Người Nhật thức cả ngày lẫn đêm và ngủ cả đêm lẫn ngày

Minh họa: Jezael Melgoza/Unsplash

“Người Nhật không ngủ trưa? Họ cũng không chợp mắt. Không, họ vẫn ngủ, nhưng ngủ một cách… nghệ thuật, ngủ mà như không ngủ!” – tiến sĩ Brigitte Steger (Đại học Cambridge, Anh), người từng sống ở Nhật nhiều năm và quan sát cách ngủ của người Nhật nói. Người Nhật gọi kiểu ngủ này là “inemuri” (không ngủ) để phân biệt với “nemuri” (ngủ).

Inemuri bộc phát vào thời kỳ “kinh tế bong bóng”

“Chúng tôi không quen ngủ trưa”, đó là những gì bạn thường nghe người Nhật nói khi đến thăm đất nước này. Nhưng sự thật không phải thế. Họ vẫn ngủ, nhưng ngủ… theo cách của họ! Đây chính là một nét văn hóa rất độc đáo của người Nhật. Nếu chịu khó quan sát người Nhật ngủ bạn sẽ thấy nhiều điều rất thú vị. Tiến sĩ Brigitte Steger nói:

“Tôi phát hiện ra nghệ thuật ngủ của người Nhật khi tôi đến Nhật sống và làm việc lần đầu vào thập niên 1980. Vào thời điểm đó, nước Nhật còn ở đỉnh cao của phép lạ kinh tế, chưa bị sức cạnh tranh khốc liệt của những con rồng châu Á và Trung Quốc vẫn còn ngủ yên trong cái nôi của nền kinh tế chỉ huy.

“Nhưng lúc đó nước Nhật cũng đã rơi vào trạng thái của một nền “kinh tế bong bóng” “bubble economy”, quá nóng với những giá trị được bơm phồng, đặc biệt là nhà đất, và giới công chức Nhật vẫn an tâm với “câu chuyện thần tiên”: đã được nhận vào làm việc là làm việc đến… trọn đời. Cuộc sống hàng ngày lúc đó rất căng thẳng để bắt kịp đà tăng trưởng. Thời gian biểu của mỗi cá nhân luôn ken kín, từ công việc đến vui chơi bạn bè sau giờ làm việc nên không còn thời gian cho việc ngủ trưa hay ngủ sớm. Giấc ngủ trở thành xa xỉ nếu bạn không muốn bị tụt hậu so với người khác.

Minh họa: Jusdevoyage/Unsplash

“Khi cả đất nước cùng chạy, ăn và đọc báo trên tàu điện ngầm thì bạn không thể đứng sang bên mà phải hòa nhập vào nó. Lối sống của giai đoạn này có thể gói gọn trong một khẩu hiệu được mọi người truyền miệng: mỗi người Nhật là một doanh nhân mà đã là doanh nhân thì phải tỉnh táo 24/24 giờ”. Khẩu hiệu này được thuộc nằm lòng bất chấp những ý kiến khác là “người Nhật hy sinh quá nhiều cho công việc” hay “chúng ta nghiện công việc đến mức bệnh hoạn và tâm thần!”.

Nhưng bất chấp khác biệt, trên khuôn mặt của mỗi người Nhật đều ẩn chứa sự kiêu hãnh của những người tạo nên một kỳ tích kinh tế mà không nước nào làm được sau cuộc bại trận nặng nề gần như phá sản trong mọi lĩnh vực. “Người Nhật siêng năng hơn nên họ đã đánh bại các dân tộc khác về tăng trưởng kinh tế và óc sáng tạo” – một nhà tâm lý phát triển nói. Hãnh diện là thế nhưng trong thâm tâm mỗi người Nhật đều biết cái giá họ phải trả cho sự cần cù, chịu khó của mình. Không cần phải quan sát, bạn vẫn dễ dàng chứng kiến những người Nhật ngủ gật trên tàu điện trên đường đến nơi làm việc. Một số ngủ đứng có… đẳng cấp.

Các hành khách đi cùng không hề ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều người ngủ chung quanh mình, vì họ cũng thường làm như thế, tại nơi này hay nơi khác. “Nói tóm lại là người Nhật có thể ngủ bất cứ đâu ngoài giờ làm việc – Steger nhận định – Tôi sớm phát hiện ra tuyệt đại đa số người Nhật rất khoan dung với những kẻ ngủ bừa bãi quanh mình. Thậm chí, ngủ không đúng nơi đúng chỗ, trên tàu điện, dưới cầu thang, tại quán cà phê, trong lớp học, tại buổi thuyết trình, trong cuộc họp, tại phòng làm việc, tại phòng chờ bệnh viện… đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày của người Nhật.

Người Nhật khoan dung và chịu đựng kiểu ngủ “inemuri” tại nơi công cộng. Bất kể phụ nữ, đàn ông hay trẻ em, ai cảm thấy buồn ngủ thì cứ ngủ, và ngủ ở nơi nào thuận tiện. Học sinh sẵn sàng thức đêm để học và ngủ bù vào ngày hôm sau tại… cầu thang trường! Nếu con cái lên giường lúc chưa học xong bị xem là làm biếng thì sẽ không có ai phê phán nếu nó ngủ bừa bãi… ngoài ngôi nhà của mình và trong trường. Đây là một nghịch lý. Nhân viên đi làm muộn có thể bị kỷ luật nhưng chợp mắt trong cuộc họp lại không sao!

Trước những phát hiện lạ lùng như thế, Steger quyết định đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật ngủ của người Nhật để làm luận án Ph.D. Bà phải mất một thời gian để thuyết phục người bảo trợ đề tài cho mình, trong đó bà xem xét giấc ngủ của người Nhật theo sự đa dạng của nó đồng thời phân tích cách ngủ để xem giấc ngủ có vai trò thế nào trong các công việc và sinh hoạt của người Nhật. Bà cho biết:

“Có khi nghiên cứu về cách ngủ, chúng ta còn phát hiện ra nhiều điều hay hơn là quan sát những thứ khác. Cách ngủ thể hiện sự tương tác của mỗi cá nhân với cuộc sống. Người ngủ gật thường sẵn sàng hy sinh thời gian cho công việc và bù lại bằng những giấc ngủ ngắn, đứt quãng. Người quan tâm đến sức khỏe hơn thường chọn cách ngủ đầy giấc trên chiếc giường của mình. Nói thế để thấy thời gian ngủ truyền thống sau khi Mặt trời lặn và trước khi Mặt trời mọc không còn thấy nhiều tại những nước có nhiều người nghiện công việc. Giấc ngủ trở nên phức tạp hơn và có thể rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Điều thú vị nữa là số người chấp nhận sự linh hoạt trong giấc ngủ ngày càng đông, chứ không chỉ là người Nhật. Ngủ gật, ngủ ‘lén’ cũng không còn bị phê phán nữa, thậm chí, việc ‘chợp mắt một chút cho tỉnh táo’ còn được khuyến khích”. Đã trở thành bình thường chuyện người Nhật ngủ rất tự nhiên khi có người lạ ngồi bên cạnh, thậm chí có người thú nhận “ngủ lén tại công ty còn ngon hơn ngủ ở nhà”!

Minh họa: Max Anderson/Unsplash

Inemuri và Nemuri

Mùa xuân 2011 sau trận động đất và sóng thần lớn phá hủy nhiều thành phố ven biển tại Nhật, nhiều người sống sót vào tạm trú trong những trung tâm cộng đồng với không gian ngủ eo hẹp dành cho mỗi người nhưng họ vẫn ngủ ngon lành giống như tại nhà mình. Có người khẳng định họ ngủ an giấc hơn nhờ nằm gần những người chung cảnh ngộ. “Ai trung thành với kiểu ngủ cũ vào ban đêm, người đó sẽ khó thích nghi với cuộc sống đương đại” – một nhà tâm lý nói.

Cách ngủ cũ có từ thời thủy tổ loài người, lúc việc phân bố thời gian cho công việc và nghỉ ngơi còn đơn giản. Nay, giấc ngủ phức tạp hơn nhiều vì hình thái công việc cũng thay đổi, đặc biệt là những công việc có thể làm ở nhà trên máy tính và trên mạng, khi không gian văn phòng và nhà riêng ngày càng lẫn vào nhau. Tư liệu cho thấy, ngay cả khi đèn điện chưa có, giấc ngủ đêm cũng đã trễ hơn, chứ không còn vào lúc mặt trời lặn. Nguyên nhân là nhiều người chọn không khí ban đêm để tụ tập bạn bè, uống rượu và đàn địch, hát hò sau một ngày làm việc vất vả.

Các học giả Nhật luôn được đánh giá cao nếu chịu khó thức đêm học tập dưới ngọn đèn dầu, dù có thể sáng hôm sau họ ngủ gật tại lớp. Ngủ “lén” không được lịch sử ghi lại về nguồn gốc nhưng đã trở thành bình thường trong thời đại hiện nay và được mọi người chấp nhận. Ngủ lén trong cuộc họp phát sinh nhiều chuyện vui, ví dụ như người ngủ trả lời sai câu hỏi hay vỗ tay không đúng lúc khi giật mình thức dậy. Nhiều nền văn hóa trên thế giới xem việc dậy sớm là một đức tính, bất chấp việc nó có thể tước đoạt giấc ngủ vào thời điểm ngủ ngon nhất.

Từ thời Trung Cổ, nhiều nền văn hóa bắt đầu khuyên “ngủ trễ, dậy sớm” và xem ai làm được điều này là người tốt. Trong lúc các bác sĩ Anh cho rằng để con cái ngủ riêng sẽ tạo cho chúng tính độc lập và dễ hòa nhập với đám đông khi ra ngoài xã hội thì người Nhật lại xem việc cha mẹ ngủ với trẻ đến khi nó đủ lớn thì mới phát huy được đức tính này. Tuy nhiên, thói quen ngủ chung với cha mẹ hay anh chị em thời còn trẻ không đủ để giải thích tại sao người Nhật lại chấp nhận và khoan dung với hành vi ngủ “vô tổ chức”.

“Lý do đơn giản, người Nhật không xem “inemuri” là ngủ. Họ không chỉ thấy nó khác với kiểu ngủ trên giường vào ban đêm mà còn khác với giấc ngủ trưa” – Steger nói. Khác biệt thể hiện ở chính từ gọi nó: “inemuri” có nghĩa là “không ngủ”, còn “nemuri” mới là ngủ. “Nhận thức chung của người Nhật về inemuri rất khác nên họ có những nguyên tắc riêng cho hành vi này”. Dù động tác vẫn là nhắm mắt, nhưng nhắm mắt trên ghế chờ rất khác với nhắm mắt trên giường.

Nhắm mắt trên giường không đúng lúc sẽ bị chê là lười biếng còn nhắm mắt ở chân cầu thang được xem là “chợp mắt cho tỉnh”. Cách ứng xử với hai hình thức ngủ này cũng khác nhau. Cha mẹ sẽ la rầy con cái nếu chúng lên giường quá sớm, nhưng sẽ tạo điều kiện cho con chợp mắt trên bàn học. Trong khi inemuri chỉ là khoảnh khắc dừng lại để chờ tiếp tục công việc với tinh thần sảng khoái hơn thì nemuri báo hiệu một sự chấm dứt công việc kéo dài để nạp năng lượng.

Thậm chí, nhiều ông chủ Nhật xem các nhân viên thường xuyên rơi vào trạng thái inemuri là… người siêng năng, tận tụy với công việc đến mất ngủ! Mệt mỏi đến phát bệnh là dấu hiệu sự xả thân với công việc nên inemuri có thể được châm chước dễ dàng. Các ông chủ Nhật không phê phán gì nếu nhân viên chợp mắt một chút trong giờ làm việc sau khi hy sinh giấc ngủ vào đêm hôm trước. Inemuri cũng không liên quan đến địa vị xã hội. Một tổng giám đốc, chủ tịch công ty hay nhân viên đều có thể chợp mắt bất cứ nơi nào, nếu thấy cần thiết mà không lo bị đánh giá, “ghi hồ sơ”. Dĩ nhiên là không được ảnh hưởng trực tiếp đến người khác, như vừa điều hành cuộc họp vừa ngủ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: