Y học trở lại với liệu pháp dùng đỉa

Đỉa vẫn được sử dụng trong y học hiện đại (ảnh: Tony Savino/Corbis via Getty Images)

Thời Trung cổ, dùng đỉa là một cách chữa bệnh phổ biến. Và giờ đây, liệu pháp này được ứng dụng trở lại trong phẫu thuật thẩm mỹ và cấy ghép.

Sử dụng đỉa trong y học hiện đại từ lâu bị coi là kiểu chữa bệnh của lang băm. Nhưng kể từ năm 2004, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt đỉa là một phương cách giúp làm giảm tắc nghẽn tĩnh mạch và khôi phục lưu lượng máu trong các mô ghép có nguy cơ bị hoại tử, việc dùng đỉa trong phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình đã tăng lên.

Khi ghép mô vào một phần khác của cơ thể, các bác sĩ sẽ kết nối các mạch máu trong mô ghép với các mô xung quanh để duy trì việc cung cấp máu. Những ca phẫu thuật như vậy thường thành công, nhưng trong những tình huống không diễn ra theo kế hoạch thì phải đưa bệnh nhân trở lại phòng mổ, kiểm tra các vết khâu và nối lại các mạch máu.

Dù hiếm khi xảy ra, cách khắc phục đó vẫn có thể thất bại, vì các tĩnh mạch rất mỏng manh, cho nên, tuy nối được mạch, lưu lượng máu vẫn có thể gặp ngăn trở do một đầu tĩnh mạch đã bị tổn thương. Trong những trường hợp khác, chẳng hạn như tìm tĩnh mạch ở ngón tay bị đứt lìa, cũng vô cùng khó. Nếu không nối được mạch, máu có thể đọng lại trong mô ghép. Lúc đó, chỉ có đỉa mới giải quyết được vấn đề.

Jeffrey Janis, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Bang Ohio cho biết, đỉa giúp duy trì sự sống tạm thời cho đến khi các mạch máu của cơ thể phát triển vào mô được cấy ghép, nếu không có sự trợ giúp này thì mô có thể chết.

Một bức tranh khoảng năm 1624 cho thấy bác sĩ sử dụng đỉa trên lưng một nữ bệnh nhân (ảnh: General Photographic Agency/Getty Images)

Nguồn đỉa y tế đến từ đâu?

National Geographic cho biết, có tổng cộng hơn 600 loài đỉa, nhưng loài Hirudo medicinalis của châu Âu và Hirudo verbana của Địa Trung Hải thường được sử dụng trong y học nhất. Chúng có ba hàm răng trông như lưỡi cưa, mỗi hàm có khoảng 100 chiếc răng để đâm qua da.

Trong nhiều thập niên, các phòng thí nghiệm ở một số quốc gia – trong đó có Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine – đã nhân giống những con đỉa y tế này.

Ông Carl Peters-Bond tại Biopharm U.K., một công ty cung cấp khoảng một nửa số đỉa y tế dùng trong các bệnh viện trên toàn cầu, đã làm công việc này từ gần 30 năm qua. Ông cho biết phải mất khoảng hai năm mới nuôi được một con đỉa có thể dùng trong y tế. Quá trình này bao gồm cho chúng ăn vào tuần thứ 3, từ tuần thứ 8 đến thứ 10, từ tháng thứ tư đến tháng thứ năm; sau đó chúng sẽ bị bỏ đói tới gần hai năm. Ông nói: “Chúng tôi chỉ giao hàng những con đỉa rỗng ruột thôi”.

Ngay khi có cuộc gọi khẩn cấp, Peters-Bond sẽ đóng gói từ một chục đến sáu chục con đỉa vào một lọ chứa đầy chất gel và chuyển chúng đến bệnh viện. Đôi khi, các hiệu thuốc của bệnh viện đặt hàng trước và dự trữ đỉa y tế trong tủ lạnh, đề phòng trường hợp bệnh nhân có thể cần đến chúng khi bị đứt lìa ngón tay hoặc cần nối lại tai hay phẫu thuật tái tạo vú. Nhưng Peters-Bond cho biết tốt nhất nên sử dụng những con đỉa này trong vòng ba tháng.

Liệu pháp đỉa hoạt động như thế nào?

Khi cắn, con đỉa sẽ từ từ hút máu và bơm vào vết cắn các hợp chất như hirudin và calin có trong nước bọt, khiến máu không thể đông lại. Nước bọt của đỉa cũng chứa các chất giống như histamine làm giãn mạch máu và cải thiện lưu lượng máu. Các bác sĩ cũng sử dụng các chất chống đông máu như heparin để ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong quá trình phẫu thuật chỉnh hình.

Tùy thuộc vào kích thước của mô ghép và mức độ tắc nghẽn, việc sử dụng đỉa có thể kéo dài trong 3 đến 10 ngày hoặc hơn, cho đến khi mô “bớt sưng, bớt tím và trở nên gần với bình thường”. Bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để nhân viên y tế giám sát quy trình này – cần thay những con đỉa căng máu bằng một con mới bị bỏ đói. Mỗi con đỉa chỉ có thể dùng một lần và sẽ bị tiêu hủy.

Sau đây là một dẫn chứng về liệu pháp đỉa

Mắc một chứng ung thư hiếm gặp có tên sarcoma hoạt dịch, Ellie Lofgreen đã tới Bệnh viện Đại học Utah để chạy chữa. Các bác sĩ đã loại bỏ khối u bao quanh khớp gối, đồng thời cắt bỏ vài centimet xương và cơ nối với đầu gối. Họ cấy ghép một miếng kim loại vào chân cô và phủ lên đó một lớp cơ và da khá lớn, lấy từ phần đùi trên. Nhưng vài giờ sau, mảng ghép đó bắt đầu chuyển màu tím tái, một dấu hiệu cho thấy mô ghép đang hoại tử.

Việc cứu mô ghép là rất quan trọng nên đội ngũ y tế đã đề xuất một phương pháp điều trị khiến Lofgreen kinh ngạc và suýt từ chối: đỉa.

Trong suốt hai tuần, hơn 100 con đỉa đã được dùng để hút máu từ mô ghép của Lofgreen. Cứ bốn tiếng lại có y tá đến đặt một con đỉa mới, nó sẽ hút máu trong khoảng từ 15 đến 120 phút trước khi rơi xuống giường. Trong khi điều trị, cô được truyền máu để thay thế lượng máu mất đi.

Theo thời gian, phần mô ban đầu có màu sẫm và hoại tử chuyển sang màu tím nhạt và làn da trông bình thường hơn. Nhưng sau khi Lofgreen trở về nhà, một phần nhỏ của miếng da ghép bị nhiễm trùng và phải cắt bỏ. Nhiễm trùng không phải do dùng đỉa mà là vì vết thương hở. Tuy nhiên, rõ ràng đỉa đã cứu được phần lớn miếng ghép.

Một nghiên cứu xem xét 277 trường hợp sử dụng đỉa y tế đã báo cáo tỷ lệ thành công là 78%. Ernest Azzopardi, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tại Đại học London kiêm đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đây là một lựa chọn rất hấp dẫn để giữ được các mô ghép. Nhưng do thiếu các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên thiết thực – tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiệu quả của biện pháp can thiệp, mà người ta ít tin tưởng vào việc sử dụng liệu pháp đỉa.”

Một nhược điểm khác là bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng da khi điều trị bằng phương pháp như vậy do vi khuẩn Aeromonas sống trong ruột đỉa và được tìm thấy trong nước bọt của chúng. Những người nuôi đỉa như Peters-Bond không sử dụng thuốc kháng sinh. Ông nói, mặc dù các loại thuốc đó có thể loại bỏ vi khuẩn trong đường ruột của đỉa, nhưng chúng vẫn sẽ quay trở lại. “Cách chúng tôi làm là bỏ đói đỉa để không còn máu trong ruột, như thế vi khuẩn sẽ chỉ ở mức tối thiểu”.

Đỉa… nhân tạo

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tìm kiếm giải pháp thay thế cho đỉa. Những nỗ lực ban đầu bắt nguồn từ thế kỷ 19, khi nhu cầu về đỉa ở châu Âu lên cao và động vật không xương sống này trở nên khan hiếm, vì thế mà đắt đỏ hơn. Chẳng hạn, vào năm 1817, Jean-Baptiste Sarlandière, nhà giải phẫu học và sinh lý học người Pháp, đã phát triển một thiết bị dùng để rút máu bệnh nhân gọi là bdellometer.

Các chuyên gia tại Đại học Utah từ năm 2013 đã phát triển một loại đỉa cơ học có thể cung cấp chất chống đông máu và cũng bắt chước lực hút của đỉa. Nguyên mẫu bao gồm một dãy kim đâm vào da, trong đó kim trung tâm sẽ cung cấp heparin chống đông máu cho mô đầy máu, và các kim xung quanh được nối với bơm để hút máu. Thiết bị có kích thước bằng ngón tay cái này sẽ cho phép các bác sĩ kiểm soát thể tích và tốc độ hút máu, điều không thể thực hiện được khi sử dụng đỉa. Hiện tại, nhóm đang cố gắng cải thiện lưu lượng của chất chống đông máu vào mô, nơi gắn thiết bị.

Các nhà khoa học khác cũng đã phát triển những nguyên mẫu tương tự có tiềm năng. Một số người đã thử nghiệm công dụng của chúng trên động vật. Còn hiện tại, những con vật hút máu này vẫn tiếp tục giữ một vị trí nhỏ nhưng quan trọng trong y học hiện đại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Bài Mới

Quảng Cáo
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: