Elon Musk và Jeff Bezos, cuộc đua vượt giới hạn

Trong thế giới rất riêng của cuộc đua vào không gian, Jeff Bezos, Giám đốc điều hành công ty bán lẻ online Amazon và Elon Musk, Giám đốc điều hành hai công ty Tesla (xe hơi) và SpaceX (du lịch không gian) đã tự mình tách riêng và đi khá xa so với các tỷ phú khác. Họ đẩy tham vọng về phía trước một cách cương quyết, dù hơi liều lĩnh nhưng lại thành công: Đưa con người bình thường lên quĩ đạo, làm chủ vũ trụ và tận dụng lợi thế tối đa của thời đại Internet.

Hai người kiếm được hàng tỷ đôla trong sản xuất xe hơi điện, bán hàng online và nhiều lĩnh vực khác trong thế giới kinh doanh. Các phát minh, sáng kiến của Musk và Bezos không giới hạn trên những màn hình lớn nhỏ mà chúng ta nhìn vào hàng ngày mà họ còn bám đuổi quyết liệt làn sóng mới của công nghệ và không để lỡ chuyến, ngay cả khi thế giới khốn đốn vì đại dịch. Biến đổi khí hậu và mua sắm từ xa đã cho họ cơ hội bằng vàng. Ngày 21 Tháng 12, Musk, người giàu nhất thế giới cho biết sẽ trả $11 tỷ tiền thuế trong năm nay!

Từ tham vọng của Elon Musk

Giám đốc điều hành tập đoàn Tesla trong “kỷ nguyên hậu Steve Jobs của Apple” đã trở thành một người có tiếng nói quan trọng tại Silicon Valley. Mỗi sản phẩm ông hoài thai đều gây dư luận dù có dự án đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Một phát biểu của ông về bitcoin cũng đủ làm chao đảo đồng tiền này. Nói rõ hơn, Elon Musk là “con người của những tham vọng lớn” và không ngại vượt qua những trở ngại để biến tham vọng thành hiện thực.

Muốn biết hãy ghé thăm nhà xưởng không lồ Gigafactory của Telsa cách thành phố Reno của tiểu bang Nevada nửa giờ xe chạy. Đại nhà xưởng xây dựng từ Tháng Sáu, 2014, huy động hơn 1,000 công nhân và hơn sáu năm sau mới hoàn thành và hoạt động đầy đủ. Trước các nhà báo tại sa mạc, nơi Gigafactory định vị, Musk không hề ngại ngùng khi nói về giấc mơ khủng của mình. Gigafactory rộng 3,200 acres là nơi chế tạo pin cho xe hơi điện của tập đoàn Telsa với kinh phí $5 tỷ.

Thông qua nhà máy này, Musk đặt mục tiêu cắt giảm 30% phí tổn sản xuất và biến giấc mơ thành hiện thực nhanh hơn. Nhà máy hợp tác với công ty Nhật Bản Panasonic đang làm pin (cell) cho Tesla. Panasonic góp vốn $2 tỷ, đủ để tên công ty được gắn ở cổng vào. Panasonic giữ bí mật khá tốt thiết bị của nó trước khi lắp ráp. Nhà máy hiện có hơn 6,000 công nhân. Panasonic lo phần sản xuất pin rồi giao cho Tesla đưa vào xe hơi của nó.

Tham vọng của Musk là sẽ có các đại nhà máy tương tự tại Ấn Độ, Trung Quốc, những nơi có nhu cầu lớn xe hơi điện trong tương lai để giảm phí vận chuyển. Nhưng tại Trung Quốc, nơi có nhà máy lớn nhất của Tesla đã xuất hiện các trở ngại vì đối đầu với Mỹ dù Musk tìm cách lấy lòng chính phủ nước này. Mục tiêu của Gigafactory là cung cấp sản lượng điện pin hơn 40GWh vào năm 2022, tức là nhiều hơn tổng số điện pin sử dụng trên toàn cầu trong năm 2014. Sản lượng có thể tăng đến 150GWh.

Musk đã bỏ khá nhiều tiền vào Tesla, nhưng các nhà đầu tư cũng sẵn sàng “lời ăn lỗ chịu” với ông. Chính phủ Mỹ có chính sách trợ cấp một phần cho năng lượng sạch và giá mua xe hơi điện. Kế hoạch của Musk là mở rộng sang xe buýt điện và xe tải điện Telsa. Rồi cả mái nhà thu điện mặt trời và xe hơi Tesla tự lái cạnh tranh với Uber. Musk tiết lộ khoản đầu tư vào các dự án này sẽ lên đến hàng chục tỷ đôla. Nhưng cả hai đều tiến triển chậm. Nếu kế hoạch tham vọng đi đúng hướng, Telsa sẽ xuất xưởng hơn 500,000 xe hơi điện mỗi năm.

Dự báo, cùng với công nghệ tiến bộ lưu trữ năng lượng, Tesla sẽ có ảnh hưởng rất lớn trên toàn thế giới về năng lượng sạch và các sản phẩm sử dụng pin. Gigafactory đặt mục tiêu thu hút 10,000 lao động tại những cộng đồng dân cư chung quanh. Số công ty tại Silicon Valley làm được như vậy rất ít. Musk còn chứng tỏ mình là bậc thầy về huy động vốn. Ví dụ, hơn 500 ngàn người ứng trước $1,000 mỗi người để đặt hàng mẫu xe hơi điện Model 3. Các đời sau cũng không thua kém, đặc biệt là khi phong trào chống khí thải đang ở cao trào. Cổ phiếu của Tesla tăng đều nhờ doanh số xe bán ra vượt dự tính. Trong khi, tính chung, doanh số Tesla còn thua Ford, những người bỏ vốn vào Telsa tin rằng trước sau gì Musk cũng thắng lớn trong tương lai gần, khi xe hơi tự lái được chấp nhận và được nhiều người dùng.

Trên Twitter, Musk trêu những người dự báo là ông sẽ thất bại: “Hãy đợi đấy, một cơn bão lớn sắp diễn ra ở Shortville!”. Quả thật như thế, Telsa đã trở thành công ty xe hơi Mỹ giá trị nhất, đánh bại General Motors trước và Ford sau. Du lịch không gian đang trên đường trở thành “át chủ bài” lớn của Musk. Chưa hết, Musk hứa sẽ công bố chi tiết dự án mới khác có tên Neuralink giúp hội nhập não người với máy tính để thêm tính máy móc cho con người bằng da bằng thịt. Nói rõ hơn là các cyborg chúng ta từng xem trong phim điện ảnh sẽ trở thành hiện thực.

Đến cuộc chạy đua lên không gian giữa hai người khổng lồ

Trong nhiều năm trở lại đây, Elon Musk và Jeff Bezos (người giàu thứ hai thế giới) được truyền thông Mỹ xem là “hai kẻ không đội trời chung” trong thế giới công nghệ. Còn nhớ là tại hội nghị robotics hàng năm do SpaceX tổ chức cách nay vài năm, Jeff Bezos bắn phát súng mào đầu cho kế hoạch không gian của Amazon bằng cách tự điều khiển một robot khổng lồ do công ty công nghệ Hankook Mirae Technology mới sáp nhập chế tạo.

Không lâu sau đó, SpaceX của Musk đã làm nên lịch sử khi phóng thành công một tên lửa đã qua sử dụng vào không gian rồi trở về thay vì… nổ banh xác như trước! Thành công này là hòn đá tảng quan trọng để giảm mạnh chi phí thám hiểm không gian vì tên lửa mới chiếm đến 30% chi phí, khoảng vài chục triệu đôla. Điều đó có nghĩa là chi phí để đưa con người vào không gian sẽ rẻ hơn và du khách không gian sẽ thu hút được nhiều du khách tham gia hơn.

Chưa thoả mãn với thành công này, Musk lại tự đề ra một mục tiêu mới: Tìm cách sử dụng lại tên lửa chỉ sau 24 giờ sau khi nó đáp xuống trái đất. Thời gian tái sử dụng nhanh có nghĩa là những chuyến bay đưa người vào không gian sẽ ngắn hơn. Thành công tiếp nối thành công, SpaceX trở thành cánh tay đắc lực của NASA và nhận nhiều khoản tài trợ từ cơ quan này với những hợp đồng béo bở.

SpaceX đã có kế hoạch đưa hai du khách đầu tiên bay quanh Mặt trăng rồi trở về. Trong khi đó, tại một hội nghị không gian ở tiểu bang Colorado, Bezos công bố SpaceX sẽ chế tạo một capsule du lịch không gian chở người thế hệ mới với các cửa sổ khổng lồ để khách dễ nhìn ngắm vũ trụ bên ngoài. Capsule mới có tên Blue Origin đã thử nghiệm thành công. Ông tiết lộ thêm là mỗi năm sẽ bán số cổ phiếu trị giá $1 tỷ trong Amazon để có tiền chi cho công ty công nghệ vũ trụ Blue Origin.

Chưa hết, ông chủ Amazon tiếp tục nhắc các đối thủ về tham vọng của mình khi ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) để có thể phát trực tiếp các trận đấu NFL cho những hội viên câu lạc bộ Amazone Prime của nó. Cuộc cạnh tranh giữa Musk và Bezos đã tác động dến việc General Electric phải rao bán công ty sản xuất bóng đèn, từng là doanh nghiệp “lõi” của nó.

Công ty do nhà phát minh Thomas Edison sáng lập không có một phát minh “giá trị” nào tương đương với những gì cha đẻ của nó đã làm. Quyết định rao bán đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của General Electric và là minh chứng cho thấy các hậu duệ của Edison đang bị Amazon, SpaceX và Tesla bỏ xa về tính sáng tạo.

Chưa hết, khái niệm vận chuyển siêu nhanh bằng đường ống đệm từ Hyperloop mà Musk đưa ra vào năm 2013 đã đạt được một số tiến triển tốt. Nếu không có Covid-19, con tầu Hyperloop One sẽ sớm chạy thử nghiệm vòng quanh nước Mỹ với tốc độ cực cao không thua máy bay mà giá vé lại rẻ hơn.

Rõ ràng, Musk và Bezos đang là hai “Nhân vật công nghệ kiêm doanh nhân” được chú ý nhất hiện nay của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Tầm nhìn xa trộng rộng, biết mơ ước và biết cách nuôi giấc mơ của họ không có mấy người dám làm. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận thất bại như “yếu tố cần có” để tiến lên. Bezos từng viết trong thư ngỏ gửi các cổ đông: “Thất bại và phát minh là cặp song sinh không thể tách rời. Nhưng tất cả chúng ta đều biết là khi phát đi nhiều quả bóng thế nào cũng có vài quả trúng đích. Vấn đề là bạn đừng ngại phát bóng, tốn tiền mua bóng và phải biết cách rút kinh nghiệm”.

Mới đây, Musk nhắc lại lần nữa tham vọng về loại máy bay phản lực siêu thanh SR-71 Blackbird lớn nhất và nhanh nhất thế giới. Con tàu Starship của SpaceX còn có tham vọng đưa con người lên sao Hoả! Mới đây trên báo Anh Financial Times, ông còn công kích Bezos là “không cống hiến hết mình cho Blue Origin, đối thủ của SpaceX. Cả Musk và Bezos đều công bố số cổ phần họ bán ra trong năm nay cùng trên $20 tỷ. Vợ cũ MacKenzie Scott của Bezos cũng thay thế cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel như “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” của tạp chí Forbes.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: