Trịnh Công Sơn – Cuộc đổi chác bằng chính phẩm giá người nghệ sĩ

TRẦN TIẾN DŨNG

LTS: Tác giả TRẦN TIẾN DŨNG, một nhà thơ tự do ở Sài Gòn, nói rằng anh gửi đến bài viết này với sự nặng trĩu trong tim mình. Không quá khó để hiểu được, chia sẻ được suy nghĩ thật lòng về Trịnh Công Sơn từ một thế hệ còn mang đủ phẩm giá và tư duy và sự tự do không thể khuất phục sau cuộc chiến 1975. Mọi suy nghĩ luôn giằng xé với một nửa là mến mộ và một nửa chất đầy những muộn phiền. Nếu ai đó nói “thôi xin hãy để mọi thứ ngủ yên”, đích thực là giả dối. Lịch sử và cuộc đời không có ngoại lệ. Nó sẽ được mổ xẻ, còn được nhìn lại cho đến khi nào sự thật, trách nhiệm và giá trị đúng của câu chuyện hiện ra. Xin được gửi đến bài viết này, với sự trân trọng, như chính tâm tình của tác giả.

 

Trịnh Công Sơn sinh họat cùng các thành phần Việt cộng nằm vùng tại Sài Gòn vào năm 1980. Người đeo kính ngoài (bìa phải) là Nguyễn Hữu Thái, người cùng Cộng quân, chỉnh sửa văn bản đọc lời đầu hàng của Dương văn Minh ở đài phát thanh.

Non nửa thế kỷ kể từ biến cố 30-4-1975, nhìn lại, thì hai sự kiện từ sóng của đài phát thanh vẫn vang bên tai hơn cả tiếng súng đại bác của quân Bắc Việt, khiến chấn động tâm hồn người miền Nam Việt Nam. Đó là, lời tuyên bố đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh; và lời kêu gọi hợp tác với chế độ cộng sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta… Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này… Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó… Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước… Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này…” (Theo Wikipedia)

Vết chấn thương tâm lý không thể lành do người nhạc sĩ này gây ra, có thể không phải là bằng chứng để kết tội ông phản bội, dù ông phát ngôn như ra lệnh, và là người “lộ mặt” đổi phe sớm nhất, mà chính là đặt ra câu hỏi: Vì sao một nhạc sĩ tài hoa vốn là thần tượng của hàng triệu người dân miền Nam dưới chế độ VNCH, nơi chốn sinh-dưỡng tài năng, dành cho ông  mọi danh tiếng; vậy mà ông không hề bận lòng, hối hả từ bỏ cộng đồng gắn bó tha thiết với ông, nơi các giá trị ý thức Tự Do được hàng triệu công dân miền Nam chọn lựa và phụng sự, sẵn sàng hiến dâng cả sinh mạng?

Sao một người được tôn vinh là nhạc sĩ ngôi sao chói sáng, xuất hiện danh giá trên mọi mặt báo của thế giới Tự Do trong và ngoài nước lại phủi sạch để thoát xác, xuất hồn, nhập phe cờ đỏ với tốc độ nhanh hơn đạn đại bác, để kêu gọi “kết hợp chặt chẽ” ngay phút đầu, giờ đầu của một biến cố lớn nhất trong lịch sử dân tộc đương đại – lúc âm thanh động cơ bánh xích xe tăng đang chà nát mặt đường tiến vào Thủ đô Sài Gòn, nơi có hàng triệu người thường dân đang hoang mang lo sợ, hoảng loạn tột cùng.

Không thể lên án một nhạc sĩ-nghệ sĩ vì quan điểm chính trị của họ. Tôi sẽ không thành thật nếu nói là mình không yêu thích các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thời thanh niên, thậm chí ngay dưới chế độ cộng sản, mỗi khi có dịp hát với bạn bè, tôi cũng thường chọn các tác phẩm của ông, nhất là các bài trong Ca Khúc Da Vàng và thêm nữa, không hiểu sao tôi rất thích và thường hát bài: Cho Một Người Vừa Nằm Xuống.

Tôi không bàn sâu về giai điệu và ca từ của bài này, bởi vì cá nhân tôi tin rằng cảm xúc mà nhạc sĩ truyền đạt chân thật, mở ra không gian lớn rộng mà người nghe chỉ có thể cùng chân thật cảm thụ chia sẻ. Cho Một Người Vừa Nằm Xuống trong Tết Mậu Thân máu lửa khắp miền Nam Việt Nam, là Đại tá không quân VNCH Lưu Kim Cương, bạn ông, được ông gởi theo về cõi miên viễn một tác phẩm sâu sắc tính nhân văn và tư tưởng hòa bình.

Tư tưởng, phản chiến – hòa bình từ ông thật đáng trọng. Đó cũng là trào lưu rộng khắp thế giới trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng chính nó cũng thủ tiêu lý tưởng Tự Do của các chiến sĩ Cộng Hòa và hư vô hóa toàn bộ sinh mệnh thường dân miền Nam vô tội của cuộc chiến tranh. Để rồi, đến thời điểm 46 năm sau biến cố 30-4-1975 và xa hơn nữa; “thông điệp” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người hối hả từ bỏ tư tưởng phản chiến-hòa bình để chọn phe thắng cuộc; không hề ngượng ngùng đưa ra phán xử “Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước...”

Không nên quy chụp cho người nghệ sĩ một quan điểm chính trị bất biến, ngay cả lịch sử công chính cũng ghi chép nhân vật lịch sử trong từng bối cảnh chính trị riêng biệt. Nhưng những người cùng chia sẻ bối cảnh lịch sử với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họ có quyền, kể cả chủ quan khi đưa ra cách nhìn nhận của mình để góp phần soi tỏ. Với tôi, đến ngày giờ này, thì hàng triệu tử sĩ, thương phế binh và các nạn nhân chiến tranh Việt Nam vô tội, không ai “được” chế độ Hà Nội nhìn nhận có tư tưởng phản chiến – hòa bình, không ai là nạn nhân vô tội, mà vẫn chỉ là linh hồn và thân xác được xác định của một bên thua cuộc. Đương nhiên hàng triệu người miền Nam từng ái mộ thầm lặng không hề lạ khi chứng kiến chỉ riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các sáng tác của ông (trừ các Ca Khúc Da Vàng), giờ đây, được truyền thông phe thắng cuộc chiến phổ biến, vinh danh chói lòa.

Chọn đổi về phe thắng trận trong thời điểm họ chiến thắng, thì hẳn phải là người có giá và chịu trả giá; phe thắng có thể không tính toán đòi ngay phải bán phẩm giá, nhưng chính người bán biết hơn hết, là cả sự nghiệp, tài năng nghệ thuật không thể đủ nếu không kèm với phẩm giá nghệ sĩ.

Sài Gòn, 2-4-2021

*****

MỜI XEM LẠI:

Trịnh Công Sơn, 20 năm nhìn lại cuộc ra đi

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: