Trầm cảm ở trẻ em – Kỳ cuối: Phòng bệnh hơn trị bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo trong năm 2020, Số người mắc bệnh trầm cảm lên tới 121 triệu, bao gồm cả trẻ em. Làm sao để ngừa căn bệnh trầm kha này?

Hiện nay người ta vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân chính xác gây ra đa số các chứng rối loạn tâm thần. Thông thường, các chứng rối loạn tâm thần phát sinh từ các yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học khác, và các yếu tố nuôi dưỡng cũng như các yếu tố môi trường khác. Sự ảnh hưởng giữa sinh học và môi trường là rất phức tạp. Bộ não ảnh hưởng tới hành vi, và kinh nghiệm ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ não.

Vì sao trẻ bị trầm cảm?

Bệnh trầm cảm di truyền trong gia đình, qua đó cho thấy khả năng dễ mắc bệnh về mặt sinh học có thể là do di truyền. Các yếu tố khác, có thể là tâm trạng căng thẳng ở nhà, trường học, và các biến cố căng thẳng trong cuộc sống như chấn thương, mất mát, hoặc bệnh mãn tính cũng là các yếu tố chính gây trầm cảm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở trẻ. Tuy nhiên có một số nguyên nhân chính như sau:

Do yếu tố di truyền: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ADN là tác nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN. 46% các cặp sinh đôi cùng trúng sẽ đều mắc bệnh trầm cảm. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm thì khả năng trẻ bị cao hơn gấp 3 lần so vơi trẻ khác.

Yếu tố di truyền là nguyên nhân gây bệnh lý trầm cảm ở trẻ

Do yếu tố môi trường: Trẻ em thuờng học hỏi và bắt trước rất nhanh. Nếu không có người định hướng những suy nghĩ cho trẻ thì khả năng trẻ trở thành bản sao của ai khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng đúng với bệnh lý trầm cảm. Ở các trẻ có bố hoặc mẹ mắc bệnh lý trầm cảm, việc sinh hoạt hàng ngày với người mang bệnh sẽ dễ làm cho trẻ mắc bệnh hơn. Trẻ sẽ không nghĩ việc bố mẹ luôn nằm trên giường, ít nói, ít giao tiếp xã hội… là điều bất thường. Đây là môi trường không tốt trong việc hình thành tính cách và hành vi của trẻ.

Do những chấn thương về tâm lý: Khi trẻ có những chấn động về tâm lý như mất đi người thân yêu nhất, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục, trẻ sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường. Trẻ sẽ trở nên khép mình, luôn lo lắng và sợ hãi, ít hoặc không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu không được đối thoại, định hướng tâm lý trẻ rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.

Do hạnh phúc gia đình: Khi chất lượng cuộc sống gia đình sụt giảm thì trẻ sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Thật vậy, trẻ em có gia đình bị phá sản, bố mẹ hay to tiếng cãi nhau,ly dị sẽ dễ mắc bệnh lý trầm cảm hơn. Trẻ sẽ có cảm giác hụt hẫng khi thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ, trẻ sẽ suy nghĩ tiêu cực về vấn đề, luôn cảm thấy lỗi là do bản thân mình gây ra, những giằng xé trong suy nghĩ của trẻ lâu dẫn sẽ khiến trẻ khép mình, tự ti và trầm cảm.

Do bạo lực học đường: Khi đi học trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng không thể nói với ai, hoặc bản thân trẻ luôn cố gắng giấu đi những vấn đề của mình, cộng với việc thờ ơ thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh khiến trẻ có cảm giác lẻ loi, bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống, khép mình, nhút nhát, ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp sau này của trẻ.

Do áp lực học tập: Đối với trẻ để có sự phát triển toàn diện thì cần phải dung hòa được 2 yếu tố: học tập và vui chơi. Tuy nhiên rất nhiều trẻ đang phải chịu những áp lực học tập rất lớn, không chỉ là những áp lực ở trường mà còn có những áp lực từ bố mẹ, luôn áp đặt cho trẻ nhưng mục tiêu quá cao, thời gian học tập quá nhiều. Khi trẻ đạt kết quả không như mong muốn bố mẹ sẽ tỏ thái độ tức giận, thất vọng khiến trẻ không còn tin tưởng vào bản thân, xấu hổ, tự ti. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm ở trẻ.

Do bố mẹ áp đặt:  Đa số các bậc phụ huynh luôn tự quyết định và áp đặt trẻ, không chỉ vấn đề học tập mà hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống mà không hỏi ý kiến hay xem xét thái độ của trẻ. Luôn cho rằng đó là những điều tốt đẹp nhất mà không quan tâm đến điều trẻ thực sự cần. Trẻ sẽ thấy mình không được tôn trọng, không có quyền quyết định việc của mình, cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, từ đó sẽ gây ra những hệ lụy cho trẻ mà nguy hiểm nhất là trầm cảm dẫn đến tự sát.

Hình minh họa. (Nguồn: Pixabay)

Do thay đổi môi trường sống: Thay đổi môi trường sống, học tập thật sự không hề dễ dàng đối với một đứa trẻ. Khi tâm sinh lý của trẻ chưa phát triển hoàn toàn sẽ tạo cho trẻ nhiều rào cản. Trẻ sẽ phải chịu rất nhiều những áp lực khi chuyển nhà, chuyển trường như vấn đề học tập, giao tiếp với bạn bè mới hay khả năng thích nghi một môi trường sống hoàn toàn lạ lẫm thì những vấn đề hàng ngày của trẻ cũng trở nên khó khăn.

Ngăn ngừa và trị bệnh

Bản thân các trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm không phải là những người yếu đuối và các em không có khiếm khuyết về tính cách. Cảm giác trầm cảm của các em là rất thật và không thể kỳ vọng vào việc các em chỉ cần “vui vẻ lên.” Trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm cần được điều trị và bệnh trầm cảm của các em là có thể chữa khỏi được.

Về vấn đề trị liệu tâm lý, nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp giao tiếp hoặc hành vi nhận thức rất hữu ích cho những người mắc bệnh trầm cảm. Hai liệu pháp này giúp thanh thiếu niên chú trọng tới các mối quan hệ cá nhân gây trở ngại cho các em và các lối suy nghĩ tiêu cực thường liên quan tới bệnh trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác có thể là trị liệu tâm lý cho gia đình và trị liệu theo nhóm. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng thuốc để chữa chứng trầm cảm ở trẻ em.

Trước hết, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, yêu cầu khám kiểm tra sức khỏe toàn diện cho trẻ, cho bác sĩ biết về những hành vi của trẻ khiến cha mẹ cảm thấy lo ngại, và hỏi bác sĩ để biết có cần đưa con đi khám chữa trị với bác sĩ chuyên khoa về các bệnh hành vi hay không.

Các bậc phụ huynh cũng nên liên lạc với trường của con mình. Các giáo viên và cố vấn viên của trường cũng có thể giúp đỡ.

Tại Hoa Kỳ, hầu như ở các quận đều có các dịch vụ sức khỏe tâm thần từ Chương Trình Sức Khỏe Tâm Thần. Quận cũng có đường dây điện thoại miễn phí hoạt động 24 giờ trong ngày. Họ sẽ có thể nói chuyện với các bậc phụ huynh bằng nhiều ngôn ngữ và giải đáp các thắc mắc về hành vi của con trẻ.

Nhưng như bao bệnh khác, cách tốt nhất vẫn là ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’. Trầm cảm ở trẻ em thường rất khó phát hiện, rất nhiều trường hợp khi xảy ra những hậu quả nghiêm trọng chúng ta mới biết và để ý đến bệnh lý. Vậy cần có những cách phòng chống bệnh lý trầm cảm ở trẻ để ngăn chặn những hậu quả của bệnh.

Nhận biết biểu hiện của trẻ: Những đứa trẻ thường cố gắng che giấu những vấn đề khiến chúng tổn thương, vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống.
Luôn lắng nghe trẻ: Bậc phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực khi nghe những quan điểm hay vấn đề của trẻ. Gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ. Luôn lắng nghe và quan tâm là cách để phòng tránh bệnh lý trầm cảm cho trẻ.

Luôn lắng nghe và quan tâm tới trẻ. Hình minh họa (Nguồn: Pixabay)

Thiết lập thói quen, đặt mục tiêu trong cuộc sống: Gia đình luôn phải tạo cho trẻ những thói quen tốt, những mục tiêu dù nhỏ dù lớn cũng giúp trẻ không bị mất phương hướng khi gặp bất cứ vấn đề nào, ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực của bệnh lý trầm cảm.
Cho trẻ đầy đủ vật chất và tinh thần: Những đứa trẻ có gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương quan tâm và chia sẻ sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm hơn.
Giúp trẻ tránh suy nghĩ tiêu cực của chúng: Điều này giúp trẻ có khả năng thể hiện bản thân mình, tự tin hơn. Đối với những suy nghĩ sai lệch cần nhẹ nhàng phân tích để trẻ hiểu chứ k được làm trẻ xấu hổ.
Nhận biết những dấu hiệu của gia đình: Khi trong gia đình có anh hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị là rất cao. Vì vậy bố mẹ cần theo dõi sát sao và chuẩn bị tinh thần để ngăn chặn bệnh lý này.
Dạy con những gì cần làm khi bị bắt nạt hoặc bạo lực ở bên ngoài: Điều này giúp trẻ có cách xử lý đúng, tránh cho trẻ hoang mang sợ hãi khi gặp vấn đề, bớt đi những che giấu vấn đề bản thân của trẻ.
Hạn chế thay đổi môi trường.
Chăm sóc trẻ đặc biệt khi có sự mất mát, đau buồn giúp trẻ giảm những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác hụt hẫng khi mất đi những thứ quan trọng.
Giúp trẻ tự tin để trẻ cảm thấy mình có năng lực và thấy bản thân mình quan trọng.
Dạy trẻ tìm đến những sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn mà không có sự có mặt của bố mẹ.

Đ.T (Theo Mag For Women, Healthline.com, và nguồn tổng hợp)

Trầm cảm ở trẻ em: Những câu chuyện đau lòng
Trầm cảm ở trẻ em: Chớ xem thường!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Bài Mới

Quảng Cáo
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
SuperAgers!
Bộ não của một số người đang lão hóa với tốc độ chậm hơn nhiều so với mức trung bình. Họ được gọi là SuperAgers (tạm dịch là siêu lão).
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chạy bộ
Chạy bộ được ưa chuộng nhất vì chạy thì có ai mà không biết, không cần học cũng biết… chạy trong khi các món khác phải đi tầm sư học…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: