Trên 50 tuổi, ngủ dưới năm tiếng mỗi đêm, có nhiều rủi ro!

Nếu bạn cứ lo lắng hoặc chán nản, chất lượng giấc ngủ sẽ giảm hẳn. (minh họa: Unsplash)

Một nghiên cứu mới cảnh báo những người trên 50 tuổi, ngủ dưới năm tiếng mỗi đêm sẽ tăng thêm rủi ro cho sức khỏe.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine hôm 18 Tháng Mười do các nhà nghiên cứu từ hai đại học University College London và Université Paris Cité thực hiện.

Theo dõi gần 8,000 công chức ở độ tuổi 50, 60 và 70 trong thời gian trung bình 25 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy “thời lượng ngủ ngắn sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của các bệnh mãn tính, thậm chí bị “đa bệnh”, tức là cùng lúc bị hai hoặc nhiều bệnh mãn tính.

Thời lượng ngủ ngắn sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của các bệnh mãn tính (minh hoa: Unsplash)

Tác giả chính Severine Sabia, một chuyên viên dịch tễ và sức khỏe cộng đồng nhận định: Ở tuổi 50, những người ngủ từ năm tiếng trở xuống có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính theo thời gian cao hơn 30% so với những người ngủ bảy tiếng. Ở tuổi 60, cao hơn 32% và ở tuổi 70 có nguy cơ cao hơn 40%.

Bà Sabia nhấn mạnh: “Khi mọi người già đi, thói quen ngủ và cấu trúc giấc ngủ sẽ thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi đêm”. Hiện nay, hơn một nửa số người lớn tuổi bị ít nhất hai bệnh mãn tính, và đây là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, vì số người lệ thuộc vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng; nhập viện và tử vong cũng tăng.

Nhưng nghiên cứu thừa nhận có một số hạn chế vì chỉ dựa chủ yếu vào các dữ liệu tự báo cáo về giấc ngủ của những người tham gia là công chức chính phủ, chủ yếu ở London và chỉ có tỷ lệ nhỏ người da màu tham gia. Dù bạn ở độ tuổi nào, làm công việc gì và xuất thân từ đâu, các chuyên gia về giấc ngủ đều đồng ý ngủ đủ giấc là điều quan trọng; và ngược lại, lo lắng quá nhiều về giấc ngủ có thể phản tác dụng.

Neil Stanley, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ và tác giả của cuốn sách “How to Sleep well” (Làm thế nào để ngủ ngon) giải thích với tờ The Washington Post: “Không có một thời lượng ngủ ‘diệu kỳ’ nào phù hợp cho tất cả mọi người. Chúng ta nên tự tìm hiểu thời lượng ngủ thích hợp cho mình, nghĩa là ngủ đủ”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết nhu cầu ngủ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh dưới một tuổi có khi phải ngủ đến 16 giờ mỗi ngày, trong khi thanh thiếu niên cần trên 10 giờ và người lớn, người già cần bảy giờ trở lên mỗi đêm.

Trẻ sơ sinh dưới một tuổi có khi phải ngủ đến 16 giờ mỗi ngày. (minh họa: Unsplash)

Theo Stanley, giấc ngủ ngon là điều cần thiết đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhu cầu ngủ đủ có sự đóng góp của di truyền giống như chiều cao và kích cỡ giày. Ông lưu ý: “Chất lượng ngủ cũng rất quan trọng, não bộ của chúng ta cần phải bước vào giai đoạn phục hồi bằng giấc ngủ sâu được gọi là giấc ngủ sóng chậm, rất cần thiết để hỗ trợ quá trình nhận thức, củng cố trí nhớ, giải quyết vấn đề và loại bỏ các độc tố có thể dẫn đến bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ”.

Sabia xem việc “vệ sinh” giấc ngủ tốt sẽ giúp có ngủ ngon hơn. Vệ sinh ở đây là các thói quen như giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, tối, nhiệt độ thoải mái, không sử dụng các đồ dùng điện tử và tránh ăn quá no, thịnh soạn, trước khi ngủ. “Hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng trong ngày sẽ dễ tìm được giấc ngủ ngon,” bà nói.

Đối với những người đau dạ dày bị chứng khó ngủ, Stanley khuyên không nên quá lo lắng đến mức “phức tạp hóa” vấn đề. “Con người đã sống với giấc ngủ hàng triệu năm qua mà không cần đến kem dưỡng da, thuốc hoặc sách dạy ru ngủ,” ông nói đùa. “Hầu hết chúng ta chỉ cần một căn phòng yên tĩnh và một tâm trí bình yên. Hãy ném những quan tâm và lo lắng của bạn ra ngoài giường trước khi bắt đầu!”

Hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng trong ngày sẽ dễ tìm được giấc ngủ ngon. (minh họa: Unsplash)

Russell Foster, giáo sư khoa học thần kinh sinh học và tác giả nhiều cuốn sách đồng ý giấc ngủ là hết sức quan trọng và kêu gọi những người bị ám ảnh bởi số giờ phải ngủ mỗi đêm và cái gọi là “nghệ thuật dỗ giấc từ nguồn thông tin nào đó” nên biết số giờ ngủ đủ không giống giữa các cá nhân”.

Foster kết luận: Nếu chúng ta có thể hành động và giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trong ngày, không để vấn vương trong đầu, chúng ta có thể ngủ đủ giấc. Nếu thấy phải nhờ báo thức, mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc bốc đồng, thèm ngủ trưa, thèm uống cà phê hoặc phát hiện ra các thay đổi bất thường hành vi, thì đó là những dấu hiệu cho thấy bạn ngủ không đủ giấc. Dù ‘giấc ngủ vàng, ngon giấc’ là có thật, nhưng nó khác biệt trên từng cá nhân và sẽ không ngừng thay đổi theo thời gian cùng với tuổi tác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: