Bởi đâu nhà cao cấp ở Mỹ lên cơn sốt?

Làm việc từ xa và tăng thêm số người giàu sụ nhờ đầu tư vào tiền điện tử (crypto) đã tạo cơ hội chưa tùng có cho những ngôi nhà sang trọng, cao cấp tại Mỹ.

Tiền điện tử và làm việc từ xa gây sốt nhà cao cấp

Theo báo cáo của công ty bất động sản Sotheby’s International Realty, sự bùng nổ nhu cầu nhà ở hạng sang còn nhờ lãi suất thấp, mức lạm phát cao kỷ lục hiện nay và các khoản hoa hồng béo bở. “Kết hợp ba yếu tố này đã khiến việc đầu tư vào một tài sản cố định, đặc biệt là nhà ở trở nên hấp dẫn đối với nhiều người muốn có một danh mục đầu tư đẹp nhất – Bradley Nelson, Giám đốc tiếp thị của Sotheby’s trả lời phỏng vấn trang web tài chính Bloomberg – Thị trường bất động sản hiện được lèo lái bởi cơn sốt tiền điện tử và làm việc từ xa (hybrid work vs. remote work)” Nelson nói.

Nhưng thị trường sẽ nóng đến mức nào? “Rất nóng – Nelson khẳng định – Ví dụ nhiều tỷ phú đang tranh mua một co-op ở New York có giá rao đến $40 triệu!”. Theo các nhà quan sát, làm việc từ xa ngày càng phổ biến cũng làm dấy lên nhu cầu về không gian sống rộng hơn và xa thành phố. Nhiều người muốn ngôi nhà đáp ứng được các yêu cầu như nơi làm việc, rộng thoáng, thoải mái và tách biệt khỏi không gian chung của gia đình.

Từ năm ngoái, thị trường bất động sản hạng sang ở khu Manhattan, New York đã phục hồi sau hàng chục năm trì trệ. Trong số 1,877 ngôi nhà rao bán từ $4 triệu trở lên đã có hơn 400 ngôi nhà được bán thành công và khu phía Bắc đạt đến $10 triệu, một con số ấn tượng so với cả lúc chưa trì trệ. “Trong 18 tháng qua, đại dịch COVID-19 đã kích hoạt nhu cầu mua nhà ở các vùng ngoại ô – Nelson nói – Xu hướng đó sẽ còn tiếp tục”.

Nói thế có nghĩa là mọi người đang nhìn ra xa như Thung lũng Lower Hudson ở New York; Quận Trousdale, phía Bắc thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee; và Dripping Springs bên ngoài thủ phủ Austin của tiểu bang Texas, nơi nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để mua một ngôi nhà.

Báo cáo của Sotheby’s dẫn lời một nhà môi giới ở Thung lũng Hudson cho biết nếu muốn mua nhà cao cấp ở đây bạn phải chuẩn bị từ $1.5 triệu đến $2.5 triệu, tức cao hơn gấp đôi so với $600,000 – $700,000 trước đại dịch. Mặc dù khu vực này không bị sốt địa ốc như lúc bắt đầu đại dịch năm 2020, nhưng Thung lũng Lower Hudson tiếp tục báo cáo mức tăng lịch sử trong giao dịch bất động sản vào năm ngoái.

Theo khảo sát của Rockland/Westchester Journal News, doanh số bán nhà ở Quận Rockland trong năm 2021 đã tăng gần 20% so với năm trước. Số lượng nhà bán thành công ở Quận Westchester lân cận tăng 19.1% vào năm ngoái so với năm 2020 trong khi Putnam tăng 10.6%.

Giá nhà trung bình cũng tăng. Ngôi nhà một gia đình ở Hạt Rockland từ giá $500,000 năm 2021 đã tăng lên $560.000. Tại Putnam, giá bán tăng từ $380,000 vào năm 2020 lên $440,000, theo dữ liệu của Hiệp hội môi giới địa ốc Hudson Gateway.

Các nhà quan sát trong ngành cho rằng chính lượng hàng tồn kho thấp và nhu cầu cao ngất ngưởng là nguyên nhân tăng giá. Theo Nelson, người mua cũng chú ý nhiều hơn đến các khu vực có thuế suất thấp như Texas và Florida. “Thuế suất thấp hấp dẫn cả nước Mỹ và quốc tế. Bạn sẽ thấy những khoản đầu tư lớn tiếp tục đổ vào các thiên đường thuế rẻ”.

Theo dữ liệu gần đây của Cục Điều tra Dân số Mỹ, khoảng 319,020 người đã rời New York từ Tháng Bảy, 2020 đến Tháng Bảy, 2021 khiến New York trở thành tiểu bang dẫn đầu quốc gia về sụt giảm dân số.

Trong khi đó Texas tăng 310,288 người nhờ không tính thuế thu nhập, mức tăng cao nhất nước. Florida chứng kiến ​​mức tăng dân số lớn thứ hai, thêm 211,196 người trong cùng thời gian. Tiểu bang Mặt trời (Sunshine State) có chính sách chống Covid-19 thoáng hơn New York trong đại dịch (như không yêu cầu mang khẩu trang) nên thu hút được nhiều doanh nhân lớn nhỏ.

Về tiền điện tử, Nelson tin rằng một ngày không còn quá xa người mua và người bán sẽ thanh toán giao dịch bằng tiền điện tử. “Giao dịch bằng tiền điện tử sẽ phát triển theo cấp số nhân. Nếu kiếm được nhiều tiền thúc đẩy thị trường địa ốc thì tiền điện tử giúp kiếm được nhiều tiền. Tôi tin hình thức thanh toán bằng tiền điện tử sẽ lấn dần tiền mặt” – ông nói.

Các tỷ phú tiền điện tử

Cũng nhờ thành công ngoài dự đoán của đồng tiền ảo mà một giám đốc điều hành công ty kinh doanh tiền điện tử vừa trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Đó là Changpeng Zhao, người Canada gốc Hoa điều hành sàn giao dịch tiền điện tử Binance. Ông có giá trị tài sản ròng ước tính ít nhất $96 tỷ (theo tính toán mới Chỉ số Tỷ phú Bloomberg được công bố vào ngày 10 Tháng Một), sánh ngang với Larry Ellison người sáng lập công ty Oracle và vượt qua Mukesh Ambani, một doanh nhân Ấn Độ giầu lên ấn tượng trong hai năm qua.

Sự đi lên của Zhao là biểu tượng của sự giầu lên nhanh chóng nhờ tiền kỹ thuật số. Năm ngoái, các nhà sáng lập tiền điện tử khác cũng được hưởng lợi nhuận lớn khi giá trị của đồng tiền ảo tăng khá.

Vitalik Buterin, người sáng lập tiền ảo Ethereum và Brian Armstrong người sáng lập tiền ảo Coinbase đều trở thành tỷ phú. Tại cuộc thảo luận từ xa của Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hong Kong, tỷ phú trẻ Sam Bankman-Fried, Giám đốc điều hành của FTX, một sàn giao dịch tiền điện tử khác được Binance hỗ trợ, nhấn mạnh: “Tiền điện tử đã tạo ra khối lượng tài sản chưa từng có trong vài năm qua. Tôi nghĩ có rất nhiều người đang cố gắng tìm hiểu về nó để tham gia nên triển vọng phát triển là rất lớn”.

Trong một bài đăng trên Twitter ngày 10 Tháng Một, Zhao cũng thừa nhận “sức mạnh của tiền điện tử đã tạo ra sự khác biệt cho bản thân tôi, nhưng tôi không quan tâm đến nó mà sẽ tập trung hơn nữa cho hoạt động từ thiện”. Phát ngôn viên Binance cho biết Zhao định dành đến 99% sự giàu có cho từ thiện (Trong những năm gần đây, các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng như Mark Zuckerberg của Facebook đã ký vào sáng kiến “Giving Pledge” do Warren Buffett và vợ chồng Bill Gates khởi xướng để khuyến khích những người giầu nhất thế giới hiến tặng sản nghiệp cho từ thiện).

Zhao ra mắt Binance vào năm 2017 và dần xây dựng nó trở thành một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Theo một bài đăng trên blog của công ty, ông lớn lên trong một gia đình nhập cư ở Canada và từng làm việc tại McDonald’s để giúp đỡ gia đình lúc còn khó khăn.

Sau khi tốt nghiệp khoa học máy tính tại Đại học McGill, Zhao đầu quân cho Sở giao dịch chứng khoán Tokyo và Bloomberg. Sau đó, năm 2013 ông bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu về bitcoin rồi quyết định bỏ hết công sức cho nó (mà khởi đầu là bán căn nhà của mình để mua bitcoin).

Giống như các sàn giao dịch tiền ảo khác, Binance phải đối mặt với rào cản pháp lý tại nhiều quốc gia trong những tháng gần đây, gồm cả lệnh cấm tiền điện tử ở Vương quốc Anh và các hạn chế ở một số quốc gia khác, kể cả Canada.

Nhưng Zhao kiên quyết vượt qua những trở ngại. Trong một thư ngỏ vào năm ngoái ông hy vọng sớm có các quy định rõ ràng để sàn giao dịch tiền điện tử phát triển. “Tôi không sợ các qui định vì việc chính phủ ban hành các quy định là dấu hiệu tích cực cho thấy một ngành công nghiệp đang trưởng thành và đặt nền tảng cho sự bảo đảm để nhiều người dân có thể an tâm tham gia” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: