Trầm cảm ở trẻ em – Kỳ 1: Những câu chuyện đau lòng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, mỗi năm có tới 850,000 người lớn và trẻ em thiệt mạng vì bệnh trầm cảm. Trầm cảm ở người lớn vốn đã không được quan tâm đúng mực. Với trẻ em, các bậc cha mẹ lại càng dửng dưng, chủ quan, thờ ơ trước những biểu hiện bất thường của con. Khó khăn là trầm cảm ở trẻ em có xu hướng biểu hiện theo nhiều cách khác nhau hơn so với người lớn. Theo thống kê, trầm cảm là căn bệnh phổ biến thứ 2 trên thế giới.

“Con là đứa vô dụng”

Đã hai tuần qua, chị Kim (thành phố Costa Mesa, Califoria) không thấy mặt mũi con mình, Elisa, 14 tuổi, con gái lớn của chị. Chị thì mải lo tiệm, 9 giờ sáng đi, 9 giờ tối về, chồng chị làm ở Kaiser Permanente thường xuyên nhận việc overtime. Tới mịt về đến nhà thì con đã ngủ, cửa phòng đóng chặt, chị Kim nghĩ con đi học về mệt nên không gõ cửa đánh thức.

Thật ra chị cũng cảm thấy điều gì đó bất thường ở con mình, vì trước đây Elise không hề khóa cửa phòng, thường xuyên đợi mẹ về, nói vài câu với mẹ xong mới trở vô phòng. Nhưng cách đây vài tháng, một buổi tối gặp chị, mặt Elisa buồn thiu. Chị hỏi vì sao, em trả lời: “Dạo này con thấy mệt mỏi, con tính xin mẹ cho nghỉ lớp học đàn, con học không vô nữa mẹ à.” Chị nghe vậy thì quát lớn: “Nghỉ là thế nào! Học được mấy khóa rồi, đàn chưa tới đâu mà đòi nghỉ. Con nghĩ sao vậy?” Bị mẹ la, Elisa cúi đầu im lặng.

Hình minh họa (Nguồn: Pixabay)

Công việc bộn bề, chị quên khuấy việc tìm hiểu vì sao con gái lại đòi nghỉ học đàn. Sau đó không lâu, chị nhận thấy thức ăn trong tủ lạnh bắt đầu dư nhiều. Chị đoán, con gái đang tuổi dậy thì, sợ mập, nên ít ăn lại. Chị nghĩ đó là chuyện bình thường, nên không hỏi con.

Cho đến hôm qua, khi nhận được giấy báo từ trường học gửi về, chị mới tá hỏa tam tinh. Thì ra Elisa đã nghỉ vắng mặt ở trường cả tuần lễ. Và vì nhà trường gọi phone cho cha mẹ không được, nên họ đã phải gửi thơ. Chị chạy tới đập cửa phòng con mình. Một lúc sau, cánh cửa mở ra, chị hốt hoảng, không biết đứa con gái ấy có phải con mình không: một gương mặt hốc hác, đôi mắt lờ đờ, tóc tai rối bù, và bộ quần áo có lẽ mấy ngày chưa thay.

Ôm chầm con vào lòng, chị gào lên trong nước mắt: “Elisa, chuyện gì đã xảy ra? Con sao vậy?” Một cách yếu ớt, Elisa nói với chị: “Mẹ ơi, con không làm được gì cả, con là đứa vô dụng, con có lỗi với ba mẹ, có lẽ con phải…” “Không, không, con yêu của mẹ, mẹ xin lỗi con, mẹ đã bỏ rơi con quá lâu khiến con thân tàn ma dại thế này.”, chị Kim nghẹn ngào nói. Chị Kim cấp tốc gọi chồng về, rồi đưa Elisa đi cấp cứu vì em quá yếu sức. “Cháu bé đã dùng thuốc ngủ liều cao trong nhiều ngày, cũng may gia đình phát hiện sớm, nếu không thì hậu quả khó lường.” Bác sĩ thông báo cho chị Kim biết và chuyển Elisa gặp bác sĩ tâm lý. Ở đây, các bác sĩ tâm lý cho biết Elisa mắc chứng rối loạn cảm xúc, hay còn gọi là trầm cảm.

Những tiếng gào rú trong đêm

Chị Jessica Vu (Fountain Valley, CA.) có một con trai là John, và bé gái Luci. Con cái là niềm tự hào của chị, vì các cháu bé rất ngoan ngoãn, học giỏi, nhưng gần đây, bạn bè thấy chị hay …than thở về cậu con trai. Nào là “nó hay cãi, gắt gỏng với mẹ vô cớ”, “chẳng có chuyện gì cũng khiến nó trở nên giận dữ, bực bội”, “nhiều khi đang ngủ bỗng nghe tiếng hét lớn bên phòng con, nhưng gõ cửa, bước vào thì thấy nó nằm im, chẳng biết có chuyện gì.”, và tệ hại hơn là gần đây nhất, chị vừa khóc vừa kể: “Nó cứa tay, cứa chân. Em hỏi, cháu không trả lời mà còn quát lên với em. Rồi cháu đòi nghỉ học, nói không muốn đến trường. Chắc em chết mất, các chị ơi…”

Chị bắt đầu để ý đến John hơn, hỏi han, chăm sóc đến con nhiều hơn, nhưng không đem lại kết quả gì, vì mỗi lần gần con, chị đều bị con từ chối. Chị gợi ý đưa con đi gặp bác sĩ, John hét lên: “I’m ok. Mom, why? Why I gotta see doctor?” (Con ổn mà. Mẹ, sao vậy chứ? Sao con lại phải đi gặp bác sĩ?) Biết đó là những biểu hiện bất thường của con, chị Jessica không chịu thua, chị chú ý đến con nhiều hơn, dù rất nhiều lần chị được con đáp trả bằng những lời nói hỗn hào. Một lần do John sơ ý để lộ cổ tay với nhiều vết cắt, chị Jessica nhìn thấy và gần như té xỉu. Khóc lóc và gặn hỏi mãi, cậu bé thú thật với mẹ: “Mẹ đừng bận tâm. Chỉ khi đau đớn mới làm con tỉnh táo mà thôi.”

Không bận tâm sao được. Nhìn thấy các vết thương trên tay con trai, ruột gan chị như bị dao dâm. Chị âm thầm đi gặp thêm bạn bè là bác sĩ tâm lý, nói chuyện và nhận biết các dấu hiệu của John tương tự biểu hiện của những trẻ thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm.

Con hận!

Bi kịch đến với gia đình cặp vợ chồng bác sĩ sống tại tiểu bang Washington. Họ sang Mỹ định cư cùng con trai là Tuấn, khi cháu mới 11 tuổi, sau đó sanh thêm một bé gái ở Mỹ. Gia đình khá giả, ba mẹ Tuấn đều là bác sĩ ở Saigon, khi sang Mỹ định cư đã siêng năng học lại để sau hơn 10 năm lấy bằng bác sĩ tại Mỹ. Từ nhỏ, Tuấn đã được dạy phải nghe lời cha mẹ tất cả mọi điều, không được cãi, không được làm sai ý ba mẹ. Sang đến Mỹ, Tuấn vẫn phải luôn làm những điều mà ba mẹ yêu cầu, đi con đường mà ba mẹ vạch sẵn. Tuấn lớn lên với đầy dẫy những hoài nghi về bản thân mình. Tư tưởng hoang mang luôn đè nặng tâm trí của em “Mình làm việc này có đúng không?” “Các bạn toàn nghĩ ra những trò mới, nhưng nếu mình làm theo chắc gì ba mẹ đồng ý”, “Sao các bạn tự do, muốn chơi gì cũng được, muốn học gì ba mẹ các bạn cũng đồng ý, mà sao mình không được như thế?” Quả thật, một vài lần Tuấn xin ba mẹ đi chơi, hoặc tham gia các hoạt động nhóm với bạn bè, cậu bé đều bị ba mẹ từ chối với nhiều lý do như: “Ba mẹ không có thời gian đưa – đón con.” Hoặc “Con tụ tập như thế để làm gì? Nếu chỉ để chơi thì hãy ở nhà mà chơi với em của con kia kìa!”

Trong một môi trường học đường đầy những sinh hoạt sôi nổi, với nhiều hoạt động sáng tạo, vì sự bó buộc của gia đình, Tuấn bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực. Từ một đứa trẻ lanh lợi, thông minh, Tuấn trở nên ít nói và cô lập bản thân từ năm 14 tuổi. Tuy không phải là đứa trẻ hung dữ, nhưng cậu bé lại muốn ‘trả thù’ ba mẹ vì những cấm cản, và nghĩ ba mẹ đã hủy hoại cuộc đời mình. Tuấn nghĩ đến chuyện làm gì đó, như biến mất khỏi thế gian này, để cho ba mẹ phải hối hận. Lần thứ nhất, cậu bé uống thuốc ngủ, cốt để ‘đi luôn’, nhưng không thành, thậm chí còn bị ba mẹ cậu ‘làm cho một trận tơi bời’ vì ý nghĩ điên rồ. Ba mẹ Tuấn không ngờ rằng chính thái độ ấy đã khiến em càng rơi vào tình trạng rối loạn tinh thần nặng nề hơn. Cuối cùng, họ đã mất luôn đứa con trai khi cậu bé bước sang tuổi 16. Tuấn đã dùng dao cắt hết các gân tay của mình. Khi gia đình phát hiện thi thể em nằm sõng soài trên nền đất, thì em đã mất rất nhiều máu và vĩnh viễn từ giã cõi trần. Trên bàn học của Tuấn, ba mẹ cậu chỉ thấy một tờ giấy dính đầu máu, vỏn vẹn hai từ ‘Con hận!”

Hình minh họa. (Nguồn: Pixabay)

Đ.T

Trầm cảm ở trẻ em:  Chớ xem thường!
Trầm cảm ở trẻ em: Phòng bệnh hơn trị bệnh

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Bài Mới

Quảng Cáo
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

SuperAgers!
Bộ não của một số người đang lão hóa với tốc độ chậm hơn nhiều so với mức trung bình. Họ được gọi là SuperAgers (tạm dịch là siêu lão).
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: