Từ phong trào hồi sinh lòng trắc ẩn tại Mỹ

Minh họa: Lina Trochez/Unsplash
Share:

Lòng trắc ẩn không chỉ có lợi cho người khác mà còn có lợi cho chính bản thân. Hai điều lợi lớn nhất là hạnh phúc bền vững và thành công. Lòng trắc ẩn làm cho chúng ta khỏe mạnh hơn, tự tin hơn và rộng lượng hơn. Những biến cố chính trị mới đây tại Mỹ cho thấy tình trạng phân cực đang ở mức báo động, lòng tử tế và sự bao dung ngày càng ít hơn trong khi sự tức giận và đề cao cái tôi, phe nhóm đang nhiều hơn.

Cho đi và nhận lại

“Lòng trắc ẩn của người Mỹ đang giảm dần mà chỉ dẫn rõ nhất là thái độ đối với những người tị nạn khốn khổ – một nhà nghiên cứu nói – Lòng trắc ẩn không thể dừng lại ở ngôn từ mà phải biến thành hành động cụ thể” – một nhà quan sát nói. Phát hiện đáng báo động này đã dẫn đến phong trào khôi phục lòng trắc ẩn và bao dung. Nhưng tại Mỹ, cái gì cũng tính bằng tiền, nên học cách làm người có lòng trắc ẩn cũng khá tốn kém. Đào tạo lòng trắc ẩn đã trở thành một “công nghiệp có doanh thu”.

Ghi danh học khóa “Loving Kindness Meditation” bạn phải bỏ ra một số tiền đáng kể. Chủ đề của khóa học là làm chủ hơi thở, nhịp tim trong không gian yên tĩnh và loại bỏ stress. Sau đó là nghĩ tích cực về những người cùng khổ, bệnh tật và suy nghĩ về sự tha thứ. Mỗi bài tập kéo dài khoảng 20 phút. Tăng cường lòng trắc ẩn sẽ giúp não linh hoạt hơn, xem nhẹ cái tôi hơn và suy nghĩ tích cực hơn về người khác. Nhưng muốn giải tỏa căng thẳng, bạn cũng cần học cách chấp nhận thất bại.

Rộng lượng đối với kẻ đánh bại mình là liều thuốc bổ cho tâm hồn. Một nghiên cứu đăng trên tập san Social Cognitive and Affective Neuroscience cho thấy những người có lòng trắc ẩn cao rất dễ chấp nhận thất bại so với người ít hoặc không có lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn giúp não có cái nhìn đúng hơn về những gì đang xảy ra và có hành động rộng lượng hơn trước thất bại.

Não không còn thấy ở kẻ đánh bại mình sự đe doạ mà là cơ hội cho chiến thắng lần sau. “Thua trong hạnh phúc” là thế. Một nghiên cứu khác cho thấy những người cần được huấn luyện lòng trắc ẩn là những người thường xuyên phải chữa trị hay chăm lo cho người khác như bác sĩ, y tá và những nhân viên tại các trung tâm nuôi dưỡng người già, người tàn tật. Những người lính cũng cần được huấn luyện lòng trắc ẩn để có cách hành xử đúng đắn hơn với kẻ thù.

Minh họa: Samuel Regan-Asante/Unsplash

Đến các khóa học về lòng trắc ẩn cho học sinh

Học sinh tại một số trường phương Tây có khóa học tám tuần về lòng trắc ẩn và sự bao dung. Các em được tạo điều kiện để thể hiện những gì nhận được trong các buổi học, được trải nghiệm thực tế và tiếp cận với những người cần đến lòng trắc ẩn. Kết quả cho thấy, ngay cả những học sinh đang phải đối phó với những vấn đề về sức khỏe vẫn có sự cải thiện rõ rệt sau khóa học về lòng trắc ẩn. Tác phong các em cũng thay đổi và thành tích học tập cũng cao hơn. Rõ ràng, lòng trắc ẩn đã đem lại lợi ích cho cả người cho chứ không chỉ người nhận.

Tiến sĩ Geshe Lobsang Tenzin Negi đã tạo ra một chương trình huấn luyện lòng trắc ẩn dựa vào nhận thức tại Đại học Emory. Ông nảy ra ý tưởng này khi được thử nghiệm các phương thức chiêm nghiệm (contemplative method) của người Tây Tạng. “Những sinh viên và nhân viên nhà trường bị trầm cảm nặng đã có tiến bộ rõ rệt sau khi học hết chương trình. Căng thẳng giảm, tính nóng nảy giảm trong khi sự quan tâm đến người khác và lòng trắc ẩn tăng. Không chỉ sức khỏe tinh thần được cải thiện mà sức khỏe thể chất cũng thế.

Các em đã chịu khó tham gia những buổi quyên góp từ thiện hoặc đi thăm những trung tâm nuôi dưỡng người già, người cơ nhỡ hơn trước” – ông nói. Chương trình của Negi cũng thành công với những người sống sót sau ung thư hay đang mang những chứng bệnh mãn tính khác. Ít đau khổ về mình, ít than thân trách phận và nghĩ đến người khác nhiều hơn khiến họ thoải mái hơn.

Điều quan trọng nhất trong bất cứ phương pháp nâng cao lòng trắc ẩn và sự bao dung vẫn là tạo ra môi trường tốt nhất để những người tham gia khóa học có thể học được nhiều điều ở nhau và làm sao tăng được trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence), vì trí thông minh cảm xúc là nền tảng cho lòng trắc ẩn sinh sôi. “Hạnh phúc chỉ có thể kéo dài khi nó đến từ sự tử tế và lòng trắc ẩn với người khác chứ không phải từ mãn nguyện cá nhân. Giúp đỡ người nghèo và vừa tậu được một chiếc xe hơi đều mang lại hạnh phúc, nhưng cái trước bền vững hơn cái sau. Tăng cường lòng tử tế tức là duy trì sự ổn định cho hạnh phúc” – Amishi Jha, hiện là trợ giảng môn tâm lý đại học nói.

Minh họa: Marcos Paulo Prado/Unsplash

Cho đi để được nhận lại

Debbie Case, giám đốc chương trình từ thiện “Meals on Wheels” ở San Diego County (California, Mỹ) là một trường hợp như thế. Bà đã giúp phụ làm bữa ăn trưa và tối cho cụ ông David Kelly 75 tuổi bị mù cách nay hai năm nhưng vẫn không từ bỏ được thói quen thích ăn đồ nóng. “Tập luyện và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn sẽ thay đổi bộ não của chúng ta theo hướng tốt lên với tinh thần thoải mái hơn và tư duy cũng tích cực hơn về con người, về cuộc sống” – Case nói.

Mưu tìm một cuộc sống hạnh phúc lâu dài? Muốn có thêm nhiều bạn bè và được họ khâm phục? Muốn có quan hệ tốt hơn với các nhân viên thuộc quyền? Đây là mong muốn của nhiều người nhưng rất khó đạt được nếu chúng ta không chịu mở rộng lòng trắc ẩn đối với những người cơ nhỡ, tật nguyền bằng hành động cụ thể và hỗ trợ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Phương thức này được gọi nôm na là “cho đi để được nhận lại”. Đàn đúm bạn bè chỉ có thể mang lại cho bạn niềm vui tạm thời chứ không thể dẫn đến sự khâm phục của họ nếu bản thân bạn không thể hy sinh vì người khác mà chỉ biết bỏ tiền bạc và thời gian để thỏa mãn ham muốn “cái tôi” của mình.

Cấp dưới không thể kính trọng bạn nếu bạn chỉ biết bó rọ trong công việc và dùng mọi cách để tiến thân chứ không chú ý đến những người có cảnh ngộ khó khăn trong công ty. Hạnh phúc và thành công không bao giờ ở lại lâu dài với những người luôn sống vì bản thân và thờ ơ với những vấn đề của thế giới bên ngoài. Lòng trắc ẩn, như một nhà tâm lý mô tả, là “trải qua những tình cảm yêu thương và tử tế để giúp xoa dịu nỗi đau hay sự bất hạnh của người khác, xem sự thiếu may mắn của họ cũng là của mình và chia sẻ những may mắn mình có”. Lòng trắc ẩn có liên quan nhưng khác với sự cảm thông. Cảm thông có thể chỉ là an ủi về mặt tinh thần mà không dẫn đến chia sẻ còn trắc ẩn là chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần. Người cảm thông có thể chẳng cho đi gì cả nhưng người trắc ẩn thì có, thậm chí cho đi rất nhiều và cho số đông.

Chuyện về một đội bóng bầu dục

Điểm lợi nữa của lòng trắc ẩn là nó giúp tăng thành tích, tăng khả năng đương đầu với đối thủ. Một nghiên cứu về thể thao Mỹ cho thấy những vận động viên giàu lòng trắc ẩn thường có thành tích thi đấu cao, không cay cú ăn thua và luôn cảm thấy hạnh phúc. Đội bóng bầu dục Chicago Cubs là một ví dụ. Chưa bao giờ đoạt vị trí cao nhất trong 108 năm qua nhưng đây là đội bóng hạnh phúc nhất nước Mỹ với nhiều cầu thủ hạnh phúc. “Hoạt động từ thiện luôn luôn là ưu tiên của đội, hơn cả giành chiến thắng.

Chúng tôi được đào tạo không vì chiến thắng mà vì lòng trắc ẩn – Amishi Jha nói – Để trở thành một cầu thủ giàu lòng trắc ẩn không hề là chuyện đơn giản vì nó không hề phục vụ lợi ích cá nhân mà góp phần làm cho thế giới tốt hơn”. Hiện Jha đang hợp đồng vói Bộ quốc phòng Mỹ đề huấn luyện về lòng trắc ẩn và sự cảm thông cho các tân binh.

Tại Đại học Miami, trong những bài tập hàng ngày, bà dạy cho các cầu thủ bóng bầu dục cách quản lý căng thẳng và đừng để sự đam mê thành tích vượt qua sự tử tế và lòng trắc ẩn. Jha và nhiều nhà tâm lý phát hiện ra rằng lòng trắc ẩn chính là chìa khoá giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Lòng trắc ẩn sẽ giúp bạn được đánh giá cao và được tin cậy hơn trong quan hệ bạn bè và tìm được nhiều bạn tốt hơn. Lòng trắc ẩn và tha thứ cũng giúp bạn tìm được sự hỗ trợ tốt nhất của nhân viên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: