Từ đứa trẻ tự kỷ trở thành triệu phú poker

Dan Cates (nguồn: Dan Cates)

Vượt qua giới hạn 

Được nhiều người hâm mộ đánh giá là một trong những người chơi poker (xì phé) giỏi nhất thế giới còn sống, những tuần gần đây, Dan Cates du lịch nhiều nơi, khám phá những ngôi đền ở Campuchia, tìm hiểu về các vị thần Hindu ở Ấn Độ, tham quan các nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), đi bộ qua đống đổ nát ở đất nước Trung Mỹ Guatemala…

Tại mỗi điểm dừng, khi nghiên cứu con người, lịch sử và văn hóa của họ, anh thấy như đắm chìm vào những câu hỏi hiện sinh từng ám ảnh từ lúc anh còn là một đứa trẻ. Năm Cates 12 tuổi, khi bị một cô gái làm tan nát trái tim, anh bắt đầu tự hỏi “Liệu có điều gì đó không ổn với mình không?”. Để tìm câu trả lời, anh đọc từng dòng trong cuốn Kinh Thánh, đọc đến cuối trang và đọc hai lần nhưng vẫn không tìm ra lời đáp.

Đó cũng là năm Cates được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tìm đọc một bài báo về chứng rối loạn phát triển thần kinh, anh có cảm giác mình là nhân vật trong đó. Cha mẹ Cates đã đưa con đến Đại học Johns Hopkins, nơi các chuyên gia chính thức xác nhận anh bị mắc chứng này. Cuối cùng gia đình bắt đầu hiểu con họ là đứa trẻ tự kỷ có năng khiếu đặc biệt toán học và gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối với những đứa trẻ khác.

Cates cũng có tính cả tin, nóng tính, tò mò, bướng bỉnh, “siêu tập trung”, thích lý sự và quyết đoán. Những đặc điểm này lại giúp Cates trở thành tay chơi đáng nể trong thế giới poker. Giờ đây, ở tuổi 33, anh có một cặp vòng tay vô địch thế giới “World Series of Poker” và $23 triệu trong tài khoản nhờ cái “nghề” khó tin này.

Bà Lillian Cates nói về con trai mình lúc còn nhỏ: “Thằng bé khá nhút nhát. Nó hầu như chỉ chơi một mình!”. Lớn lên tại thị trấn Bowie thuộc tiểu bang Maryland, Cates phải vật lộn để điều hướng các chuẩn mực xã hội và tạo ra những kết nối có ý nghĩa với cộng đồng. Người cha cho con học một khoá võ tự vệ. Nhưng trong các buổi học karate, Cates không thích tung ra những cú đấm.

Việc Cates được chẩn đoán tự kỷ đã không gây ra hoảng loạn mà giúp gia đình bình tĩnh và quan tâm hơn đến những khả năng đặc biệt của Cates. Cha mẹ anh rất vui khi hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến các hành vi khác thường của con dù họ vẫn lo lắng về tương lai, các mối quan hệ và khả năng tự đi làm kiếm sống. Cha mẹ Cates thường tham dự họp nhóm với các gia đình có trẻ em mắc chứng bệnh này, và đề nghị con mình thử làm những gì những đứa trẻ tự kỷ khác làm tốt. Nhưng phải đến khi tiếp cận với trò chơi điện tử và sau đó là poker Cates mới tìm thấy đam mê, mục đích và lối thoát trong cuộc sống.

Minh họa: michal-parzuchowski-unsplash

Biến bệnh tật thành cơ hội

Cates chơi poker từ năm 15 tuổi, thường trong bữa trưa với bạn bè cùng lớp và dùng những mảnh giấy làm chip (thẻ). Trò chơi lôi cuốn anh. Khả năng phân tích, tính toán rủi ro được phát huy với phần thưởng hấp dẫn bằng tiền. “Có lẽ không ai mê poker nhiều như tôi. Ngồi trước sòng bài, tôi tập trung rất cao và ngày càng chơi hay hơn”.

Với điểm SAT gần như hoàn hảo, Cates giành được học bổng vào Đại học Maryland. Nhưng sau đó, anh phát hiện ra poker trực tuyến. Bắt đầu với những ván khiêm tốn 25-50 xu, anh quyết tâm giành chiến thắng. Khi chiến thắng được một giải đấu $5,000, anh tái đầu tư phần lớn số tiền thắng cược vào một khóa dạy chơi bài trực tuyến. Thành công với poker trên mạng, nhưng điểm số học tập bị ảnh hưởng nặng nề, Cates được đưa vào danh sách quản chế sau một học kỳ sa sút. “Chuyện gì đang xảy ra với con vậy?” – người cha hỏi. Cates trả lời: “Con chơi poker trực tuyến bố ạ và con đã kiếm được $33,000”. Người cha nói: “$33.000! Nhưng con sẽ kiếm được nhiều hơn nếu trở thành kỹ sư”.

Điểm số học tập trượt dài nhưng Cates vẫn thắng bạc giòn giã. Thực tập mùa hè tại công ty kỹ thuật của cha mình với thù lao $17 một giờ, anh luôn càu nhàu về mức lương bèo bọt. Vào mùa thu năm thứ hai, khi Cates kiếm được $300,000 bằng chơi bài, bố mẹ anh không còn lý lẽ với con về giá trị của tiền bạc và bằng cấp nữa. Cuối cùng, Cates bị huỷ học bổng. Nhưng vào lúc đó anh đã là một triệu phú poker và chơi bài xì phé không còn là trò tiêu khiển.

“Đứng trước chọn lựa tập trung vào poker hoặc quay lại viết bài luận và dự những lớp học mà không tiếp thu được gì, tôi đã chọn poker”. Vào năm 2009, người chơi poker Tom Dwan với nghệ danh “Durrrr” gây chấn động khi có màn thách đấu “Thử thách Durrrr” với mức thưởng $1.5 triệu cho bất kỳ đối thủ nào có thể đánh bại anh ta sau 50,000 ván bài ngửa. Nếu Dwan thắng, người thua chỉ trả $500,000.

Lúc đó Cates đã là một huyền thoại poker. Anh nhận cuộc gọi thách đấu vào đầu năm 2010. Cha mẹ của Cates nhớ lại việc theo dõi đêm thách đấu đầu tiên trên chương trình “Full Tilt Poker”. Lúc đó gần nửa đêm và Cates đã thua khoảng $750.000. Kinh hãi, Lillian nài nỉ chồng: “Ngắt mạng đi, ngắt mạng đi!”. Mark nhớ lại: “Tôi nói với vợ là không thể ngắt mạng vì nó chơi bằng tiền của nó”. Khi họ thức dậy vào sáng hôm sau, tình thế đã đảo ngược và Cates kiếm được khoảng $750,000! Cates tiếp tục thắng, giành hơn $1 triệu sau 20,000 ván bài. Cuối cùng Cates đồng ý đề nghị nhận $1,3 triệu để ngưng cuộc đấu.

Minh họa: keenan-constance-unsplash

Cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội

“Tự kỷ là người bạn đồng hành thường xuyên của tôi – Cates nói – Tự kỷ đã giúp tôi thông thạo poker, khơi dậy óc sáng tạo và bản năng phân tích sẵn có”. Anh tin rằng chứng tự kỷ đặc biệt đã giúp anh đưa ra quyết định trên sòng bài dựa trên logic chứ không phải cảm xúc cùng với khả năng đoán các kiểu chơi của người khác và tính toán nhanh xác suất chiến thắng.

Ở tuổi 31, Cates bắt đầu học các bài học ứng biến để giúp anh hội nhập và giao tiếp. Anh cũng dự các lớp học nấu ăn và tổ chức tiệc tại gia để có thể tương tác tốt hơn trong mọi môi trường xã hội. Bên cạnh đó là theo dõi giấc ngủ, tập yoga, tập thở, tập thể dục thường xuyên. Cates học cả “Kỹ thuật Alexander” (Alexander Technique), một liệu pháp chuyển động tập trung vào tư thế và chức năng cơ thể.

Anh tham khảo ý kiến của các nhà ngoại cảm và chiêm tinh để hiểu thấu đáo hơn cuộc sống. Gần đây Cates leo lên Ngọn Kilimanjaro để kiểm tra giới hạn thể chất cũng như nghiên cứu các thuyết thần bí và các tôn giáo trên thế giới. Thậm chí Cates đích thân tìm đến bậc thầy tâm linh Ấn Độ Sri Sri Ravi Shankar. “Tôi muốn xem nó có thật không – anh giải thích – Trong đầu tôi, tôi đang đọc những câu chuyện này và tôi nghĩ: đây có thực sự là một sự giác ngộ không, thực sự có người thần thông sao và có các nhân vật thiêng liêng không?”.

“Khi tìm hiểu bản thân, tôi cũng bắt đầu hiểu những thứ xung quanh mình hơn. Chứng tự kỷ sẽ mang đến cho bạn những thử thách suốt đời nhưng nó cũng cung cấp một số công cụ để điều hướng và phát triển”. Anh đã tung ra một podcast được nhiều người theo dõi có tên “Winning the Game of Life” (Chiến thắng Trò chơi của cuộc đời) nói về thế giới poker kèm các cuộc phỏng vấn với nhiều nhân vật nổi tiếng nhất của nó.

Cates cũng thành lập một tổ chức từ thiện cung cấp thực phẩm, quần áo và giáo dục cho những cộng đồng khó khăn, đặc biệt ở châu Phi. Tuy nhiên, anh còn rất nhiều điều muốn làm: thăm Nam Cực, quần đảo Galápagos, dãy Himalaya, rừng Amazon; học võ; duy trì các mối quan hệ tốt hơn; thậm chí tìm một… tình yêu!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: