Tám du hành gia tư nhân đầu tiên bay quanh Mặt Trăng là ai?

Doanh nhân Nhật Bản Yusaku Maezawa. (ảnh: YOSHIKAZU TSUNO/Gamma-Rapho / Getty Images)

Danh sách phi hành đoàn đầy đủ cho sứ mệnh bay quanh Mặt trăng được tài trợ bởi tư nhân của công ty SpaceX, vừa được công bố.

Ông trùm thời trang Nhật Bản Yusaku Maezawa chọn ra tám hành khách tham gia cùng ông trong chuyến du hành bay vòng quanh Mặt trăng bằng tàu vũ trụ Starship của công ty SpaceX do tỷ phú Elon Musk làm chủ. Trong tám người may mắn có ba người Mỹ: DJ Steve Aoki, nhiếp ảnh gia dưới nước Karim Iliya ở Hawaii và YouTuber không gian nổi tiếng Tim Dodd, được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Everyday Astronaut”. “Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội,” Aoki nói trong một video thông báo tin vui. “Giờ tâm trí tôi chỉ toàn tập trung vào chuyến bay sắp tới mà thôi”.

Sứ mệnh tham quan bề mặt “Chị Hằng” từ trên cao có tên “Dear Moon” được công bố lần đầu vào năm 2018. Thoạt tiên, Maezawa dự định đưa một nhóm nghệ sĩ đi cùng ông trong chuyến du hành sáu ngày quanh Mặt trăng, nhưng sau đó ông tuyên bố mở rộng định nghĩa của mình về “artist”.

Yusaku Maezawa, doanh nhân và Giám đốc điều hành của ZOZOTOWN và hành khách tư nhân đầu tiên của SpaceX BFR, tại cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên ngoại quốc của Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 9 Tháng Mười năm 2018, xác nhận Maezawa sẽ là người đầu tiên bay quanh mặt trăng trên SpaceX vào đầu năm 2023. (ảnh: Alessandro Di Ciommo/NurPhoto/Getty Images)

Trong thông báo video vào năm ngoái, Maezawa cho biết ông sẽ mở cửa cho mọi người từ các tầng lớp xã hội, miễn là họ tự xem mình là nghệ sĩ hay được gọi như thế. Với danh sách mở rộng này, tham gia cùng Maezawa, Aoki, Dodd, Iliya còn có nghệ sĩ đa ngành người Séc Yemi AD, nhiếp ảnh gia người Ireland Rhiannon Adam, diễn viên Ấn Độ Dev Joshi, nhà làm phim tài liệu Brendan Hall và rapper Hàn Quốc Choi Seung Hyun (nghệ danh T.O.P). Đội dự bị có vận động viên trượt tuyết Olympic Mỹ Kaitlyn Farrington và vũ công Nhật Bản Miyu. Theo CNN.

Sứ mệnh “Dear Moon” vẫn khẳng định sẽ cất cánh vào năm 2023, dù hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ mới Starship vẫn chưa thực hiện chuyến bay thử nghiệm quỹ đạo nào. Maezawa phải trả một khoản tiền không được tiết lộ cho chuyến đi (miễn phí đối với các hành khách được mời).

Trang web của phi vụ đưa ra hai tiêu chí chính để lựa chọn những đồng hành của Maezawa: Thứ nhất, các ứng viên phải chuẩn bị tạo thêm uy tín trong lĩnh vực hoạt động của mình bằng cách lên vũ trụ “để giúp đỡ những người khác và xã hội lớn hơn theo một cách nào đó”; thứ hai là sẵn sàng hỗ trợ các thành viên khác trong suốt cuộc hành trình.

Năm ngoái, có lúc Maezawa đưa ra “sáng kiến” sẽ mở một “chương trình hẹn hò” để tìm kiếm “bạn đời” cùng ông tham gia cuộc hành trình đến Mặt trăng, nhưng sau đó ông hủy bỏ, nêu lý do “cảm xúc yêu ghét lẫn lộn với chương trình”.

Kể từ khi sứ mệnh “Dear Moon” được công bố, Maezawa đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vào vũ trụ dài 12 ngày đến Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bằng tiền túi vào Tháng Mười Hai, 2021 trên con tàu Soyuz của Nga.

Tên lửa Starship khổng lồ của SpaceX đang được phát triển tại các cơ sở thử nghiệm của công ty ở miền Nam Texas. Một vài mẫu ban đầu được “thử nghiệm nhảy” (hop test) ngắn, như bay cách Trái đất vài dặm, nhưng công ty vẫn chưa thử nghiệm Super Heavy, một tên lửa đẩy khổng lồ cao 69 mét cần thiết để đẩy con tàu Starship dài 50 mét vào quỹ đạo Trái đất hoặc xa hơn nữa.

Mấy tháng trước, Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX, nói sẽ sớm chuẩn bị cuộc thử nghiệm sau khi có giấy phép phóng của các cơ quan quản lý liên bang. Musk hy vọng Starship sẽ thực hiện các chuyến bay thường xuyên vào năm 2023, nhưng không rõ có kịp cho thời hạn đó hay không. Các dự án trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ thường mất nhiều thời gian hơn dự tính và chi phí cũng đều bị đội lên trong quá trình thực hiện so với dự đoán ban đầu. Nếu các chuyến bay thử nghiệm của Starship thành công và sứ mệnh “Dear Moon” suôn sẻ, phi hành đoàn của Maezawa sẽ là “nhóm tư nhân đầu tiên mạo hiểm vượt ra ngoài quỹ đạo tầm thấp của Trái đất”.

Con tàu sẽ mất ba ngày để đến điểm quỹ đạo Mặt trăng ấn định và bay quanh “Chị Hằng” trước khi quay trở về Trái đất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: