Trung Quốc theo dõi người dân bằng camera

H.C.

Trung Quốc là nước theo dõi người dân chặt chẽ nhất bằng việc sử dụng mạng lưới máy quay phim giám sát (surveillance camera hoặc CCTV) dày đặc nhưng một công trình nghiên cứu mới đây cho thấy việc sử dụng mạng lưới camera giám sát không làm giảm số vụ phạm tội ở các đô thị.

Nghiên cứu của công ty công nghệ Anh Quốc Comparitech cho thấy, trong 20 thành phố có nhiều camera giám sát nhất thì Trung Quốc có 18 thành phố.

Thủ đô Bắc Kinh có 1,15 triệu camera giám sát, dân số 20,5 triệu người – dẫn đầu về số lượng camera với tỷ lệ bình quân 60 camera mỗi 1.000 dân; tiếp theo là Thượng Hải với 1 triệu camera cho 27 triệu dân, tỷ lệ 40 máy/1.000 dân.

Nhưng thành phố Đại Nguyên (Taiyuan), thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Shanxi) và thành phố Vô Tích (Wuxi) tỉnh Giang Tô (Jiangsu) mới là hai nơi dẫn đầu thế giới về tỷ lệ camera giám sát so với dân số. Đài Nguyên có 465.000 camera cho một thành phố 4 triệu dân, tức là hơn 110 camera cho mỗi 1.000 dân.

Ngoài Trung Quốc, thủ đô London của Anh xếp thứ ba, và thành phố Hyderabad của Ấn Độ xếp thứ 16. Ngoài ba nước này (Trung Quốc, Anh và Ấn Độ) không có nước nào khác lọt vào danh sách top 20 thành phố mà người dân bị theo dõi kỹ nhất.

Thành phố Mỹ có nhiều camera giám sát nhất là Los Angeles ở California, có 22.678 máy cho hơn 4 triệu dân, tỷ lệ 5,65 máy cho 1.000 dân, xếp thứ 46 trong bảng xếp hạng.

Thành phố đông dân nhất thế giới, thủ đô Tokyo của Nhật Bản, với 37,4 triệu người nhưng chỉ có 39.504 camera giám sát, tỷ lệ 1,06 máy cho 1.000 dân.

Có nhiều số liệu rất khác nhau về số lượng camera giám sát ở Trung Quốc. Truyền thông nước này nói rằng, năm 2017 mạng camera giám sát của Trung Quốc có khoảng 20 triệu máy và có thêm hàng triệu máy khác trong năm nay 2020. Tuy nhiên, theo khảo sát toàn cầu của công ty tư vấn công nghệ IHS Markit, đến cuối năm 2019, thế giới có 770 triệu camera giám sát đang hoạt động, 54% trong số đó là ở Trung Quốc, khoảng 415,8 triệu máy. Nếu xu hướng gia tăng theo dõi được tiếp tục thì năm tới số camera giám sát trên toàn cầu sẽ tăng thêm 30%, lên tới 1 tỷ máy, trong đó 540 triệu máy ở Trung Quốc.

Lý lẽ chính của những người ủng hộ mạng lưới camera giám sát ở các đô thị là nó giúp cải thiện việc thực thi pháp luật và ngăn ngừa tội phạm. Nhưng công ty Comparitech đối chiếu kết quả thống kê về số camera giám sát với chỉ số tội phạm (crime index) do công ty Numbeo thực hiện và thấy rằng, lý lẽ đó không đúng: số tội phạm không giảm ở những thành phố có nhiều camera. Thành phố Đại Nguyên nói trên chẳng hạn, dẫn đầu thế giới về số camera giám sát tính trên đầu người (110 máy/1.000 dân), nhưng cũng là nơi có chỉ số tội phạm rất cao, ở mức 51,47 điểm, cao gấp nhiều lần so với Hong Kong (tỷ lệ camera giám sát là 6,62 máy/1.000 dân nhưng chỉ số tội phạm chỉ 20,91 điểm).

Ngoài ra, theo bà Severine Arsene, phó giáo sư Đại học Trung Hoa Hong Kong, chuyên nghiên cứu chính sách về mạng tin học của Trung Quốc thì Trung Quốc đang mở rộng khả năng theo dõi người dân bằng việc gia tăng lắp đặt các camera có chức năng nhận diện khuôn mặt. Loại camera này không chỉ giúp cơ quan công lực nhanh chóng tìm ra kẻ phạm pháp mà còn có thể dùng để theo dõi những người bất đồng chính kiến, người sắc tộc thiểu số, theo bà Arsene.

Tại các nước phương Tây, việc sử dụng camera giám sát để theo dõi người dân nơi công cộng bị hạn chế tối đa vì nó vi phạm quyền riêng tư của công dân. Nhưng ở các nước như Trung Quốc, người dân không có tiếng nói trong những vấn đề thuộc loại “an ninh quốc gia” như thế này. Việc thu thập dữ liệu từ hệ thống camera giám sát, lưu trữ, khai thác và sử dụng các dữ liệu đó như thế nào vẫn còn hết sức mù mờ.

“Điều cấp thiết là phải có sự kiểm soát chặt chẽ bất cứ ai chịu trách nhiện vận hành mạng lưới camera giám sát – đó là chuyện hoàn toàn vắng bóng ở một chế độ như Trung Quốc,” bà Arsene nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: