Gần đây, trên TikTok, các đoạn clip về bạc hà, ngải cứu, thiên ma,… và “úp mở” về tác dụng phá thai được lan truyền nhanh chóng.
Thật ra, phá thai bằng thảo mộc như bạc hà, ngải cứu, cần tây,… chưa được chứng minh về hiệu quả, mà còn có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ.
Trong nhiều ngày qua, người dùng TikTok chia sẻ những thành phần mà họ nói cứ “chắc như bắp” là bạc hà, cần tây, ngải cứu,… sẽ giúp có lại kinh nguyệt hoặc gây sẩy thai (nếu đang mang thai), và gọi đó là emmenagogues thảo dược hoặc “thuốc phá thai”. Nhiều người sáng tạo đề xuất cách pha những loại thảo mộc này, giống như pha trà, và uống như uống trà, nếu không muốn mang thai.
Theo các chuyên gia y tế và các nhà thảo dược được đào tạo, thuốc phá thai bằng thảo dược có thể gây nguy hiểm và không có bất kỳ dữ liệu nào về việc chúng có hiệu quả hay không.
Tạp chí Input và Rolling Stone là một trong những hãng tin tức đầu tiên đưa tin về xu hướng TikTok vào cuối Tháng Sáu, lưu ý hai hashtag được sử dụng nhiều nhất là #bạc hà (#pennyroyaltea) và #ngảicứu (#mugwort). Trong đó, bạc hà là một loại cây có gai, hoa màu tím, từ lâu được sử dụng làm thuốc chống côn trùng đốt.
Tuy nhiên, Viện Y tế Quốc gia cho biết, chiết xuất của chúng ở dạng cô đặc có độc tính cao. Thậm chí, một muỗng canh chiết xuất bạc hà có thể gây ngất xỉu, co giật, ngừng tim, hôn mê, tổn thương gan và suy đa tạng. Một phụ nữ 18 tuổi đã tử vong vào năm 1978 sau khi uống 29ml dầu bạc hà để phá thai.
Nghiên cứu công bố năm 2021 cho thấy khoảng 30% phụ nữ đã cố gắng sử dụng thảo mộc để chấm dứt thai kỳ, bất chấp tác dụng chưa rõ ràng của chúng. Các chuyên gia phát hiện trong số 14 người tự phá thai, 5 người đã sử dụng các chế phẩm khác nhau của thảo mộc, chẳng hạn cần tây, thiên ma hoặc rễ gừng. Một người nhét lá cần tây vào âm đạo để phá thai.
Các phương pháp khác được sử dụng bao gồm uống bổ sung vitamin C, uống vodka trong 3-4 giờ, hoặc dùng ibuprofen và thuốc kháng sinh. Hơn một nửa trong số 14 người tham gia báo cáo rằng họ không mang thai sau những lần thử.
Trong cuộc khảo sát năm 2020 công bố trên tạp chí Hội Y khoa Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện trong hơn 7,000 phụ nữ tự phá thai, 38% sử dụng thảo mộc. Tuy nhiên, chưa đến một phần ba phá thai thành công.
Và gần đây, sự quan tâm đến các lựa chọn thay thế cho thuốc phá thai nội khoa, vẫn còn hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang, đã tăng vọt – một dấu hiệu cho thấy nỗi sợ hãi và bối rối ngày càng tăng cao về cách xử lý một trường hợp mang thai ngoài ý muốn, khi vấn đề tiếp cận phá thai quay trở lại.
“Một số người có thể chuyển sang các phương pháp phá thai không an toàn khi họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác, hoặc dựa trên thông tin mà họ thu thập được trên mạng xã hội,” Tiến sĩ Nisha Verma, bác sĩ sản phụ khoa và đồng nghiệp tại Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ cho biết. “Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng các bài đăng trên mạng xã hội có thể không đáng tin cậy và có thể tuyên truyền thông tin sai lệch.”
Trong nhiều thế kỷ, trước khi xuất hiện các phương pháp phá thai ngoại khoa và y tế hoặc các biện pháp ngừa thai, phụ nữ đã tìm đến các loại thảo mộc để kiểm soát việc sinh sản của mình. Các nhà sử học phát hiện ra các tham chiếu đến thuốc phá thai và phương pháp ngừa thai bằng thảo dược trong các văn bản cổ từ Trung Quốc, Ấn Độ và khắp lục địa Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Ở Châu Âu, “cây savin có gai nổi rõ là loài thực vật được lựa chọn nhiều”, Londa Schiebinger, giáo sư lịch sử khoa học tại Đại học Stanford, cho biết. Và trong quá trình thuộc địa hóa Tây Ấn, những phụ nữ bị bắt làm nô lệ thường sử dụng thuốc phá thai bằng thảo dược, như là cách để tránh sinh ra những đứa con cũng sẽ bị bắt làm nô lệ, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Schiebinger.
Mãi cho đến thế kỷ 15, các nhà chức trách ở thế giới phương Tây mới thực sự bắt đầu ngăn cấm những người phá thai và, các nhà sử học buộc tội những bà mụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sinh sản bằng thảo dược là những mụ phù thủy.
Leslie Rae, một nhà thảo dược, cho biết trong một video trên TikTok: “Tôi không làm mất đi tầm quan trọng của việc sử dụng các loại thảo mộc dùng để phá thai và tránh thai khẩn cấp, vì tổ tiên của chúng ta đã làm điều đó. Nhưng khi bạn tung lên mạng và nói cứ dùng cây X, Y và Z để phá thai, bạn có biết cách điều chế các loại thảo dược đó như thế nào không? Rồi liều lượng, cách dùng ra sao không? Túm lại là, xin các phù thủy TikTok và các dược sĩ giả, hãy dừng ngay việc đưa ra lời khuyên tào lao là dùng thảo dược để phá thai đi nhé.”
Sau khi chứng kiến sự lan truyền đáng lo ngại của thông tin sai lệch trên mạng, bác sĩ Aviva Romm, chuyên gia chăm sóc sức khỏe phụ nữ, là người nghiên cứu về thảo dược, cũng là tác giả cuốn sách “Botanical Medicine for Women’s Health”, cho biết: “Quan điểm cứng rắn của tôi, trong 35 năm, là mấy loại thảo dược này không có hiệu quả gì đáng tin cậy, thậm chí chúng gây độc độc cho thai phụ hoặc thai nhi.”
Mới đây, Romm đăng một video lên Instagram, kêu gọi những người theo dõi của cô là “đừng có nghe theo những gì trên TikTok”.
(theo New York Times)
Đọc thêm:
-Biden ký sắc lệnh bảo vệ quyền tiếp cận phá thai trong toàn quốc