Những bữa ăn trên chín tầng mây

Khi Covid và biến đổi khí hậu đe dọa hoạt động du lịch, một số người trong chúng ta đang bí mật (hoặc không quá bí mật) nhớ về một thứ mà chúng ta ít chú ý hoặc không chú ý trước đây: Bữa ăn trên máy bay.

Hương vị mở đầu cuộc phiêu lưu mới đang chờ

Ăn trưa ghê tởm! Khó nuốt! Buồn nôn! Quá cay! Đó là một số trong nhiều nhận xét được ghi lại trong bài viết về “Những bữa ăn trên không tồi tệ nhất” của tạp chí Người tiêu dùng Anh Quốc. 

Chế nhạo những món ăn không nhai nổi được phục vụ khi đang bay là một thú vui phổ biến với câu hỏi người ta thường nói với nhau: “Bữa ăn của hãng hàng không đó có ngon không?”. Các lý do đưa ra để chê bai một bữa ăn kém cỏi trên máy bay có rất nhiều. Đó là những xuất ăn được chế biến trong các bếp ăn công nghiệp gần sân bay. Chúng được nhấn chìm một nửa trong chất lỏng để giữ ẩm rồi đông lạnh ở mức cho phép trước khi được đưa đến độ không hoàn hảo trên độ cao 35,000 feet. 

Gia vị được sử dụng một cách cầu kỳ với hy vọng đáp ứng khẩu vị mọi hành khách nhưng phần lớn là thất bại vì áp suất cabin làm suy giảm khứu giác của họ. Đã thế còn kèm theo âm thanh động cơ phản lực làm mất sự thích thú. Nhưng gần hai năm đại dịch Covid-19 , trong đó du lịch hàng không đã trở thành hàng hiếm, có vẻ nhiều người thường xuyên đi máy bay bắt đầu thấy nhớ những bữa ăn đủ màu sắc và phong cách chế biến trên những chiếc máy bay họ từng đi và bắt đầu trân quý chúng. Trên thực tế, chúng ta đã thấy nhớ những “sky show” ẩm thực trên bầu trời, từ cà tím nhồi thịt băm của hãng Turkish Airlines đến bánh pho mát quýt của hãng Qatar Airways. 

Tuy nhiên, nói đúng ra, bữa ăn trên máy bay thường không quá tệ, bạn nên biết rằng, ngay cả những bữa ăn siêu đắt tiền do các đầu bếp từng được trao Sao Michelin như Gordon Ramsay và Daniel Boulud chế biến cũng chưa chắc đã ngon miệng trên máy bay khi nó bay trên các đám mây. 

Chính vì vậy, bạn chỉ nên xem bữa ăn trên máy bay là “hương vị mở của cuộc phiêu lưu mới đang chờ”. Cho dù bạn là phi công trứ danh Lindbergh nhấm nháp sandwich trên đường đến Paris; hay một hành khách bình thường, ăn trên máy bay có cái thú của “sự dự đoán và thử nghiệm”. 

Từ gà rán lạnh đến trứng cá muối beluga

Ăn uống trên mây từng rất cầu kỳ. Richard Foss, nhà sử học ẩm thực, tác giả cuốn sách “Food in the Air and Space: The Amazing History of Food and Drink in the Skies” viết: “Khi những chuyến bay thương mại (bắt đầu cất cánh vào thập niên 1920) đã trở thành bình thường, hành khách thường được ăn bánh mì kẹp, salad, gà rán lạnh….

Máy bay không còn phòng bày biện thức ăn để chọn lựa, vì vậy thứ duy nhất khách có thể chọn là bữa trưa kiểu dã ngoại mang đến tận nơi ở nhiệt độ phòng. Chỉ có thức uống từ phích nước là nóng”. Đây là bước tiến dài. Còn nhớ, trên các khí cầu (airship) như LZ 127 Graf Zeppelin, nơi bữa ăn ngon trên bầu trời đầu tiên được phục vụ. Đó là ngày 30 Tháng Năm, 1930 với trứng cá muối beluga đặt trên bánh mì nướng, đi kèm là thịt bò với rau tươi và khoai tây trên kem được bày trên chén đĩa sành sứ loại tốt (dĩ nhiên có một người được cử ra để hạn chế sự nâng lên và hạ xuống của mũi khí cầu để rượu khỏi đổ trên chiếc bàn dài). 

Cách ăn uống có vẻ trưởng giả này sớm chuyển sang các hình thức khác mà tiên phong là chiếc thuyền bay “Clipper” của hãng Pan Am. Thịt bò được nướng toàn bộ giữa không trung và chia vào đĩa cho hành khách trong phòng ăn riêng. Nhưng lúc đó cũng xuất hiện câu chuyện vui: “Nếu bạn nhìn thấy quảng cáo về bữa ăn trên máy bay với bảy đầu bếp thái thịt bò wellington thơm mềm thì bạn đừng vội tin vào nó; vì khi lên máy bay, họ sẽ đưa cho bạn một miếng… thịt gà mắc bệnh với những nốt mụn đen vẫn còn trong lỗ chân lông!”. 

Vào thập niên 1950, diễn viên hài Alan King trở thành một trong những người đầu tiên bỡn cợt về những “cạm bẫy của ẩm thực” trên máy bay (King rất nhiều lần chê bai các hãng hàng không nên ông thường bị họ kiện). 

Hãng hàng không Northwest Orient tạo ra bước ngoặt khác về bữa ăn trên máy bay khi thiết kế một phòng chờ cocktail giả kiểu Nhật Bản trên chiếc máy bay “Stratocruiser” của nó, trang trí với những cây bonsai và thư pháp, sau đó mời khách thưởng thức những con tôm cắm trên những que nhô ra từ những quả dứa tươi. Nhiều người Mỹ xem đây là quá xa hoa, tốn kém (nên nhớ từ thời chiếc khí cầu Hindenburg nổi tiếng của thập niên 1930, thực đơn trên không đã quá xa hoa gồm súp tổ yến Ấn Độ, bít tết thăn ăn kèm với gan ngỗng cũng bị nhiều người Mỹ phàn nàn rằng món ăn quá xa hoa và mắc mỏ)!

Nhiều người thích bữa ăn trên máy bay

Thức ăn trên máy bay luôn bị đem ra xoi mói. Sự chê bai và so sánh sẽ không bao giờ kết thúc. Lý do đơn giản: Hành khách không được chọn lựa trong khi hãng hàng không cũng không thể đáp ứng khẩu vị mọi người, nhất là trên các chuyến bay quốc tế. Điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải sẵn sàng túi nôn để để phòng hoặc bỏ lại toàn bộ thức ăn. Tuy nhiên, số người thích thức ăn trên máy bay cũng không ít. 

Đối với nhiều người, ẩm thực trên không trung là thứ đáng để thưởng thức. Đó là trường hợp Nik Loukas, người đi máy bay thượng xuyên có trang riêng Inflight Feed và thường đưa lên Facebook, Twitter, Instagram… những hình ảnh và đánh giá các bữa ăn trên máy bay. Cho đến nay ông đã viết về ẩm thực trên máy bay của hơn… 150 hãng hàng không! Một kỷ lục. Những bài viết của Loukas có thể không gây ấn tượng mạnh đối với nhiều người (một số chê món bánh mì ăn với súp thịt gà của một hãng hàng không Ukraine mà ông khen) nhưng đa số nhận được phản hồi tích cực. 

Khi hàng không trở thành phương tiện đi lại phổ biến hơn vào giữa thập niên 1970 nhờ chính phủ Mỹ quyết định mở trói cho các hãng hãng cạnh tranh về giá, cách biệt chất lượng bữa ăn giữa hạng thương gia (business) và hạng phổ thông (economy) được thu hẹp dần. Loukas đánh giá bữa ăn hạng phổ thông của hãng Delta (“đã cải tiến hạng phổ thông trước khi Covid xuất hiện”), Turkish Airlines (“đồ uống và món tráng miệng rất hấp dẫn”), Emirates (“thức ăn ngon, phong phú có salad tươi và món tráng miệng”) và nhiều hàng khác. 

Loukas nói: “Ngồi ghế hạng phổ thông, tôi luôn quan sát xem các hãng hàng không cung cấp những gì cho khách, từ khăn nóng, bản thực đơn in, nước đóng chai để xem có gì khác biệt so với các hãng khác và với hạng doanh nhân”. Không chỉ có Loukas mà nhiều hành khách đi máy bay thường xuyên cũng quan tâm đến bữa ăn trên máy bay, từ cà tím nhồi thịt băm của Turkish Airlines đến pho mát quýt của Qatar Airways. Họ còn cảnh báo về “những nguy hiểm của thức ăn trên máy bay” và hướng dẫn cách chọn bữa ăn tốt nhất. 

Khi đại dịch bùng phát, hầu hết chúng ta không đi máy bay, các chuyến bay được giới hạn tối đa nên các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống bị dư thừa nguồn cung thực phẩm ở giai đoạn đầu, thậm chí phải bán bớt đồ nghề (hãng hàng không Garuda Indonesia vất bỏ các khay và dao kéo bằng nhựa vì không thân thiện với môi trường).

Hoài niệm

Có lẽ không có nhiều người trong chúng ta tiếp tục chọn đồ ăn trên máy bay khi đã xuống mặt đất. Nhưng Nick Sennhauser thuộc số người rất nhớ bữa ăn trên máy bay nên đã tự nấu những món ăn na ná ở nhà. Tờ Wall Street Journal cho rằng những người làm như thế không phải “điên điên” mà là “hoài cổ”, giống như nỗi nhớ tương tự đã tạo ra cơn sốt mua đồ sành sứ, dao kéo và cả khăn tắm mà hãng British Airways đã bán bớt đi để giải phóng tồn kho. 

Nhằm phục vụ các hành khách như Sennhauser, thương hiệu thực phẩm Santan của hãng hàng không AirAsia đã lên kế hoạch mở rộng từ 15 cửa hàng ở Malaysia lên 100 cửa hàng trên toàn thế giới. Thực khách còn được tham dự các khoá nấu ăn và được chuyển giao các công thức món ăn trên máy bay, như cà ri rendang, nasi goreng và nasi lemak. Tất nhiên, ẩm thực của Santan không phải được mọi người trên thế giới yêu thích (vì nó nêm quá nhiều gia vị cho nước sốt), nhưng thành công của nó sẽ mở đường cho các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống hàng không khác tham gia thị trường. 

Sau cùng, bữa ăn trên máy bay không chỉ để tiếp năng lượng cho một chuyến bay dài mà còn là để giúp chúng ta phân tâm khỏi sự tẻ nhạt, lo lắng và bồn chồn. Vì vậy, nếu bạn ghét nó, ít nhất bạn có thể bắt chước nhà văn David Barry xem bữa ăn trên máy bay là “một hình thức giải trí và đoán mò ‘hôm nay sẽ được ăn gì?’ trước khi tiếp viên đẩy xe vào lối đi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: