Xu hướng mới của Gen Z: Mua nhà ở với bạn thân

Với giá nhà vẫn ở mức cao, nhiều người không thích lập gia đình nên sống độc thân, nhưng lại mua nhà để sống chung với bạn bè. (minh họa: Unsplash)

Gen Z (những người sinh trong thời gian từ 1996 đến 2012) đang theo một xu hướng mới: Mua nhà ở chung với bạn thân.

Với giá nhà vẫn ở mức cao, nhiều người không thích lập gia đình nên sống độc thân, nhưng lại mua nhà để sống chung với bạn bè. Xu hướng này gia tăng kể từ đầu những năm 2010, thời đại dịch COVID-19, và mọi người được yêu cầu cách biệt.

Nick Joyce, 22 tuổi, là nhà môi giới của Posh Properties ở Florida. Công việc của anh là giúp mọi người mua được ngôi nhà đầu tiên, nhưng bản thân anh thì chưa có nhà. Đó là điều anh thầm mơ ước. Ý tưởng mua chung nhà xuất hiện khi Joyce tìm thấy một nơi lý tưởng. Joyce  nói khi quyết định cùng một người bạn mua chung một ngôi nhà: “Chúng tôi vẫn có cuộc sống riêng biệt, nhưng vẫn thực hiện được ước muốn của mình là sở hữu một ngôi nhà. Mua sẽ rẻ hơn là đi thuê nhà.”

Joyce cho rằng thời của những người trẻ như họ bây giờ không thích cách sống truyền thống như của cha ông. “Chúng tôi chú trọng vào những thứ mình yêu thích. Thế hệ của chúng tôi năng động hơn, có nhiều hoạt động tích cực hơn, và chúng tôi cũng đánh giá bạn bè, gia đình cao hơn bản thân,” anh nói.

Nhưng điều quan trọng vẫn là khả năng chi trả. Thế hệ trẻ được định hình bởi hàng thập kỷ bất bình đẳng trong thu nhập và giá nhà cũng như học phí đều cao. Đó là lý do họ đi theo xu hướng sống chung mặc dù không lập gia đình. Joyce đang hài lòng với sự lựa chọn ấy. Anh nói giờ anh đang sống với người bạn thân nhất của mình, không phải trả tiền thuê cho ai và bình đẳng về quyền sở hữu nhà.

Mua nhà ở chung nhưng vẫn có cuộc sống riêng tư và có quyền sở hữu nhà. (minh họa: Unsplash)

Marika Pfefferkorn, đồng sáng lập một doanh nghiệp và là Giám đốc điều hành một cơ sở giáo dục, xấp xỉ ngũ tuần, có vài mảnh tình vắt vai nhưng chưa cặp bến ở đâu. Từ năm 2016, cô dọn qua sống chung với người bạn thân và hai đứa con của bạn, sau khi người bạn này ly hôn. Bạn của Pfefferkorn có căn nhà bốn phòng ngủ, ba phòng tắm ở Minnesota. Hàng tháng, Pfefferkorn trả tiền phòng, đầu tư để cùng bạn sửa sang nhà cửa và làm vườn.

Bạn của Pfefferkorn dự định sẽ chia đôi quyền sở hữu ngôi nhà cho cô. Làm như thế thì cả hai có thể tiết kiệm và hưởng lợi về mặt tài chính. Nhưng với Pfefferkorn, cô còn có một ước mơ đang theo đuổi. Đó là mua một ngôi nhà tám phòng ngủ, để một ngày nào đó, nó trở thành nhà nuôi người già.

Ước mơ ấy đối với Pfefferkorn không quá xa vời, vì hiện nay mẹ của bạn cô đang bán ngôi nhà tám phòng ngủ như cô muốn. Cô sẽ sửa sang lại để nó là nơi cho cộng đồng phụ nữ da đen nghỉ hưu. Theo Pfefferkorn, thời buổi này, kỳ vọng về thành công của mỗi người rất khác nhau. Với cô, khi về hưu có được một khoản để đi du lịch, để sống ở nơi cô cảm thấy an toàn và được yêu thương, vậy là đủ rồi.

Người già ở chung với nhau sẽ vui hơn ở một mình. (Unsplash)

Theo công ty phân tích bất động sản Attom Data Solution, số lượng người mua chung nhà nhưng khác họ (không phải vợ chồng hoặc không cùng chung huyết thống) tăng 771% từ năm 2014 đến 2021. Tỷ lệ thế chấp tăng cao đang góp phần làm xu hướng này gia tăng. Theo công ty tài chính thế chấp Freddie Mac, lãi suất trung bình của khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm tăng lên 6.7% trong tuần này, cao hơn gấp đôi so với mức được thấy vào năm 2021.

Sierra Thompson, nhà hoạt động vì môi trường, cho biết: “Nếu có thể thoát ra khỏi tư duy chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể thấy lợi ích của việc cùng sống và làm việc trong không gian chung, đầu tư vào tài sản, tạo nên gia đình với bạn bè. Điều này có ý nghĩa về mặt kinh tế”.

(theo Insider)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: