Thế hệ Y muốn nghỉ hưu ở tuổi 50, không dễ!

HÌnh minh hoạ: clay-banks-unsplash

Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy thế hệ Millennials (thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, thế hệ Thiên niên kỷ để chỉ nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z. Các nhà nghiên cứu và truyền thông thường xem khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 là khoảng thời gian sinh ra của nhóm này. Cụ thể, sinh ra từ 1981 đến 1996) đang có xu hướng muốn nghỉ hưu ở tuổi 50. Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu này là một vấn đề khác. 

Một số trường hợp điển hình

Dù Devangi Patel, 33 tuổi mới hành nghề bác sĩ gây mê lồng ngực tại một trung tâm y tế lớn bên ngoài thành phố Atlanta của tiểu bang Georgia chỉ được hai năm, nhưng mục tiêu của cô vẫn là làm sao có đủ khả năng tài chính để rời bỏ công việc ở tuổi 50. “Đối với tôi, đó chính là giấc mơ Mỹ” – cô nói. 

Patel không đơn độc trong hành trình tiến đến độc lập về tài chính ở độ tuổi tương đối sớm. Có vẻ như một sự thay đổi tư duy thế hệ Y về nghề nghiệp đang diễn ra tốt đẹp: Nhiều công nhân thế hệ trẻ không muốn nghỉ hưu vào giữa hoặc cuối lứa tuổi trên dưới 60, giống như cha mẹ của họ mà thay vào đó, nhiều người có nghề nghiệp vững vàng và chuyên môn cao đang tìm cách rời bỏ công việc ở tuổi 50 để làm việc cho chính mình hoặc nhận một vai trò được trả lương thấp hơn, phù hợp hơn với sở thích nhưng thoải mái và chủ động hơn. 

HÌnh minh hoạ: dylan-gillis-unsplash

Các nghiên cứu mới và các cố vấn tài chính cũng nhận thấy loại tư duy “nghỉ hưu sớm” này đang phổ biến trong thế hệ Thiên niên kỷ. Patel nói: “Tôi nhìn về thời điểm mình không còn phải làm việc vì tiền nữa mà chỉ để cho…vui!”. 

Nhưng đạt được mục tiêu đó khó hơn Patel dự đoán. Dù đang có bỏ tiền vào tài khoản hưu trí cá nhân 401(k) và tài khoản đầu tư cá nhân Roth, đầu tư vào cổ phiếu bằng tài khoản môi giới (brokerage account) và sử dụng tối đa tài khoản tiết kiệm sức khỏe của mình, cô vẫn còn phải trả khoản vay $250,000 cho trường y và chi trả nợ đám cưới của mình tổ chức vào Tháng Mười Hai qua. 

Christopher Lyman, một nhà lập kế hoạch tài chính có giấy phép hành nghề của công ty tư vấn tài chính Allied Financial Advisors ở thành phố Newtown thuộc tiểu bang Pennsylvania bộc bạch: “Trong khi nhiều người lao động Thiên niên kỷ như Patel muốn độc lập tài chính ở độ tuổi 50, họ không dễ dàng đạt được ước nguyện của mình. Có rất nhiều người đến gặp tôi và nói: Tôi đã đọc được những dự tính này trên báo chí và thấy nhiều người đang làm điều đó. Tôi cũng muốn thế! Dù không muốn làm mất lòng khách hàng, nhưng tôi cố giúp họ nhìn vào thực tế, thậm chí nói thẳng: để đạt được sự độc lập đó vào năm 50 tuổi, các bạn sẽ cần tiết kiệm từ 50% đến 60% tiền lương hay thu nhập kiếm được”.

Giấc mơ Mỹ mới

The New York Times cho biết, thế hệ Millennials bước vào thị trường lao động trong thời kỳ Đại suy thoái (Great Recession) và phải sống trong một thế giới mà con đường quen thuộc dẫn đến sự giàu có, chẳng hạn như quyền sở hữu nhà, đã nằm ngoài khả năng của một tỷ lệ lớn hơn trong số họ so với những người thuộc thế hệ trước. 

Thái độ muốn sớm tận hưởng cuộc sống không bị gò bó bởi việc làm được định hình một phần bởi sự bấp bênh khi chúng ta chứng kiến ​​những thay đổi kinh tế đáng kể và phải phấn đấu nhiều hơn mới khẳng định được mình. “Muốn thoả mãn ước vọng rời thị trường lao động tù túng sớm thế hệ Y phải tiết kiệm ngay bây giờ càng nhiều càng tốt và chi tiêu ít nhất có thể” – Lyman nhận định. 

Trong khi một số thành viên Thiên niên kỷ kiên định với phong trào FIRE (viết tắt của financial independence, retire early-độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm), những người khác, chẳng hạn Brit Minichiello, 36 tuổi có những mục tiêu lớn hơn. Chị nói: “Là môn đệ của FIRE truyền thống, chúng tôi sẽ không chi tiêu nhiều tiền và sẽ từ bỏ thói quen này mãi mãi”. Thay vào đó, chị đang điều chỉnh số tiền tiết kiệm của mình với mong muốn được thoải tận hưởng cuộc sống trước khi bước sang tuổi 65. 

Đó là lý do tại sao chị và chồng Dave, 42 tuổi, gần đây tập trung chiến lược tiết kiệm của họ vào việc mua một ngôi nhà thứ hai. Nhưng đối với Patel, thật khó để tiết kiệm 50% tiền lương dù cô không thuộc loại chi tiêu bạt mạng. “Nếu chia tay với các kỳ nghỉ và sở thích ăn uống ở những nhà hàng sang trọng hoặc bay đến New Jersey thường xuyên để gặp gia đình mình, và không phải trả những khoản nợ nần tôi có thể tiết kiệm được $3,000 một tháng”.

HÌnh minh hoạ: bruno-gomiero-unsplash

Khát vọng xa vời thực tại

Mark Smrecek, một nhà tư vấn về hưu trí và lãnh đạo tài chính của công ty tư vấn Willis Towers Watson cho biết hầu hết những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ mà ông đã tiếp xúc thực sự không thể tiết kiệm đủ để độc lập tài chính vào năm 50 tuổi. “Mục tiêu này không thực tế với chi phí sinh hoạt của họ và lối sống mà họ theo đuổi” ông nói. 

Cuộc Khảo sát Thái độ về Lợi ích Toàn cầu (Global Benefits Attitudes Survey) năm nay của công ty cho thấy 36% công nhân Thiên niên kỷ trong nhiều ngành công nghiệp chỉ tiết kiệm được 5% thu nhập hoặc ít hơn dù họ muốn tiết kiệm nhiều hơn. Thậm chí 26% phải vay từ 401(k) và 25% phải rút tiền từ 401(k) của họ. Tuy nhiên, 52% vẫn có dự tính ​​sẽ nghỉ hưu trước tuổi 65. 

Cuộc khảo sát tìm hiểu về hưu trí năm 2022 (2022 Retirement Insights Survey) của TIAA cho thấy thái độ tương tự, với 31% người tuổi từ 30 đến 39 khẳng định họ có sự tự tin trên mức trung bình về khả năng lập kế hoạch nghỉ hưu sớm. Đối với những người trẻ thế hệ Thiên niên kỷ, từ 25 đến 29 tuổi, tỷ lệ này lên đến 40%. “Bất chấp sự tự tin, thế hệ Thiên niên kỷ không hề tiết kiệm đủ và nhiều người không đóng góp đủ 401(k) của mình nên khó tích luỹ đủ tài chính để đạt được giấc mơ sớm” – Smrecek nói. 

Hai trong số những thách thức mà người lao động trẻ phải đối mặt khi chuẩn bị cho việc nghỉ hưu là ngày càng ít người sử dụng lao động cung cấp các kế hoạch lương hưu và không còn bảo đảm sẽ đáp ứng nổi mức đóng góp 401(k) cho nhân viên. 

Theo Cục Thống kê Lao động, chỉ có 52% người lao động trong khu vực tư nhân được tiếp cận các kế hoạch đóng góp xác định, chẳng hạn như 401(k)s, vào Tháng Ba, 2020. Chỉ 12% được tiếp cận cả kế hoạch lương hưu (pension plan) và kế hoạch đóng góp xác định (defined contribution plan), trong khi chỉ 3% được tiếp cận với kế hoạch hưu trí. 

“Việc thiếu lương hưu hoặc không tiếp cận được 401(k) đã đặt gánh nặng lên kế hoạch tiết kiệm cho tương lai của nhân viên – Jake Northrup, một nhà lập kế hoạch tài chính có giấy phép hành nghề tại Experience Your Wealth ở Bristol, tiểu bang Rhode Island, nói – Trách nhiệm đã chuyển từ việc người sử dụng lao động giúp người lao động nghỉ hưu sang người lao động tự giúp mình nghỉ hưu!”.

Không chờ đợi cho đến tuổi 65

Minichiello và chồng bắt đầu tiết kiệm khoảng 53% thu nhập sau thuế từ năm 2010 với hy vọng sẽ rời bỏ công việc hiện tại khi chị bước sang tuổi cuối 40 và anh bước vào tuổi 50. Minichiello, người đồng sáng lập và là đối tác của công ty tư vấn chăm sóc sức khỏe BEspoke Medical Affairs Solutions ở Cambridge, Massachusetts có ý định vào làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận và huấn luyện điều hành với mức lương không cao bằng vị trí hiện tại nhưng thoải mái hơn. 

“Tôi không muốn bị cuốn vào cơn điên tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm rồi sau đó nghỉ hưu trễ ở tuổi 65! Tôi đã chứng kiến ​​quá nhiều người trì hoãn cuộc sống của họ cho đến khi bắt buộc phải nghỉ hưu vì bệnh hoặc vợ (chồng) qua đời. Việc tiết kiệm phân nửa khoản tiền mang về nhà của hai vợ chồng là không quá khó. “Chúng tôi không bao giờ bị ám ảnh bởi các công nghệ mới nhất, không mua xe hơi mới và chỉ xài đồ cũ cho đến khi chúng không còn hoạt động nữa” – chị nói. 

Cả Minichiello và chồng đều có thu nhập sáu con số. Trong một thập niên, cặp vợ chồng này đã đầu tư phần lớn số tiền tiết kiệm của họ vào một tài khoản môi giới để kiếm lãi kép và để tránh bị phạt nếu họ rút tiền trước khi bước sang tuổi 59.5, như IRA sẽ làm. Cặp đôi đã trả hết các khoản vay sinh viên của họ, và mỗi người đều đạt tối đa HSA và 401(k)s mỗi năm. 

Northrup khuyên: “Việc kết hợp linh hoạt hơn giữa tài khoản hưu trí truyền thống và tài khoản tiết kiệm là rất quan trọng. Không ai muốn tất cả số tiền tiết kiệm của mình trong các tài khoản hưu trí trước thuế phải chịu một khoản phí để lấy ra sử dụng trước 59.5 tuổi”. Có lúc Northrup khuyến nghị các khách hàng Thiên niên kỷ của mình nên giảm bớt tiết kiệm hưu trí để có nhiều tiền mặt hơn cho các mục tiêu ngắn hạn như mua nhà, đi du lịch hoặc trả bớt nợ. 

Valerie A. Rivera, một nhà lập kế hoạch tài chính có giấy phép hành nghề và là người sáng lập FirstGen Wealth ở thành phố Chicago, tiểu bang Illinois đưa ra lời khuyên tương tự cho các khách hàng lâu năm của bà. Khi một khách hàng đạt mức tối đa 401(k) nhưng vẫn phải vật lộn để dành dụm mua nhà, Rivera khuyên cô ta nên gửi số tiền đó vào tài khoản môi giới để sử dụng cho bất động sản. 

Vào lúc Minichiello và chồng cô quyết định tiết kiệm tiền để mua ngôi nhà thứ hai vào giữa năm 2020, tỷ lệ tiết kiệm của hai vợ chồng đã giảm xuống chỉ còn từ 40 đến 50%. Thay vì đầu tư tiền vào cổ phiếu, họ gửi nó vào một tài khoản tiết kiệm năng suất cao được họ đặt tên là Quỹ Cuộc sống Tuyệt vời (Awesome Life Fund). 

Năm 2021, hai vợ chồng mua một ngôi nhà ở Cape Cod, dự định sẽ cho thuê khi hai con không còn cần đến nó. “Tôi tin rằng cách đầu tư tài chính của bạn cần phải phù hợp với các giá trị bạn có – Minichiello nói – Tôi coi trọng sự tự do và linh hoạt hơn bất cứ thứ gì khác”.

HÌnh minh hoạ: pham-chung-unsplash

Tạo nhiều nguồn thu nhập

Minichiello thuộc những người Thiên niên kỷ tin rằng họ sẽ có quyền truy cập vào quỹ An sinh xã hội khi đủ 62 tuổi nhưng lại hoài nghi rằng, các kế hoạch truyền thống, chẳng hạn 401 (k) hoặc Roth IRA, là chưa đủ. 

Joshua Frappier, 34 tuổi, một đại lý bất động sản ở Newburyport, tiểu bang Massachusetts, bán bất động sản ở miền Nam New Hampshire và ở Bờ Bắc Massachusetts, cho biết: “Tôi chưa nghe bất kỳ ai nói ‘Cảm ơn Chúa, tôi đã có Roth IRA’!”. Lyman nhận định: “Ngay cả khi đóng góp được số tiền tối đa cho kế hoạch 401(k) mỗi năm (giới hạn năm nay là $20,500) bạn cũng không thể tiết kiệm đủ tiền để độc lập về tài chính ở tuổi 50 mà sẽ cần các tài sản khác như bất động sản, một tài khoản đầu tư hoặc một doanh nghiệp tạo ra thu nhập thụ động để bổ sung thêm tài chính”. 

Để dừng làm việc ở tuổi 50, Frappier tập trung vào việc tìm thêm một số nguồn thu nhập ngoài công việc đại lý bất động sản toàn thời gian. “Nếu không có thu nhập thụ động bạn không có cách nào để vượt qua giới hạn tài chính của mình” – anh nói. 

Frappier hiện làm chủ hai bất động sản dành cho một gia đình cư ngụ ở Bãi biển Hampton thuộc tiểu bang New Hampshire. Anh sống trong một căn và cho thuê căn còn lại, nơi anh ước tính sẽ mang lại thu nhập ít nhất $60,000 một năm. Frappier cũng đang mua chung một bất động sản 10 căn nữa với một số nhà đầu tư bất động sản khác. “Tôi sẽ mua thêm nhiều bất động sản nữa trước khi nó có thể tăng giá vào năm sau hoặc 10 năm nữa” – anh nói. 

Là một cựu binh Thủy quân lục chiến, anh đủ điều kiện nhận các khoản vay lãi suất thấp, nhưng vì đã rời quân ngũ trước khi đủ 20 năm phục vụ nên không đủ điều kiện nhận lương hưu. “Tôi tin bất động sản sẽ mang lại lợi tức tốt hơn so với SEP-IRA (được thiết kế cho những người lao động tự do, mà anh vẫn đóng góp hàng nă” – anh nói. 

Frappier đã trả hết các khoản vay sinh viên từ nhiều năm trước và mới mở một tài khoản môi giới. Anh biết mình thật may mắn khi có một kế hoạch tài chính rõ ràng. “Hầu như tất cả những người tôi từng nói chuyện đều không thực sự có kế hoạch nghỉ hưu đúng nghĩa. Họ bị cuốn vào cuộc chiến chống lại hạnh phúc và sự nghiệp của mình”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: