Bảy thay đổi căn bản để ứng phó tốt hơn với các đại dịch tương lai

Minh họa: branimir-balogovic-unsplash

Số người chết ở Hoa Kỳ vì Covid-19 cao gần gấp 380 lần so với vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín. Những nỗi đau này đã thúc đẩy những cải cách sâu rộng để bảo vệ người dân Mỹ khỏi các hiểm họa tương tự trong tương lai. Thật sai lầm khi nghĩ rằng có cách hoàn hảo nhất để chiến thắng những đại dịch tương tự trong tương lai. Bảy đề xuất thay đổi sau đây sẽ giúp xã hội an tâm hơn khi phải đối phó với các trận dịch mới – theo The Washington Post.  

1/. Đặt điểm xét nghiệm ở bất cứ nơi nào có thể đặt được

Xét nghiệm là bước đi đầu tiên để ngăn chặn dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng. Các nhà nghiên cứu đã phát triển các xét nghiệm chẩn đoán coronavirus SARS-CoV-2 không lâu sau khi trình tự bộ gen của nó được công khai trên internet vào ngày 10 Tháng Một, 2020.

Nhưng xét nghiệm không được làm rộng rãi ở Hoa Kỳ trong vài tháng đầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) từng khăng khăng chỉ sử dụng hạn chế xét nghiệm. Sau đó Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chậm đánh giá các phương thức xét nghiệm do các trường đại học và khu vực tư nhân phát triển. Và cuối cùng, các rào cản quan liêu đã khiến việc xét nghiệm không được thực hiện bên ngoài bệnh viện.

Chỉ đến khi các trung tâm xét nghiệm cho cả người lái xe được mở trên khắp nước vào cuối năm 2020, hoạt động xét nghiệm mới đáp ứng được nhu cầu. Nay, thay vì đóng cửa các trung tâm này, chính phủ nên dùng chúng xét nghiệm cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường tình dục để luôn có sẵn mạng lưới xét nghiệm cho đại dịch tiếp theo.

2/. Tăng cường nhân viên y tế và biện pháp bảo vệ họ

Các viện dưỡng lão và trung tâm y tế quá tải khi coronavirus bùng phát vừa lây virus cho bệnh nhân vừa gây nguy hiểm cho nhân viên y tế luôn sống trong tâm trạng mệt mỏi, kiệt sức. Nhu cầu về y tá, bác sĩ đã không được đáp ứng đủ. Các nhà nghiên cứu cảnh báo Mỹ sẽ thiếu hụt hơn 900,000 y tá trong thập niên này. Bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn và chất lượng điều trị kém hơn khi tỷ lệ y tá/bệnh nhân giảm. Hai năm sau khi California yêu cầu tỷ lệ tối thiểu phải là 1/5 trong các phòng bệnh, tình trạng y tá kiệt sức đã giảm. Quốc hội cần thông qua dự luật đã đệ trình vào Tháng Ba trong đó quy định tỷ lệ điều dưỡng trên toàn quốc.

3/. Thu thập và chia sẻ dữ liệu

Hoa Kỳ không thể một mình thu thập và phân tích khi dữ liệu kếch xù dàn trải trên thế giới về coronavirus. Ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã phải dựa phần lớn vào Hàn Quốc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác để giải đáp các câu hỏi quan trọng như khả năng lây truyền coronavirus qua đường không khí hoặc virus vẫn lây cho những người đã được tiêm chủng.

Năm 2020, CDC khởi động sáng kiến hiện đại hóa dữ liệu để thống nhất các thông tin thu thập manh mún từ các tiểu bang, bệnh viện và sở y tế. Tuy nhiên, CDC không thể buộc các thực thể chia sẻ dữ liệu nên cần nghĩ ra cách khuyến khích họ chia sẻ. Để bảo mật, dữ liệu về các đợt bùng phát tại các doanh nghiệp có thể được mã hóa và ẩn danh để hạn chế thiệt hại cho uy tín doanh nghiệp.

Cũng nên xem xét các nguồn dữ liệu không chính thức như từ truyền thông hoặc xét nghiệm virus trong nước thải. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần khuyến khích sự cởi mở hơn giữa các quốc gia. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải được tiếp cận nhanh hơn với thuốc và vaccine để đổi lấy việc họ chia sẻ dữ liệu bộ gen virus đột biến mới nhằm tạo ra các vaccine và liệu pháp mới.

4/. Bảo vệ những người lao động thiết yếu

Nghèo đói là yếu tố chính quyết định kết quả phòng chống dịch của các tiểu bang và quận hạt cũng như khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19. Rủi ro nhiễm bệnh cao hơn ở những người lao động thiết yếu trong các nhà máy, trang trại, nhà kho và cơ sở chăm sóc sức khỏe là rất cao. Không có tiền tiết kiệm và không được nghỉ ốm có lương, nhiều người vẫn làm việc khi đã bị nhiễm.

Điều kiện lao động và lương thấp là nguyên nhân giải thích tại sao người da đen và gốc Mỹ Latin phải chịu số ca mắc COVID-19 cao gấp ba lần người da trắng. Hoa Kỳ phải đảm bảo mọi người bệnh đều được nghỉ (Mỹ là quốc gia giàu có duy nhất không có chế độ này) và tăng lương cho những người có thu nhập quá thấp. Ngoài ra, nơi làm việc phải đảm bảo thực hiện đủ các bước để bảo vệ nhân viên khỏi các bệnh truyền nhiễm phát tán trong không khí, ví dụ nâng cấp hệ thống thông gió và dự trữ khẩu trang chất lượng cao.

Minh họa: ashkan-forouzani-unsplash

5/. Giảm mật độ dân số tù

Các ổ dịch coronavirus lớn nhất trong năm 2020 ở Mỹ thường nằm trong các nhà tù và các cơ sở cải huấn đông đúc. Tình trạng quá tải đã biến các nhà tù thành “ổ” làm bùng phát dịch bệnh ra các cộng đồng xung quanh.

Một nghiên cứu năm 2021 ước tính nước Mỹ sẽ giảm được 2% số ca mắc mới coronavirus mỗi ngày nếu tỷ lệ giam giữ ở mức trung bình toàn cầu chứ không phải cao nhất thế giới! Trong đại dịch, các nhà tù tiểu bang đã thả khoảng 200,000 người để cứu mạng họ. Nhưng việc phóng thích thường hỗn loạn, không nhất quán và thiên vị các tù nhân da trắng.

Hệ thống tư pháp hình sự phải tìm ra cách giảm thiểu số người phải giam giữ. Ví dụ mở rộng các tiêu chuẩn tại ngoại hoặc cho phép thụ án tại nhà đối với những tội nhẹ như tàng trữ ma túy. Một số tiểu bang và quận hạt đã thử biện pháp này và không thấy tội phạm bạo lực gia tăng. Đáng chú ý, một báo cáo từ Cơ quan Nhà tù (Bureau of Prisons) cho biết chỉ có ít hơn 1% người được trả tự do sớm trong đại dịch phạm tội mới.

6/. Phát triển và phân phối thuốc, vaccine

Loài người ở khắp nơi trên thế giới đã chiến đấu với coronavirus bằng nhiều phương pháp điều trị dân gian và kết hợp đông, tây y khi chưa có vaccine trong gần một năm. Người dân ở các nước nghèo phải chịu đựng lâu hơn. Vào cuối năm 2021, việc thiếu vaccine ở Nam bán cầu đã khiến hơn một triệu người tử vong và được cho là dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới lan sang và tàn phá thế giới giàu có.

Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu cần phát triển vaccine nhắm vào 22 họ vi rút có khả năng gây đại dịch. Cúm là một trong những ưu tiên hàng đầu khi virus cúm H5N1 đã giết hàng triệu gia cầm trên toàn thế giới và đang xuất hiện ở động vật có vú, từ chồn nuôi đến hải cẩu New England. Các chiến lược đảm bảo phân phối vaccine và thuốc nhanh chóng cũng quan trọng không kém. Chính phủ Hoa Kỳ nên nới lỏng các khoản tài trợ nghiên cứu để giảm chi phí nghiên cứu và khuyến khích sản xuất rộng rãi.

7/. Tăng cường đoàn kết quốc tế

Cách tiếp cận theo mô hình biệt lập đối với đại dịch trong một thế giới kết nối là điều điên rồ. SARS-CoV-2 đã lan sang ít nhất 19 quốc gia trong một tháng kể từ khi ca đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc ngày 29 Tháng Mười Hai, 2019. Đầu tiên, Hoa Kỳ nên tự bảo vệ mình trước tình trạng thiếu khẩu trang và các công cụ bảo vệ khác bằng cách củng cố chuỗi cung ứng ở ngay châu Mỹ. Việc phụ thuộc vào châu Á đối với nhiều mặt hàng phòng chống dịch khiến Mỹ dễ bị tổn thương khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa.

Thứ hai, Hoa Kỳ phải giúp đạt được thỏa thuận hợp tác quốc tế khi tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu được công bố, bất chấp căng thẳng địa chính trị đang tăng. Khi Đại hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) nhóm họp ở ở Geneva, Thuỵ Sỹ trong tháng này, các nhà ngoại giao Mỹ nên đóng vai trò tích cực trong việc sửa đổi những quy định về sức khỏe của WHO cũng như soạn thảo một hiệp ước hoặc hiệp định về đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu, thuốc và vaccine giữa các quốc gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: