Phụ gia tạo màu trong thực phẩm có độc hại?

Minh họa: Unsplash
Share:

Một bài báo mới đây trên The Washington Post cho biết, người tiêu dùng nên thận trọng với những sản phẩm, đặc biệt kẹo, có chất phụ gia tạo màu đỏ (red dye No. 3) vốn nhiều thập niên qua luôn nằm trong vòng tranh cãi về mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người.

Minh họa: Unsplash

Theo Melanie Benesh, luật sư và phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Nhóm Công tác Môi trường (Environmental Working Group – EWG), một tổ chức vận động cho quyền lợi người tiêu dùng, thì: “Hoa hồng và chocolate thật tuyệt (cho Ngày Tình nhân) nhưng tôi sẽ cân nhắc kỹ về việc bạn tặng người yêu những viên kẹo hình trái tim màu hồng hoặc đỏ”. Tính đến nay, EWG đã soạn một danh sách gần 3,000 sản phẩm có chứa phụ gia nhuộm màu cho thực phẩm.

Năm 1990, Cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm sử dụng chất phụ gia tạo màu đỏ Số 3 (red dye No. 3 – gọi tắt là “No. 3”) – còn được gọi là erythrosine hoặc FD&C Red No. 3 – trong mỹ phẩm và thuốc bôi da, dựa vào nghiên cứu trên động vật cho thấy có mối liên hệ giữa “No. 3” với ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, FDA vẫn cho phép sử dụng “No. 3” trong hàng nghìn thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc uống.

Một cách chính xác, chưa có bằng chứng cho thấy ăn thực phẩm chứa “No. 3” hoặc bất kỳ màu thực phẩm nhân tạo nào sẽ gây ung thư ở người. Dù thế nào, giới khoa học thường có xu hướng sử dụng kết quả nghiên cứu trên động vật để hiểu những tác động có thể xảy ra ở người.

“FDA nói rằng nó không đủ an toàn để bôi lên mặt nhưng chúng ta có thể cho vào miệng được không?” – phát biểu của Lisa Lefferts, nhà khoa học và là cố vấn Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng (Center for Science in the Public Interest – CSPI). Lisa Lefferts đã đệ đơn lên FDA yêu cầu loại bỏ phụ gia này khỏi các sản phẩm mà người tiêu dùng ăn và uống, trong một ngành công nghiệp thực phẩm vốn chủ yếu sử dụng những chất tạo màu “để làm cho đồ ăn vặt hấp dẫn hơn, đặc biệt đối với trẻ em”.

Nhà độc chất học Linda Birnbaum, cũng là nhà vi trùng học và cựu Giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ), cho rằng người tiêu dùng nói chung nên tránh các chất phụ gia, đặc biệt đối với trẻ em, vì cơ thể chúng đang phát triển và mẫn cảm hơn người lớn. “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ,” Birnbaum nói. “Do cơ thể các em đang phát triển và thay đổi nhanh chóng nên các em có nhiều nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất hơn so với người lớn.”

Theo đánh giá về phơi nhiễm của FDA, phẩm màu cần phải được ghi rõ trong danh sách thành phần sản phẩm. Có vô số sản phẩm sử dụng phẩm màu, từ các loại snack, sữa đông lạnh, nước trái cây, kẹo mềm đến kẹo cao su… Phụ gia phẩm màu cũng được tìm thấy trong nhiều mặt hàng không có màu đỏ.

Minh họa: Unsplash

Sự an toàn của phụ gia phẩm màu từ lâu đã là chủ đề tranh luận khoa học. FDA đã cấm một số, trong đó có màu đỏ 1, 2 và 4 (reds 1, 2 and 4), và màu xanh lá cây 1 và 2 (greens 1 and 2). Tháng Mười Hai 2022, một nghiên cứu của Canada trên chuột phát hiện rằng một loại phẩm màu đỏ được sử dụng phổ biến – Allura Red AC, còn được gọi là FD&C Red 40; và Food Red 17 – có thể gây ra các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (Crohn’s disease).

Những nghiên cứu khác cho thấy có sự liên hệ một số phẩm màu nhân tạo, trong đó có “No. 3” với chứng tăng động và những hành vi không bình thường ở trẻ em. Một báo cáo do Văn phòng Đánh giá Nguy cơ Sức khỏe Môi trường California (California Office of Environmental Health Hazard Assessment) công bố vào năm 2021 kết luận rằng một số trẻ em khi dùng thực phẩm có phẩm màu cũng gặp vấn đề về sức khỏe. Dựa trên những phát hiện này, vào Tháng Mười Hai, CSPI đã kiến nghị chính quyền tiểu bang California dán nhãn cảnh báo cho thực phẩm có chứa phẩm màu nhân tạo.

Những người ủng hộ kiến nghị CSPI – hơn 20 nhóm và nhà khoa học – thường trích dẫn điều khoản Delaney (Delaney clause), được Quốc hội thông qua năm 1958 như một phần của Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang (Food, Drug, and Cosmetic Act), để làm cơ sở yêu cầu FDA cấm hẳn hóa chất này.

Năm 1960, FDA đã cho phép “tạm thời” (“provisional”) dùng phẩm màu cho mỹ phẩm và thực phẩm. Năm 1969, trước khi các nghiên cứu cho rằng phẩm màu gây ung thư, FDA cho phép sử dụng “vĩnh viễn” (“permanent”) trong thực phẩm nhưng vẫn giữ tình trạng “tạm thời” trong mỹ phẩm để chờ kết quả của những nghiên cứu tiếp xúc với da.

Minh họa: Unsplash

Tiếp đó, sau khi xác định có mối liên hệ giữa phẩm màu với ung thư ở động vật, FDA cấm sử dụng phẩm màu trong mỹ phẩm; và sau đó tuyên bố ý định loại phẩm màu khỏi thực phẩm. Tuy nhiên, điều này đã không bao giờ xảy ra, bởi vì một khi (trước đó) đã cho nó “permanent” thì không dễ chút nào để loại nó một cách vĩnh viễn.

Tháng Ba 2022, Quốc hội Hoa Kỳ phân bổ $7 triệu cho FDA để giải quyết “các vấn đề về hóa chất và độc tính đang nổi cộm” trong năm tài chính 2022. Sau đó, trong các khoản phân bổ năm tài chính 2023 được ban hành vào Tháng Mười Hai, các nhà lập pháp tiếp tục bổ sung thêm $1 triệu (tổng cộng $8 triệu) cho việc “giải quyết” nói trên.

Trước mắt, nhiều ý kiến khuyên rằng người tiêu dùng nên tự bảo vệ bằng cách cân nhắc sử dụng các chất thay thế màu (color alternatives) có sẵn trong tự nhiên, trong các loại rau củ và trái cây – chẳng hạn màu cam trong cà rốt hoặc màu tím trong củ dền… Người tiêu dùng cũng có thể tránh sản phẩm chứa phẩm màu bằng cách đọc nhãn trước khi mua sắm. Theo qui định FDA, các loại phẩm màu thực phẩm cụ thể phải được liệt kê trong thành phần sản phẩm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: