Vật lộn với thời bão giá

Giá cả thực phẩm, thức ăn các nơi đều tăng. Trong hình, Grand Century Mall của người Việt ở San Jose đông đúc, nhưng ai cũng than vãn vật giá leo thang. (ảnh: doantrang/SGN)

Nhìn giỏ hàng hóa lơi thơi vài món, bà Thanh Lê ở Garden Grove lắc đầu, than: “Có nhiêu đó, mà gần $60. Trước đây tôi đi chợ một lần ba bốn chục là cao.”

“Cái gì cũng tăng giá, kể cả mì gói, trước đây là thứ rẻ như cho, vậy mà giờ cũng không có giá mấy chục cent một gói đâu. Mấy thùng mì của Việt Nam, hay mì Thái chua cay, trước đâu tới $10, vậy mà hôm nay thùng mì Thái giá $17 đó, tin nổi hông,” bà Thanh nói thêm. “Trứng, hồi trước có $1/vỉ chục trứng, vậy mà bây giờ vỉ này rẻ nhất cũng hơn hai đồng.”

Có một lúc giá xăng giảm, kéo theo chỉ số giá hàng hóa giảm, mạng lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng thực tế, giá hàng hóa vẫn cao, và ngày càng tăng. Trong hình: Tại một tram xăng ở Compton, California ngày 1 Tháng Bảy, 2022. (ảnh: Brittany Murray/MediaNews Group/Long Beach Press-Telegram via Getty Images)

Giá cả leo thang là chuyện biết rồi, khổ lắm, nhưng cứ phải nói mãi, vì nó đụng chạm trực tiếp và hàng ngày đến cuộc sống của mọi người.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá hàng tạp hóa trong Tháng Tám cao hơn 13.5% so với một năm trước đây. Đây là mức tăng đột biến nhất trong chu kỳ 12 tháng, kể từ Tháng Ba, 1979 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tăng 8.3% trong Tháng Tám, so với cùng thời điểm này vào năm ngoái, do giá cả mọi thứ đều tăng, từ xăng dầu, dịch vụ chăm sóc y tế cho đến hóa đơn điện.

Trên tờ Wall Street Journal, phóng viên kể lại câu chuyện của một người đàn ông, tên Kerry Carter, 54 tuổi. Hôm ấy, anh đi chợ và phải trả $80.86, mà hàng hóa anh mua toàn thực phẩm hàng ngày chứ không có gì là xa xỉ. Lúc đầu anh chỉ định mua cà chua, nhưng thấy cánh gà đang giảm giá nên lấy sáu gói, rồi thên ba gói xúc xích, đùi gà, chuối, bông cải xanh và một củ hành tím.

Carter nói bình thường anh có thể mua thên thịt bò, sườn heo, nhưng không đủ tiền. Trước đây, anh thích mua tôm, cua, bắp, xúc xích, khoai tây về cho gia đình và đãi bạn bè, một lần tốn khoảng $100 là cùng, nhưng bây giờ muốn có một mâm như vậy, anh phải trả gấp ba lần.

Kerry Carter là công nhân xây dựng tại Houma, Louisiana, là người rất thích nấu nướng, nhưng từ khi giá cả tăng vùn vụt, anh thường xuyên xem mấy tờ quảng cáo của các chợ, coi món nào đang giảm giá thì ăn, chứ không như trước là thích gì mua đó nữa.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, thu nhập trung bình $44,956/năm như Carter là thuộc hạng trung lưu, mà ở khu vực Houma, có hơn 50% gia đình như thế. Carter và bạn bè, hàng xóm hay đi chợ Rouses ở Houma, nhưng bây giờ, anh chỉ đến Rouses vào Thứ Tư hàng tuần, vì đó là ngày có nhiều hàng hóa được giảm giá hơn. Tuy vậy, Carter cho rằng có giảm đến mấy thì cái khoản chợ búa cho nhà anh vẫn tăng đều.

Ăn uống phải dè xẻn đã đành, Carter không dám mơ đến các chuyến đi chơi, nghỉ ngơi đây đó như trước. Tệ hơn là ngôi nhà anh đang xây dang dở cho gia đình, giờ vẫn cứ dở dang, vì anh không đủ khả năng để mua thêm vật liệu xây dựng và các vật liệu cần thiết để ngôi nhà được hoàn thành.

Còn với người mẹ đơn thân Jamaica Bonvillian, chuyện đối mặt với giá cả tăng vọt là điều cô sắp… không thể chịu nổi. Đôi mắt ngấn lệ, cô nói với phóng viên Wall Street Journal: “Tôi tự hỏi, giờ chẳng biết phải làm sao để có thể vượt qua giai đoạn khốn khó này đây.”

Để tiết kiệm, nhiều người siêng năng đi Costco mua giá sỉ. (minh họa: doantrang/SGN)

Tình cảnh của người mẹ đơn thân này rất đáng thương. Một năm trước, ngôi nhà của cô bị hư hại nặng do bão Ida. Rồi đại dịch COVID-19, gia đình bốn người của cô được chính phủ trợ cấp mỗi tháng $832. Còn bây giờ, hết được trợ cấp rồi, nhưng chỉ riêng những thứ thiết yếu đã tiêu tốn của cô gần $1,400/tháng. Món ăn nhẹ mà cô hay mua cho con đem vào trường, trước có $5, nay lên $7.99. Bonvillian chọn mua hàng sỉ thay vì hàng lẻ để tiết kiệm, và nhận thêm việc quét sơn, làm vườn vào cuối tuần để bù đắp thiếu hụt.

Bonvillian, 40 tuổi, mẹ của hai con, đứa 13, đứa mới lên tám,  một 8, một 13 tuổi, tỏ ra kiệt sức: “Nói thiệt nhe, tinh thần tôi giờ cũng đang kiệt quệ lắm luôn. Tại sao cuộc sống lại khó khăn đến thế cơ chứ.”

Không nói đồ xa xỉ, bơ với trứng là hai thứ mà mọi người đều dùng gần như mỗi ngày, nhưng theo Bộ Lao động Mỹ, giá trứng tăng khoảng 40% so với một năm trước, còn bơ và bơ thực vật tăng 29%.

Trước một tương lai không mấy sáng sủa, nhiều người cho biết họ đang phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống đầy lo toan, và kéo dài như thế không biết đến bao giờ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: