Sống khỏe nhờ… chẳng làm gì

Morimoto hay đội chiếc mũ màu xanh đặc trưng của mình và mặc chiếc áo hoodie, để khách hàng dễ dàng nhận ra mình. (minh họa: Unsplash)

Akari Shirai đi nhà hàng với một người, gọi món mình thích, và độc thoại. Người đi cùng cô chẳng cần làm gì, sau 45 phút, anh được nhận thù lao.

Bữa trưa hôm đó diễn ra trong bầu không khí rất nhẹ nhàng, êm ái, bình yên, vì chỉ có Shirai nói. Còn người đi cùng chỉ cần thỉnh thoảng cười nhẹ, trả lời vài câu vu vơ không ăn nhập gì với câu chuyện của Shirai, và đặc biệt là đừng có hỏi gì về đời tư của Shirai. Đó là những gì Shirai muốn.

Vì sao Shirai phải thuê một người chẳng phải làm gì mà cô còn phải trả tiền công?

Shirai, 27 tuổi, vừa ly dị, và chuẩn bị dời khỏi Tokyo để làm công việc mới. Trước khi ra đi, cô muốn dùng bữa tại nhà hàng yêu thích của cô và người chồng cũ. Vấn đề là cô không thể mời anh chồng vừa ly dị đi cùng, cô cũng không thích đi một mình, và càng không muốn rủ một người bạn nào đi ăn, để rồi phải trả lời, giải thích tùm lum tùm la chuyện riêng tư mà cô không muốn nhắc đến.

“Tôi cảm thấy như đang ở bên cạnh ai đó, nhưng đó là người tôi không cần phải quan tâm, không cần biết anh ấy đang nghĩ gì, có nhu cầu gì. Tôi không cảm thấy khó xử hay áp lực khi nói chuyện. Đây có thể là lần đầu tiên tôi ăn như thế, một cách thoải mái với người xa lạ,” Shirai nói.

Thế còn “người xa lạ” ấy là ai? Đó là Shoji Morimoto, 38 tuổi.

Morimoto (phải) đang gặp khách hàng của mình. (ảnh chụp qua YouTube SCMP)

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc có dịch vụ cho thuê người lạ để đóng giả bạn bè, thành viên gia đình hoặc những người quen khác, như một cách để giữ thể diện tại các chức năng xã hội nơi người ta mong đợi. Bốn năm qua, Morimoto đóng vai “người lạ” như thế với nhiệm vụ là làm cho người thuê anh cảm thấy ấm áp, và nhất là giúp họ thoát khỏi kỳ vọng về những chuẩn mực bất thành văn trong xã hội Nhật Bản.

Morimoto – biệt danh “Rental-san,” người truyền cảm hứng cho một bộ phim truyền hình và ba cuốn sách đang thu hút sự chú ý của quốc tế thông qua các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền về anh ấy.

Các hợp đồng của Morimoto bắt đầu thành công. Anh có nhiều “vai diễn” khác nhau, khi là “người nhà” của một vận động viên marathon không có ai thân quen đứng chờ ở vạch về đích; khi lại ngồi cùng với người đang trình bày một luận án nào đó mà không thể tập trung nếu không có người ngồi bên cạnh.

Morimoto tính phí 10,000 yên (khoảng $74) cho mỗi “vai”, cộng chi phí đi lại. Khách hàng của anh là những người đang có vấn đề trong cuộc sống, đang ở trong bước ngoặt của cuộc đời, những người từng trải qua khoảnh khắc bị tổn thương, có những ký ức đau buồn mà họ cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ với bạn bè hoặc gia đình. Morimoto sẽ chỉ ở đó, không phán xét, nhận định, và không tìm hiểu kỹ thêm câu chuyện của khách hàng mình như thế nào.

Morimoto thường thấy rằng khách hàng của mình không muốn tạo gánh nặng cho những người mà họ quan tâm. “Tôi nghĩ khi mọi người cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc đang ở trong những khoảnh khắc nào đó, họ trở nên nhạy cảm hơn với người thân của mình,” anh nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng họ chỉ muốn tiếp cận với một người lạ mà không có bất kỳ ràng buộc nào.”

Yasushi Fujii, giáo sư tâm lý học tại Đại học Meisei ở Tokyo, cho biết, việc Morimoto làm, nhằm hỗ trợ tinh thần mà nhiều người khao khát có được. “Tương tác với bạn bè và người khác, luôn có những yếu tố có thể phát huy tác dụng mà mình chưa biết. Nhưng gặp Rental-san, bạn dễ dàng biết được điều gì sẽ xảy ra và hoàn toàn kiểm soát được tình hình,” Fujii nói.

Morimoto, người lớn lên ở Kansai, một vùng ở miền Nam Nhật Bản, từng bị chê bai trong công việc cũ của mình, nào là làm không đủ và thiếu sáng kiến ​​để thành công. Nói chung, anh “bị” nhận xét là chẳng làm gì cả!

“Chính vì nhận xét ‘chẳng làm gì cả,’ khiến tôi đi đến quyết định là tận dụng điều ấy và biến nó thành một công việc kinh doanh,” Morimoto cho biết. Hiện nay anh đã có hàng ngàn yêu cầu, và mỗi ngày anh “nhập” ít nhất hai “vai diễn”. Ấy là anh đã giảm ba, bốn khách hàng trước đại dịch. Anh cho biết thu nhập như thế đủ để anh lo mọi trang trải trong gia đình và nuôi dạy con trai.

Morimoto (phải) chỉ cần ngồi nghe, chẳng cần làm gì. (ảnh chụp qua YouTube SCMP)

Morimoto cũng tỏ ra băn khoăn chẳng hiểu sao mô hình kinh doanh của anh lại trở nên nổi tiếng như vậy. Nhưng anh chia sẻ rằng qua công việc này, bản thân anh học được cách không đánh giá người khác và có sự đồng cảm với những người có thể đang trải qua những thử thách cá nhân sâu sắc, nhưng không muốn nói ra.

“Ngay cả khi bề ngoài một người trông rất bình thường, rất ổn, nhưng có thể họ đang có bí mật nào đó không thể nói ra, hoặc từng có một quá khứ không mấy tốt đẹp, gây sốc cho đến giờ,” anh nói và kết luận: “Tất cả mọi người, ngay cả những người nhìn có vẻ tốt, đều có vấn đề và bí mật của riêng họ.”

Morimoto hay đội chiếc mũ màu xanh đặc trưng của mình và mặc chiếc áo hoodie, để khách hàng dễ dàng nhận diện ra anh. Nhưng tùy tình huống, có khi anh phải khoác trên mình bộ cánh sang trọng hơn.

Và vì xã hội đang cần những người như Morimoto, nên anh vẫn sống khỏe dù… chẳng làm gì, chỉ làm “người lạ”.

Đọc thêm:

-Một kết thúc hạnh phúc sau 23 năm

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: