Như thế nào là thật sự mệt mỏi?

Minh họa: adrian-swancar-unsplash

Một nghiên cứu mới cho thấy “ý thức về mệt mỏi” khác với “mệt mỏi thể chất”. Sự khác biệt này có thể giúp tìm ra các liệu pháp chống mệt mỏi tốt hơn. Mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của nhiều người, nhưng lại có rất ít phương pháp điều trị hiệu quả.

Ám ảnh mệt mỏi khác với mệt mỏi thực sự

Nghiên cứu mới cho thấy việc xác định lại sự mệt mỏi và hiểu cách tiểu não xử lý mệt mỏi là rất quan trọng để tìm ra cách điều trị mệt mỏi tốt hơn. The Washington Post cho biết, nghiên cứu của Pablo Celnik và các đồng nghiệp tại Đại học Johns Hopkins nêu rõ:

“Mệt mỏi khi làm việc (thước đo khách quan về khả năng của một người khi thực hiện một hoạt động thể chất hoặc nhận thức) khác với ‘ý thức về mệt mỏi’ (đánh giá chủ quan của một người về sự mệt mỏi họ cảm thấy). Sử dụng ngôn ngữ cụ thể hơn, mệt mỏi thể chất khác với ý thức về mệt mỏi”.

Celnik, giáo sư kiêm giám đốc khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Đại học Johns Hopkins nói thêm: “Mệt mỏi là một vấn đề nghiêm trọng, phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh nhưng rất ít người hiểu rõ về nó”. Nghiên cứu được công bố trên tập san Journal of Neuroscience số Tháng Ba với những người tình nguyện khỏe mạnh cũng cung cấp thông tin cơ bản về cách bộ não xử lý và ưu tiên xử lý mệt mỏi trong mối quan tâm về “covid kéo dài” (long covid).

Trong nghiên cứu, nhiệm vụ đầu tiên của những người tham gia là bóp càng nhiều lần càng tốt một thiết bị nhỏ gọi là bộ chuyển đổi lực giữa ngón cái và ngón trỏ. Khi lực vận dụng giảm xuống dưới 40% so với mức cơ bản, họ sẽ dừng lại và được hỏi cảm thấy mệt mỏi thế nào.

Minh họa: marco-bianchetti-unsplash

Về lý thuyết, tất cả những người tham gia đều trải qua mức độ mỏi cơ tương tự nhưng ý thức về mệt mỏi lại khác nhau. Tiếp theo, những người tham gia được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phối hợp tay. Kết quả: những người nói ít mệt mỏi hơn trong nhiệm vụ trước phối hợp kém chính xác hơn trong khi những người nói mệt mỏi hơn trong nhiệm vụ trước lại chính xác hơn. Chuyển động phối hợp tay được dùng để kiểm tra khả năng kiểm soát vận động (motor) khi cảm thấy mệt mỏi.

Bản thân chuyển động này không gây mệt mỏi thể chất. Agostina Casamento-Moran thuộc Đại học Johns Hopkins, tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết bà rất ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt giữa mệt mỏi thể chất và mệt mỏi do ý thức.

Casamento-Moran, Celnik và các cộng sự bắt đầu sử dụng thuật ngữ có thể mệt mỏi (fatigability) để chỉ sự suy giảm hiệu suất thể chất và mệt mỏi (fatigue) để chỉ ý thức chủ quan của một người về mệt mỏi. Natalie Tronson, nhà thần kinh học hành vi tại Đại học Michigan đánh giá cao việc phân biệt rạch ròi hai thuật ngữ này. Bà nói: “Mọi người thường nghĩ về sự mệt mỏi theo nghĩa ‘tại sao lúc nào tôi cũng thấy mệt mỏi’. Phân biệt giữa ý thức mệt mỏi và mệt mỏi thể chất để tìm ra liệu pháp đúng là rất quan trọng”.

Theo Bharat Biswal thuộc Viện Công nghệ New Jersey, việc phân biệt giữa fatigabilityfatigue cũng giúp chuẩn hóa tốt hơn việc chấm điểm “ý thức mệt mỏi” và so sánh dữ liệu giữa các nghiên cứu khác nhau. Điều quan trọng là phải tách nền tảng thần kinh của mệt mỏi thể chất khỏi ý thức mệt mỏi từ khác biệt ở vùng tiểu não xử lý mệt mỏi. Biết chính xác hơn về các vùng não bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến các lựa chọn điều trị tốt hơn.

Minh họa: carolina-heza-unsplash

Tiểu não (cerebellum) có thể cung cấp câu trả lời?

Tiểu não là cấu trúc não nằm phía trên thân não, được biết đến nhiều nhất với vai trò điều phối chuyển động, cân bằng và cũng rất quan trọng đối với nhận thức, ý thức và cảm xúc.

Nghiên cứu trên phát hiện những người nói ít mệt mỏi hơn sau nhiệm vụ đầu không chỉ có khả năng kiểm soát vận động (motor) kém hơn mà còn có sự giảm hoạt động ở tiểu não. Celnik xem đây là một dấu hiệu cho thấy ý thức về mệt mỏi và khả năng kiểm soát vận động tranh nhau để được tiểu não chú ý.

Ông nói: “Đó là sự cạnh tranh về nguồn lực và giải thích tại sao những người nói ít mệt mỏi hơn khi thực hiện nhiệm vụ đầu của nghiên cứu lại kiểm soát vận động kém hơn”. Casamento-Moran nói thêm: “Việc hạn chế các nguồn lực của não theo cách này có thể là cơ chế tự vệ để đối phó với mệt mỏi”.

Điều khiển cơ chế vận động chính xác hơn khi cảm thấy mệt mỏi sẽ cải thiện ý thức về giới hạn của cơ thể, ngăn chúng ta làm việc quá sức đến mức có thể bị thương. “Tuy nhiên, bất kỳ vai trò bảo vệ nào quy cho tiểu não vẫn chỉ là suy đoán, cần kiểm chứng thêm” – Casamento-Moran lưu ý.

Brian Walitt, chuyên viên nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng và sinh học của bệnh viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS) thuộc Viện Y tế Quốc gia nhận xét: “Những phát hiện mới thể hiện sự tiến bộ ngày càng tăng trong việc hiểu cách chúng ta trải qua và điều chỉnh sự mệt mỏi. Tuy nhiên, vì chỉ có những tình nguyện viên khỏe mạnh tham gia nghiên cứu, nên nó không cung cấp bất kỳ giải đáp cuối cùng nào về tình trạng mệt mỏi y tế”.

Từ những gì học được từ nghiên cứu mới này, Casamento-Moran chuyển sang nghiên cứu “ý thức mệt mỏi” (không phải mệt mỏi thể chất) ở những người mắc bệnh hậu covid, hỏi tại sao họ lại cảm thấy như vậy và nó ảnh hưởng như thế nào đến khả năng nhận thức và vận động của họ. Bà cũng đề xuất các chiến lược giảm nhẹ cho họ. Trước hết là điều tiết hoạt động để tiết kiệm năng lượng, tránh vội vã tự điều trị theo thông tin tìm được khi thấy mệt mỏi và cuối cùng là “hãy đối xử công bằng với chính mình và nghỉ ngơi mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: