng số ca nhiễm coronavirus ở Hoa Kỳ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Các biến chủng mới liên tục xuất hiện, với nhiều chủng lây nhiễm dễ hơn thay thế các biến chủng trước đó nhưng thường là yếu hơn. Vì vậy, những phản ứng theo sau sự biến động mang tính qui luật của thế giới virus không nên quá đà.

Thay vì phản ứng bằng các cảnh báo mang tính “đe dọa” hay “khẩn cấp”, các quan chức y tế nên bình tĩnh nếu các lây lan mới không gây quá tải tại bệnh viện và vaccine vẫn có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng, dù không thể chặn hoàn toàn sự lây lan. Các chính sách đối phó với Covid nên tập trung vào việc giảm thiểu gián đoạn cuộc sống hàng ngày, điều mà nhiều người dân còn lo lắng và ức chế nhiều hơn là lo nhiễm coronavrus.

Một số nơi ở Manhattan, tỉ lệ người dương tính COVID bắt đầu tăng 20% vào đầu Tháng Sáu; và BA.5 có thể dẫn đến đợi bùng phát lây nhiễm lần thứ sáu tại New York City (ảnh: John Smith/VIEWpress)

Theo The Washington Post, nhà virus học và bác sĩ nhi khoa Paul Offit đồng ý với lập luận có cơ sở và dựa vào thực tế này. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine (Vaccine Education Center) tại Bệnh viện Nhi Philadelphia và là thành viên của ủy ban cố vấn có ảnh hưởng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration-FDA) về vaccine.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Washington Post, ông khẳng định: “Coronavirus đã đến và sẽ ở đây suốt thế hệ tôi, thế hệ các con tôi và thế hệ con cái chúng. Chúng ta không thể cứ buộc mang khẩu trang và cách ly mãi để ngăn ngừa các đợt lây nhiễm mới (dù không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ trong vài ngày). Chúng ta phải chấp nhận bệnh nhẹ như một phần của cuộc sống chung với Covid-19” (dĩ nhiên là trong tình hình số ca bệnh nặng không làm quá tải bệnh viện và số ca tử vong không nhiều so với các đợt cúm thường khác).

Theo Offit, mục tiêu chính của chiến lược chống coronavirus là làm sao để mọi người “không bị bệnh nặng”. Các vaccine Covid-19 hiện có đang đáp ứng tốt yêu cầu này, và hiệu quả đối với mọi chủng coronavirus, kể cả BA.5. Dù số người nhập viện tăng hơn trước và tăng đều trong thời gian gần đây, nhưng cũng chỉ bằng khoảng 1/5 so với đỉnh của đợt sóng Omicron đầu tiên.

Nếu tin số ca nhiễm thực sự có thể cao gấp 10 lần số báo cáo thì với số người phải nhập viện như hiện nay, điều đó cho thấy vaccine đang thực sự có hiệu quả và giúp loại bỏ được nhiều ca bệnh nặng. Vì vậy, rất không hợp lý khi yêu cầu người Mỹ tạm ngưng đi du lịch, đến nhà hàng hoặc dự đám cưới để ngăn chặn lây nhiễm trong khi nếu bị nhiễm chỉ là nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng các hạn chế chính phủ áp đặt, gồm cả quy định về khẩu trang, nên chỉ dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng khi số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong tăng mạnh. Hiện không có công bố khẩn cấp nào như thế tại Mỹ. Thay vào đó, các cơ quan chức năng và chính quyền nên chú ý hơn và mở rộng các biện pháp can thiệp như xét nghiệm cho những người cần, điều trị và cải thiện hệ thống thông gió tại nơi ở và làm việc, sinh hoạt, giải trí.

Các nguồn lực đặc biệt nên dành để giúp những người dễ bị tổn thương nhất do Covid. Trong số người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm hai mũi chính, khoảng 30% vẫn chưa được tiêm liều nhắc lại đầu tiên. Và trong những người đã tiêm nhắc lại lần một, chỉ 34% tiêm liều tăng cường thứ hai. Hệ thống y tế Mỹ cũng chưa sử dụng hết các công cụ ngăn chăn khác như kháng thể phòng ngừa Evusheld và các phương pháp điều trị kháng coronavirus như Paxlovid dù tất cả đều được chứng minh là chống BA.5 hiệu quả. Điều này phải thay đổi.

Trong thời gian chờ đợi thay đổi, y tế Mỹ cần đầu tư khẩn cấp để tìm ra các loại vaccine tốt hơn, cụ thể là vaccine pan-coronavirus hoạt động tốt trên tất cả các chủng, biến chủng và vaccine nhỏ mũi làm giảm sự lây truyền virus. Chúng ta cũng cần khởi động “Operation Warp Speed Part 2” (Chiến dịch Tốc độ Warp Phần 2) để thúc đẩy hoạt động phát triển vaccine và các liệu pháp bổ sung để điều trị các triệu chứng Covid ngắn hạn và kéo dài.

“Sống chung với Covid” không có nghĩa là có thể bỏ qua các biện pháp phòng ngừa (John Smith/VIEWpress)

“Sống chung với Covid” không có nghĩa là những người ít có nguy cơ mắc bệnh nặng có thể bỏ qua các biện pháp phòng ngừa, mà trái lại, họ vẫn phải thực hiện việc phòng ngừa ngay cả khi đã được tiêm chủng hai mũi tăng cường và đã nhiễm coronavirus. Lý do, có nhiều khả năng họ vẫn nhiễm BA.5! Nếu không biết tự phòng ngừa, với tốc độ lây truyền đáng kinh ngạc của các biến thể mới, ai cũng có thể nhiễm Covid không chỉ một lần mà nhiều lần trong năm. Nếu bị nhiễm virus và khỏi bệnh, di chứng lâu dài có thể đến sau đó, dù tỷ lệ không cao.

Biện pháp phòng ngừa đơn giản ai cũng làm được là mang khẩu trang chất lượng cao trong không gian kín và tự cách ly khi nghi nhiễm virus. Nhiều người không muốn giới hạn hoạt động hàng ngày nhưng để làm được như thế mà không bị gián đoạn sinh hoạt, họ nên tiêm chủng đầy đủ, mang khẩu trang ở những nơi đông người và xét nghiệm coronavirus trước khi đến thăm những người thân dễ bị tổn thương.

Offit kết luận: “Định nghĩa về đại dịch gồm cả việc thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi. Khi xác định thời điểm đại dịch kết thúc, nhìn vào hành vi thoải mái của mọi người, có vẻ như hầu hết quốc gia đã ngầm tuyên bố rằng Covid-19 đã qua! Tuy nhiên, đại dịch chưa kết thúc. Loại coronavirus này có thể làm nhiều điều bất ngờ trong những năm tới. Không ai dám nói chắc! Vào mùa Thu này hoặc mùa Thu tới, có thể một biến thể mới sẽ xuất hiện gây chết người nhiều hơn, vượt qua mọi loại vaccine và phương pháp điều trị hiện có. Vì vậy, các quan chức y tế phải luôn trong tư thế ứng phó, cập nhật tình hình coronavirus trong thời gian thực và sẵn sàng đưa ra phản ứng khẩn cấp khi cần thiết”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: