Tập đoàn thời trang Ý Prada mở rộng thị trường tại Mỹ

Một cửa hàng Prada tại Beverly Hills, California (ảnh: Caroline Hernandez/Unsplash)

Prada đang có kế hoạch mở thêm loạt cửa hàng trên khắp nước Mỹ, một trong những chiến lược quan trọng kéo dài 3-5 năm nhằm tăng doanh số bán hàng lên 50% so với mức trước đại dịch. Paolo Zannoni, Chủ tịch của Prada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi lâu nay chưa đầu tư đúng mức vào thị trường Mỹ”.

Tập đoàn hàng thời trang cao cấp với các thương hiệu Prada, Miu Miu và giày dép Church’s, cho biết họ đang đặt mục tiêu tăng doanh thu hàng năm lên 4.5 tỷ euro, tương đương $5.1 tỷ – so với 2.4 tỷ euro trong năm 2020 và 3 tỷ euro vào thời điểm trước đại dịch. Công ty cho biết nhu cầu hàng xa xỉ đang tăng nhanh với doanh thu Quý 3 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Prada và các công ty hàng xa xỉ khác lâu nay vốn tập trung vào Trung Quốc; trong khi đó nhiều nơi ở Mỹ đang sự xuất hiện những người giàu mới, nếu không tính đến những địa điểm quen thuộc như New York, Los Angeles và Chicago. Prada đã có các cửa hàng ở Dallas và Houston, và giờ định mở thêm tại các thành phố của Texas như Austin. Ngoài ra, Prada cũng lên kế hoạch mở loạt cửa hàng ở Atlanta, Seattle và khu vực Baltimore-Washington, D.C.

Hiện thị trường Mỹ mang lại 19% doanh thu cho Prada. Mỹ là nơi mà Prada chứng kiến hoạt động kinh doanh tốt nhất so với các thị trường khác trên toàn cầu của họ trong nửa đầu năm 2021, với doanh số tăng 53% so với cùng kỳ năm 2019. Các tập đoàn thời trang cao cấp khác cũng bắt đầu tái tập trung vào thị trường Mỹ sau nhiều năm đầu tư vào Trung Quốc.

Năm 2019, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE đã mở một nhà máy ở Texas để sản xuất túi xách. Tuy nhiên, tương tự LVMH và Kering (chủ sở hữu Gucci), Prada vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với một thị trường còn bị xáo trộn ít nhiều bởi đại dịch. Lâu nay các tập đoàn hàng cao cấp này dựa chủ yếu vào nguồn du khách quốc tế, trong đó có người Mỹ, đến mua sắm tại những địa điểm như Milan, London, Paris và New York. Đại dịch COVID-19 đã khiến họ phải tính toán lại chiến lược kinh doanh. Thay vì dựa vào một vài địa điểm, giờ họ “bung” ra nhiều địa điểm khác.

Có một thực tế khá bất thường là đại dịch đã đẩy mạnh mức độ tiêu xài hàng xịn của giới nhà giàu. Cổ phiếu LVMH tăng vọt đã biến họ trở thành một trong những công ty có giá trị nhất châu Âu. Theo Bain & Co., doanh số hàng xa xỉ toàn cầu được dự báo sẽ đạt từ 360 tỷ euro đến 380 tỷ euro vào năm 2025, tăng từ khoảng 283 tỷ euro trong năm nay. Cũng cần nói thêm, chiến dịch “đánh tư sản” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến dân nhà giàu nước này chùn tay trong mua sắm hàng hiệu cao cấp. Đây cũng là một trong những lý do khiến các tập đoàn thời trang cao cấp tái định dạng lại chiến lược phát triển thị trường của họ. Mỹ chưa bao giờ và hiếm khi nào là một rủi ro đối với giới kinh doanh hàng hiệu. Ở Mỹ, chẳng ai dòm ngó bạn khi bạn mua một chiếc túi hàng chục hoặc hàng trăm ngàn đôla.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: